Bộ phim “Đình làng Bắc Bộ” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (đạo diễn, biên kịch trẻ Đào Đức Thanh) là một trong những bộ phim đề cập đến vẻ đẹp văn hóa lâu đời gắn với những ngôi đình của người dân Việt Nam. Phim sản xuất từ năm 2019 và được trình chiếu tại Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 12.
Với độ dài gần 40 phút, Đình làng Bắc Bộ đã đi sâu khắc họa vẻ đẹp của các ngôi đình vùng Bắc Bộ, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng. Ở đó, đình làng là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa của cư dân người Việt, là sợi dây gắn bó tạo mối quan hệ khăng khít trong cộng đồng làng xã; nơi nghệ thuật dân gian thăng hoa và tỏa sáng. Ở đó có hình ảnh của rồng, phượng, trò chơi dân dan, tình yêu đôi lứa, đời sống sinh hoạt, ước vọng bình yên của các bậc tiền nhân được thể hiện thông qua những nét chạm khắc tại ngôi đình.
Những mái đình làng Việt không chỉ biểu hiện về kiến trúc mà còn lưu dấu những câu chuyện lịch sử của các triều đại phong kiến…
Cảnh làm phim tại đình Trà Cổ
Cùng với những thước phim, người xem như được chứng kiến tình cảm, sự tôn kính của người dân gửi gắm vào ngôi đình, thông qua các khâu chọn đất, chọn hướng, cất nóc xây dựng ngôi đình; được đến với câu chuyện về ngôi đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và cột mốc Sa Vĩ - nằm hiên ngang ở địa đầu Tổ quốc, chịu sự tác động giao thoa của hai nền văn hóa. Đình Trà Cổ được xây dựng năm 1511, hướng ra biển, ngôi đình vẫn sừng sững hiên ngang dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử…; được chứng kiến những điêu khắc mang dấu ấn “lạ”, phong cách riêng của ngôi đình làng Diềm (xã Hòa Long, tỉnh Bắc Ninh). Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, thời kỳ diễn ra cuộc chiến phân tranh khốc liệt giữa hai thời đại phong kiến Trịnh – Nguyễn; được nghe câu chuyện của các cụ về quá trình gìn giữ Đình Thổ Hà (thôn Vân Hà, xã Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đình Thổ Hà được xây dựng năm 1685 thời kỳ hậu Lê, với những nét kiến trúc độc đáo: được xây dựng trên mảnh đất có hình thù lưng con cóc, trong đình có chạm khắc 2 con rồng trước cửa võng, nhưng mỗi con rồng được bố trí với những đặc điểm khác nhau… Đình còn là di sản văn hóa, thờ đức thánh, đức mẫu, các vị thần hoàng làng linh thiêng, gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân Thổ Hà; về câu chuyện đình Đình Bảng, ngôi đình cổ kính nhất đất Kinh Bắc (Từ Sơn, Bắc Ninh) được làm trong khoảng 36 năm, do dòng họ Nguyễn Thạc Ưng Công xây dựng… Bên cạnh đó, khán giả cũng được thưởng thức những làn điệu quan họ của các liền anh, liền chị; xem các trò chơi dân gian, lễ hội của người dân…
Cảnh trong phim "Đình làng Bắc Bộ"
Để có những tư liệu và hình ảnh đẹp trong Đình làng Bắc Bộ, những người làm phim đã ấp ủ ý tưởng, tìm kiếm tài liệu trong một khoảng thời gian khá dài. Không chỉ tìm hiểu thực tế tại địa phương, đạo diễn, biên kịch Đào Đức Thanh còn tham gia các nhóm chuyên nghiên cứu về đình làng Việt trên mạng xã hội, các kênh truyền thông để thu thập thông tin và dữ liệu. Bộ phim Đình làng Bắc Bộ được triển khai thực hiện đúng vào đợt dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên, nên đoàn làm phim cũng đã gặp khá nhiều khó khăn trở ngại. Kịch bản được lên đề cương bắt đầu từ năm 2018 và nằm trong kế hoạch sản xuất phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương năm 2019. Thế nhưng phần lớn phim quay vào năm 2020. Như vậy, chúng tôi chỉ có hơn một năm cho việc hoàn thành kịch bản và hơn một năm cho việc quay và hoàn thành phim” - đạo diễn, biên kịch Đào Đức Thanh chia sẻ.
Những nét chạm khắc trong đình - phim "Đình làng Bắc Bộ"
Đạo diễn, biên kịch Đào Đức Thanh cho biết: Đề tài về văn hóa truyền thống của dân tộc có rất nhiều khía cạnh để các nhà làm phim có thể khai thác, chỉ với một góc độ, vấn đề cũng có thể đẩy lên thành phim. Ví như: kiến trúc đình làng, đời sống sinh hoạt xã hội quanh ngôi đình, hay ở ngay trong một ngôi đình đã có đủ những yếu tố đặc trưng… Với đề tài này có sự rộng lớn về cả không gian và thời gian, chính vì lẽ đó người làm cần có sự cô đọng, tập trung mang đến cho người xem cái nhìn tổng thể. Ở mỗi ngôi đình, tôi cố gắng khai thác khác nhau, tránh sự lặp lại. Như đình Đồng Kỵ, tôi tập trung khai thác vấn đề sinh hoạt lớn của người dân tại đình và lễ hội; Đình Diềm là chính người trông coi nói về đình của làng mình cho các thế hệ, trong đó có học sinh đến thăm; Đình Đình Bảng là sự chăm sóc gìn giữ ngôi đình của các cụ trong làng; Đình Thổ Hà với sự nhìn nhận, tiếp nối gìn giữ của các thế hệ kế cận… Với cách khai thác đó, trong phim, các ngôi đình được đặt độc lập để có được những nét riêng, không bị lẫn. Sau cùng bao trùm xuyên suốt bộ phim vẫn là những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Đạo diễn, biên kịch Đào Đức Thanh (áo vàng) và êkíp thực hiện bộ phim
Song song với gốc đa, bến nước, sân đình, thì hình ảnh người dân, lễ hội cũng được đề cập với thời lượng khá nhiều trong phim. Vì lễ hội thường diễn ra trong thời gian vài ngày và có nhiều nội dung, nên những người làm phim vẫn phải quay tất cả, nhưng khi đưa lên phim thì phải chắt lọc những nội dung chính nhất. Nói về các cảnh quay lễ hội trong phim, đạo diễn Đào Đức Thanh chia sẻ, “Mỗi lễ hội diễn ra ở mỗi ngôi đình đều có phong tục khác nhau, nên đòi hỏi người làm cần tìm hiểu kỹ càng trước khi lễ hội diễn ra để không bỏ sót phần nào. Trong quá trình quay lễ hội, êkíp đã tăng cường tới 4 quay phim phục ở các điểm khác nhau, và chúng tôi cũng phải bàn tính quay flycam ở đoạn nào để lấy góc cao… bởi vì tính chất lễ hội diễn ra một lần, không lặp lại và cũng không can thiệp hay làm lại được”.
Cảnh lễ hội trong phim "Đình làng Bắc Bộ"
Dưới bàn tay của êkíp làm phim, đặc biệt là đạo diễn, biên kịch Đào Đức Thanh, hình ảnh những ngôi đình, cùng với nếp sinh hoạt truyền thống của người dân vùng Bắc bộ Việt Nam đã được khắc họa một cách rõ nét và chân thực. Những nét đẹp đó là kết tinh tuyệt vời trong mỗi làng quê, góp phần tiêu biểu vào dòng chảy văn hóa, tạo nên những bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Bài: NGỌC BÍCH - Ảnh: NVCC