Trong 2 ngày 17 và 18 tháng 4 năm 2023, Chương trình giao lưu nghệ thuật cải lương năm 2023 đã được Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh tổ chức diễn ra tại Rạp hát Thầy Năm Tú. Hai đêm biểu diễn, 5 đơn vị tham gia, 9 tiết mục với gần 200 diễn viên tham gia biểu diễn đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả mộ điệu.
Ông Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng hoa cho các đơn vị
Cách đây 105 năm, nghệ thuật sân khấu Cải lương đã ra đời tại Rạp hát Thầy Năm Tú ( Mỹ Tho). Thầy Năm Tú là rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam. Vở cải lương đầu tiên được biểu diễn tại rạp là vở "Kim Vân Kiều" của soạn giả Trương Duy Toản, được công diễn vào đêm 15/3/1918, đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật Cải lương. Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Cải lương đã và đang khẳng định mình với nhiều tác phẩm bất hủ, nhiều thế hệ nghệ sĩ danh tiếng được công chúng đón nhận.
Kỷ niệm 105 năm ngày vở cải lương đầu tiên ra đời tại rạp hát Thầy Năm Tú (15/3/1918 - 15/3/2023), Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh được Sở VHTTDL giao tổ chức giao lưu nghệ thuật Cải lương với các đơn vị nghệ thuật trong khu vực. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng tại rạp hát - nơi đã khai sinh ra nghệ thuật sân khấu Cải lương và hy vọng sẽ thắp lên những ngọn lửa mới cho Cải lương tại Tiền Giang và cả khu vực. Ông Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều đại biểu và khán giả mộ điệu Cải lương đã đến dự xem và ủng hộ cho 2 đêm giao lưu.
Hai đêm biểu diễn tuy ngắn nhưng đã nối dài đam mê cho những nghệ sĩ và tiếp thêm động lực để các văn nghệ sĩ không ngừng phấn đấu vì nghệ thuật Cải lương – một loại hình nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Hai đêm giao lưu diễn ra trong không khí khá sôi động với sự tham gia trình diễn các tiết mục đã được các đơn vị chuẩn bị công phu, mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc.
Trung tâm văn hoá – Nghệ thuật Tiền Giang mang đến chương trình trích đoạn “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy”. Trích đoạn đã ca ngợi tấm gương nghĩa khí của anh hùng dân tộc Trương Định. Vì nhân dân, ông đã chấp nhận “trái Chúa thuận lòng dân” để sát cánh cùng nhân dân Gò Công trong cuộc lãnh đạo nhân dân đấu tranh kháng Pháp. Diễn xuất của NSƯT Đào Vũ Thanh và NSƯT Nhơn Hậu cùng tập thể nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh đã được khán giả đón nhận bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Trích đoạn “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ” của Đoàn Cải lương Long An cũng để lại khá nhiều ấn tượng với người xem, chạm vào ký ức của nhiều người về một loại hình nghệ thuật đã từng giữ vị trí độc tôn trong lòng khán giả. Trích đoạn “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ” với ca diễn, cảnh trí, đạo cụ, phục trang,… đã gợi nhớ trong tiềm thức của nhiều người về một thời vàng son của sân khấu Cải lương.
Vở diễn “Đối diện người xưa” – Đoàn Cải lương Bến Tre
Vở diễn “Đối diện người xưa” của Đoàn Cải lương tỉnh Bến Tre đã mang đến chương trình giao lưu những ấn tượng rất riêng về hình tượng nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Một tấm gương sáng ngời, nhân cách đã được hình tượng hóa trên sân khấu cải lương với sự tham gia biểu diễn của tập thể Đoàn Cải lương Bến Tre. Thông qua trích đoạn, giúp người xem hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Hình tượng ấy càng sống động, có tính biểu tượng khi cách đây không lâu Nguyễn Đình Chiểu đã được UNESCO ghi danh là danh nhân văn hóa nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1/7/1822 – 1/7/2022).
Nhà hát Cải lương Tây Đô đến với chương trình giao lưu trích đoạn “Cánh buồm ngược gió” đã phơi bày những “trắng – đen” trong triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ. Cho dù nơi cung vàng điện ngọc thì cái tốt và cái xấu vẫn song song tồn tại và rất cần được giải quyết một cách có hậu, hợp tình lý. Trước những thực tế đó, Thái hậu Từ Dũ bằng cái tâm của một bậc mẫu nghi đã đứng ra phân tích trắng đen giúp Vua Tự Đức (Võ Vũ Linh đóng) nhận ra đâu là cái đúng cần được bảo vệ và đâu là cái sai phải bị loại trừ. Trích đoạn khép lại bằng một cái kết có hậu và để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc và sự kính trọng với Thái hậu Từ Dũ.
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu đối với nghệ thuât Cải lương khi mang đến chương trình hai tiết mục rất đặc sắc, nhiều ấn tượng. Cả hai tiết mục “độc diễn” với sự thể hiện của 2 Nghệ sĩ Ưu tú được nhiều người cho là “siêu đỉnh” trong chương trình: Trích đoạn “Đêm hội Long Trì” - biểu diễn NSƯT Thu Vân và tiết mục thể nghiệm “Nhật thực” - biểu diễn NSƯT Lê Trung Thảo. Hai nghệ sĩ với kinh nghiệm sân khấu và kỹ năng biểu diễn vượt trội, đã thu hút sự chú ý của đại đa số khán giả trong khán phòng và rất nhiều lời trầm trồ thán phục. Nhiều khán giả khi chia tay với chương trình vẫn thể hiện sự luyến tiếc và mong muốn những đêm diễn được kéo dài thêm…
THANH DANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023