Breaking Bad (Biến chất) là phim truyện truyền hình của Mỹ, gồm 62 tập, chia thành 5 mùa (season), thực sự là một bộ phim gây ấn tượng mạnh cho người xem nhờ nhiều yếu tố, như nhịp điệu kể chuyện chậm rãi nhưng rất linh hoạt; các tuyến cốt truyện dài ngắn xen kẽ lẫn nhau, liên kết chặt chẽ với cốt chuyện chính; cách mô tả nhân vật chi tiết tỉ mỉ, các tuyến nhân vật thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau; những xung đột nhân vật thể hiện một cách hợp lý và chân thực; sử dụng tinh tế đúng lúc, đúng chỗ những công cụ cốt truyện nhằm duy trì được mức độ căng thẳng xuyên suốt các mùa phim... Bài viết tập trung vào phân tích cách kể chuyện trong bộ phim, trên cơ sở giới thiệu một số kiểu cốt truyện chuyên dùng trong phim truyện truyền hình.
Cảnh trong phim truyền hình Biến chất (Breaking Bad) - Nguồn: kenh14.vn
1. Một số kiểu cốt truyện dùng trong phim truyện truyền hình nhiều tập
Cốt truyện (plot) là nội dung thứ nhất của Lý thuyết kể chuyện phim (film narratology), luôn có mối quan hệ gắn kết nhân vật, hành động nhân vật và xung đột nhân vật, được hiểu là sự bố trí sắp xếp các hành động của nhân vật, các sự kiện của câu chuyện trong cách kể chuyện (narration way).
Trong lý thuyết kể chuyện, các thuật ngữ câu chuyện/ cốt truyện (story/ plot hoặc fabula/ syuzhet) được phân biệt. M. Forster, nhà lý thuyết theo dòng Lý thuyết kể chuyện kinh điển đã đưa ra sự phân biệt giữa câu chuyện và cốt truyện qua ví dụ đơn giản, nhưng dễ hiểu, như sau: “…Câu chuyện được định nghĩa là cách kể về các sự kiện trong đó được sắp xếp theo trình tự thời gian. Cốt truyện cũng là câu chuyện được kể về các sự kiện, nhấn mạnh vào quan hệ nhân quả. Chẳng hạn, nhà vua băng hà, sau đó hoàng hậu chết, đó là câu chuyện. Còn nhà vua băng hà, rồi vì đau buồn, mà hoàng hậu chết, đó lại là cốt truyện” (1). Theo tác giả Sean Glatch, “Cốt truyện là chuỗi các sự kiện, hình thành nên câu chuyện rộng hơn, trong đó mỗi sự kiện đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Nói cách khác, cốt truyện là chuỗi các nguyên nhân và kết quả hình thành nên toàn bộ câu chuyện” (2). Theo ông, cốt truyện bao gồm các yếu tố: 1) Nguyên nhân: Một sự kiện tạo ra một sự kiện khác, và giải phóng toàn bộ chuỗi các nút thắt cốt truyện, hình thành nên câu chuyện; 2) Nhân vật: Câu chuyện kể về con người, nên cốt truyện phải giới thiệu trong nó những nhân vật chính; 3) Xung đột: Cốt truyện phải có sự tham gia của những người có lợi ích cạnh tranh, hoặc xung đột nội tâm, vì không có xung đột thì không có câu chuyện hay chủ đề. Các cách kết hợp tạo nên các kiểu cốt truyện của các yếu tố trên (3).
Các kiểu cốt truyện như ba hồi (của Aristotle), kim tự tháp Freytag (của Freytag) (4), đường cong Fichtean (5) (Sean Glatch đề xuất), hay cốt truyện “vặn” (plot twist) đã được dùng, cũng như tạo được hiệu quả trong kể chuyện phim truyện điện ảnh. Tuy nhiên, với đặc thù là có thời lượng dài của phim truyện truyền hình nhiều tập, có nhiều nhân vật với các tuyến nhân vật, cũng như nhiều sự kiện, mà người ta đã tạo ra các kiểu cốt truyện để phù hợp với những cách kể trong loại phim này.
Cách kể chuyện với kiểu cốt truyện đa tuyến
Stevan Jonson trong nghiên cứu Mọi điều xấu là tốt cho bạn: Làm cách nào văn hóa đại chúng hiện nay thực sự làm ta trở nên thông minh như thế? xác định ba yếu tố cốt lõi của kiểu kể chuyện phức tạp trong phim truyện truyền hình: 1) Cốt truyện đa tuyến (multiple threading plots) với hai hoặc nhiều cốt truyện diễn ra đồng thời; 2) Dấu báo (flash arrow) một dạng dấu hiệu báo hiệu hoặc điềm báo trước phức tạp hơn; 3) Mạng xã hội (social network) sự tham gia của người xem trên internet. Đây là một đặc điểm quan trọng trong kể chuyện phim truyện truyền hình nhiều tập, mà không có ở phim truyện điện ảnh.
Tác giả Tom Slootweg đã giải thích quan niệm của Kristin Thompson về sự tương hỗ, cách đóng mở các tuyến cốt truyện của kiểu kể chuyện phức tạp: “Các tập phim có thể chứa đựng các cốt truyện xen kẽ, giữa các cách kể khép kín, dẫn đến việc tự thân mở, đóng cốt truyện làm kéo dài, trì hoãn, tạm dừng các hành động và sự kiện, vốn là phần mở của mạch truyện. Cách kể chuyện kết hợp đan xen, pha trộn giữa mở và đóng các tuyến cốt truyện, duy trì việc kể trong thời gian dài hơn câu chuyện phim, bổ sung thêm việc điều chỉnh sự phân tán những nghi hoặc, hay hồi hộp của người xem…” (6).
Kể chuyện phim truyện truyền hình nhiều tập cần dựa vào “sự tái cấu trúc liên tục các sự kiện”, nhằm lôi kéo người xem. Những tập phim trong loại phim này không đóng kín và tiến tới cái kết của từng tập, mà đúng hơn, cấu trúc từng tập là điểm tựa tạo nên mạch truyện xuyên suốt của bộ phim. Đây chính là sự cân bằng dịch chuyển giữa hai cách kể chuyện từng tập và dài tập trong phim truyện truyền hình. Tác giả Mittell trong nghiên cứu Truyền hình phức hợp: Thi pháp kể chuyện trên truyền hình đương đại cho rằng: “Kể chuyện trong phim truyền hình dài tập là cách kể với một số yếu tố chính được phân tán và trải dài qua nhiều tập. Những yếu tố này (có thể là câu chuyện tình, sự cạnh tranh, những xung đột đối kháng gay gắt) tự thân tồn tại, kéo dài trong câu chuyện phim, bản chất không bao giờ thay đổi và không bao giờ đi đến kết thúc” (7). Có thể hình dung rằng, các cốt truyện chính của cách kể chuyện có đa tuyến cốt truyện đan xen, tạo thành một sợi “dây thừng” từ nhiều sợi mảnh, nhưng không phải tất cả các sợi đều dài như nhau và quấn vào nhau từ đầu đến cuối. Có những sợi xuyên qua vài tập, có những sợi đứt đoạn ở đâu đó, và sau lại tiếp vào, cũng có sợi lại xuất hiện lưng chừng rồi đi tiếp... giúp câu chuyện phim phát triển xuyên suốt. Ở phim truyện truyền hình, có nguyên nhân không xuất hiện thành chuỗi nối tiếp, mà bất ngờ, hay đứt đoạn… đến lúc nào đó mới tạo kết quả. Tác giả Kristin Thompson gọi là “các nguyên nhân treo” (daling cause). Theo đó: “...một trong những nguồn cơn chính của sự minh bạch, và động lực thúc đẩy cốt truyện lại là “nguyên nhân treo”, là thông tin hoặc hành động không dẫn đến kết quả, hoặc giải pháp nào, cho tới về sau” (8).
Cách kể chuyện kiểu cốt truyện với nhiều nhân vật
Nhân vật là tác nhân dẫn dắt sự phát triển của cốt truyện. Cách kể chuyện phân tán phức tạp của phim truyện truyền hình có đa cốt truyện với nhiều nhân vật chính, làm nên đa tuyến truyện, đan xen vào nhau, hình thành câu chuyện chung, trên nền tảng các mạch cốt truyện ngắn (một tập hay vài tập) và dài (xuyên suốt một mùa hay vài mùa phim) liên kết với nhau.
Theo nghiên cứu Cấu trúc một câu chuyện như thế nào, thì: “Mỗi nhân vật chính đều mang hàng loạt đặc điểm tính cách, động cơ tâm lý và mục tiêu cụ thể của riêng mình. Bên cạnh lời kể, có phần chủ quan của nhân vật trung tâm trong tập phim, các cốt truyện đan xen xuyên suốt đang diễn ra hầu hết được kể theo cách cân bằng hơn, tức là kể câu chuyện thông qua các hành động của nhân vật chính có mối liên hệ chặt chẽ với các cốt truyện này” (9).
Sự phát triển cốt truyện dựa vào những xung đột của nhân vật, xảy ra theo chuỗi nhân - quả. Bên cạnh đó, các xung đột, giải quyết xung đột sẽ khắc họa tính cách nhân vật. Để từng bước thâm nhập sâu hơn vào nhân vật, quá trình nhân vật hóa hay còn gọi là tính cánh hóa nhân vật (characterization) trở nên quan trọng (10). Nhân vật hóa là cách trình bày những thông tin về thói quen hành động, những tình huống và quan hệ xã hội của một nhân vật. Đây là quá trình “động” tương tự quá trình hình thành nhân vật trong tư duy người nhận.
Một số kiểu mạch truyện phim truyện truyền hình khác và cách triển khai
Các phương thức triển khai cốt truyện, còn được gọi là cấu trúc kể chuyện, như: tuyến tính, phi tuyến tính, vòng tròn, song song... hay gọi là “vòng cung” (narrative arcs), “mạch truyện”, vì câu chuyện thăng trầm, tạo thành hình vòng cung, đi theo một mạch kể thể hiện qua các kiểu cốt truyện như ba hồi, kim tự tháp Fretag hay đường cong Fichtean. Quá trình nhân vật chính được phát triển cũng tạo ra cấu trúc kể chuyện, vì thế, có hai loại mạch truyện. Mạch truyện được thúc đẩy (kể) bằng cốt truyện (plot - driven narratives) và mạch truyện được thúc đẩy (kể) bằng nhân vật (character - driven narratives).
Trong mạch truyện thúc đẩy bởi nhân vật có xu hướng tập trung vào những xung đột nội tâm hơn là những xung đột bên ngoài. Chẳng hạn như cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật chính, hay xung đột với các nhân vật khác. Các nhân vật chính được tính cách hóa và phát triển theo chiều sâu, tạo nên những khuôn mẫu thú vị và lôi cuốn.
Thông thường, khi xây dựng một mạch truyện được thúc đẩy bởi nhân vật, thường xuất hiện những tình huống bất ngờ, những bước ngoặt cuộc đời, những thử thách buộc nhân vật phải thể hiện bản thân và đưa ra quyết định. Một trong những thách thức khó khăn nhất khi thể hiện cách kể chuyện có mạch truyện được thúc đẩy bởi nhân vật là thiết kế các điểm ngoặt của cốt truyện, không chỉ nhằm vào hành động, mà còn điều khiển sự phát triển của nhân vật. Cốt truyện sẽ kết nối liền mạch truyện với nhân vật thông qua chính những khó khăn hay những tình huống éo le đó.
Có ba kiểu mạch truyện được thúc đẩy bởi nhân vật: 1) Mạch diễn biến của nhân vật tích cực. Nhân vật chính trong suốt câu chuyện vượt qua sai lầm, nỗi sợ, khó khăn trở thành một người tốt hơn…; 2) Mạch diễn biến của nhân vật tiêu cực. Nhân vật đi từ sai lầm này đến sai lầm khác cuối cùng suy sụp, bi thảm…; 3) Mạch diễn biến của nhân vật không thay đổi: đạo đức và niềm tin cũng như tính cách nhân vật giữ nguyên bản chất không có sự thay đổi…
2. Kể chuyện phức tạp trong phim truyện truyền hình nhiều tập Biến chất
Truyện phim Biến chất kể lại quá trình “chuyển sang sống đời tội phạm” của Walter White, một giáo viên dạy hóa ở trường phổ thông trung học, vốn hiền lành, lương thiện. Khi biết bị ung thư giai đoạn cuối, muốn kiếm tiền chữa bệnh và lo cho gia đình, Walter White trở thành tội phạm điều chế và buôn bán ma túy đá. Cuộc sống của Walter White trở nên căng thẳng, nhiều rủi ro vì phải đối mặt với các mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn với các băng nhóm buôn bán ma túy ở địa phương, ở Mexico, cũng như với những kẻ phân phối ma túy trong khu vực và cả lực lượng chống ma túy (DEA), mà em rể Hank Schrader là thành viên.
Kể chuyện trong phim Biến chất giống như một mảnh vải, được dệt bởi nhiều sợi có nhiều màu sắc, gắn kết với nhau, tạo mảng đa màu, mà mạch truyện chính là màu chủ đạo được thúc đẩy bởi nhân vật Walter. Người xem cũng nhận thấy sự kết nối chặt chẽ giữa mạch truyện chính và các mạch truyện phụ, vốn tồn tại một cách độc lập, nhưng lại được liên kết thành thể thống nhất và cùng phát triển với mạch truyện chính.
Trong nghiên cứu Về những yếu tố kịch học tiềm ẩn trong bộ phim Biến chất có nhận xét về cách kể chuyện của phim: “Những bộ phim truyền hình kiểu mới này thường được gọi là “tiểu thuyết điện ảnh”, được xác định bởi các mạch truyện dài ngắn khác nhau… Chúng có thể kéo dài qua một, hai hoặc nhiều tập, hoặc trên một, hoặc tất cả các mùa…”(11). Kể chuyện linh hoạt (flexi-narrative) là thuật ngữ để nói về kể chuyện trong loại phim này.
Trong mỗi mùa phim Biến chất đều có cốt truyện, mà giới hạn trong một, hay vài tập, thúc đẩy mạch truyện phát triển. Đây cũng là kiểu kể chuyện phức tạp của phim truyền hình dài tập, với các cốt truyện phụ phân tán và có khả năng tự thân khép kín thành một phần của truyện phim. Chẳng hạn, như ở mùa thứ nhất, từ cuối tập 1 - Dẫn dắt (Pilot), qua tập 2 - Con mèo trong cái túi (The cat’s in the bag), đến đầu tập 3 - Và cái túi trong lòng sông (And the bag’s in river) là diễn biến cốt truyện về Walter và Jesse. Lần đầu tiên họ phân phối ma túy đá tự sản xuất, nhưng do va chạm với Krazy-8, tên cầm đầu nhóm buôn ma túy đá quèn của vùng, sau đó bị hắn cùng đồng bọn tìm đến, khống chế. Kết cục, là họ phải giết và phi tang xác chúng bằng acid. Cốt truyện này như một câu chuyện độc lập, có mở đầu, có kết thúc, nhịp điệu chậm rãi, nhưng tàn khốc và cũng là mảnh ghép đầu để cho người xem thấy được mặt tối trong tâm hồn nhân vật chính.
Trong tập 12 - Phượng hoàng và tập 13 - ABQ (Phoenix và ABQ ) của mùa 2, Jesse yêu một cô gái nghiện ma túy và lôi anh ta vào những cơn phê thuốc triền miên. Cô gái tống tiền Walter, đe dọa tố cáo ông ta, nếu không trả lại phần tiền đang giữ của Jesse (vì lo anh ta sẽ phung phí cho ma túy). Sau đó, Walter đã để mặc cô gái chết sặc vì chất nôn của bản thân cô ấy, để loại trừ mối nguy cho mình và Jesse… Bị sốc trước cái chết của cô con gái độc nhất, bố cô gái, người điều hành không lưu ở sân bay làm xảy ra vụ tai nạn máy bay, khiến 167 người chết. Người bố đau khổ và tự sát. Những cốt truyện phụ tạo ấn tượng như thế, khi thì mở ra và kết thúc một tập phim, khi thì trải dài trong vài tập, được sử dụng trong các mùa phim, tạo nên những mảnh ghép đa màu, dệt nên mạch chính của bộ phim, phù hợp với mô hình kể chuyện linh hoạt nhiều mạch truyện.
Trong khi đó, mạch truyện chính qua từng mùa lại nhấn mạnh vào quá trình biến đổi của nhân vật chính Walter. Ở mùa thứ nhất, Walter là giáo viên dạy hóa và mới bước vào nghề, làm từng mẻ ma túy nhỏ, tìm cách phân phối qua những nhóm buôn ma túy cấp thấp, kiếm được số tiền vài ngàn đô la, lần đầu giết người để che giấu hành vi phạm tội. Sang mùa hai, Walter phải đối mặt với tên trùm Tuco, đại diện băng đảng ma túy người Mexico, tâm thần tàn bạo, giết người, dù phút trước còn là thân cận của y, không nháy mắt. Bị y bắt cóc và sắp bị đưa về Mexico để chế ma túy riêng cho băng đảng của Tuco, nhưng Walter thoát được nhờ cậu em rể Hank tìm tới và giết chết y. Walter đã dàn dựng vở kịch mất trí nhớ, mới thoát được sự nghi ngờ của người em rể. Tuy nhiên, để bán được số ma túy đá đã làm, ông ta lại phải tìm đến trùm ma túy toàn vùng Gus Fring. Định dừng lại công việc điều chế ma túy của mình, nhưng khi được chẩn đoán bệnh tình thuyên giảm, Walter lại không thể dừng bước trước lời đề nghị điều chế ma túy cho Gus Fring trong ba tháng, với ba triệu đô la thù lao. Khi biết Gus Fring sẽ thủ tiêu mình, Walter cùng Jesse lập mưu giết Gale, do Gus Fring đưa vào làm để học điều chế ma túy, rồi sẽ thay thế Walter và trốn thoát…
Tác giả Emily St. James trong Biến chất sẽ trở thành một trong những chương trình truyền hình hay nhất từ trước đến nay, nhờ sử dụng thủ pháp Shakespeare (12) cho rằng, cấu trúc ba hồi phù hợp với phim điện ảnh hoặc phù hợp với cấu trúc các mạch truyện ngắn, được thúc đẩy bởi cốt truyện (hành động) trong loạt phim này. Nhưng với mạch truyện chính kéo dài suốt cả 5 mùa của Biến chất, dường như cấu trúc ba hồi không đủ để mô tả sự chuyển biến của nhân vật, từ “ngài Chip” sang “kẻ mặt sẹo” như Vince Gilligan, tác giả phim đã từng phát biểu. Theo đó, nếu trong cấu trúc ba hồi, phần hành động gia tăng bắt đầu từ gần cuối hồi một, đến gần hết hồi hai, đi qua cao trào và ở hồi ba, chuyển về hành động gia giảm và kết (thường phù hợp cấu trúc phim điện ảnh), thì phim bộ truyền hình dài kỳ có thời gian dãn rộng, nên không thể kẹt lại trong hồi hai, mà cần nhân đôi hồi hai và hồi ba, thành bốn hồi, tạo thành cấu trúc năm hồi khớp vào cấu trúc kể chuyện của thể loại phim bộ này.
Tác giả Emily cũng đưa ra lập luận của mình cho cấu trúc năm hồi trong mạch truyện chính của Biến chất. Hồi 1, mùa thứ nhất: Walter bắt tay vào chế biến ma túy đá; Hồi 2, mùa thứ hai: Walter ngày càng chìm sâu hơn vào thế giới ngầm Albuquerque, gặp gỡ và kết hợp với những nhân vật như luật sư Saul Goodman và trùm ma túy vùng Albuquerque là Gus Fring; Hồi 3, mùa thứ ba: Walter quyết định gia nhập đế chế ngầm của Gus Fring; Hồi 4, mùa thứ tư: Cuộc đối đầu sinh tử giữa Walter và Gus Fering. Các nhân vật bị mắc kẹt trong số phận, nhưng chưa nhận thức được điều đó và bị hút về phía tàn cuộc; Hồi 5, mùa 5: Kết thúc mọi thứ và cái chết của Walter ở tập cuối. Phân tích của Emily St. James về cấu trúc năm hồi của mạch chuyện chính xuyên suốt năm mùa loạt phim Biến chất như trên là logic và phù hợp.
Bên cạnh mạch truyện chính xuyên suốt năm mùa, có vô số những mạch truyện phụ chạy song song và xen kẽ, đôi khi kéo dài qua vài ba mùa phim, đôi khi xuyên suốt cả loạt phim. Chẳng hạn như: 1) Tuyến truyện của Walter với các thành viên trong gia đình: vợ ông ta, Skyler và đứa con trai tật nguyền; 2) Tuyến truyện của Jesse, người cộng sự, cùng ông đi suốt năm mùa phim, được coi như nhân vật chính thứ hai; 3) Tuyến truyện của Hank, viên cảnh sát DEA và cuộc điều tra kẻ chế và buôn bán ma túy đá tên Heisenberg (bí danh của Walter); 4) Tuyến truyện của Skyler và Ted, ông chủ cũng là tình nhân của cô; 5) Tuyến truyện giữa băng đảng ma túy Mexico của ông trùm Hector Salamanca và băng đảng phân phối ma túy của ông trùm Gus Fring; 6) Tuyến truyện của Jesse với cô người yêu bị chết khi phê ma túy và gia đình anh ta; 7) Tuyến truyện của vợ chồng người cùng khởi nghiệp với Walter... Mỗi tuyến câu chuyện đều được kết nối với nhau bằng những tình huống, đôi khi được giải quyết trong một hay vài tập phim, đôi khi treo lơ lửng xuyên qua cả một mùa phim hay toàn bộ các mùa. Mặc dù có vô số mạch truyện dài, ngắn xen kẽ và song song, cạnh tranh lẫn nhau, nhưng câu chuyện lại rất mạch lạc không rối rắm, tạo ra sự khó hiểu cho người xem. Đây cũng chính là ưu điểm nổi bật trong cách kể chuyện phức tạp của Biến chất, tạo nên sự cân bằng chuyển dịch giữa cách kể các câu chuyện ngắn hạn và dài hạn, các mạch truyện phụ trên nền mạch truyện chính của truyện phim. Hơn nữa, khi mạch truyện chính được thúc đẩy bởi nhân vật, thì các mạch truyện phụ lại được thúc đẩy bởi cốt truyện, nghĩa là phụ thuộc vào những hành động thường xảy ra hầu hết đi theo quan hệ nhân quả nối tiếp nhau với cấu trúc ba hồi mở, có xung đột phát triển, có cao trào, có cái kết giống với cách mở/ đóng tự thân của một, hay vài tập phim đã trình bày ở trên.
Cũng có thể dẫn chứng tuyến cốt truyện về em rể Hank của Walter, một cảnh sát chống ma túy, vùng Albuquerque. Hank tìm mọi cách để điều tra về một tên trùm, điều chế và phân phối thứ ma túy màu xanh lam tinh khiết nhất, có tên là Heisenberg, mà không hề biết đó chính là Walter, anh vợ của mình. Tuyến cốt truyện này rất thú vị và lôi cuốn, kéo dài từ mùa thứ nhất đến gần cuối mùa thứ năm.
Bộ phim Biến chất còn sử dụng rất nhiều cú “vặn” (twist), khiến câu chuyện trở nên sinh động và ấn tượng. Chẳng hạn, Walter chuyển nhà, Hank đến giúp và xách cái túi du lịch, trong đó Walter để rất nhiều tiền, anh ta chỉ hỏi: “Túi đựng gì mà nặng thế?” (mùa thứ 3, tập 1 - Không còn nữa (No Más). Với các tình huống bất ngờ liên tiếp được tạo ra, đẩy các mạch truyện lên xuống liên tục, khiến sức căng của các cốt truyện chính phụ trong Biến chất luôn được duy trì đồng thời liên tục thu hút mối quan tâm, sự tò mò và sự kinh ngạc của người xem.
Như vậy, có thể thấy cách kể chuyện của phim Biến chất là cách kể phức tạp, tuyến tính, có đa tuyến cốt truyện với các mạch cốt truyện phụ dài ngắn khác nhau, theo cấu trúc ba hay bốn hồi và thường chịu sự thúc đẩy của cốt truyện (thiên về hành động và hậu quả hành động) đan xen chặt chẽ với mạch cốt truyện chính có cấu trúc năm hồi chịu sự thúc đẩy của nhân vật (thiên về sự biến đổi nhân vật chính). Bên cạnh đó, các câu chuyện xảy ra có thể kéo dài trong một tập hay vài tập, tạo nên những mảng miếng ghép vào bức tranh tổng thể câu chuyện phim, hỗ trợ sự phát triển của mạch truyện chính. Những tập phim có cái kết rõ ràng đan xen vào những câu chuyện kéo dài nhiều tập phim có cái kết treo lơ lửng qua vài mùa. Tất cả các cấu trúc này hòa quyện vào nhau một cách thuyết phục và nhuần nhuyễn, khiến cho cách kể chuyện của cả loạt phim rất mạch lạc và dễ hiểu, có sức cuốn hút mạnh mẽ với người xem.
3. Kết luận
Các bộ phim truyện truyền hình đương đại có đặc trưng bởi lối kể chuyện phức tạp với đa cốt truyện, đa nhân vật (còn gọi là kể chuyện phân tán), theo nhiều kiểu kể khác nhau. Các cốt truyện phụ thường đan xen với cốt truyện chính tuyến tính, cấu trúc thành câu chuyện đa màu sắc, lúc ẩn lúc hiện, xuyên suốt các mùa phim, tạo nên truyện phim lôi cuốn, liền mạch và có tính logic cao. Cũng có khi các cốt truyện phụ phân tán, rồi liên kết với nhau như một mạng lưới, bao quanh mạch chính, tạo nên hai câu chuyện, mà lồng vào nhau và liên quan chặt chẽ với nhau.
Biến chất thực sự là một bộ phim gây ấn tượng mạnh cho người xem nhờ nhiều yếu tố, như nhịp điệu kể chuyện chậm rãi, nhưng rất linh hoạt; các tuyến cốt truyện dài ngắn xen kẽ lẫn nhau, liên kết chặt chẽ với cốt truyện chính, được thúc đẩy bởi nhân vật; cách kể chuyện, mô tả nhân vật chi tiết tỉ mỉ, các tuyến nhân vật thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau; Những xung đột nhân vật thể hiện một cách hợp lý và chân thực; sử dụng tinh tế đúng lúc, đúng chỗ những công cụ cốt truyện nhằm duy trì được mức độ căng thẳng xuyên suốt các mùa phim. Tác giả Durié Dubravka trong bài báo Biến chất và độ phức tạp của kể chuyện nhận xét: “…Mọi khoảnh khắc trong phim dường như đã được tính toán, được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng, và hầu như không có gì xảy ra một cách tình cờ.
Dù lúc đầu, câu chuyện được kể một cách chậm rãi, nhưng mọi chuyện xảy ra trong “Biến chất đều có lời giải thích và không có kết thúc nào bị bỏ ngỏ ở cuối cả năm mùa phim. Chính cách xây dựng câu chuyện qua thời gian và làm cho nó ngày càng trở nên phức tạp mà Biến chất trở thành một bộ phim truyện truyền hình dài tập mẫu mực” (13).
____________________
1. ForsterE.M., Aspects of the Novel (Các phương diện của tiểu thuyết), United State: Harcourt, Brace & Company, 1927.
2, 3, 4, 5. Sean Glatch, What is the plot of a story? (Cốt truyện của câu chuyện là gì?), writers.com, 17-11-2023.
6. Tom Slootweg, Morden classicism in contemporary serialisized television (Chủ nghĩa cổ điện hiện đại trong phim truyện truyền hình nhiều tập đương đại), Luận văn thạc sĩ, Đại học Groningen, 2010, tr.38.
7, 10. Jason Mittell, Complex TV: The Poetics of Contemporary Television Storytelling (Truyền hình phức hợp: Thi pháp kể chuyện trên truyền hình đương đại), Nxb Đại học New York, Hoa Kỳ, 2005, tr.33, 35.
8. Kristin Thompson, Storytelling in the New Hollywood: Understanding Classical Narrative Technique (Cách kể chuyện trong phim Hollywood mới: Hiểu kỹ thuật kể chuyện kinh điển), Nxb Đại học Harvard, 1999, tr.12.
9. Author Learning Center, How to Structure a Story: The Fundamentals of Narrative (Làm cách nào tạo ra một câu chuyện: Những điều cơ bản của kể chuyện), authorlearningcenter.com, 15-1-2024.
11. Christine Lang, “Gonna Break Bad” - On Implicit Dramaturgy in Breaking Bad (“Sẽ biến chất” - Về những yếu tố kịch học tiềm ẩn trong bộ phim Biến chất), christinelang.edu, 14-2-2024.
12. Emily St. James, Breaking Bad became one of the best TV shows ever by borrowing a trick from Shakespeare (Biến chất sẽ là một trong những chương trình truyền hình hay nhất từ trước đến nay, nhờ sử dụng thủ pháp Shakespeare), vox.com, 20-1-2018.
13. Dubravka Durié, Breaking Bad and Narrative Complexity (Biến chất và độ phức tạp của kể chuyện), dx.doi.org, 10-2018.
ĐỖ THANH HẢI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024