Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Cao Bằng

Cao Bằng - miền đất địa đầu Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại; có bề dày về lịch sử văn hóa với nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. sở hữu điều kiện thuận lợi, nhiều tiềm năng, lợi thế, Cao Bằng là nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng, thế mạnh để phát triển du lịch bền vững. Nhận thức đúng thế mạnh, tiềm năng, tỉnh Cao Bằng đã đưa nhiệm vụ phát triển du lịch là một trong các mục tiêu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Với bề dày lịch sử hơn 500 năm, đã để lại cho tỉnh Cao Bằng nhiều quần thể di sản văn hóa với hơn 200 di tích, trong đó, 98 di tích được xếp hạng (tiêu biểu: 3 di tích quốc gia đặc biệt, 2 bảo vật quốc gia); 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, 1 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Di sản thực hành then Tày, Nùng, Thái Việt Nam). Bên cạnh đó, Cao Bằng còn có nhiều thắng cảnh đẹp như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi (huyện Trùng Khánh), quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa) với hệ thống hang động ngầm có giá trị quốc tế cao...; những giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Khu bảo tồn loài vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học có trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm. Tỉnh có lợi thế hình thành các vùng trồng cây đặc sản như: miến dong Phja Đén (huyện Nguyên Bình), quả lê và thạch đen (huyện Thạch An), hạt dẻ và thạch trắng Mác Púp (huyện Trùng Khánh), chè giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ... Cao Bằng còn nổi tiếng với các món ăn: bánh Khẩu Sli (Nà Giàng, huyện Hà Quảng), bánh cuốn, phở chua, bánh phù noòng, xôi trám, bánh khảo, vịt quay 7 vị, lợn sữa quay, bánh áp chao, bánh trứng kiến... Trong đó, một số sản vật và danh thắng được công nhận: lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012; bánh coóng phù Cao Bằng lọt vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015; xôi trám, bánh coóng phù, hạt dẻ lọt top 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam vào tháng 2-2021 cùng nhiều danh hiệu khác; danh thắng thác Bản Giốc được nhiều tạp chí, hãng truyền thông thế giới vinh danh; Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được Công ty truyền thông trực tuyến của Mỹ Insider bình chọn là 1 trong 50 địa điểm có tầm nhìn ngoạn mục, nổi bật nhất trong những kỳ quan và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn thế giới... Những nguồn tài nguyên này được coi là tiềm năng quan trọng để tỉnh Cao Bằng khai thác phát triển các loại hình du lịch.

Tại những điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, các tài nguyên văn hóa đặc sắc đã bước đầu được khai thác và đang tiếp tục được nghiên cứu, lập quy hoạch để đầu tư theo chiều sâu, mang lại lợi ích cho cộng đồng và người dân bản địa. Một số điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như: làng đá Khuổi Ky (huyện Trùng Khánh), xóm Hoài Khao (huyện Nguyên Bình), xóm Khuổi Khon (huyện Bảo Lạc); bản Giuồng, làng rèn Phúc Sen, làng hương Phja Thắp (huyện Quảng Hòa)...

Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông trong phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch cộng đồng tại địa phương, tỉnh Cao Bằng đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng giao thông. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tập trung hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, khai thác hợp lý tài nguyên, cảnh quan du lịch theo nguyên tắc khai thác gắn chặt với bảo tồn; khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng theo mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay)...

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được tỉnh xác định là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện việc thống kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống.

Tỉnh cũng hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đối với các điểm có thế mạnh về du lịch cộng đồng; tập trung nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩmđặc trưng cho từng vùng dân tộc thiểu số, như: hỗ trợ phát triển sản phẩm rèn của bản Pắc Rằng; sản phẩm hương thơm của bản Phja Thắp; sản phẩm vải nhuộm chàm của bản Khào A (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa); sản phẩm thêu, nhuộm sáp ong của xã Hoa Thám (huyện Nguyên Bình)... Hằng năm, mời các nghệ nhân tham gia hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, chương trình quảng bá, hội chợ xúc tiến du lịch trong vùng và quốc gia; cơ quan chức năng đã triển khai tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn kiến thức về du lịch, du lịch cộng đồng; thành lập các đội văn nghệ thôn bản phục vụ khách du lịch; tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh du lịch cộng đồng.

Giai đoạn 2016-2021 có nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, như: Dự án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng do Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng thực hiện; Dự án Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng do Tổ chức Helvetas Thụy Sĩ tại Việt Nam tài trợ; Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày tại làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh do Sở VHTTDL là chủ đầu tư... Đồng thời, tỉnh Cao Bằng luôn khuyến khích và tích cực phối hợp với các cá nhân, tổ chức, tổ chức phi chính phủ lựa chọn một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh du lịch để hỗ trợ triển khai một số dự án phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm. Các dự án khai thác du lịch bảo đảm quyền tham gia và hưởng lợi của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với các nội dung triển khai như: thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng, tổ chức các nhóm dịch vụ: văn nghệ thôn bản, dịch vụ lưu trú, ăn uống (homestay) trong từng hộ gia đình, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân địa phương.

Do loại hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng mới bắt đầu được quan tâm phát triển, nên các mô hình du lịch cộng đồng chỉ dừng lại ở mức bảo vệ cảnh quan và đầu tư một số homestay đón khách, hình thành một số tuyến trekking, cung cấp các dịch vụ ăn, nghỉ... Thực tế, các điểm du lịch cộng đồng còn thiếu các dịch vụ bổ trợ như các sản phẩm thủ công, quà lưu niệm; đa số các điểm chưa cung cấp dịch vụ biểu diễn văn nghệ dân gian, cảnh quan, môi trường chưa được quan tâm cải tạo phù hợp… Người dân tại các điểm du lịch cộng đồng còn hạn chế kiến thức du lịch, ngoại ngữ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ điểm đến. Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có điểm du lịch cộng đồng đáp ứng đủ các tiêu chí để trở thành mô hình mẫu thành công. Tỉnh Cao Bằng thể hiện rõ quyết tâm phát triển du lịch cộng đồng qua việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh, quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025 với 7 chính sách thiết thực. Trong đó có chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng hệ thống biển, bảng thuyết minh, chỉ dẫn; hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường; hỗ trợ cải tạo nhà vệ sinh, hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ tại các điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nhận thức cộng đồng; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá... Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định, phát triển du lịch - dịch vụ là một trong 3 nội dung đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Theo đó, phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng để phát triển bền vững. Để phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh Cao Bằng cần thực hiện một số biện pháp:

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhằm thu hút nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt nhân dân bản địa đầu tư phát triển du lịch.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 78/2021/NĐ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh Cao Bằng về Ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025. Xây dựng nhiều mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch. Thông tin kịp thời, đầy đủ chính sách, xu thế du lịch cho cộng đồng và các bên liên quan.

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, hướng tới phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển mô hình mỗi điểm đến là một sản phẩm du lịch đặc thù. Thông qua sự tham gia của cộng đồng địa phương phát triển những làng nghề, lễ hội, ẩm thực truyền thống.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động trong ngành Du lịch. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; vận động các doanh nghiệp du lịch ưu tiên sử dụng nguồn lao động này, thực hiện mục tiêu “mỗi người dân là một hướng dẫn viên”.

Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá về các điểm du lịch cộng đồng, hỗ trợ kết nối internet không dây tại tất cả điểm đến.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên báo chí và mạng xã hội. Tăng cường hoạt động xúc tiến, liên kết du lịch, phối hợp xây dựng khai thác các tour, tuyến, sản phẩm du lịch địa phương và liên vùng.

Trong thời gian tới, du lịch cộng đồng hứa hẹn là loại hình chủ đạo, góp phần quyết định quan trọng hình thành thương hiệu du lịch Cao Bằng. Với nguồn tài nguyên đặc sắc, phong phú và chính sách đầu tư phù hợp, các điểm đến du lịch cộng đồng tại Cao Bằng sẽ đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị. Đồng thời, góp phần giữ gìn hiệu quả giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng biên ải Cao Bằng.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Khoa học Công nghệ, Công bố tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng, 2020.

2. Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, 2015.

3. Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định du lịch - dịch vụ là một trong 3 nội dung đột phá chiến lược của tỉnh, 2020.

4. HĐND tỉnh Cao Bằng, Nghị quyết Ban hành Quy định về Chính sách hỗ trợ phát triển Du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, 2021.

5. Luật Du lịch, ban hành ngày 19-6-2017.

6. Sở VHTTDL Cao Bằng, Báo cáo công tác xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, 2021.

7. Sở VHTTDL Cao Bằng, Báo cáo tình hình phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2009-2020, 2021.

8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, 2019.

DƯƠNG THỊ LOAN - NGUYỄN THỊ THU GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;