Trên con đường nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ đều muốn ghi lại dấu ấn bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, riêng có được thể hiện đậm nhạt khác nhau trong mỗi tác phẩm. Nhân dịp đầu xuân, cùng xem lại loạt phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh từ phim điện ảnh đến phim truyền hình để cùng thổn thức, đắm chìm trong khát vọng sống, khát vọng yêu của các nữ nhân vật.
Áp phích phim Hãy tha thứ cho em
Có thể gọi Lưu Trọng Ninh là người ưu ái nữ giới khi phần lớn các nhân vật nam trong phim của Lưu Trọng Ninh không nhàn nhạt cũng thiếu sức sống, sức chiến đấu thì hàng loạt nhân vật nữ lại được khắc họa đậm nét. Ngay từ bộ phim Canh bạc khi chàng lái xe, lão chủ quán dường như đều chỉ là tuyến nhân vật phụ để cho Mai (cô sinh viên mộng mơ) và bà chủ quán thể hiện khát vọng khám phá cuộc sống, khám phá thế giới hay muốn thay đổi, muốn khẳng định mình, phá vỡ những rào cản, trật tự mà định kiến, xã hội từng áp đặt lên họ.
Những bộ phim tiếp theo như Hãy tha thứ cho em các nhân vật nữ của Lưu Trọng Ninh cũng tràn đầy sức sống, sự đấu tranh với những đè nén, định kiến mà xã hội, dư luận áp đặt cho họ. Ở một số nhân vật nữ, có thể những phá cách, mục đích của họ chưa hẳn là đúng do tầm nhìn hẹn hẹp, do sự nông nổi của tuổi trẻ như Mai trong Hãy tha thứ cho em nhưng trên tất cả đó vẫn là những người dám sống, dám yêu và dám trả giá.
Ngay cả bộ phim về chiến tranh với tượng đài là 10 cô gái Đồng Lộc thì tính nữ, sự thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu cũng rất rõ nét. 10 cô gái thanh niên xung phong với tuổi đời phơi phới vừa sống, lao động, chiến đấu vừa khao khát sống, khao khát yêu. Ngoài những giờ trực chiến căng thẳng các cô vẫn vui đùa, tập xe đạp, viết thư, yêu thương khiến cuộc sống tuy ngắn ngủi nhưng ăm ắp niềm vui, nụ cười và đôi khi là cả những giọt nước mắt. Từng ấy cung bậc yêu thương, hờn giận đã khiến cuộc sống ngắn ngủi của các cô cũng được hưởng trọn vẹn dư âm cũng như mùi vị thi vị của cuộc sống.
Sang đến bộ đôi phim điện ảnh - phim truyền hình đều chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng thì khát vọng sống, khát vọng yêu đã được nâng lên một bậc. Ở phiên bản điện ảnh sự nổi loại của Nhân, bà Hơn hay Hạnh đều giành được sự trân trọng và ngưỡng mộ từ khán giả. Nếu đem so với Vạn - anh bộ đội phục viên không dám sống cho mình hay Nghĩa - anh cán bộ trung đoàn nhưng vẫn bị sức ép phải có con nối dõi từ gia đình, nội tộc thì bộ ba nhân vật nữ là Hơn, Nhân, Hạnh đều có sức sống, sự đấu tranh mãnh liệt hơn cho quyền được sống, được yêu của chính bản thân họ.
Phim Dốc tình
Sang đến bản phim truyền hình với tên gọi mới là Thương nhớ ở ai thì do thời lượng dài các nhân vật nữ được trau chuốt hơn tạo nên một tập hợp của những người phụ nữ dám phá bỏ lề thói, định kiến hẹp hòi bao đời để tự tin giành lấy hạnh phúc cho mình. Đã có hẳn một thế hệ đi trước được khắc họa bằng những bóng đàn bà ngồi vật vờ bên bến sông chờ đợi những người đàn ông của đời mình hay chờ đợi thời gian còn lại của cuộc đời cứ chầm chậm trôi hết ngày này qua ngày khác. Một lớp phụ nữ mới hơn như bà Nhân hay Hơn đã tiến hơn một bước khi chủ động hơn trong mối quan hệ với đàn ông khi dám bày tỏ tình cảm, ước muốn của mình mà không còn giấu kỹ trong lòng như thế hệ bà hay mẹ của họ. Một lớp phụ nữ mới trẻ trung hơn như Hạnh, như Liễu và đặc biệt là Thị Mầu - cô gái chỉ xuất hiện trong vài tập phim…. người thì dám chống lại tất cả để đến với người mà mình yêu thương. Người lại mặc cho xã hội, dư luận đàm tiếu để quyết có con hay tự chuốc lấy tiếng gái hư để những chàng trai quê có được chút hương vị cuộc sống trước khi lên đường vào chiến trận. Ở phiên bản truyền hình, do thời lượng dài, đạo diễn còn thêm cả vài nhân vật nữ không có trong tiểu thuyết như Nương hay Thị Mầu để khắc họa thêm những khát vọng sống, khát vọng yêu của các nhân vật nữ. Dù đúng, dù sai thì các cô gái, những phụ nữ trong phim của Lưu Trọng Ninh cũng luôn mạnh mẽ, táo bạo và chủ động với cuộc đời mình khi dám đứng lên chống lại định kiến, chống lại áp đặt để giành lấy hạnh phúc, giành lấy thứ mà họ mong muốn.
Phim Thương nhớ ở ai
Không chỉ thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu đậm đặc trong các bộ phim điện ảnh, trong nhiều phim truyền hình của Lưu Trọng Ninh như Dốc Tình, Hoa cỏ may hay mới đây là Cát đỏ … yếu tố này cũng khá đậm đặc.
Phim Hoa cỏ may
Các bộ phim của Lưu Trọng Ninh đã khắc họa, xây dựng thành công những biểu tượng, sự mạnh mẽ, rắn rỏi và đầy khát vọng của những người phụ nữ. Càng bị đè nén, càng bị gông cùm, định kiến họ càng kiên định, dũng cảm để vượt lên.
Hàng loạt phụ nừ từ Nhớ, Đủ, Nhàn, Út… trong Cát đỏ đều có một khởi đầu không suôn sẻ. Người vì yêu đơn phương mà hận. Người bị cha dượng hãm hại. Người chót thương người đàn ông tốt bụng nhưng gàn dở khi mãi neo mình vào một lời thề với người vợ đã mất. Người mặc cảm về cái nghèo, cái khổ mà chưa dám nghĩ chuyện yêu thương…
Từng ấy con người quần tụ nơi xóm cát để rồi mỗi người tự xây lên một câu chuyện cho riêng mình. Nhớ - cô gái yêu mùi nước mắm mặn mòi và mong muốn được theo nghề truyền thống có đến ba người đàn ông hết mực yêu thương khiến cô cứ chới với từ cực này sang cực khác mà ở mối tình nào cũng đều đậm sâu và ngang trái. Đủ - một phụ nữ đơn giản và tốt bụng mãi không thể khiến người đàn ông của mình bước qua được lời nguyền để có được một hạnh phúc trọn vẹn. Nhàn - cô gái trẻ từng bị tổn thương mãi không thể hiểu đâu là tình yêu, đâu là cảm giác cần có một người để thương bên cạnh... Từng ấy cung bậc lúc cao trào khi lặng lẽ đã làm nên sức hút của bộ phim cũng như sức hút của những nhân vật nữ trong Cát đỏ.
Phim Cát đỏ
Đặc biệt, Lưu Trọng Ninh rất hay dùng kết mở cho các bộ phim anh làm. Dường như cuộc đấu tranh của những người phụ nữ trong phim của Lưu Trọng Ninh không bao giờ dừng lại. Tình yêu chỉ là một cột mốc trong hành trình họ đi, sống, đấu tranh và khẳng định mình. Vượt qua nỗi khao khát về tình yêu và hạnh phúc trong mỗi người phụ nữ còn là mong muốn được khẳng định, được thành công dù đích đến của mỗi người dài, ngắn to, nhỏ khác nhau. Hồng (hoang) trong Cát đỏ - người đàn bà nghèo khổ và thất học dùng trói buộc để giam cầm, giữ chặt tình yêu mà mình tìm được để rồi người đàn ông của bà phải tìm tới cái chết vì ngột ngạt, vì tù túng. Ở tột cùng bất hạnh người phụ nữ nghèo khổ đã chọn cái chết để tình yêu của họ vượt qua dè bỉu, chê bai, đàm tiếu trở thành một biểu tượng đẹp của tình yêu nơi vùng quê nghèo. Nhớ - cô gái mạnh mẽ khép lại những cuộc tình khắc cốt ghi tâm để mở lòng với một người mới dù chưa biết tương lai ra sao nhưng nó đã khiến trái tim cô xao động và muốn khám phá.
Từ những vai phụ, yếu thế hơn trong một xã hội, văn hóa trọng tính nam, có thể nói các bộ phim của Lưu Trọng Ninh đã khắc họa, xây dựng thành công những biểu tượng, sự mạnh mẽ, rắn rỏi và đầy khát vọng của những người phụ nữ. Càng bị đè nén, càng bị gông cùm, định kiến họ càng kiên định, dũng cảm để vượt lên. Trong tương quan đó, dường như những người đàn ông trong phim của Lưu Trọng Ninh bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Họ - những người được ưu ái, cầm trịch dần trở nên thụ động, buông xuôi, đầu hàng trước hoàn cảnh. Vạn - anh bộ đội phục viên trong Bến không chồng (phim điện ảnh) và Thương nhớ ở ai (phim truyền hình) cả đời không dám bước qua lề thói, định kiến xã hội để được sống đúng là mình, vì hạnh phúc của chính mình. Những người đàn ông trong Cát đỏ như Hai Ngò - chủ xưởng nước mắm, Nguồn - chàng cao bồi chăn cừu hay Quang - chàng nhạc sĩ lãng tử cứ tưởng mình là người chủ động, người nắm giữ và tạo dựng hạnh phúc nhưng không phải. Lần lượt những người phụ nữ như Nhớ hay Nhan đều rời bỏ họ trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và sự tự chủ, mục đích sống trong cuộc đời họ. Không khẳng định sự đúng sai trong cách lựa chọn, xây dựng và khắc họa đậm nét những khát vọng sống, khát vọng yêu của những người phụ nữ trong phim của Lưu Trọng Ninh. Đây chỉ có thể xem là một sự lựa chọn, một phong cách nghệ thuật mà Lưu Trọng Ninh muốn xây dựng, khắc họa qua các bộ phim của mình. Nó góp phần tạo nên dấu ấn, phong cách của riêng Lưu Trọng Ninh trong phim ảnh.
Thị Mầu là nhân vật được đạo diễn thêm vào phim
BẢO KHÁNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023