Tro tàn rực rỡ là bộ phim mới đầy ấn tượng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, từng tham gia LHP Tokyo 2022, từng đoạt giải cao nhất Montgolfière d’Or tại LHP Ba châu lục cuối tháng 11 năm 2022 diễn ra tại Nantes, Pháp.
Một người ca tụng nỗi buồn, một người thấu cảm nỗi buồn
Bộ phim Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, 2022) dựa trên hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về trong tập truyện Đảo của Nguyễn Ngọc Tư, xuất bản năm 2014. Mặc dù bộ phim hầu như trung thành với cốt truyện nhưng người xem vẫn nhận ra những thay đổi mà ở đó độc giả/ khán giả sẽ thấy đặc trưng phong cách khác nhau.
Truyện Nguyễn Ngọc Tư đặc quánh một nỗi đơn độc, mỗi người là một thế giới riêng biệt như “đảo” vậy, không thể chạm tới, cô độc, u sầu. Cùng với đó là giọng văn sắc lạnh, dửng dưng, tàn nhẫn, tiết chế cảm xúc. Trong truyện của chị, người đàn ông cục cằn, độc đoán, gia trưởng, ích kỉ, vô tâm từ trong bản tính: “Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm” (Tro tàn rực rỡ). Các nhân vật trong truyện cũng bế tắc, dang dở, không tìm thấy hạnh phúc.
Trong phim của Bùi Thạc Chuyên sự tàn nhẫn của người đàn ông có nguyên cớ: Dương chẳng qua vì mối tình si với Nhàn không thể dứt bỏ; Tam vì sang chấn tâm lí sau biến cố mất con, tâm hồn không lành lại được. Phim đọng lại những ấm áp của tình cảm cha con dịu dàng khó thấy trên trang văn của Nguyễn Ngọc Tư. Ba người phụ nữ với ba cách chọn lựa: một người từ bỏ (Nhàn), một người chờ đợi (Loan), một người hành động (Hậu). Dù âm hưởng bi quan chủ đạo, vẫn phảng phất chút hi vọng nhỏ nhoi khi nhân vật dám bước ra khỏi không gian tù đọng của xóm Thơm Rơm kiếm tìm hạnh phúc. Hơn nữa, phim mang chút nồng ấm của sự thấu hiểu: Hậu và Nhàn trở thành những người bạn chân thành; Loan ghé vào Nhàn nói nhỏ về hạnh phúc vừa nhen lên. Ba người phụ nữ cùng dựng lại căn nhà cho vợ chồng Nhàn - Tam, bản năng của phụ nữ “đàn bà xây tổ ấm”. Sự đồng cảm mà các nhân vật dành cho nhau đều xuất phát từ niềm khát yêu, khát vọng sống. Nữ tính dịu dàng, nhẫn nại, tái sinh như nước vậy.
Bùi Thạc Chuyên đã đưa chất văn xuôi buồn, lạnh, tiết chế của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh bằng những khung hình đầy tính thị giác: ngôi chùa vắng trong cơn mưa tầm tã, cái chòi canh nhỏ nhoi giữa biển khơi vô tận, những chiếc thuyền máy lênh đênh trên sóng, những chiếc ghe nhỏ luồn lách qua đám kênh rạch chằng chịt dưới những tán cây u uẩn, những chiếc cầu đủ mọi kiểu cách bắt ngang qua những dòng kinh, ngọn lửa sáng rực giữa xóm dừa… trên nên âm nhạc khi thì réo rắt đầy kịch tính, khi thì êm đềm, da diết. Miền Tây sông nước do vậy hiện lên đúng vị của nó, mênh mang, tẻ nhạt, u sầu.
Tro tàn rực rỡ đã khắc họa những nhân vật chấn thương loay hoay kiếm tìm hạnh phúc từ những tàn tro. Phim là vẻ đẹp cất lên từ nỗi buồn của muôn kiếp nhân sinh.
Tam giác tình yêu
Đề tài “tình yêu tay ba” thật cũ mòn nhưng lại cũng thật vĩnh cửu. Bộ ba của phim: Hậu - Dương - Nhàn; sư thầy - Loan - Khang với những mắc míu của các nhân vật trải qua đủ sắc thái đau khổ, ngậm ngùi, tiếc nuối, day dứt.
Người đàn ông như Lửa. Người phụ nữ như Nước. Sự đối lập trong cặp biểu tượng của nước/ lửa là tương phản của nam/ nữ; yêu/ hận; hành động/ cam chịu; thiêu đốt/ mềm mại; hủy diệt/ tái sinh… Ngọn lửa biểu trưng cho khao khát: là niềm khát sống của Loan; như khát yêu thương, hòa hợp của Hậu và mong muốn thấu hiểu, chia sẻ của Nhàn. Vẻ đẹp của lửa là vẻ đẹp của sự hủy diệt, lửa huy hoàng nhưng vụt tắt nhanh, đốt cháy mọi khát vọng kiếm tìm hạnh phúc. Nhàn xinh đẹp, tháo vát, chịu thương chịu khó những tưởng hạnh phúc mãi mãi bên người chồng hiền lành nhưng sau khi con qua đời, sau năm lần chồng đốt nhà, sang chấn tâm lí của chồng đã làm cô cạn kiệt sức lực. Nhàn xuôi theo nỗi đau không kháng cự nữa. Rực rỡ chỉ còn lại tàn tro.
Nam tính độc hại như ngọn lửa cô độc. Người đàn ông khi đau thường trút niềm đau đó lên người khác. Anh ta chỉ bận tâm đến nỗi đau của anh ta. Mãi mãi không dám đối diện với khổ đau, Tam trốn tránh thực tại bằng cách tự làm đau bằng ngọn lửa, làm đau cả người vợ còn đau hơn cả chồng. Cô độc nên trốn chạy. Dương không thể thoát ra ra khỏi tình yêu thuở học trò, theo nghề đóng đáy làng khơi, dựng chòi cách xa đất liền hàng chục km. Anh bỏ ra biển, sống đơn độc trên chiếc chòi chơi vơi ngoài khơi, không dám đối diện với ánh mắt của vợ cũng không đoái thương người phụ nữ yêu mình. Khang trở về quê, sám hối bằng kinh kệ, xuống tóc đi tu để gột rửa tội lỗi gây ra với cô bé mười hai tuổi nhưng biết Loan có tình cảm với mình anh đã trốn chạy. Ngay cả sư thầy, không dám từ bỏ chiếc áo tu hành vì người đàn bà điên. Cái chạm tay rất vội rồi rụt lại phơi bày nội tâm nhân vật. Trong thoáng chốc, dáng nằm tội nghiệp của người phụ nữ điên loạn và đau khổ khiến sư thầy bộc bạch ra tấm tình của mình. Nói với Khang mà thực ra nói với chính mình: “Người ta té sông, ông đọc kinh sám hối thì tự dưng người ta nổi lên sao? Phải lấy tay mình kéo họ lên kìa, ông ơi”. Ôi, nhưng sư thầy chỉ lí thuyết với người khác thôi. Sư thầy không làm được. “Thầy tu không nên nết” thực ra là tự giễu nhại bản thân, tự thấy mình vẫn còn vướng bụi trần, mắc kẹt giữa đạo và đời.
Buồn như một đặc quyền của người phụ nữ
Tông màu phim xám lạnh bao bọc bởi nước: từ hệ thống kênh rạch đục ngàu đến biển xám mênh mông và những cơn mưa như trút trên mái chùa cô độc. Trang phục của các nhân vật có màu sắc lạnh: trắng nhờ, xám nhạt, lem luốc mủ chuối, than đen, sình lầy. Không gian của bộ phim đầy tính nữ. Trong làng chỉ có những người phụ nữ chờ đợi. Họ như con chim trong lồng, tự cầm tù trong tâm trí, tự trói buộc đời mình trong những đau khổ với những người đàn ông, vui buồn lệ thuộc vào chồng, mất đi tiếng nói riêng, suốt đời cam chịu. Ngay cả con của các cặp vợ chồng trẻ cũng đều là nữ, những bé gái đợi cha về chơi cùng như nối dài số phận của mẹ. Trong không gian đó, người phụ nữ xốc vác hết công việc gia đình: nuôi con, quán xuyến việc nhà, mưu sinh và làm những việc nặng tưởng chỉ dành cho đàn ông: bửa củi, xây cất nhà cửa… Sống trong thế giới thiếu vắng hình bóng đàn ông, người phụ nữ tự bươn chải rồi nương tựa và cảm thông cho nhau: mẹ chồng lái xuồng đưa con dâu đi sinh nở, từ tình địch Hậu trở thành bạn của Nhàn, cô tự gỡ từng tấm tôn, mảnh ván nhà mình cho Nhàn cất lại nhà. Là mẹ, cô hiểu được nỗi đau của người mẹ mất con, là người yêu đơn phương cô hiểu nỗi khổ tâm của người phụ nữ theo đuổi tình yêu của chồng.
Người phụ nữ dám buồn đến tận cùng sâu thẳm nỗi niềm của mình, dám nhìn vào tình yêu của mình, chiêm nghiệm nỗi đau đó bằng nỗi buồn trong suốt, trong veo và thấu cảm. Biết chồng yêu Nhàn nhưng vẫn kể cho anh nghe câu chuyện về Nhàn, kể để tự thương và để được chồng lắng nghe tiếng nói của mình, vì đó cũng là điểm chung duy nhất của hai người. Câu chuyện được kể lại bằng giọng đều đều mỏi mệt xen cả hờn giận. Giọng của Juliet Bảo Ngọc Doling như sắp khóc, diễn tả được nội tâm trĩu nặng của nhân vật. Tình yêu đơn phương thuần khiết bị chối bỏ. Sống bên cạnh mà không được chồng ngoái lại, nỗi ấm ức lúc nào cũng như chực trào ra nhưng cô không khóc. Khi buồn quá Hậu lăn ùm xuống mương thả trôi nỗi bất hạnh theo dòng nước. Lúc sắp sinh trong cơn đau gọi điện thoại mà chồng không nghe máy cô cũng chỉ cắn răng lại. Không diễn tả tâm trạng bằng nước mắt, nỗi đau lặn mất vào trong, trĩu nặng, u uất.
Trong không gian cũ kĩ, mục nát, nghèo khổ, lam lũ… của vùng Thổ Sầu, Tro tàn rực rỡ đã khắc họa những nhân vật chấn thương loay hoay kiếm tìm hạnh phúc từ những tàn tro. Phim là vẻ đẹp cất lên từ nỗi buồn của muôn kiếp nhân sinh.
TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023