Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng

Trong đời sống hằng ngày, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; cổ vũ, động viên mọi người hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Huyện Thọ Xuân hiện có tới 285 Câu lạc bộ, tổ, đội văn hóa, văn nghệ quần chúng. Để duy trì hoạt động thường xuyên, các câu lạc bộ, đội văn nghệ đã xây dựng tiêu chí sinh hoạt một cách bài bản, với nội dung biểu diễn phong phú, đa dạng, đa phần hướng về các thể loại văn nghệ dân tộc. Trong đó có một số câu lạc bộ tiêu biểu như: Câu lạc bộ hát Xường, Câu lạc bộ múa Pồn Pôông - Cồng chiêng (xã Xuân Phú); Câu lạc bộ thơ nhạc Xuân Trường - kết nối mọi miền (xã Xuân Trường); Câu lạc bộ âm nhạc Xuân Hồng kết nối bốn phương (xã Xuân Hồng)...

Là một trong những xã đi đầu trong phong trào Văn hóa văn nghệ quần chúng của huyện Thọ Xuân, xã Xuân Phú hiện có 4 câu lạc bộ và 12 tổ, đội văn hóa, văn nghệ. Các thành viên tham gia các câu lạc bộ có độ tuổi khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đam mê văn hóa văn nghệ và mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Trải qua 6 năm thành lập, Câu lạc bộ múa Pồn Pôông - Cồng chiêng thôn Ba Ngọc ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tham gia, hiện câu lạc bộ có tới 32 thành viên. Từ khi thành lập, ngoài việc biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ cho thôn, xã, huyện nhân dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, Câu lạc bộ múa Pồn Pôông - Cồng chiêng thôn Ba Ngọc còn tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp. Từ câu lạc bộ, nhiều hạt nhân văn nghệ trẻ đã được bồi dưỡng, truyền nghề, trở thành thế hệ tiếp nối, “giữ lửa” cho phong trào nghệ thuật quần chúng.

Nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật trong các chương trình văn nghệ quần chúng do các câu lạc bộ, đội văn nghệ biểu diễn, trong những năm qua, huyện Thọ Xuân thường xuyên mở lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của các câu lạc bộ, đội văn nghệ. Đồng thời bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mua sắm trang thiết bị cho các Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện được đầu tư, xây dựng cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VHTTDL. Cụ thể, 30/30 xã, thị trấn có Nhà văn hóa đạt chuẩn (đạt 100%); 30/30 xã, thị trấn có khu thể thao; 272/274 thôn, khu phố có Nhà văn hóa (đạt 99,3%). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa văn nghệ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của nhân dân.

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các Nghệ nhân Dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Chưa hết, để duy trì, phát triển các câu lạc bộ, Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ hoặc đại diện các tổ, đội nhóm đã có những định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương.

Có thể nói, dù còn khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện vẫn phát triển mạnh. Để phong trào phát triển bền vững, hằng năm, các hoạt động Văn hóa văn nghệ quần chúng được các địa phương trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức gắn với với các nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn của dân tộc. Đặc biệt là vào dịp Tết, nhiều hoạt động Văn hóa văn nghệ được tổ chức, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo ra các hoạt động vui chơi văn hóa lành mạnh trong nhân dân. Tiêu biểu các địa phương có hoạt động văn nghệ phát triển mạnh như: các xã Xuân Phú; Xuân Trường, Xuân Lập, Xuân Hồng, Xuân Phú… Các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên tại các Nhà văn hóa thôn, phố. Các đội, câu lạc bộ văn nghệ cũng rất năng động, sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa để duy trì hoạt động, để phong trào văn nghệ quần chúng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở. Vai trò của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định, người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.

Để phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tiếp tục lan tỏa sâu rộng tại các khu dân cư, thời gian tới, huyện Thọ Xuân tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình các CLB, đội văn nghệ; thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng để nâng cao hơn nữa chất lượng những chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Lễ rước ngày hội

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;