Trang trại hoa hồng dưới chân đèo Prenn

Khoảng ba năm nay, những người yêu hoa và khách du lịch thập phương mỗi khi đến Đà Lạt đều tìm đến chiêm ngưỡng trang trại hoa hồng của ông chủ 8X - Phạm Văn Trọng nằm dưới chân đèo Prenn - cửa ngõ thành phố hoa Đà Lạt.

Xứ lạnh níu chân người

Để có một cơ ngơi tiền tỷ hôm nay, chàng nông dân 37 tuổi “đất Bắc” đã trải qua những năm tháng rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố để thực hiện niềm đam mê với loài hoa quý phái được mệnh danh “sứ giả của tình yêu” - hoa hồng.

Văn Trọng chia sẻ: “Hồi còn bé, tôi đã yêu hoa, đặc biệt hoa hồng, cũng vì sự quyến rũ của loài hoa này mà tôi đã lang thang khắp nơi để tìm kiếm địa chỉ xây dựng một trang trại chuyên trồng hoa hồng của riêng mình”. Trọng cho biết thêm, khi còn ở quê (tỉnh Nam Định), những năm học phổ thông, anh có một người bạn cũng rất yêu hoa hồng, người bạn này đã sưu tập được một số giống hoa hồng ngoại trồng trong vườn. “Lần đầu đến chơi, tôi bị “hớp hồn” bởi vẻ đẹp kiêu sa, quý phái của nó. Từ đó, niềm khao khát được sở hữu một vườn hoa hồng cho riêng mình cứ thôi thúc tôi…”.

Khi tốt nghiệp THPT - thay vì vào ĐH, hay cao đẳng như bạn bè đồng lứa, Trọng lặng lẽ “rẽ ngang” làm… nông dân. Chàng nông dân trẻ đã đi tìm hiểu và thấy các địa phương trong vùng rất ít người trồng hoa, nhất là hoa hồng (người dân quê chủ yếu trồng rau, màu, cây trái để kiếm sống).  Trọng xin tiền của gia đình, vay thêm người thân đầu tư xây dựng một khu vườn nhỏ và bắt đầu trồng hoa hồng các loại, những tưởng sẽ khởi nghiệp ngay chính trên quê hương mình.

Song, ở một miền quê như Nam Định điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không mấy phù hợp để sản xuất hoa và bản thân ông chủ trẻ này chưa có kiến thức, kinh nghiệm về trồng, chăm sóc hoa… nên liên tục thất bại.

Tuổi trẻ khi đã dám nghĩ, dám làm thì đâu dễ buông xuôi. Chàng nông dân trẻ đã rời quê vào các tỉnh, thành phố phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu…) và neo lại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Văn Trọng thuê đất, tạo dựng một khu vườn nhỏ để trồng bonsai, cây cảnh và hoa hồng. Chính những năm sống trên đất Sài thành, giao du với giới chơi  bonsai, cây cảnh và trồng hoa, chàng trai đất Bắc đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, tích lũy thêm kiến thức, kỹ thuật về trồng, chăm sóc các loại hoa, đặc biệt hoa hồng ngoại nhập và hoa hồng cổ của Việt Nam.

Tuy nhiên, đất chật, người đông, mọi khoản chi tiêu đắt đỏ, nhất là khí hậu Sài Gòn nóng, ngột ngạt… Thêm một lần nữa, Trọng lại khăn gói ra đi. Và rồi, miền đất lạnh Cao nguyên đã níu chân chàng nông dân trẻ đất Bắc.

Phạm Văn Trọng bên vườn hoa hồng của mình - Ảnh: T.D.H

Điểm đến văn hóa

Sau khi đi thăm, khảo sát nhiều nơi trên địa bàn TP Đà Lạt, Văn Trọng thấy đất nông nghiệp ở Đà Lạt có giá khá cao, kinh phí đầu tư cho một trang trại khá lớn, trong khi ở Đức Trọng đất đai màu mỡ, giá vừa phải, đặc biệt khí hậu cũng ôn hòa… Giữa năm 2018, chàng nông dân trẻ quyết định “lập bản doanh” tại thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) - sát chân đèo Prenn để khởi nghiệp.

Gần một năm đầu tư thiết kế xây dựng, chọn và ươm trồng các giống hoa, đến nay, trang trại của Phạm Văn Trọng (có diện tích hơn 1 ha) đã trồng và trưng bày trên 30.000 chậu hoa hồng ngoại nhập và hàng trăm giống hoa hồng nội địa, nhất là các giống hoa hồng cổ của Việt Nam, tổng giá trị tài sản hàng lên đến chục tỷ đồng.

Ông chủ trẻ vừa đưa khách tham quan cơ ngơi, vừa vui vẻ cho biết, hiện tại trong vườn có khoảng 100 loài hoa hồng của các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức...), Nhật Bản, Thái Lan được anh nhân giống thành công và hơn 100 gốc hoa hồng cổ của Việt Nam (như hồng cổ Sapa, hồng Bạch cổ hay Bạch xếp Nam Định, hồng Tường vi, hồng Đào cổ Đà Lạt…), có cây cao vài chục mét, tuổi thọ từ 20 - 50 năm, rất quý hiếm.

Lúc mới khởi nghiệp, để chắc ăn, Văn Trọng mua vài chục gốc hoa hồng ngoại về trồng thử nghiệm trong vườn để theo dõi đặc tính sinh trưởng của cây và cũng để thăm dò nhu cầu thị trường. Khi thấy nhiều người chơi hoa tìm mua, anh đã nghiên cứu và nhân giống cây con (từ những gốc cây mua về trước đó), trồng cây con giống trong chậu để bán cho khách. Trọng giải thích, tùy từng loài, có loài nhân giống và trồng khoảng 2 tháng là bán được, có loài phải mất 5 - 6 tháng; mặt khác, Trọng nhân giống luân phiên để tháng nào cũng có cây con bán. Cứ 6 tháng, vườn hoa hồng này xuất bán từ 5 - 6.000 chậu cây giống, giá từ 100 - 150.000 đồng/chậu.

Trong vườn hiện có khoảng hơn 2 vạn chậu với đầy đủ chủng loại. Có những cây tuổi đời 60-70 năm, thân cao 4-5m

Ngoài thu nhập cao và ổn định từ bán cây giống hoa hồng ngoại, ông chủ trẻ còn thu nhập đáng kể từ việc bán các cây hoa hồng cổ nội địa. Trọng cho biết, nếu nói về màu sắc, hương thơm thì các loài hoa hồng ngoại đa dạng, bắt mắt hơn nhưng về tính độc đáo, sự quý hiếm - đặc biệt, đối với dân chơi hoa sành điệu thì hoa hồng cổ nội địa có giá gấp nhiều lần. Loài hồng cổ này đang được các đại gia “lùng” sưu tầm nên có giá rất cao. Một gốc hồng cổ Sa Pa, hay hồng cổ Đà Lạt giá hơn trăm triệu đồng. Ví như cây hồng cổ Bạch Điều vừa được Trọng bán với giá trên 150 triệu đồng.

Sở hữu một không gian hoa với hàng trăm loại hồng nhập ngoại lạ mắt, quý phái và đa sắc (cam, vàng, trắng, tím, nhung, hồng phấn…) hương thơm quyến rũ cùng các giống hồng cổ nội địa quý hiếm, những năm gần đây, trang trại hoa hồng của Văn Trọng dưới chân đèo Prenn Đà Lạt trở thành “điểm đến văn hóa” của khách du lịch và những người yêu hoa.

Ông chủ trẻ cho biết, hơn 1 năm trước (khi dịch COVID -19 chưa bùng phát), mỗi ngày, nhất là vào các dịp lễ, Tết, ba tháng hè, hàng chục đoàn khách du lịch khắp nơi mỗi khi đến Đà Lạt đều ghé tham quan, chiêm ngưỡng vườn hoa hồng này. Nhiều khách yêu hoa, đặc biệt không ít đại gia đã mua các chậu hoa giống nhập ngoại và đặt hàng mua những loài hoa hồng cổ. Nhiều khi, ông chủ và người làm không đáp ứng xuể.

Niềm đam mê hoa và khát vọng đi tìm “miền đất lành chim đậu” để thực hiện ước mơ lập nghiệp đã đưa chàng trai đất Bắc ngược xuôi… Và rồi, “Thành phố ngàn hoa” đã níu chân Phạm Văn Trọng.

Mỗi ngày, khu vườn tỏa hương thơm nồng nàn của hàng trăm loài hoa đẹp, quý phái với muôn vàn sắc màu lấp lánh dưới sắc nắng cao nguyên. Những đoàn khách tham quan, những người yêu thích sự tao nhã đã tìm đến. Cuộc sống sung túc, thi vị của chàng nông dân trẻ lung linh những sắc màu mới.

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

 

;