Tóm tắt: Bộ phim Muôn vị nhân gian đánh dấu sự trở lại của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng sau 7 năm vắng bóng. Bộ phim ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim Cannes 2023, dự án giúp đạo diễn Trần Anh Hùng vượt qua những đối thủ nặng ký như Wim Wenders, Todd Haynes... đoạt giải đạo diễn xuất sắc. Nhìn bề ngoài, bộ phim giống như một bộ phim cổ trang trang nhã nhưng đằng sau những hình ảnh lung linh ấy khán giả dễ dàng nhận thấy thứ điện ảnh rất riêng của Trần Anh Hùng. Bài viết phân tích giá trị nghệ thuật của bộ phim Muôn vị nhân gian và tập trung vào các khía cạnh như ẩm thực và tình yêu, ngôn ngữ điện ảnh, diễn xuất và dấu ấn cá nhân của đạo diễn.
Từ khóa: Muôn vị nhân gian, thủ pháp nghệ thuật, đạo diễn Trần Anh Hùng.
Abstract: The movie Taste of Things marks the return of the French - Vietnamese director Tran Anh Hung after a seven. The film premiered at the Cannes Film Festival in 2023, helping director Tran Anh Hung surpass heavyweight competitors like Wim Wenders, Todd Haynes... to win the Best Director award. At first glance, the film may seem like a graceful period piece, but behind the glamorous images, audiences can easily recognize Tran Anh Hung’s unique cinematic style. This article analyzes the movie Taste of Things and focuses on aspects such as cuisine and love, cinematic language, acting, and the director’s personal imprint.
Keywords: Taste of Thing, artistic method, director Tran Anh Hung.
Đạo diễn Trần Anh Hùng (bên trái) trong quá trình làm phim Muôn vị nhân gian - Ảnh: hanoimoi.vn
1. Bức tranh ẩm thực và tình yêu
Câu chuyện phim Muôn vị nhân gian được chuyển thể từ tiểu thuyết The Life and Pasion of Dodin Bouffant, Gourmet (tạm dịch: Cuộc đời và niềm đam mê của Dodin Bouffant), 1924 của Marcel Rouff do chính Trần Anh Hùng chắp bút (1). Bộ phim thuộc thể loại lãng mạn (2), nội dung phim tập trung miêu tả câu chuyện tình giữa nữ đầu bếp Eugénie (do Juliette Binoche đóng chính) và “Napoleon của ẩm thực” Dodin (Benoît Magimel thủ vai) cũng như sự cầu kỳ, chỉnh chu của nghệ thuật ẩm thực. Dodin là một ẩm thực gia nổi tiếng và có vị giác vô song, khả năng quan sát sắc bén mỗi khi thẩm định một món ăn.
Dodin quan niệm ẩm thực chính là nghệ thuật và món ăn chính là một tác phẩm nghệ thuật, chính vì vậy, ông thường có những ý tưởng làm bếp phức tạp, khó nắm bắt và để có được người hiện thực hóa những ý tưởng ấy là rất khó có thể tìm được. Nhưng thật may mắn khi ông lại có một người tri kỷ giúp ông đạt được những truy cầu của mình. Người đó chính là Eugénie, một người có tài năng bếp núc thượng thừa và thấu hiểu được Dodin. Tình yêu của hai người không chỉ dừng lại ở căn bếp, cả hai còn đồng hành ở hầu hết phương diện cuộc sống. Họ là tri kỷ của nhau, đôi khi là tình nhân và đôi khi lại là vợ chồng. Mối quan hệ của họ thiêng liêng, họ đã gắn bó với nhau suốt hai mươi năm, khi một người thì khao khát tự do còn một người thì luôn kiên nhẫn và đồng hành cùng.
Bộ phim Muôn vị nhân gian không có quá nhiều ý niệm trừu tượng như phim Vĩnh cửu, mà thể hiện mối giao hòa giữa các nhân vật thông qua ẩm thực. Các nhân vật trong phim đều bàn luận về món ăn, các loại rượu vang một cách say mê. Những món ăn cầu kỳ kết hợp tinh tế trong bữa ăn theo thứ tự trước sau, kết hợp cùng các loại rượu vang thượng hạng thể hiện sự trân quý của người đầu bếp dành cho thực khách. Ngược lại, món ăn đơn giản là trứng cuộn omelet kiểu Pháp được dùng trong bữa sáng, bữa tối ở gian bếp cùng với khoảnh khắc các nhân vật chia sẻ những điều gần gũi, chân thật nhất với nhau.
Với một cốt truyện (3) khá đơn giản, bộ phim hầu như không có cao trào, đạo diễn Trần Anh Hùng đã hướng tác phẩm theo hướng nghệ thuật, bỏ qua nhân sinh. Trong tác phẩm vẻ đẹp của ngôn ngữ điện ảnh được quay về cái gốc vốn có của mình. Đây là bộ phim tôn vinh điện ảnh, mặc dù không trực tiếp như một số tác phẩm khác nhưng gián tiếp đã lấp đầy những khoảng trống bởi những yếu tố như ánh sáng, thiết kế bối cảnh, quay phim, trang phục, âm thanh… Những yếu tố mang tính thông điệp gần như bị lột bỏ, đạo diễn đã trình hiện một tác phẩm tri ân điện ảnh đúng nghĩa bởi vẻ đẹp và sự duy mỹ của nó.
2. Ngôn ngữ điện ảnh đầy chất thơ
Ở bộ phim Muôn vị nhân gian, đạo diễn Trần Anh Hùng không bám vào các cách kể chuyện (4) quen thuộc mà đem lại rất nhiều điều mới mẻ cho khán giả xem phim. Các câu chuyện nhỏ trong phim được sắp xếp lộn xộn nhưng có chủ đích. Những tình tiết xoay quanh các nhân vật chính dễ đoán nhưng vẫn mang đến nhiều điều bất ngờ. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã biến câu chuyện này trở thành một bộ phim đầy chất thơ và mang đầy sự ý nhị.
Sự ý nhị ở đây là triệt tiêu toàn bộ các cảnh quay beauty shot thể hiện sự khoa trương và làm tăng tính kịch thường thấy trong các bộ phim có đề tài ẩm thực. Trong phim, Trần Anh Hùng chỉ tập trung thuật lại quá trình chuẩn bị của đầu bếp để nêu bật sự tinh tế và kỳ công trong nghệ thuật ẩm thực của Pháp. Đạo diễn luôn tạo ra những khoảng trống nhất định để người xem có thể tự suy ngẫm và tưởng tượng. Tiết tấu phim rất chậm, nặng tính chiêm nghiệm, không có quá nhiều nút thắt câu chuyện phim giống như món Pot - Au - Feu (5) được đạo diễn nêm nếm và đem hầm chín kỹ rồi mới mang phục vụ khán giả thông qua những cảnh quay khơi gợi mọi giác quan của người xem.
Ở 30 phút đầu phim, đạo diễn Trần Anh Hùng hướng máy quay vào gian bếp, bắt trọn từng hành động nấu nướng. Ở đó, Dodin như một người nhạc trưởng, chỉ đạo dàn nhạc gồm Eugénie và hai cô bé học việc. Những cú máy cận giúp lột tả sự tươi nguyên của thực phẩm, làn khói nghi ngút bốc lên từ nồi súp và cảm giác chân thật khi nhân vật chạm tay vào thức ăn.
Có thể nói phần hình ảnh là một điểm cộng lớn cho bộ phim, đạo diễn Trần Anh Hùng và nhà quay phim Jonathan Ricquebourg đã mang đến những phân đoạn được sắp đặt vô cùng cầu kỳ và mang nhiều dụng ý nghệ thuật. Hầu hết các cảnh quay trong phim đều được thực hiện trong không gian căn bếp của Eugénie. Có thể nói đây là bối cảnh khá nhàm chán, chật chội nhưng đạo diễn rất biết cách sáng tạo, sắp đặt để các cảnh quay trở nên sinh động. Mặc dù cách sắp đặt đó khiến người xem dễ liên tưởng đến hướng kịch nghệ khi trong một không gian bó hẹp và những hành động bị giới hạn. Thế nhưng chính góc quay, cách quay và phương thức các nhân vật tương tác với nhau đã đưa người xem vào trạng thái dòng chảy và bị cuốn hút bởi sự nhịp nhàng.
Xuyên suốt bộ phim đạo diễn sử dụng những cú máy dài (longtake) để tập trung vào quá trình thực hiện các món ăn cũng như các đoạn đối thoại của các nhân vật chính. Hơn ba mươi phút đầu của phim đạo diễn đã tạo ra những khung hình kích thích mọi giác quan, giúp khán giả như đang sống trong chính tác phẩm, các cỡ cảnh cận, zoom sát hướng máy quay vào gian bếp, bắt trọn từng hành động nấu nướng cũng như lột tả sự tươi nguyên của thực phẩm, làn khói nghi ngút bốc lên từ nồi súp và cảm giác chân thật khi nhân vật chạm tay vào thức ăn. Cú máy dài trong bối cảnh của gian bếp liên kết từng hành động của các nhân vật trong không gian này, khiến mọi hành động của họ diễn ra nhịp nhàng, uyển chuyển như một thể thống nhất dưới sự chỉ huy của Dodin. Tất cả những tiểu tiết trong không gian bếp được tập hợp để tạo thành một bức tranh sinh động và giàu năng lượng.
Những đồ vật nhỏ được sắp xếp trong gian bếp là bối cảnh nước Pháp năm 1885, sự di chuyển của các nhân vật, cách họ phối hợp nhịp nhàng trong từng công đoạn nấu bếp được máy quay miêu tả chi tiết. Sự cẩn trọng trong sơ chế nguyên liệu, các bước chế biến, canh lửa bếp cầu kỳ của bộ phim đòi hỏi sự kiên nhẫn của người xem. Khán giả gần như được trải qua thời gian thực cùng với các nhân vật khi nấu ăn. Nhưng đó là dụng ý của đạo diễn Trần Anh Hùng để dẫn dắt cảm xúc của mọi người đến với nội tâm bên trong của nhân vật.
Trong phân đoạn cuối bằng cú máy dài và động tác máy xoay tròn trong không gian bếp, đạo diễn Trần Anh Hùng đã để khán giả chiêm ngưỡng lại căn bếp nhưng cảnh phim được triển khai một cách tinh tế bằng sự kết hợp với hiệu ứng ánh sáng đó là sự thay đổi về cường độ ánh sáng trong không gian làm bật lên sự chuyển dịch của các mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân. Với thủ pháp này đạo diễn đưa người xem đi từ thế giới thực sang thế giới ảo để diễn tả sự thay đổi tâm lý của nhân vật và sự thay đổi này chỉ vọn vẹn trong một cảnh quay. Một đầu bếp tài năng mất đi sẽ có một đầu bếp tài năng khác thay thế nhưng giây phút đầm ấm, những bữa ăn sẽ luôn tồn tại mãi.
Sau bối cảnh, là ánh sáng. Ánh sáng trong bộ phim có một vai trò quan trọng như người diễn viên, ánh sáng góp phần làm tăng sự tương phản và tạo ra những ngụ ý riêng trong nội dung câu chuyện. Trong Muôn vị nhân gian, Trần Anh Hùng gần như sử dụng ánh sáng tự nhiên ở hầu hết các bối cảnh của phim. Điều này khiến cho bộ phim trở nên chân thật và tinh khôi nhưng không thi vị một cách tuyệt đối. Một vài khung hình bị nhòe đi bởi ánh sáng mặt trời, song đó cũng là thứ tạo nên sức sống cho gian bếp của Dodin và Eugénie. Ở bối cảnh nội như khu bếp với cánh cửa sổ được mở cho ánh sáng tràn vào. Giữa bộ phim quay ngược sáng Dodin và Violette khi chuẩn bị bữa ăn cho Eugénie, khán giả dễ dàng nhìn thấy những đám khói nhỏ bốc lên từ các món ăn như ngầm ý cho hơi thở đang hóa thinh không của Eugénie, để rồi sau đó là cái chết của cô. Lúc một người bạn mang đến những gia cầm chết, thì ánh sáng đổ từ duy nhất một cánh cửa cao, cắt xiên xuống bàn rọi vào những con gia cầm tạo ra cảm giác như một “nghi lễ” mang tính biểu tượng và là lời chứng cho cái chết.
Cái đẹp không chỉ đến từ những chuyển động nhịp nhàng khi nấu ăn mà cái đẹp còn đến từ những bàn ăn, đó là việc thưởng thức những món ăn. Ở đó, khán giả thấy được những tinh hoa là những thứ đến từ điều đơn giản và càng đơn giản thì càng tinh tế. Khung cảnh giữa phim, đạo diễn Trần Anh Hùng ví thân thể Eugénie như một quả lê tẩm đường và nhập cả hai tuyến truyện về nhục dục và ẩm thực lại làm một… chính những cảnh phim này đã làm no mắt người xem và truyền tải được thông điệp sau cùng. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã đúng khi không đi xa hơn, rõ hơn và chi tiết hơn, bởi chỉ khi bước qua cái vệt đường ấy, tác phẩm của ông sẽ gây ngấy với một bữa tiệc quá nhiều lạc thú cũng như hoa trái cho niềm đắm say.
Đạo diễn Trần Anh Hùng đã mang đến vẻ đẹp điện ảnh rất khác biệt trong bộ phim, mang đến cho khán giả thấy được sự duy mỹ trong từng khung hình khi phân bổ nguồn sáng tương phản. Hai cảnh quay đối lập thể hiện được phong cách điều khiển ánh sáng giàu sức gợi của đạo diễn. Cảnh đầu tiên là cảnh Dodin và Eugénie trò chuyện dưới đêm trăng ở không gian khu ăn Versailles, khung cảnh ban đêm sử dụng ánh sáng tự nhiên đem lại sự gần gũi và giản dị. Cảnh thứ hai là cảnh tổ chức bữa tiệc ngoài trời và sau đó là cảnh hai người tản bộ cùng nhảy ngoài khu rừng. Dưới ánh nắng vàng và tràn ngập hoa cỏ dưới chân, cảnh trò truyện trở nên lãng mạng vô cùng. Tuy nhiên, có chút đáng tiếc là ánh sáng tự nhiên được đạo diễn sử dụng ở hai cảnh đối lập nhau này tương đối giới hạn, đặc biệt là ở nhưng cảnh đêm và cảnh ngoài trời. Nhưng chính ánh sáng tự nhiên đó đem lại cho người xem cảm giác ấm áp, tinh tế, mát lạnh và đầy riêng tư.
Trần Anh Hùng làm tốt vai trò kể chuyện bằng hình ảnh và phần âm thanh cũng là một điểm cộng khác của bộ phim. Xuyên suốt bộ phim đạo diễn không sử dụng âm nhạc. Ở nhiều phân đoạn thay vì sử dụng nhạc nền, đạo diễn tận dụng tối đa những âm thanh môi trường để tăng thêm tính chân thực. Đạo diễn cường điệu hóa từng âm thanh, dù là chi tiết nhỏ nhất. Trong bối cảnh không gian không có giọng nói, tiếng xào nấu, tiếng dụng cụ làm bếp, tiếng bước chân gấp gáp, tiếng xoong, nồi va vào nhau… đều trở nên sống động, tất cả những thanh âm đó khiến khán giả mường tượng ra căn bếp dù không trực tiếp ở đó. Cách sử dụng âm thanh để mô tả cuộc sống và công việc bếp núc của các nhân vật thật tinh tế. Đặc biệt, trong không gian tĩnh lặng và trống rỗng những câu thoại của nữ nhân vật chính Eugénie vang lên mang lại cảm giác văng vẳng từ một thế giới khác vừa gần mà cũng vừa xa.
3. Diễn xuất đẳng cấp
Bộ phim có sự góp mặt của diễn viên Juliette Binoche và Benoît Magimel - họ là cặp tình nhân chia tay hai mươi mốt năm và tái hợp đóng vai yêu nhau trong phim. Về mặt diễn xuất, không ai có thể hoài nghi về tài năng của họ. Cách hai diễn viên tương tác trước ống kính thật tự nhiên và giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Trần Anh Hùng đã tận dụng diễn xuất của diễn viên kết hợp với việc sử dụng các góc máy trung lập, đặc điểm nhìn từ bên ngoài rồi chậm rãi đi vào trong. Vì vậy, các cảnh quay giữa Eugénie và Dodin giúp khán giả có một khoảng cách nhất định nhưng vừa đủ để quan sát câu chuyện của hai nhân vật chính. Cách tương tác của hai diễn viên mang tính vén mở, không quá vồ vập cũng không quá xa cách, đưa khán giả từ từ len lỏi vào thế giới quan mà các nhân vật thiết lập.
Để thực hiện được hiệu quả chân thực, hai diễn viên chính của phim đã phải nỗ lực học tập và được đầu bếp nhận 14 sao Michelin - Pierre Gagnaire và các cộng sự hướng dẫn từ cách chế biến đến trình bày món ăn. Diễn viên Juliette từng chia sẻ mỗi khi không có cảnh quay, cô thường chạy vào bếp của bối cảnh để học công thức món ăn và các kỹ thuật bếp núc...
Diễn xuất của hai diễn viên chính trong phim được giới chuyên môn đánh cao. Theo IndieWire, Juliette và Benoît cho thấy sự am hiểu nhân vật, hóa thân tròn vai ở những cảnh thể hiện tình cảm. Trang Irish Independent viết: Juliette Binoche tỏa sáng. Diễn xuất của họ trong vai cặp nhân vật Dodin và Eugenie đã thuyết phục người xem...
Tuy diễn xuất của Juliette Binoche và Benoît Magimel tạo được sự tự nhiên và chạm đến cảm xúc của người xem, nhưng phim vẫn có nhiều nhân vật gây tiếc nuối. Nhiều nhân vật được đưa vào phim khá mờ nhạt, ít đất diễn. Ví dụ, các nhân vật ở tuyến phụ, những người bạn của hai nhân vật chính hay cô bé phụ bếp. Các nhân vật này khá mờ nhạt và chưa tạo thành thế đối xứng với tuyến nhân vật chính.
4. Dấu ấn Trần Anh Hùng
Muôn vị nhân gian là bộ phim nghệ thuật thể hiện tài năng của đạo diễn Trần Anh Hùng. Đạo diễn sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để kể chuyện, để khơi gợi cảm xúc và để gửi gắm những thông điệp về cuộc đời, tình yêu. Để thưởng thức bộ phim thì khán giả cần có sự kiên nhẫn nhất định, bởi tuyến truyện của phim mỏng cộng với nhịp phim chậm là một thách thức lớn đối với khán giả đại chúng. Đôi khi khán giả cần phải căng mắt đọc các ký hiệu ẩn ý trong từng khung hình, cố gắng nghiền ngẫm từng câu thoại. Cây bút Anthiny Lane của The New Yorker viết: “The Taste of Things được đa xen theo những cách không lường trước, với bóng tối của bệnh tật và buồn đau”, triết lý hiện sinh được đạo diễn cài cắm ngay trong hình ảnh những bữa ăn được chuẩn bị chu đáo, thịnh soạn. Nhưng dù có hấp dẫn và trau chuốt đến đâu, các món ăn vẫn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, như đời người và những mối quan hệ không thể kéo dài vĩnh viễn. Và dù biết trước có những khoảnh khắc ấy, vẻ đẹp và dư vị của chúng vẫn ở lại mãi, trở thành những ký ức và hoài nhớ không thể nào quên.
Muôn vị nhân gian là tác phẩm theo dạng lát cắt cuộc sống với một kịch bản không quá ấn tượng. Bằng tay nghề lão luyện, đạo diễn Trần Anh Hùng đã biến câu chuyện này trở thành một bộ phim đầy chất thơ, mang đậm phong cách làm phim của mình. Bộ phim là bữa tiệc ẩm thực trong một “bữa tiệc” có đầy đủ màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76, bộ phim nhận tràng vỗ tay dài bảy phút cùng nhiều phản hồi tích cực từ các nhà phê bình phim và truyền thông quốc tế; đặc biệt, đã đem về cho Trần Anh Hùng giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất.
Có thể nói bộ phim đã cho công chúng thưởng ngoạn thấy hết được tài năng của đạo diễn trong cách kể chuyện cũng như cách thức bắt thứ vô ngôn cũng phải cất lời. Đây là tác phẩm không có cao trào, không hề giật gân, thế nhưng nó lại cho thấy hết được vẻ đẹp của điện ảnh và những thành phần cấu tạo nên mình. Một bộ phim hay dành cho những ai theo đuổi sự duy mỹ suốt cuộc đời mình. Mục đích của các thủ pháp nghệ thuật là gì nếu không phải làm cho tác phẩm được khách thể thẩm mỹ tiếp nhận một cách cao nhất. Với ý nghĩa đó, Muôn vị nhân gian của đạo diễn Trần Anh Hùng đã làm được điều đó, bộ phim đã không ít lần khiến trái tim của khán giả rung động vì sự tinh tế.
_____________________
1. Tác phẩm đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023; Đạo diễn và biên kịch: Trần Anh Hùng; quay Phim: Jonathan Ricquebourg; các diễn viên: Juliette Binoche và Benoît Magimel.
2. Thể loại lãng mạn (romance movie): thể loại phim tập trung khai thác câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa các nhân vật chính, mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc đa dạng, đa chiều từ sự hài hước, vui vẻ đến những giọt nước mắt cảm động.
3. Cốt truyện: cốt truyện trong phim bao gồm tất cả những sự kiện của câu chuyện được mô tả trực tiếp trên phim được sắp xếp một cách có tổ chức, nói cách khác thì “một chuỗi những sự kiện trong một mối liên hệ nhân quả xảy ra trong không gian và thời gian”.
4. Kể chuyện: thuật ngữ kể chuyện dùng để chỉ một phương pháp quyết định cách thức thông tin tự sự được giới thiệu đến khán giả.
5. Pot - Au - Feu: một trong những tinh hoa của ẩm thực gia đình Pháp là món bò hầm rau củ. Đây là một món ăn được tôn vinh trên bàn ăn người Pháp và được coi là món ăn quốc dân. Cách nấu đơn giản chỉ mất thời gian hầm nhưng sau đó ngoài phần bò và rau củ dùng xong ta còn thu được phần nước dùng thơm ngọt mà từ đó có thể làm được những món ăn khác.
Tài liệu tham khảo
1. John W.Bloch, William Fadiman, Lois Peyser, Nghệ thuật viết kịch bản (tập 1), Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam, 1996.
2. John W.Bloch. William Fadiman, Lois Peyser, Nghệ thuật viết kịch bản (tập 2), Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam, 1998.
3. David Bordwell, Kristin Thompson, Nghệ thuật điện ảnh, Nxb Giáo dục, 2008.
4. Vũ Ngọc Thanh, Thể loại phim truyện điện ảnh (Giáo trình chuyên ngành Điện ảnh), Nxb Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2020.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 3-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-2-2025; Ngày duyệt bài 28-2-2025.
Ths ĐỖ HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025