Một số vấn đề về chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa

Hiện nay, xu hướng vận động của điện ảnh đã chịu sự tác động của toàn cầu hóa, các thị trường điện ảnh quốc gia trở thành một bộ phận không thể tách rời của thị trường điện ảnh quốc tế; đòi hỏi nền điện ảnh các nước (kể cả các nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển) phải chủ động hội nhập toàn diện, tạo vị thế trên thị trường điện ảnh thế giới bằng bản sắc riêng của mình. Tuy nhiên, để đủ mạnh hội nhập quốc tế, nhiều chính sách bảo hộ hữu hiệu đối với điện ảnh nội địa đã và đang được áp dụng, thực thi, với những vai trò, điều kiện và kinh nghiệm khác nhau.

Vai trò tiên quyết trong bảo hộ điện ảnh: kiểm duyệt, phân loại phim

Trước hết, trong bảo hộ điện ảnh, kiểm duyệt, phân loại phim của hệ thống kiểm duyệt quốc gia có vai trò tiên quyết. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, việc kiểm duyệt, đánh giá được giao cho Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPAA (cơ quan có thực quyền rất mạnh để có thể khiến các công ty sản xuất phim phải tuân thủ…). Điều này tạo điều kiện cho sự sáng tạo của các nhà làm phim và giúp cho điện ảnh Hollywood luôn đa dạng, phong phú về đề tài và thủ pháp thể hiện.

Việc điều chỉnh chế độ, cơ chế kiểm duyệt cho phép làm phim có ý nghĩa bước ngoặt đối với hoạt động điện ảnh nhiều quốc gia. Chế định kiểm duyệt phim là nội dung chủ yếu của pháp luật về lĩnh vực điện ảnh thời kỳ đầu ở hầu hết các nước, nhưng cùng với sự phát triển của ngành Công nghiệp điện ảnh, cơ chế kiểm duyệt phim đã có những thay đổi. Một số nước đã giao trách nhiệm phân loại phim cho các bộ, ngành phụ trách lĩnh vực văn hóa và đã có những đổi mới trong phương pháp, cơ chế phân loại phim (trong đó có Việt Nam).

Vài thập niên trở lại đây, nhiều nước đã chuyển dần sang áp dụng cơ chế phân loại và đánh giá tỷ suất người xem phim, một xu hướng chung của phát triển công nghiệp điện ảnh trên thế giới. Ngay cả những nước áp dụng chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo về nội dung thì về cơ bản, việc ban hành các quy định điều chỉnh nội dung phim thông thường thuộc 3 cơ chế: tiền kiểm, phân loại phim và khoanh vùng. Theo đó, nếu tiền kiểm (prior censorship) thường được áp dụng cho mô hình thể chế nhà nước thống nhất quản lý lĩnh vực điện ảnh (một cơ quan có thẩm quyền được hình thành để kiểm duyệt toàn bộ các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến phim thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục và áp dụng hệ thống các loại giấy phép), thì phân loại phim (film classification) là cơ chế cảnh báo hoặc thông tin cho người xem về loại nội dung phim cần lưu ý, dựa theo đó cha mẹ hoặc người giám hộ kiểm soát việc cho phép trẻ em xem phim (buộc các nhà làm phim trong quá trình thể hiện ý tưởng nghệ thuật và các quan điểm, thái độ của mình phải cân nhắc nên chọn thể loại phim và đối tượng người xem nào để bảo đảm tỷ suất người xem phù hợp với năng lực, trình độ làm phim và khả năng thương mại hóa sản phẩm điện ảnh). Còn khoanh vùng (zonning) là cơ chế cho phép một số loại phim chỉ được công chiếu trong những trường hợp nhất định thay vì cho công chiếu rộng rãi.

Tại Ấn Độ, các bộ phim chiếu rạp và phim truyền hình đều phải được kiểm duyệt bởi Ủy ban Chứng nhận Phim Trung ương (CBFC, cơ quan kiểm duyệt và phân loại trực thuộc Bộ Thông tin và Phát thanh của Chính phủ Ấn Độ). Các bộ phim có nội dung, hình ảnh xâm phạm đạo đức xã hội của Ấn Độ được cơ quan này yêu cầu chỉnh sửa, cắt bỏ, thậm chí là cấm trình chiếu. Tại Trung Quốc, các phim chiếu rạp, muốn phát hành ở thị trường điện ảnh nội địa, phải trải qua khâu kiểm duyệt rất khắt khe; nội dung bộ phim phải được 37 thành viên (quan chức, viện sĩ, biên tập tạp chí điện ảnh và đạo diễn) của Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua. Ở các nước như Úc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… việc kiểm duyệt phim do cơ quan Chính phủ đảm nhiệm. Ở Việt Nam hiện nay, phân loại phim đang được thực hiện theo hình thức “tiền kiểm”; trung bình mỗi năm Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện kiểm duyệt khoảng 300 phim nhập khẩu và gần 40 phim do Việt Nam sản xuất. Kể từ ngày 1-1-2023, khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sẽ kết hợp cả tiền kiểm và hậu kiểm đối với phim trên không gian mạng.

Một số biện pháp bảo hộ điện ảnh nội địa trên thế giới

Đồng thời với thực hiện pháp luật về điện ảnh, Hoa Kỳ áp dụng nhiều chính sách bảo hộ. Trong đó, chính sách ưu đãi điện ảnh bên cạnh các tác động về kinh tế và tài chính còn hỗ trợ, tác động đến cộng đồng và du lịch. Các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương được hưởng lợi, như dịch vụ cho thuê xe, lưu trú, ăn nghỉ cũng như các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho ngành Điện ảnh. Bên cạnh các tác động tức thì, các dự án phim còn có thể mang đến lợi ích lâu dài cho địa phương; các tác động kinh tế tích cực tiếp tục được ghi nhận tới rất nhiều năm sau. Cùng với các hoạt động làm phim, sự tăng trưởng về việc làm tại các địa phương nhờ có chính sách ưu đãi cũng có sự thay đổi rõ rệt.

Trong xây dựng và thực hiện pháp luật về điện ảnh của Pháp, việc áp dụng chính sách bảo hộ thể hiện qua chính sách điều tiết thị trường điện ảnh (dùng luật để điều tiết thị trường điện ảnh). Điều này được biết đến như nhà nước bắt buộc đầu tư sản xuất nội dung phim điện ảnh trình chiếu trên truyền hình; áp dụng hạn ngạch cho kênh truyền hình có nội dung dành cho những nước châu Âu và nói tiếng Pháp; sắp xếp hệ thống truyền thông; cấp giấy phép cho xây rạp chiếu để điều tiết và cân đối thị trường luôn song hành với kiểm duyệt và phân loại phim.

Để bảo hộ điện ảnh nội địa, Trung Quốc áp dụng chính sách về đầu tư nước ngoài vào nước này: đối với hoạt động sản xuất và phân phối phim, Trung Quốc hiện vẫn đang cấm hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này; theo đó nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư, tham gia vào hoạt động sản xuất và phân phối phim (nhưng không hạn chế việc tham gia đầu tư thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối phim). Chính sách về hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài vào Trung Quốc được chia thành 2 hình thức, hạn ngạch nhập khẩu trên cơ sở chia sẻ doanh thu và hạn ngạch nhập khẩu cố định.

Tương thích với quy định về đầu tư và hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài, Trung Quốc áp dụng nhiều chính sách bảo hộ mạnh mẽ cho điện ảnh trong nước phát triển: trong điều lệ quản lý điện ảnh Trung Quốc năm 2002 đã quy định rõ lượng thời gian chiếu phim quốc nội không được ít hơn 2/3 tổng lượng thời gian chiếu phim của rạp trong một năm. Từ năm 2004, Cục Điện ảnh Trung Quốc ra thông báo đồng loạt cho hệ thống các rạp phim, yêu cầu chấp hành chính sách hỗ trợ phim nội địa: vào các thời gian từ ngày 20-6 đến 10-7, từ 20-7 đến 10-8 hằng năm, không khuyến khích các rạp nhập chiếu phim nước ngoài. Từ năm 2004 đến nay, lịch chiếu phim tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm cho thấy các phim Bắc Mỹ được nhập về đều bị chiếu lùi lại một vài tháng để nhường rạp cho phim Trung Quốc, bất kể phim nước ngoài có sức hấp dẫn lớn về doanh thu. Cùng với việc thành lập quỹ ngân sách đặc biệt, Trung Quốc hỗ trợ các nhà làm phim trong nước khi sản xuất phim thuộc các đề tài trọng điểm (nông thôn, dân tộc thiểu số, đề tài thiếu nhi, hoạt hình…) trong suốt hàng năm trời. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất phim hoạt hình còn được hưởng các chính sách miễn thuế (trong đó có miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 1-3 năm cho các đơn vị mới vào nghề trong các lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và rạp phim), sử dụng nguồn vốn trái phiếu để hỗ trợ cải tạo lại cơ sở của các đơn vị sản xuất phim quốc doanh có quy mô lớn, lịch sử lâu đời và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Cũng nhằm bảo hộ điện ảnh nội địa, trên cơ sở xây dựng Ủy ban chấn hưng điện ảnh và thành lập quỹ đặc biệt chấn hưng điện ảnh, Chính phủ Hàn Quốc ban hành “Nghĩa vụ của hệ thống phát hành”, tức mỗi rạp chiếu phim phải chiếu 146 ngày/ năm phim trong nước sản xuất (hiện nay đã giảm xuống còn 73 ngày); đài truyền hình cũng phải bảo đảm chiếu 25% số bộ phim trong nước sản xuất. Nhằm áp dụng chính sách về cơ chế kiểm soát như một trong các giải pháp hữu hiệu để bảo hộ điện ảnh trong nước, Luật Điện ảnh Hàn Quốc quy định, trước khi công chiếu phim cũng phải thông báo cho Ủy ban chấn hưng điện ảnh biết nước được chiếu phim để tiện kiểm soát tỷ lệ chiếu những bộ phim của Hàn Quốc sản xuất. Để chính sách hỗ trợ điện ảnh của Chính phủ có hiệu quả, từ cuối thập niên 90, Hàn Quốc áp dụng chính sách hạn ngạch màn ảnh vừa góp phần ngăn chặn sự xâm lấn của phim ngoại vừa ưu tiên cho điện ảnh trong nước. Xác định mục tiêu chính là sản xuất phim phục vụ khán giả trong nước cũng là một cách để bảo hộ điện ảnh dân tộc. Việc nhiều nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn xác định thị trường chính là phục vụ khán giả trong nước góp phần khiến Hàn Quốc là một trong số vài quốc gia trên thế giới ít bị ảnh hưởng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với những bộ phim bom tấn Hollywood. Những biện pháp thiết thực nói trên đã tạo không gian sinh tồn cho sự sáng tạo sản xuất phim trong nước.

Từ năm 2005, Tập đoàn Phát triển phim quốc gia Malaysia (FINAS) đã áp dụng chính sách cưỡng chế chiếu phim nội địa, đảm bảo các phim do trong nước sản xuất đều có cơ hội vào rạp. Điều này đã khuyến khích tăng lượng sản xuất phim nội địa nhanh chóng. Đồng thời, những phim điện ảnh có chất lượng thực sự quá kém sẽ được chuyển sang video để bán vào các đài truyền hình trong và ngoài nước. Còn Indonesia tuy là nước có nền điện ảnh chưa mấy phát triển, sức tiêu thụ phim nhập khẩu còn thấp, tuy nhiên vẫn kiên trì trong việc nên hay không nên mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào hệ thống rạp phim. Cuối năm 2013, để ủng hộ các nhà làm phim trong nước, Ban Điều phối đầu tư của Indonesia đã quyết định hủy bỏ dự định mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát hành phim và rạp chiếu.

Ở khía cạnh khác, việc tạo môi trường chính sách công phát triển bền vững cũng là sự hỗ trợ phù hợp trong bảo hộ điện ảnh nội địa. Khác với các ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood, hầu hết các nước có nền công nghiệp phim thực hiện một chiến lược đầu tư khu vực công được hỗ trợ, như Úc, Brazil, Pháp, Đức, Singapore, Thụy Điển và Anh… cho thấy các phương pháp tiếp cận tổng thể để hỗ trợ chính sách công cho điện ảnh quốc gia; tùy tính chất hỗ trợ ở cấp quốc gia hay vùng miền. Ngoài ra, tại nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển, cũng cho thấy sự phù hợp với những tiêu chí nêu trên, nhất là ở những nước mà trợ cấp công cho sản xuất là một phần quan trọng của hoạt động sản xuất phim, khi các doanh nghiệp điện ảnh buộc phải chứng minh rằng họ có thể tiếp tục cung cấp phim cho thị trường nội địa trong một thời gian lâu dài, tức điện ảnh nội địa phải có sự phát triển bền vững. Do đó, sự hỗ trợ công mang lại nhiều kết quả hơn cho hệ thống mà các doanh nghiệp điện ảnh nội địa đang hoạt động, nhất là việc thể hiện trách nhiệm trong sản xuất phim của nhà làm phim đối với sự phát triển điện ảnh của đất nước mình.

Xây dựng thị trường trong nước lớn mạnh

Cùng với nhiều chính sách khác nhau, giải pháp mang tính chiến lược và căn cơ trong bảo hộ điện ảnh nội địa chính là việc xây dựng thị trường trong nước lớn mạnh và nâng cấp, nâng tầm chất lượng tác phẩm điện ảnh nội địa là một trong những điều kiện cần và đủ để vươn tầm quốc tế và tự bảo vệ chính mình. Để xây dựng được một thị trường nội địa lớn mạnh, cần phải có các quy định và chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, kích cầu, tạo điều kiện cho sự sáng tạo, sáng tác điện ảnh và xây dựng cơ chế thị trường đúng nghĩa của thị trường điện ảnh nội địa. Đồng thời, các chính sách bảo vệ là cần thiết cho đến khi các nhà làm phim và cơ sở điện ảnh trong nước lớn mạnh, nhất là các hoạt động sản xuất phim.

Đối với điện ảnh Việt Nam, việc xây dựng thị trường trong nước và hoạt động làm phim lớn mạnh cần được tiến hành đồng thời với chính sách bảo vệ điện ảnh nội địa, thay đổi cách nhận thức và quản lý trong lĩnh vực điện ảnh, thực thi hiệu quả chính sách ưu đãi sản xuất phim trong nước, tạo vị thế trên thị trường điện ảnh thế giới bằng bản sắc riêng của mình, giám sát chặt chẽ việc nhập phim và duy trì sự ổn định, phát triển bền vững của điện ảnh nội địa… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về điện ảnh hiện nay, Việt Nam cần có chính sách coi hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là lĩnh vực quan trọng để phát triển điện ảnh, từ đó có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đức Dương, Bảo hộ phim nội: các nước trong khu vực làm gì?, tuoitre.vn, 29-4-2017.

2. Nguyễn Thị Hường, Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời đại cách mạng 4.0 và mộtsố góp ý đối với Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 6 (454), 2022.

3. Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL về sửa đổi quy chế thẩm định cấp giấy phép phổ biến phim.

4. Vương Duy Biên, Cơ chế duyệt phim: Khi nào cần tiền kiểm, khi nào hậu kiểm?, thethaovanhoa.vn, 23-10-2021.

ĐẶNG TRẦN CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;