Hội họa và sắp đặt là hai mảng quan trọng trong số rất nhiều thể loại nghệ thuật mà Trần Trọng Vũ thực hành trong khoảng 30 năm sáng tác. Triển lãm “Chuyện Của Vũ” gồm 17 tác phẩm hội họa và sắp đặt được sáng tác trong hai năm trở lại đây và 8 tác phẩm hội họa được sáng tác từ những năm 1998. Triển lãm có số lượng tác phẩm không lớn nhưng các tác phẩm chứa đựng đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình trong thời kỳ nghệ thuật quan trọng của tác giả.
Trần Trọng Vũ sinh năm 1964 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Đại Học Mỹ thuật Việt Nam, năm 1987 và Đại học Mỹ thuật Quốc gia Paris, Pháp năm 1992. Anh đã từng là giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và giảng viên được mời giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Reims (Pháp). Có thể chia các giai đoạn sáng tác của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ cho tới nay làm ba. Giai đoạn đầu hay còn gọi là thời kỳ sớm là từ khi anh bắt đầu sáng tác đến khoảng trước năm 1997 (trước sự kiện bố anh - nhà thơ Trần Dần mất). Giai đoạn thứ 2 tiếp đó trải dài hơn 20 năm cho tới các tác phẩm sáng tác trong triển lãm này. Và giai đoạn tiếp theo đã được bắt đầu từ một số tác phẩm mới mà anh giới thiệu trong tọa đàm vừa qua tại Hanoi Studio 23 Mạc Đĩnh Chi - Hà Nội.
Giai đoạn thứ hai là một thời kỳ quan trọng trong nghệ thuật của Trần Trọng Vũ phản ánh rất nhiều suy nghĩ, ký ức cá nhân về con người và xã hội của quá khứ và đương thời. Dù vậy, những tác phẩm của Trần Trọng Vũ không bị nặng nề trong thể hiện có lẽ bởi anh lựa chọn cách biểu đạt hài hước, châm biếm bằng những ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại.
Trần Trọng Vũ, Buổi chiều có thật, sơn dầu trên vải, 2022
Kitsch và mauvais gout
Kitsch và mauvais gout đều không phải là hai thuật ngữ đương đại nhưng nó có lịch sử khá thú vị và dễ hiểu để liên hệ với các tác phẩm ngày nay có chủ ý sử dụng. Một cách đơn giản nhất thì Kitsch được xem là nghệ thuật mang những đặc điểm ngây thơ, sặc sỡ hoặc tình cảm. Có khi chỉ sự mỉa mai của giới phê bình nghệ thuật với nghệ sĩ, có khi là sự chủ động sử dụng để giễu nhại của nghệ sĩ về các vấn đề xã hội. Jean Baudrillard - một nhà xã hội học, triết gia người Pháp đã từng nhận xét về cách thức của kitsch là nó “lấy cảm hứng và chất liệu từ văn hoá đại chúng bao gồm cả “cái đã qua, cái mới, cái ngoại lai, yếu tố dân gian huyễn tưởng, tương lai... và từ sự dư thừa lộn xộn của các vật “làm sẵn””.
Ở thời điểm ra đời của thuật ngữ Kitsch ở Munich vào nửa sau thế kỷ 19, với từ gốc tiếng Đức là “kitschen” có nghĩa là thu gom đồ phế thải ngoài đường, bán lại những vật cũ hay chợ trời - nơi bán những vật tái chế với thẩm mỹ và kiểu loại mauvais goût (gu tồi). Những tác phẩm của Egon Schiele, Klimt trước đây bị cho là những họa sĩ mauvais goût. Nhưng cho đến tác phẩm L.H.O.O.Q của Duchamp, yếu tố kitsch đã được dùng một cách chủ động, đại diện cho nghệ thuật kitsch theo phong cách châm biếm, giễu nhại. Trong nghệ thuật đương đại, kitsch và mauvais goût đã trở thành công cụ biểu đạt để nghệ sĩ nói lên ý đồ của tác phẩm.
Trần Trọng Vũ, Chân Trời Chéo, sơn dầu trên vải, 2022
Tương tự như vậy, không khó để nhận ra yếu tố kitsch có trong các tác phẩm và phong cách sáng tác của tác giả Trần Trọng Vũ. Những năm tháng ấy là tên tác phẩm sắp đặt gồm 60 tấm nylon có kích thước 270x100 cm. Lấy cảm hứng với chất liệu nylon, Trần Trọng Vũ đã từng có nhiều sáng tác kết hợp giữa hội họa, sắp đặt, ánh sáng và sự tương tác của công chúng. Thường thì sắp đặt của anh sẽ tạo thành một không gian tự do không có cửa, không có bắt đầu và kết thúc. Ai cũng có thể ra vào từ bất cứ điểm nào, sờ chạm và tương tác cùng những tấm màn hội họa đó. Anh nói có thể coi đó là một “sân khấu”. Những tấm nylon không phải là một vật liệu đỡ phổ biến trong nghệ thuật. Nó là một sản phẩm của xã hội tiêu dùng. Và những hình hoa vẽ trên tác phẩm của nghệ sĩ cũng thể hiện sự tươi đẹp, ngây thơ, với màu sắc sặc sỡ. Như vậy, chất liệu, hình ảnh và màu sắc một cách bao quát nhất đã được kết hợp để toát lên một không gian thơ mộng theo thẩm mỹ đại chúng.
Trần Trọng Vũ không ngần ngại đặt những mảng nền màu nguyên, cơ bản, đơn sắc như đỏ, xanh, vàng cho nền tranh và nhân vật. Nhân vật của Trần Trọng Vũ được xây dựng theo lối đồ họa và tranh cổ động với dáng người, hành động cứng nhắc, khuôn mặt vô hồn, ngây ngô, đường nét được tô đậm, tất nhiên anh sử dụng thêm thủ pháp cường điệu trong xây dựng nhân vật. Anh chia sẻ rằng đã từng có nhiều năm thời sinh viên đi về làng quê để vẽ tranh cổ động như một nghề “kiếm cơm”. Lúc đó anh không bao giờ nghĩ rằng mình có thể áp dụng được những thứ này vào hội họa. Những đường nét màu sắc đó đã ám ảnh thị giác nghệ sĩ. Nhưng, phản tư là cách thức đặc trưng của Trần Trọng Vũ trong hành trình thực hành nghệ thuật. Bởi vậy, cho đến thời kỳ thứ hai, anh đã dùng chính những thứ anh từng cho là không thể để xây dựng một phong cách mới. Đó trở thành công cụ đắc lực để nghệ sĩ biểu đạt được ý đồ nghệ thuật cho dù anh đã từng coi đó là những thứ “phi nghệ thuật, phản nghệ thuật”.
Trần Trọng Vũ, Cuộc đời có phẳng lặng, sơn dầu trên vải, 2022
Ngôn ngữ, ký hiệu, tự động và sự bất quy tắc
Sự phát triển của ngôn ngữ và ký hiệu học trong các tác phẩm nghệ thuật là một cách thức được sử dụng phổ biến trong nghệ thuật Hậu hiện đại và Đương đại. Các bức tranh của Trần Trọng Vũ có rất nhiều ý nghĩa được biểu đạt bởi chúng chứa đựng nhiều ký hiệu - cái biểu đạt.
Thế nhưng, người xem hoặc người viết chỉ có thể phần nào hiểu được một lớp nghĩa rất phổ biến từ những ký hiệu ấy mà không thể hiểu trọn vẹn cái cảm giác và bối cảnh của cái được biểu đạt thực sự như tác giả. Ví dụ, trong các bức tranh của Trần Trọng Vũ, những đường chân trời phân cắt, chiếc vali, tuýp màu vẽ, lỗ thủng, cái thước đo, con số, bông hoa, hình ảnh vải dằn di, đèn rọi, bóng, sợi dây, những khuôn mặt cười, người mặc âu phục đeo cà vạt đều là ký hiệu xuất hiện có thể lặp lại trong các tác phẩm. Đó chỉ mới là danh mục tên gọi của những ký hiệu. Hay có thể giải thích nhiều hơn, nghĩa được biểu đạt của cái vali là sự ra đi, chân trời là ước mơ, mục đích con người muốn vươn tới, cái kéo đại diện cho sự chia cắt, bông hoa tượng trưng cho thứ tươi đẹp, cái thước đo đại diện cho chân lý… và bắt nối vào hoàn cảnh của tác giả, ta còn có thể hiểu sâu hơn ý nghĩa những ký hiệu đó. Mặc dù vậy, chúng ta không thể hiểu được những cảm xúc liên kết với sự kiện hoàn cảnh của cái được biểu đạt với ký hiệu đó trong quá khứ của tác giả và ngay lúc nó thể hiện trên tác phẩm. Nói vậy để thấy, thể loại tác phẩm sử dụng nhiều ký hiệu học là một hình thức phức tạp trong nghệ thuật.
Trần Trọng Vũ, Khuôn mặt, sơn dầu trên vải, 2022
Thêm vào đó, các tác phẩm hội họa của Trần Trọng Vũ thường xuyên sử dụng ngôn ngữ. Theo như tác giả, khi anh bắt đầu sử dụng tất cả những hình thức của một bức tranh cổ động, cho ngôn từ vào tác phẩm hội họa, là khi anh cảm thấy ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống không đủ để biểu đạt được những ý anh muốn truyền tải cho tác phẩm. Trần Trọng Vũ thêm vào các bức tranh chữ và số. Có những câu được sắp xếp theo lối ngữ pháp thông thường, có cụm từ, có những câu tu từ và đảo trật tự hoặc dùng những từ ngữ, con chữ “lạ”. Sự đảo trật tự, đảo cấu trúc và tái cấu trúc ngôn ngữ trong tranh Trần Trọng Vũ có thể được xem như một hình thức giải cấu trúc liên quan đến khuynh hướng nghệ thuật Hậu hiện đại.
Thêm vào đó, bố cục và không gian trong tranh đều thể hiện tính chất bất quy tắc không tuân theo những quy luật của hội họa hàn lâm. Đặc điểm này diễn ra xuyên suốt từ thời kỳ sớm của tác giả cho tới các tác phẩm trong triển lãm này. Rời rạc và cô lập là đặc điểm của các đối tượng trong tranh. Không gian rộng và trống rỗng, các nhân vật, đồ vật trong tác phẩm nhỏ bé tách biệt như những hòn đảo lơ lửng. Chính anh đã chia sẻ, điều này có liên quan đến những cảm xúc và hoàn cảnh cá nhân, gia đình cùng với môi trường sống tách biệt sau này của tác giả ở nước ngoài.
Trần Trọng Vũ, Hai chân trời, sơn dầu trên vải, 2022
Cuối cùng là đặc điểm “tự động” trong nhiều sáng tác của Trần Trọng Vũ. Tự động và ngẫu hứng là một hình thức mà các nghệ sĩ phương Tây trong trào lưu dada đầu thế kỷ 20 đã thực hành. Nó bao gồm những hình thức làm thơ tự động tại chỗ (từ ngữ tự đến trong đầu óc và phát ngôn ra ngay tức thì lúc đó thành một bài thơ cho dù có nghĩa hay vô nghĩa), sử dụng vô thức hay sự mất tự chủ về ý thức để sáng tác tranh, viết chữ, sử dụng sự ngẫu nhiên, vật làm sẵn để tạo nên tác phẩm nghệ thuật… Hình thức tự động của chủ nghĩa dada xuất nguồn từ tư tưởng phủ định cái cũ, cái chân lý trong hoàn cảnh xã hội rối ren trước chiến tranh ở Tây Âu. Trong một số bức tranh của Trần Trọng Vũ, những hình ảnh tự đến lần lượt. Hình ảnh này được vẽ ra tại một vị trí xác định, rồi hình ảnh tiếp theo đến, một cách tự nhiên anh tạo nên một bức tranh mà ý nghĩa của nó có đâu đó trong vô thức. Hay có bức tranh chứa đầy con chữ, có lúc nó có nghĩa, có lúc vô nghĩa. Anh đặt bút tại một điểm và cứ thế con chữ tiếp nối kín mặt toan (theo tác giả chia sẻ).
Như vậy, có thể thấy, các tác phẩm hội họa và sắp đặt của Trần Trọng Vũ giới thiệu trong triển lãm lần này mang rất nhiều đặc điểm của nghệ thuật Hậu Hiện đại và Đương đại. Hình thức của các tác phẩm không mấy phức tạp nhưng chúng chứa đựng những ký hiệu biểu đạt một cách mạnh mẽ để cho ra cái được biểu đạt là một thế giới phức tạp, ẩn chứa những cái phi lý và các giá trị khả nghi. Sự thành công ở các tác phẩm của Trần Trọng Vũ có lẽ ở việc thể hiện những ý nghĩa trên bằng ngôn ngữ nghệ thuật đơn giản cùng những yếu tố kitsch để đem đến những hình ảnh thị giác vừa ám ảnh kỳ lạ vừa hài hước châm biếm.
Trần Trọng Vũ, Những năm tháng ấy. Sắp đặt. 2022
HUYỀN T. TRẦN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023