"Trái tim người Hà Nội" có gì mới?

Là một tiểu thuyết viết về chiến tranh với góc nhìn cá nhân, Nỗi buồn chiến tranh (tên cũ là Thân phận tình yêu) đã gây ấn tượng mạnh với nhiều độc giả trong và ngoài nước. Lần đầu tiên, những nhân vật của tiểu thuyết bước lên sàn kịch với tên gọi Trái tim người Hà Nội.

 

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Sự tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi chiến tranh, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê sợ, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người. Thông qua dòng hồi ức đan xen của người lính trở về từ cuộc chiến, qua nhân vật Kiên, cuộc sống trong thời chiến và hòa bình, chiến trường và hậu phương hiện lên rõ nét, đầy ám ảnh về thân phận con người. Tiểu thuyết cũng đặt dấu mốc quan trọng, mở ra một lối viết khác, cách nhìn khác về chiến tranh.

Với tiểu thuyết mang nhiều cách tân từ lối viết đến cách khai thác, đề cập tới đề tài chiến tranh đã quá quen thuộc, nhiều cuộc đối thoại, độc thoại của nhân vật đã bước từ tiểu thuyết lên sàn diễn. Những câu hỏi như: Chiến tranh, hòa bình, vào đại học hay đi bộ đội nó khác nhau nhiều đến thế hay sao? Thế nào là một cuộc đời tốt, một cuộc đời xấu? hay Tình nguyện vào bộ đội ở tuổi 17 sẽ cao thượng hơn là vào đại học ở tuổi 17 ư? đã được các diễn viên thổi hồn vào nhân vật để cùng sống lại không khí và suy nghĩ, lý tưởng của một lớp thanh niên Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ qua vở diễn Trái tim người Hà Nội.

Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ra 15 thứ tiếng, 18 phiên bản (mỗi thứ tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung có hai phiên bản), tiếng Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ba Tư, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thái Lan. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, Giải thưởng Simhun tại Hàn Quốc năm 2016 và giải thưởng Văn học châu Á.

Vở kịch nói Trái tim người Hà Nội, tác giả Phùng Nguyễn, đạo diễn và âm nhạc: NSƯT Tiến Minh, họa sĩ NSND Doãn Bằng, biên đạo múa NSƯT Thanh Nam, phục trang Tuyết Lê - Thu Hà, chỉ đạo nghệ thuật: NSND, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội Nguyễn Trung Hiếu.

Vở diễn đã đưa khán giả quay ngược lại không gian, thời gian, ngược lại những năm tháng chiến tranh, để gặp lại những người lính trẻ, để biết họ đã sống, đã yêu, đã lựa chọn đường đi cho dù đúng, dù sai thì đó vẫn là một hành trình không thể thay đổi trong cuộc đời của họ.

Những đối thoại về chiến tranh - thời cuộc, sự sống - cái chết, tình yêu - lý tưởng... của đôi tình nhân Phương - Kiên - từ khi ở tuổi 17 cho đến lúc bước vào tuổi xế chiều - trong vở kịch Trái tim người Hà Nội được Nhà hát Kịch Hà Nội công diễn tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2022 đã thực sự đưa tiểu thuyết đến với khán giả cả cũ lẫn mới theo một hình thức mới.

Với những con người bước ra từ tiểu thuyết, họ vẫn động được đến trái tim khán giả qua các cuộc đối thoại được mở ra trong một không gian sân khấu màu xám với tạo hình xô lệch, cũ nát, ngả nghiêng của những bậc thang, những ô cửa. Bộ bàn ghế hay cột đèn, loa phường, đàn guitar, thậm chí là khăn rằn, ba lô... tất cả mang lại cho người xem hình dung về một Hà Nội thời chiến và một truông Gọi hồn nơi tuyến lửa. Không gian ấy càng thêm phần trĩu nặng, u ám khi có những tảng đá treo lơ lửng. Nhưng, bay bổng trên tất cả là khúc nhạc của những lý tưởng, ước mơ, tình yêu luôn bừng cháy trong bao trái tim trẻ tuổi của Hà Nội trong những năm tháng đánh Mỹ...

Họ chính là những con người “bước ra” từ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, với những gương mặt thân quen như Kiên, Phương, Can - người lính đào ngũ, Hòa - cô giao liên, Sơn - người lính lái xe…

Có thể thấy, tác giả chuyển thể Phùng Nguyễn đã khéo chắt lọc những lời thoại, chi tiết, câu chuyện quan trọng trong tiểu thuyết để kết nối thành một kịch bản khắc họa khá rõ nét tâm hồn người Hà Nội trong chiến tranh và sau chiến tranh, có cao thượng và hèn nhát, có can trường và buông xuôi, có sáng trong và lầm lỡ…

Từ nền tảng ấy, ở vở diễn Trái tim người Hà Nội, người lính trinh sát tên Kiên không chỉ xót xa, đau đớn đến bế tắc, cùng quẫn khi đối thoại với đồng đội. Những câu thoại như: “Ở nơi đây có còn là con người hay không?” hay với chính bản thân mình: “Trái tim tôi có thể thoát khỏi gọng kìm siết chặt của những nỗi buồn chiến tranh?” mà còn có cuộc đối thoại xoay theo hướng khác khi trở về với đời thường. Đó là cuộc đối thoại nảy lửa của anh với Phương và đám bạn không nhập ngũ năm nào.

Riêng với Phương, vở kịch đã đem đến không ít bất ngờ khi tác giả “bẻ lái” cuộc đối thoại. Khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi vừa mới tưởng chừng nhấn chìm Kiên trong nỗi đau đớn, giày vò không lối thoát nhưng ngay sau đó chính Phương đã mở ra cả một bầu trời tình yêu trong sáng, không toan tính.

Và, đó cũng là cuộc đối thoại cuối cùng từ trái tim đến trái tim của những người con Hà Nội: cháy bỏng yêu, cháy bỏng sống, khát khao cống hiến hay mở lòng bao dung...

 

Được chuyển thể từ tiểu thuyết mang nhiều tính tự sự, suy ngẫm, chiêm nghiệm nên gam màu chính của vở kịch luôn trầm lắng, tạo chiều sâu trong dòng đối thoại, triết luận vốn làm nên tiếng vang cho cuốn tiểu thuyết. Điểm mạnh của loại hình là giúp cụ thể hóa những hình tượng trong tiểu thuyết và đưa lên sàn diễn. Những hình ảnh lãng mạn được hiện thực hóa qua khá nhiều chi tiết như cảnh đôi tình nhân đạp xích lô trên phố ra ga Văn Điển, là đôi ba tiếng cười nhẹ nhàng từ ông đạp xích lô, bác tuần đường và cả tiếng cười có phần chua chát từ những dị tật bởi chiến tranh đem lại.

Trái tim người Hà Nội không có nhiều thử nghiệm về kịch bản, diễn xuất, dàn dựng, âm thanh, ánh sáng hay thiết kế… Có thể nói sức chinh phục nằm ở một kịch bản văn học có chiều sâu, giàu sức gợi cũng như lối diễn xuất chân thực của các diễn viên Thùy Dương, Chí Nhân, Mạnh Hưng, Hướng Dương, Hồng Liên...

Đặc biệt, hóa thân vào vai Kiên - một nhân vật có một đời sống cảm xúc phong phú, liên tục đấu tranh giữa lý tưởng và hiện thực đầy phức tạp, Tiến Lộc đã có những giây phút xuất thần lột tả chiều sâu nội tâm nhân vật qua những cử chỉ, biểu cảm tinh tế, kéo được khán giả cùng đồng cảm, sẻ chia...

Sau buổi diễn, tác giả của cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh đã chia sẻ: “Tôi rất vui được NSND Trung Hiếu mời dự buổi công diễn đầu tiên của Trái tim người Hà Nội. Là tác giả của cuốn tiểu thuyết mà các nghệ sĩ đã cảm tác từ nó, tôi nhận thấy được những khác biệt giữa vở kịch và cuốn tiểu thuyết song tôi tán thành những khác biệt ấy. Bởi còn gì vô nghĩa, vô ích và chán hơn là thấy ở trên sân khấu sự lặp lại, diễn lại y nguyên hoặc gần như y nguyên một tác phẩm văn học”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lại ấn tượng về một chi tiết trong vở kịch: “Những câu thơ Em ơi! Hà Nội phố của Phan Vũ và những bài hát soạn cho vở diễn vang lên trên sân khấu vừa như khúc chuyển đoạn vừa như khơi gợi cảm xúc cho người xem” .

 

HÀ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023

;