Với mục tiêu xây dựng hoạt động của Câu lạc bộ Giám đốc Trung tâm Văn hóa các tỉnh khu vực Bắc miền Trung ngày càng phát triển vững mạnh, ngày 3/6/2023, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An, Câu lạc bộ Giám đốc Trung tâm Văn hóa các tỉnh Bắc miền Trung đã tổ chức Hội nghị giao ban Nghiệp vụ năm 2023 để đánh giá tình hình hoạt động của các đơn vị trong khu vực, nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức hoạt động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong khu vực Bắc miền Trung ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Đổi mới, sáng tạo trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở
Văn hóa cơ sở là một hoạt động mang tính “xương sống” của ngành Văn hóa, trong đó, các Trung tâm Văn hóa (TTVH) cấp tỉnh đóng vai trò hết sức quan, trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở phát triển rộng khắp trong cả nước. Đánh giá của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tại Hội nghị đã khẳng định: Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh các tỉnh trong khu vực Bắc miền Trung đã nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Với mục tiêu quan trọng đó, Câu lạc bộ Giám đốc TTVH các tỉnh Bắc miền Trung đã luôn nỗ lực, đoàn kết, xây dựng hệ thống ngày càng vững mạnh, các đơn vị thành viên đã chủ động tham gia và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, cổ động triển lãm với quy mô lớn, chất lượng ngày càng được nâng cao, môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh.
Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, các TTVH đã triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, cổ động, triển lãm, phục vụ các nhiệm vụ chính trị trong năm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thường xuyên đổi mới. Góp phần cổ động chính trị, tạo không khí vui tươi, tiếp tục đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội. Thành công lớn nhất mà các TTVH trong khu vực nhận được chính là người dân đã đề cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư. Nhân dân luôn coi trọng các giá trị văn hóa cộng đồng, văn hóa dân gian, truyền thống cách mạng. Các liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, các lễ hội, hoạt động chiếu phim lưu động, câu lạc bộ và nhiều chương trình nghệ thuật không chuyên được tổ chức đã thu hút một lượng lớn các diễn viên, cộng tác viên, đây chính là những hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Từ những hoạt động này, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở các cấp đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là nơi giúp đỡ các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn, tổ chức hoạt động văn hóa cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn các tỉnh và cơ sở ngày càng phát triển toàn diện và vững mạnh, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn và phát huy thông qua các hoạt động của các đơn vị triển khai ở cơ sở, các phong trào xây dựng con người mới với các chuẩn mực cụ thể được triển khai phù hợp với từng ngành, từng địa phương.
Diễn đàn trao đổi, chia sẽ và phối hợp tổ chức hoạt động
Hội nghị giao ban nghiệp vụ là hoạt động thường niên trong Kế hoạch công tác của Cục Văn hóa Cơ sở. Đây là cơ hội để Trung tâm Văn hóa các tỉnh trong khu vực giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền tại địa phương, qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành VHTTDL.
Tại Hội nghị, các TTVH đã chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa chú trọng triển khai hiệu quả các đề án, dự án về phát triển du lịch cộng đồng, phối hợp với các huyện, thị xã và thành phố mở các lớp tập huấn về bảo tồn, truyền dạy và phát huy nghệ thuật truyền thống; lớp phục dựng trò chơi, trò diễn dân gian; lễ hội truyền thống. Nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa cơ sở thuộc Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030 trên toàn địa bàn tỉnh. Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An tham mưu cho Sở VHTT trình HĐND ban hành nhiều chính sách, Nghị quyết về hoạt động văn hóa cơ sở, đăc biệt là cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các mô hình văn hóa cơ sở (20 triệu đồng/1 mô hình), chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, các Câu lạc bộ… Đặc biệt thường xuyên tháo gỡ các chính sách thông qua tổ chức Hội nghị đối thoại Lãnh đạo các TTVHTT các huyện, thị xã và thành phố với các phòng, Ban liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình quản lý, sử dụng, tổ chức hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa tại cơ sở, qua đó đưa hoạt động văn hóa cơ sở hoạt động rộng khắp, nối dài từ trung ương tới tận cơ sở. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh của công tác tuyên truyền cổ động trực quan, hoạt động chiếu phim lưu động nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị tiếp tục làm tốt công tác sưu tầm, sáng tác, bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường phối hợp, ký kết với Công an tỉnh, Trung tâm Người có công … về hoạt động chiếu phim lưu động. Lần đầu tiên, đơn vị tổ chức Hội nghị về công tác chiếu phim lưu động, đối thoại với các ban, ngành, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác chiếu phim, đặc biệt là các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng khó khăn của tỉnh. Đến nay, hoạt động chiếu phim đã đạt được kết quả như kỳ vọng với 540 chiếu trong năm với 4 đội hoạt động liên tục, chất lượng được nâng cao, được đồng bào đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình.
Bên cạnh đó, các thành viên trong Câu lạc bộ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, vướng mắc của mỗi đơn vị cũng như trong toàn khu vực đó chính là sự hạn chế trong công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các thành viên; một số đơn vị đến nay vẫn chưa có trụ sở hoạt động, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không được cấp kinh phí sửa chữa do cơ chế quản lý của từng địa phương. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mặc dù đã có nhiều cố gắng, song vì điều kiện, nguồn lực hạn chế, một số đơn vị gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động do không được bố trí nguồn kinh phí, vì vậy, nhiều hoạt động về cơ sở hiệu quả còn hạn chế. Đồng thời, các đơn vị kiến nghị với Cục VHCS những khó khăn, không còn phù hợp của Thông tư 46 về chế đội bồi dưỡng của Đội TTLĐ quá thấp so với giá cả thị trường hiện nay, dẫn đến khó khăn cho việc xây dựng chương trình tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nên có quy định mới phù hợp hơn; cùng với đó là những khó khăn trong công tác quản lý tài sản công cần có cơ chế thống nhất để các đơn vị thực hiện…
Những kết quả đạt được trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở thời gian qua ở các địa phương trong khu vực là tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, Câu lạc bộ Giám đốc các Trung tâm Văn hóa Bắc miền Trung có cách nhìn chiến lược hơn nữa, góp phần làm cho phong trào ở từng địa phương thật sự được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ, để văn hóa ở cơ sở là máu thịt, là mạch nguồn trong đời sống tinh thần, nhằm đáp ứng đời sống văn hóa cộng đồng và bảo lưu giá trị đến muôn đời sau.
HẰNG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023