Đạo diễn Lương Đức đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong làm phim khoa học, tài liệu. Qua các hình thức thể hiện trong phim khoa học của đạo diễn Lương Đức, có thể thấy, mục tiêu chính của phim khoa học là truyền đạt kiến thức, mở mang sự hiểu biết nhằm nâng cao tri thức và thông qua đó giải quyết nhận thức, trang bị những kỹ năng cần thiết cho các hoạt động của con người, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội.
Đạo diễn Lương Đức làm phim Noi theo đạo nhà, 1995 - Nguồn ảnh: NSND Lương Đức cung cấp
1. Vài nét về phim khoa học
Trong cuốn Phim phổ biến khoa học, tác giả V.A. Troiinovski viết: “Thế nào là phim khoa học, đó là một câu hỏi khó thật, không chỉ với người xem mà ngay cả đổi với các nhà chuyên môn” và sau đó ông viết tiếp: “Vào năm 1959, I.A.Vaxincov đã đưa ra định nghĩa mà sau này trở nên phố biến, được mọi người thừa nhận: Bất kỳ phim nào khi khoa học là chủ thể của nó thì được gọi là phim khoa học, còn chức năng cơ bản là phổ biến kiến thức khoa học” (1).
Trong thể loại phim khoa học lại được chia thành các thể khác nhau, tùy theo đặc điểm và đối tượng khán giả tiếp nhận: Phim khoa học thường thức (còn gọi là phim khoa học phổ cập) với đối tượng phục vụ là mọi tầng lớp nhân dân; Phim giáo khoa (còn gọi là phim dạy học) có những đối tượng nhất định; Phim khoa học nghệ thuật có hình thức thể hiện bằng các thủ pháp biểu hiện của nghệ thuật điện ảnh; Phim phóng sự khoa học; Phim khám phá, phục vụ các mục đích nghiên cứu; Phim truyện khoa học; Phim khoa học viễn tưởng (kết hợp các thể phim khoa học, tự nhiên và xã hội)…
Trong những tác phẩm của mình, nhiều nhà làm phim khoa học Việt Nam đã chú ý đến vấn đề xây dựng hình tượng nghệ thuật, chuyển những kiến thức hiểu biết khoa học thành hình tượng, làm tăng tính hấp dẫn của phim. Đó là biểu hiện của nghệ thuật điện ảnh trong việc truyền thụ kiến thức, thoát khỏi phương pháp khuôn sáo. Nhà làm phim khoa học nổi tiếng thế giới của Liên Xô A.Giogurítđi đã nhận xét từ đầu thập kỷ 1960 rằng: “Những nhà làm phim khoa học đều nhất trí với nhau điều quan trọng là giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, rồi làm giàu thêm cho người xem bằng những kiến thức khoa học và kỹ thuật, tình yêu lao động, yêu thiên nhiên” (2). Như vậy, chức năng giáo dục con người và định hướng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật là nhiệm vụ hàng đầu của phim khoa học. Điều đó cũng có nghĩa là đối với phim khoa học cần chú trọng đến chức năng mỹ học, ngang với chức năng phổ biến kiến thức, nếu coi nhẹ một trong hai chức năng này, phim khoa học không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Điều này được xác nhận bởi Tiến sĩ Toán - Lý A. Kompanhey: “Ý nghĩa của phim phổ biến khoa học giống như mọi hoạt động phổ biến kiến thức khác, nhưng trước hết nó cần làm nảy nở những thích thú với khoa học trong người xem và trong một hình thức dễ hiểu đưa đến cho họ những kiến thức khoa học” (3).
Tuy vậy, phim khoa học hoàn toàn không phải là một bộ phận của phim tài liệu; vì phim tài liệu phản ánh và nêu ra vấn đề, giải quyết nhận thức, còn làm thế nào để giải quyết nó bằng các biện pháp cụ thể thì đó chính là nhiệm vụ của phim khoa học. Ở Liên Xô trong những năm 1950-1960, các nhà làm phim khoa học đã hoàn chỉnh thể loại này, dựa trên cơ sở khoa học thường thức để nâng lên mức độ nghệ thuật. Đây chính là hướng đi của đạo diễn Lương Đức (được phong NSND năm 1997) khi quyết định làm phim khoa học và lý giải: “Phim khoa học cần sự chính xác tuyệt đối, vì vậy, nó dễ rơi vào khô cứng, giáo điều. Dân trí mình thời điểm đó thì thấp và tôi quan niệm “phim không thay thế bài giảng”, việc của mình là tạo sự thẩm mỹ, sức hấp dẫn cho phim để người xem tiếp thu bài giảng. Họ thích, họ nhớ thì họ sẽ vận dụng” (4).
2. Các hình thức thể hiện trong phim khoa học của đạo diễn Lương Đức
Tập trung hình ảnh vào nội dung khoa học
Năm 1965, đạo diễn Lương Đức làm bộ phim Cá mè đẻ nhân tạo, hướng dẫn người dân dựa trên thành công của Trường Đại học Nông nghiệp I khi nuôi cá mè đẻ nhân tạo và cảnh báo về vấn nạn hủy diệt môi trường khi khai thác cá mè tự nhiên bằng lưới vét và chất nổ dưới lòng sông... Một trong những khó khăn là điều kiện thiết bị kỹ thuật lúc đó ngoài phương tiện là máy quay convat của Nga thì không có gì. Trong khi đó, làm phim này cần phải có những thiết bị đặc chủng quay dưới nước như kính hiển vi, vẽ động (như 3D hiện nay)... “Cái khó ló cái khôn”, ông quyết định vận dụng ngôn ngữ biểu cảm, trừu tượng để tạo hiệu ứng: Việc quay cuộc sống cá mè được thực hiện qua bể kính với điều kiện máy động, dùng ánh sáng tạo hình, đi sâu vào chi tiết, dùng các cảnh đặc tả, cận cảnh của điện ảnh để khai thác hiệu ứng thị giác… xen kẽ với hình ảnh quay là hình ảnh con cá được vẽ, bóc lớp cá ra cho khán giả xem cấu tạo. Phim Cá mè đẻ nhân tạo thành công, được khán giả đón nhận và đoạt giải Bông sen vàng năm 1970.
Sau thành công của Cá mè đẻ nhân tạo, Lương Đức làm bộ phim khoa học thứ hai với cái tên Bệnh đạo ôn hại lúa (1968), với vấn đề khó khăn là làm thế nào lột tả được bệnh đạo ôn trong tình trạng thiếu máy quay phóng đại. Mày mò, tìm tòi mãi cuối cùng lại phải “gia công theo kiểu Việt Nam”, tức là dùng kính hiển vi, tháo ống kính ra, đặt ghế kê lên, tìm cách chiếu sáng, ghép vào. Và dù chỉ là “gia công” nhưng quay lên hình thì cũng nhìn thấy rõ cả vi sinh vật phát triển có hình thù đàng hoàng. Phim chỉ kéo dài 10 phút nhưng đầy đủ thông tin, nhất là vẫn tập trung hình ảnh vào nội dung khoa học được truyền tải tới khán giả.
Kết hợp hài hòa giữa khoa học và nghệ thuật với yếu tố nghệ thuật là chìa khóa “nghệ thuật hóa” đề tài phim khoa học
Có thể thấy trong các phim của đạo diễn Lương Đức có sự kết hợp hài hòa giữa khoa học và nghệ thuật. Phim khoa học một mặt thể hiện chính xác những tri thức khoa học, mang đến cho người xem những nhận thức mới nhằm cải tạo cuộc sống. Mặt khác, tác phẩm ấy phải tận dụng được những khả năng và thế mạnh về mặt nghệ thuật để tạo nên những rung cảm thẩm mỹ. Làm được như vậy, phim khoa học ngoài nhiệm vụ truyền thụ tri thức còn giúp cho công chúng rung động trước những vấn đề khoa học.
Cuối năm 1968, trong bộ phim Chú ý thuốc trừ sâu, đạo diễn Lương Đức đã tìm ra một phương pháp mới cho những bộ phim khoa học vốn được coi là khô cứng, khuôn phép. Trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam và trong sự thừa nhận của các đồng nghiệp thì đây chính là thời điểm đạo diễn Lương Đức nghệ thuật hóa dòng phim khoa học, khiến bộ phim uyển chuyển hơn, đi sâu vào lòng khán giả. Ai đã từng xem phim của đạo diễn Lương Đức đều thấy cách chuyển tải rất đa dạng từ cơ bản nhất là tận dụng những đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh như cận cảnh, đặc tả, dàn cảnh, hiệu quả ánh sáng đến những phương pháp khác như tiểu phẩm đóng diễn với diễn viên, những hoạt họa đặc trưng hoạt hình, những thắt nút, mở nút gay cấn của kịch bản phim truyện cũng như chất hài, chất bi, châm biếm… móc nối các cảnh, ẩn giấu sau mỗi trường đoạn.
Với đạo diễn Lương Đức, nếu phim tài liệu tính chân thực là tối cao, thì phim khoa học lại được phép vận dụng những thủ pháp biểu hiện của loại hình khác như hoạt hình, ngôn ngữ phim tài liệu, các tiểu phẩm, kịch, phim truyện… để tăng tính hấp dẫn và thuyết phục. Người làm phim khoa học không bị ràng buộc bởi nguyên lý nào miễn truyền đạt được nội dung và điều quan trọng là phải bảo đảm tính quy luật. Tuy vậy, đó cũng như con dao hai lưỡi, đòi hỏi người sáng tạo phải có bản lĩnh, vừa rung cảm vừa chính xác trong thể hiện.
Dùng các yếu tố nghệ thuật để thể hiện nội dung khoa học
Trong phim Đất Hạ Long (phim màu, dài 2 cuốn, 1984), một lần nữa đạo diễn Lương Đức lại dùng thủ pháp đóng diễn để thể hiện sự cổ xưa của hang Đầu Gỗ, chính yếu tố đóng diễn này đã góp phần vào thành công của phim. Đạo diễn đã sử dụng lực lượng của lớp diễn viên múa Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và một khối lượng đèn đáng kể để miêu tả phía trong của hang đá, nơi đã từng có những bộ lạc người Việt cổ sinh sống. Trong lòng các đảo có vô số những hang động kỳ lạ, lý thú, giữ lại trong đó không ít những di chỉ của các bộ lạc người Việt cổ xưa; hấp dẫn những nhà khoa học và khách nước ngoài chiêm ngưỡng, khám phá. Trong nét nhạc gợi cảm của nhạc sĩ Hoàng Vân, phim Đất Hạ Long đã miêu tả sự thanh bình chứa đựng một chiều sâu đáng kể của lịch sử vùng đất Hạ Long cùng với những con người và công lao của họ. Trên màn ảnh người xem thấy được một vùng biển hiền hòa gần như không có sóng to, gió lớn, trên đó hàng trăm cánh buồm đủ màu sắc của ngư dân qua lại; là vùng biển giàu có với tiềm năng kinh tế dồi dào, thiên nhiên còn đang chìm trong giấc ngủ lâu dài, đợi bàn tay con người đánh thức. Đạo diễn Lương Đức đưa vào phim nhiều trường đoạn hấp dẫn, như trường đoạn nói về hang Đầu Gỗ - nơi sinh trưởng của một bộ lạc người Việt cổ. Cảnh quay trong hang được bố trí ánh sáng công phu và tốn kém để khắc họa những nét nổi bật của thạch nhũ và những góc hang bí hiểm, đem lại cho người xem cảm giác mới lạ và vén dần những lớp màn bí mật của hang động này. Hơn nữa, những sinh hoạt cổ xưa được các diễn viên múa hóa trang, diễn tả bằng những vũ điệu dân gian cùng những nét nhạc, tiếng hú sơ khai tạo nên một không khí xa xưa, trữ tình và một ngữ điệu truyền cảm. Đó là bước đầu tiên của phim phổ biến khoa học Việt Nam bước vào lĩnh vực của phim khoa học nghệ thuật, tạo hình tượng và gây ấn tượng.
Trong sách Ngôn ngữ điện ảnh của Marcel Martin có định nghĩa về phim khoa học: “Đó là một thể loại của nghệ thuật điện ảnh, nẩy sinh trong sự thấu hiểu nghệ thuật và trong biến đổi nghệ thuật những chất liệu khoa học không làm mất đi ý nghĩa khách quan của nó” (5). Phim Đất Hạ Long hoàn toàn tương xứng với định nghĩa này, khi chứa đựng trong đó những yếu tố của phim khoa học nghệ thuật. Khi làm phim Đất Hạ Long, đạo diễn Lương Đức đã nâng tầm nghệ thuật và đặc biệt là tạo dấu ấn cho tính truyện trong phim khoa học Việt Nam có được diện mạo mới, đó là sử dụng yếu tố đóng diễn của diễn viên, coi diễn xuất như là một thành tố cơ bản để phân tích nội dung khoa học...
Đề cập đến chất lượng của phim khoa học nghệ thuật, tức là nói đến việc xây dựng hình tượng nghệ thuật. Trong một tác phẩm điện ảnh khoa học, các hình thức biểu hiện nghệ thuật (kết cấu nội dung, bố cục tác phẩm, việc chọn lựa sự kiện và chất liệu để phản ánh nội dung, cách bố cục và tạo hình, các thủ pháp dàn dựng, bố trí và phương pháp dựng phim, xử lý âm thanh...) đều phải tuân thủ những quy luật khách quan khoa học. Ở đây cần đặc biệt tôn trọng tính khoa học, chính vì vậy xây dựng một bộ phim khoa học phổ cập hay khoa học nghệ thuật hấp dẫn khó hơn nhiều so với một bộ phim nghệ thuật ở thể khác. Bởi vì, giữa tư duy sáng tác mang tính cảm xúc của nghệ sĩ luôn bị ràng buộc bởi tính chính xác hay tính quy luật khô khan của khoa học, do đó người đạo diễn phim khoa học phải có hai tố chất là sự nhạy cảm tinh tế của người nghệ sĩ và sự minh mẫn lý trí của một nhà khoa học. Nguyên lý cơ bản đối với việc sáng tác phim khoa học nghệ thuật là: người làm phim có trách nhiệm xây dựng những hình tượng nghệ thuật để diễn đạt nội dung, khái niệm, quy luật khoa học, còn người xem sẽ thông qua những hình tượng đó để rút ra những khái niệm, những nguyên lý và quy luật khoa học.
Bộ phim Đất tổ nghìn xưa (1987) của đạo diễn Lương Đức khiến người xem như thoát ra khỏi tính chất của một bộ phim khoa học thông thường, để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc lắng đọng, ấn tượng tốt đẹp. Phương pháp thể hiện ở bộ phim khiến ta suy nghĩ về quan niệm làm phim theo thể loại khoa học. Điều này có thể không mới đối với các nước có nền điện ảnh tiên tiến, nhưng với nước ta đây là điều mới mẻ, vì thói quen đã đặt cho ta sự định hình trong quan niệm “phim khoa học” phải làm nhiệm vụ giải thích, nghiêng về phần lý trí. Các nhà làm phim này cho thấy phim khoa học cũng là một thể loại nghệ thuật, rất đa dạng trong cách thể hiện và sự hấp dẫn về mặt mỹ cảm.
Trong Đất tổ nghìn xưa, có trường đoạn ống kính đưa người xem theo đà bay từ trên cao hạ thấp dần để có thể quan sát toàn cảnh ngã ba Bạch Hạc, nơi ba con sông Đà, sông Thao, sông Lô kết tụ thành con sông Hồng mà đất phù sa màu mỡ đã bồi lên vùng đất Phong Châu, trở thành chiếc nôi ấm cúng của đất nước Văn Lang. Lòng đất còn giữ bao nhiêu vết tích của người xưa làm cho chúng ta bồi hồi ngưỡng mộ công ơn “khai sơn, phá thạch” của cha ông. Bảo vệ được thành quả không phải là dễ dàng, trước hết, phải đấu tranh với sự hung hãn của thiên nhiên, giành giật từng tấc đất để bảo vệ sinh tồn cho cuộc sống. Với thủ pháp dựng phim song song bằng tiết tấu nhanh và tạo xúc cảm, người làm phim đã tạo nên nhịp điệu khẩn trương để nói nên sự vật lộn với mưa bão, sóng gió hung hãn. Nhiều trường đoạn trong phim đã khẳng định cuộc đấu tranh dai dẳng này không dễ dàng và gieo vào lòng người xem một niềm tự hào dân tộc, để từ đó càng yêu mến, kính trọng cha ông trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi. Với hình thức nhấn mạnh tư duy của phim khoa học, tác giả đã dẫn dắt người xem cùng cảm thụ để khẳng định lòng tin đó. Bộ phim có sự hài hòa giữa các yếu tố quay phim, đạo diễn, âm thanh, dựng phim, lời bình, thơ nhạc... gieo vào lòng người những cảm xúc. Các tác giả đã tin và yêu, và đã truyền được lòng tin và tình yêu đó cho người xem. Thông qua cái đẹp nghệ thuật, các tác giả đưa cho người xem làm quen với truyền thống dân gian của cha ông. Những công trình nghệ thuật về điêu khắc tranh tượng dân gian khẳng định: dân tộc ta hình thành từ lâu đời và có một nền văn minh cổ xưa. Điều này đã phủ nhận các luận điệu muốn phủ nhận gốc gác đáng kính trọng của một dân tộc đã trường tồn qua biết bao thế kỷ.
Sự kết hợp đa thể loại phim và vượt đường biên của phim khoa học
Để tăng sức hấp dẫn cho phim khoa học, đạo diễn Lương Đức đã tận dụng thủ pháp của phim hoạt hình, kịch, phim tài liệu. Hơn nữa, trong phim Đất tổ nghìn xưa, nghệ thuật dân gian được kết hợp với nghệ thuật tôn giáo, nhưng vẫn giữ được sức sống giản dị của người dân, vì sự biểu hiện phản ánh trung thực cuộc sống. Các tượng La Hán đều được đi sâu mô tả tâm tư vui, buồn của con người không có chút gì xa lạ và thoát tục. Hơn nữa, các nhà làm phim còn có sự tinh tế khi sử dụng hình tượng người phụ nữ, ví dụ những cô gái đẹp tắm mát hồ sen hay những vũ nữ múa hát khắc trạm trên các mái kéo ở đình làng… Những hình tượng được chọn lọc đưa vào phim với dụng ý phản ánh cuộc sống lao động lạc quan. Điều đó khiến nhiều người nhận xét đây là một bộ phim “đẹp và hấp dẫn” của phim khoa học. Ngoài ra, khi mô tả cuộc đấu tranh chung giữa con người và thiên nhiên, giữa con người với kẻ thù, các tác giả còn có tham vọng đưa ra một vài nét về cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân qua sự trích dẫn một đoạn chèo, nhưng điều đáng tiếc là không có sự chuẩn bị trước cho nên ý đồ đó bị lu mờ và người xem có cảm giác phim dài dòng, miên man không cần thiết.
Sự kết hợp đa thể loại phim đã giúp sự sáng tạo của đạo diễn Lương Đức mở ra một con đường rộng rãi, nghĩa là cuối cùng đạt được ý định giải thích vấn đề muốn nói. Một thể loại có thể tiếp thu ở các thể loại khác những yếu tố gần gũi với mục đích phục vụ cho một nội dung biểu hiện cụ thể.
3. Kết luận
Với việc đặt ra 3 tiêu chí trong sản xuất phim là tận dụng yếu tố bi - hài; tạo tình huống gây chú ý, hưng phấn cho người xem; quan tâm tới thẩm mỹ, mỗi khuôn hình là một chủ đề, đạo diễn Lương Đức đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong làm phim khoa học, tài liệu. Qua các hình thức thể hiện trong phim khoa học của đạo diễn Lương Đức, có thể thấy, mục tiêu chính của phim khoa học là truyền đạt kiến thức, mở mang sự hiểu biết nhằm nâng cao tri thức và thông qua đó giải quyết nhận thức và trang bị những kỹ năng cần thiết cho các hoạt động của con người tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Khác với phim khoa học, phim tài liệu phải bảo đảm tính chân thực, sự kiện, con người, sự việc, thời gian, không gian... đều phải được tôn trọng khi quay, khi thể hiện một vấn đề. Trong khi phim khoa học được phép hư cấu, được phép đóng diễn, được phép dùng hình vẽ động - vẽ tĩnh, được phép sử dụng các hình ảnh kỹ xảo ly kỳ, hấp dẫn, được phép sử dụng thủ pháp biểu hiện của phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình… và tùy phương pháp sáng tạo của tác giả biên kịch và đạo diễn. Điều mấu chốt, cốt lõi là phải bảo đảm tính khoa học, nghĩa là không được trái với các quy luật tự nhiên và xã hội.
Để nâng cao chất lượng phim khoa học điện ảnh và truyền hình Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí nước nhà, định hướng thay đổi và phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất phim khoa học cần có nhận thức đầy đủ và đúng mức về nền tảng phát triển. Đó là sự quan tâm đầu tư đồng bộ về con người, kỹ thuật - công nghệ, thời gian, kinh phí cho lĩnh vực sản xuất phim khoa học điện ảnh và truyền hình Việt Nam.
_______________
1. David Bordwell, Kristin Thompson (Nhiều người dịch), Nghệ thuật điện ảnh, Nhã Nam - Nxb Thế giới, 2013, tr.102.
2, 3. A.Vaxincov, Nội dung và hình thức trong kịch bản phim phổ biến khoa học, Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô, Matxcơva, 1990, tr.46, 132.
4. NSND Nguyễn Lương Đức, Nâng cao chất lượng nghệ thuật phim tài liệu và phim khoa học truyền hình, Hội Điện ảnh TP.HCM, 2008, tr.6.
5. Marcel Martin (Nguyễn Hậu dịch), Ngôn ngữ điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, 2006, tr.37
Ths DƯƠNG VĂN HUY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024