Thực trạng bảo tồn và phát huy lễ hội Báo Bản ở làng Nộn Khê (Ninh Bình)

Làng Nộn Khê có tên Nôm là làng Nuốn, thuộc xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Làng Nộn Khê cách thành phố Ninh Bình khoảng 25km về phía Tây Nam, cách huyện Yên Mô (thị trấn Ngò) 5km về hướng Đông Nam, theo đường 59B. Một trong những tục lệ lâu đời của người dân làng Nộn Khê là lễ hội Báo Bản. Theo lệ cũ, lễ hội Báo Bản được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm. Với dân làng Nộn Khê, lễ Báo Bản là một lễ trọng, một lệ trọng. Do đó, lễ hội có sức ảnh hưởng, tác động lớn đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Đây là lễ hội gắn liền với hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt ở vùng đồng bằng ven biển khi xưa: thờ thủy thần (Thủy tề đệ tam đại vương), thờ nhân thần (Phổ thiên Đông Hải đại vương Nguyễn Phục, Thái phi Long Hoa Thụy Quế công chúa), thờ các vị tiền hiền có công lập làng (cụ Bùi Công Mẫn và thủy tổ của 7 dòng họ Đinh, Nguyễn, Lê, Phạm, Cao, Trần, Mai), thờ 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 125 liệt sĩ.

1. Các hoạt động bảo tồn và phát huy lễ hội Báo Bản của người dân làng Nộn Khê

Trước những biến thiên của lịch sử, sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, người dân Nộn Khê đã có những cách thức để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của làng nói chung và lễ hội Báo Bản nói riêng. Những cách thức ấy được tóm gọn lại thành các nhóm hoạt động:

Đưa lễ hội và tổ chức lễ hội vào hương ước của làng

Năm 1998, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề văn hóa, dân làng Nộn Khê đã thống nhất xây dựng hương ước mới của làng. Lễ hội và tổ chức lễ hội Báo Bản được dân làng thống nhất đưa vào điều 9 và điều 11 của hương ước làng từ năm 1998 đến nay. Trong đó có nêu rõ ý nghĩa, vai trò của lễ Báo Bản, quy định thời gian tổ chức, cách thức tổ chức, thành phần tham gia, các công đoạn chuẩn bị, tổ chức...

Thành lập ban tổ chức lễ hội

Để thành lập Ban tổ chức lễ hội Báo Bản, toàn thể dân làng phải tiến hành hội nghị để biểu quyết, bầu ra từ danh sách những người tự nguyện tham gia, ứng cử và những người được dân làng giới thiệu. Các tiêu chí của thành viên Ban tổ chức gồm: am hiểu sâu sắc về lễ hội Báo Bản, có sức khỏe, có uy tín với nhân dân, nhiệt tình, trách nhiệm, gia đình song toàn, không vướng tang trở. Hiện nay, Ban tổ chức lễ hội Báo Bản gồm: trưởng thôn/ làng, phó làng, bí thư, phó bí thư chi bộ, các trưởng xóm, hội trưởng các tổ chức quần chúng - Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Phụ nữ, Ban Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội sinh vật cảnh. Các thành viên Ban tổ chức phải họp bàn, thống nhất với toàn thể dân làng về cách thức chuẩn bị, tổ chức lễ hội. Sau đó, Ban tổ chức phải lựa chọn, cất nhắc các cá nhân vào công việc cụ thể thành lập các tiểu ban trong lễ hội như: tiểu ban khánh tiết - mời, đón tiếp khách, đại biểu; tiểu ban hậu cần - cơ sở vật chất, cỗ yến lão, hoa quả bày biện trên đình, miếu; tiểu ban văn nghệ; tiểu ban thể thao; tiểu ban an ninh trật tự…

Phát huy vai trò của dòng họ, những người có uy tín, các tổ chức chính trị - xã hội phi quan phương

Ngoài 8 dòng họ đầu tiên đến dựng làng từ TK XV, hiện nay còn có hơn 20 dòng họ khác cùng sinh sống, xây dựng, phát triển làng Nộn Khê. Các dòng họ đã có những hoạt động cụ thể, góp phần bảo lưu, giáo dục về lễ hội Báo Bản, lịch sử văn hóa truyền thống của làng. Vào các dịp giỗ họ, thanh minh, tổng kết công tác khuyến học, các dòng họ đều đọc chúc văn, trong đó có nhắc đến lịch sử khai hoang, quai đê lấn biến của tổ tiên, dòng họ để ôn lại lịch sử, công lao của các bậc tiền hiền, tổ tiên và truyền thống dòng họ của làng Nộn Khê trong suốt 600 năm qua.

Những người có uy tín bao gồm: các cụ cao tuổi có am hiểu sâu sắc về lễ hội Báo Bản, truyền thống lịch sử, văn hóa của làng; người trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội Báo Bản; cán bộ hưu trí; trưởng các dòng họ. Đây là những người “đức cao vọng trọng”, được dân làng tín nhiệm, tự nguyện, chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn, giáo dục và phát huy lễ hội Báo Bản, lịch sử văn hóa truyền thống của làng cho chính cộng đồng làng: dịch lại các sắc phong ở đình làng, miếu làng, lễ văn của lễ hội Báo Bản từ chữ Hán, Nôm ra chữ quốc ngữ; kết hợp với nhà trường, giới thiệu lịch sử, văn hóa, lễ hội cho học sinh các cấp; cung cấp thông tin về lễ hội cho các phóng viên, nhà báo, nhà nghiên cứu…

 Ban tổ chức dựa vào đầu mối là các tổ chức phi quan phương, hay các tổ chức quần chúng như Ban Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh vật cảnh, Câu lạc bộ Thơ làng Nuốn… để huy động nguồn nhân lực tham gia chuẩn bị và tổ chức lễ hội. Các cụ trong hội cao tuổi chỉ đạo việc sắm sửa, thực hiện phần lễ nghi, đội tế Nam quan. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ phụ trách việc dọn dẹp vệ sinh, đường làng ngõ xóm, đội cờ, đội tế nữ quan, đội múa lân, múa rồng; Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Sinh vật cảnh phụ trách hậu cần, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí; Câu lạc bộ Thơ làng Nuốn được giao trọng trách tổ chức và thực hiện hoạt động ngâm thơ, bình thơ, dẫn chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng.

Tuyên dương, vinh danh các cá nhân, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy lễ hội Báo Bản

Với người làng Nuốn, được tham gia chuẩn bị và tổ chức lễ vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mỗi thành viên trong làng. Do vậy, trong hội nghị toàn thể dân làng - họp tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức lễ hội, Ban tổ chức đã vinh danh công khai, minh bạch những cá nhân, hộ gia đình, dòng họ có nhiều đóng góp vật chất, nhân lực cho lễ hội. Đây được coi là động lực, áp lực về mặt tinh thần để các cá nhân, gia đình, dòng họ cùng nhau thi đua, cố gắng tham gia vào công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội, tham gia thực hành các nghi lễ, hoạt động của lễ hội Báo Bản.

Phối hợp với nhà trường

Ban tổ chức lễ hội Báo Bản đã đề xuất đưa đình làng, miếu làng và lễ hội Báo Bản vào chương trình giáo dục ngoại khóa thuộc chương trình môn học lịch sử, giáo dục công dân, khoa học xã hội của các cấp học, đặc biệt là tiểu học, trung học cơ sở của xã; cắt cử những người am hiểu về lễ hội Báo Bản, lịch sử văn hóa truyền thống của làng, có năng khiếu kể chuyện, thuyết minh phối hợp với nhà trường trong các giờ học ngoại khóa ở làng Nộn Khê.

Nhà trường phát động các cuộc thi viết văn, làm thơ, tìm hiểu về lịch sử văn hóa truyền thống của làng, xã. Học sinh nào được giải thưởng của nhà trường sẽ được làng, dòng họ trích một phần kinh phí tổ chức lễ hội trao thưởng, khuyến khích, động viên. Đây là cách thức để các em học sinh có ý thức, trách nhiệm tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của làng; hun đúc lòng tự tôn, tự hào về truyền thống lâu đời, phong tục tập quán tốt đẹp của làng.

Kêu gọi sự đóng góp của các hội đồng hương

Hiện nay, kinh phí tổ chức lễ hội Báo Bản hằng năm đều do các hội đồng hương đóng góp, trung bình mỗi hội đồng hương đóng góp từ khoảng 50 triệu đồng trở lên (1). Các hội đồng hương có nhiều thành viên như hội đồng hương Nộn Khê ở thành phố Ninh Bình, hội đồng hương Nộn Khê ở huyện Kim Sơn, hội đồng hương Nộn Khê ở thành phố Hà Nội, hội đồng hương Nộn Khê ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ...

Ban tổ chức lễ hội cắt cử người có uy tín nhất trao đổi (thông qua thư viết tay, điện thoại, mạng xã hội) với các cá nhân thành đạt, đầu mối của các hội đồng hương để thông báo về chương trình tổ chức lễ hội, mời bà con về dự, kêu gọi bà con ủng hộ, đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.

Do có nguồn kinh phí tương đối lớn và ổn định nên lễ hội Báo Bản được đầu tư hơn về mặt hình thức tổ chức, trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa (đình, làng, miếu), treo pano, áp phích giới thiệu lễ hội, mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ tổ chức lễ hội; trích một phần quỹ để tổ chức yến lão, mừng thọ các cụ; mua sắm hoa quả trang trí đình làng, miếu làng; mua mới, thay sửa trang phục của đội tế, đội múa lân rồng...

Chủ động làm thay đổi diện mạo của lễ hội

Trước đây, lễ hội Báo Bản được tổ chức vào một ngày duy nhất là ngày 14 tháng Giêng. Khoảng chục năm trở lại đây, thời gian tổ chức lễ hội được kéo dài từ ngày 12 đến hết ngày 14 tháng Giêng. Sự thay đổi này do chính cộng đồng đề xuất và thống nhất ý kiến thông qua hội nghị của làng. Thời gian tổ chức lễ hội kéo dài làm cho diện mạo của lễ hội cũng có sự thay đổi tích cực như hoạt động chợ đêm ở chợ đình; văn hóa văn nghệ quần chúng; bình thơ; các trò chơi hiện đại như đu quay, nhà bóng; các hoạt động buôn bán nước giải khát, ăn nhanh, bán đồ chơi… đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, giao lưu của dân làng.

Sự xuất hiện của tế nữ quan và sự tham gia của các đội tế nữ quan của các địa phương khác trong phần nghi lễ Báo Bản từ những năm đầu của TK XXI. Không dừng lại ở đó, hiện tượng này còn thể hiện được vị thế của làng Nộn Khê trong mối quan hệ, giao lưu với các địa phương khác.

Đoàn rước kiệu được bổ sung thêm đội cờ hồng, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, bài vị của 95 liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đội kèn đồng… Hoạt động bình thơ vào đêm 13 tháng Giêng và thưởng thơ vào sáng 14 không chỉ là diện mạo mới mà nó là sự kéo dài, phát triển lên tầm cao mới của truyền thống hiếu học, yêu thơ ca của người dân làng Nộn Khê hàng trăm năm nay.

Lưu trữ các tư liệu về lễ hội

Nhiều năm qua, người dân Nộn Khê đã lưu trữ các hình ảnh, thước phim hay các di vật quý giá liên quan đến lễ hội Báo Bản và lịch sử, văn hóa truyền thống của làng. Một số bài văn cúng, đặc biệt là bài văn tế Báo Bản được các cụ cao niên am hiểu lịch sử, giỏi chữ Hán Nôm (cụ Phạm Văn Mạnh, Nguyễn Văn Thái) dịch ra chữ quốc ngữ, đánh máy, giao cho trưởng làng, bí thư thôn, trưởng ban tổ chức lễ hội, đội tế nam quan lưu giữ các văn bản này; các cụ cũng giao cho Ban tổ chức làng ghi chép các thông tin về lễ hội Báo Bản, lịch sử của làng Nộn Khê.

Như vậy, cộng đồng làng Nộn Khê đã bảo tồn lễ hội Báo Bản trong quá trình vận động, kế thừa và phát triển các yếu tố truyền thống lâu đời của lễ hội. Lễ hội Báo Bản không đóng băng trong quá khứ mà chấp nhận sự thay đổi để tồn tại và thích ứng với sự biến đổi của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng chủ nhân của nó.

2. Một số nhận xét về quá trình bảo tồn và phát huy lễ hội Báo Bản của dân làng Nộn Khê

Lễ hội Báo Bản dù trải qua lịch sử thăng trầm, có những lúc tưởng như bị lãng quên, nhưng đến nay vẫn là một lễ hội có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong hệ thống các lễ hội của làng Nộn Khê, việc tổ chức lễ hội vẫn là tục lệ lâu đời, quan trọng của dân làng. Các thế hệ người dân làng Nộn Khê đã có nhiều hành động cụ thể, thiết thực để có thể bảo vệ, khôi phục, làm mới lễ hội sao cho phù hợp với xã hội đương đại. Các hoạt động ấy lấy cơ sở là sự thống nhất, đồng lòng nhất trí của dân làng về ý nghĩa, tầm quan trọng của lễ hội đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân; ý thức trách nhiệm của hậu thế trong gìn giữ di sản văn hóa ông cha.

Các hoạt động bảo tồn, phát huy lễ hội Báo Bản của dân làng Nộn Khê đã đạt được những kết quả tốt đẹp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng. Để đạt được những kết quả này, các thế hệ của cộng đồng làng Nộn Khê đã có những hiểu biết cặn kẽ, sâu sắc về lễ hội và có tinh thần tự nguyện, tích cực, chủ động tham gia công tác chuẩn bị, thực hành lễ hội. Và chính điều này đã tạo nên hiệu quả bền vững của các hoạt động bảo vệ, phát huy lễ hội trong cuộc sống đương đại. Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động bảo tồn và phát huy lễ hội của dân làng Nộn Khê vẫn còn một số bất cập cần được cộng đồng quan tâm, giải quyết trong thời gian tới:

Vì kinh phí còn hạn hẹn, kỹ thuật công nghệ chưa phổ biến và ý thức lưu trữ, bảo tồn mới ở dạng tự phát nên hoạt động lưu trữ thông tin về lễ hội còn nhiều hạn chế, chưa có sự sắp xếp theo đúng quy trình của lễ hội Báo Bản; các tư liệu được lưu trữ tản mát, chủ yếu dưới dạng ảnh kỷ niệm của các cá nhân. Thông tin về lễ hội còn thiếu sự thống nhất, cần được sắp xếp lại cho liền mạch, đúng dòng chảy của lịch sử, thậm chí đối chiếu giữa thông tin của các cá nhân cung cấp.

Thực tiễn đã chứng minh, con đường trao truyền di sản văn hóa phi vật thể nói chung, lễ hội nói riêng là con đường trao truyền tri thức, kỹ năng thông qua truyền khẩu, thông qua thực hành di sản. Do đó, để giáo dục cho lớp trẻ về ý nghĩa, nguồn gốc cũng như diễn trình của lễ hội hiệu quả, không cách thức nào hiệu quả bằng việc đưa người truyền dạy và người kế tục vào trong môi trường diễn xướng của lễ hội, có không gian, thời gian đặc thù mà các lễ hội ở địa phương khác không có. Trong thời gian tới, Ban tổ chức lễ hội, trưởng làng cần làm việc với trường tiểu học, trường trung học cơ sở trên địa bàn của xã, đề xuất, kiến nghị cho học sinh của làng được nghỉ học vào ngày lễ hội Báo Bản hoặc tổ chức hoạt động ngoại khóa, tự tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của địa phương. Mục đích là để học sinh được trải nghiệm, tham gia lễ hội; góp phần hun đúc sự quan tâm của thế hệ trẻ với lễ hội Báo Bản, văn hóa truyền thống của làng. Vào những ngày lễ hội, sau giờ học chính, các em học sinh tham gia cùng cha mẹ, xóm làng dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm trước khi tổ chức lễ hội; tham gia vào đội cờ hồng trong đoàn rước kiệu; chứng kiến các nghi thức thiêng liêng, trang trọng của lễ hội Báo Bản…

Lễ hội Báo Bản gắn liền với những con người lịch sử, sự kiện lịch sử rõ ràng, có bối cảnh, không gian và thời gian cụ thể là một điều kiện thuận lợi để có thể xây dựng các sản phẩm văn học nghệ thuật - vở chèo, kịch nói, hát múa hiện đại. Tuy nhiên, mới dừng ở ý tưởng. Muốn làm được vậy phải có con người, kinh phí, thời gian và người hướng dẫn. Do vậy, cần đề xuất với chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn, xã hội hóa, tranh thủ các nguồn lực để thuê đạo diễn, biên kịch phục dựng lại truyền thống, lịch sử của làng thành các tác phẩm chèo, kịch… để đội văn nghệ làng tập, biểu diễn.

Trước sự tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các làng quê ở Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn, gốc rễ, nền tảng của nhiều lễ hội làng truyền thống cũng bị tác động, ảnh hưởng, nhưng nhờ vào việc phát huy sức mạnh của cộng đồng làng có bề dày lịch sử, văn hóa, người dân làng Nộn Khê đã có nhiều ý tưởng và hoạt động hiệu quả trong quá trình bảo tồn và phát huy lễ hội Báo Bản. Lễ hội Báo Bản không những không bị mai một mà còn được tái tạo, bổ sung một diện mạo mới phù hợp với bối cảnh của xã hội đương đại, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân làng Nộn Khê.

_____________

1. Tư liệu phỏng vấn cụ Phạm Văn Mạnh, cụ Nguyễn Văn Thái, anh Nguyễn Xuân Nghiêm, thôn Nộn Khê, tháng 7-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Mạnh Cường, Vũ Diệu Trung, Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Ninh Bình, tập 1, Nxb Lao động, Hà Nội, 2018.

2. Họ Bùi chiếm xạ, Bùi phả - Nộn Khê - Yên Từ - Yên Mô - Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, 2021.

3. Hương ước làng Nộn Khê, năm 1998, sửa đổi năm 2009, bản đánh máy lưu tại thôn Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

4. Lý lịch di tích đình làng Nộn Khê, tài liệu đánh máy vi tính lưu trữ tại Bảo tàng tổng hợp - Sở VHTTDL Ninh Bình.

5. Tư liệu điền dã và phỏng vấn sâu tại làng Nộn Khê, tháng 7, 8, 10 năm 2021; tháng 2, 3 năm 2022.

Ths LÊ THỊ THANH HUYỀN - TS DƯƠNG THÙY LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;