Biến đổi về lối sống của người dân xã Đông Yên (Thanh Hóa) dưới tác động của quá trình đô thị hóa

Đô thị hóa là quá trình phát triển kinh tế, xã hội để biến một vùng dân cư không có cuộc sống đô thị thành vùng dân cư mang thuộc tính xã hội đô thị - xã hội mà người dân chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ (1). Quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp ở mọi vùng miền trên đất nước ta, trong đó có xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Xã Đông Yên là vùng đất lịch sử lâu đời của huyện Đông Sơn, là xã đồng bằng vùng chiêm trũng nằm ở phía Tây huyện lỵ Đông Sơn, cách thành phố Thanh Hóa 6km đường chim bay (2). Đây cũng là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống, diễn ra các hoạt động sinh sống và sản xuất của cư dân nông nghiệp, đồng thời cũng là không gian sinh hoạt, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, lối sống của người dân đã và đang có nhiều biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và hạn chế (3). Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, đô thị hóa tác động đến lối sống của người dân xã Đông Yên tập trung ở các khía cạnh chính như: biến đổi lối sống kinh tế của gia đình, biến đổi văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng, biến đổi trong phong tục, tập quán và tín ngưỡng...

1. Sự biến đổi lối sống kinh tế của gia đình

Đô thị hóa đã tạo ra những cơ hội và thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của kinh tế gia đình. Sở dĩ như vậy là vì gia đình và Nhà nước cũng cần có thời gian thích ứng. Trong điều kiện đó, năng lực cạnh tranh, trình độ kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là tính năng động của cá nhân, mỗi gia đình khác nhau sẽ ảnh hưởng rất khác biệt đối với việc nhận được những cơ hội cũng như đương đầu với các thách thức do quá trình đô thị hóa tạo ra. Hệ quả là các gia đình nhận được những cơ hội mới để phát triển kinh tế không giống nhau, do vậy một bộ phận dân cư ngày càng giàu lên, trong khi một bộ phận khác ngày càng nghèo đi (4). Quá trình đô thị hóa đã tạo nền tảng then chốt, kéo theo sự tăng trưởng kinh tế về năng suất lao động vùng nông thôn, sự biến đổi về lối sống đang làm thay đổi nhu cầu xã hội. Điều này có tác động rất lớn đến lối sống của người dân xã Đông Yên trong những năm gần đây.

Bảng 1: Tiện nghi trong gia đình của người dân thời điểm 2012-2022 (%)

 Kết quả khảo sát cho thấy, vào thời điểm năm 2012, số hộ gia đình có các tiện nghi là sản phẩm của nền công nghiệp cao khá hạn chế, đặc biệt là các tiện nghi có giá trị như ô tô, điện thoại thông minh. Kết quả này phù hợp với nhận định của các tác giả đi trước, việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào đời sống thường ngày của người dân nông thôn đã lý giải được quá trình đa dạng hóa, đa phương hóa máy móc thiết bị hiện đại, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và trên cơ sở đó mà hiện đại hóa nông thôn bao gồm tất cả các lĩnh vực đời sống vật chất và đời sống tinh thần hướng tới trình độ văn hóa văn minh hiện đại.

Trong phương thức hoạt động ngành nghề, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp là một phần quan trọng của sự phát triển cá nhân, gia đình trong lối sống ngày nay của người dân xã Đông Yên. Khi điều kiện kinh tế gia đình được nâng lên, đa số các gia đình đều định hướng cho con cái tìm kiếm một công việc phi nông ổn định, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn hoặc ít ra cũng làm buôn bán hay một công việc nào đó khác ngoài việc bám lấy ruộng đồng. Tư duy về việc đầu tư cho con cái học hành đã trở nên rõ ràng và có kế hoạch dài hạn trong mỗi gia đình.

Bảng 2: Định hướng nghề nghiệp cho con cái trong các hộ gia đình (%) (2022)

 Mong muốn cho con cái thoát ly nông thôn, tiếp tục học đại học, cao đẳng và đi du học nước ngoài đang là định hướng chủ yếu ở không ít gia đình hiện nay tại xã Đông Yên. Mong muốn đó còn được thể hiện như là xu hướng tiêu biểu và ngày càng mạnh hơn khi điều kiện học vấn và mức thu nhập gia đình tăng lên. Điều này cho thấy suy nghĩ của người dân nông thôn đã dần vượt ra khỏi định chế cuộc sống lệ thuộc vào đồng ruộng.

 Mặt khác, khi điều kiện kinh tế gia đình được nâng lên, người dân có điều kiện đi du lịch, giải trí trong và ngoài nước. Hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng được nâng lên nhằm phục vụ đời sống tinh thần cho người dân vào thời gian nhàn rỗi trong tuần.

Bảng 3: Mức độ tham gia các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân thời điểm 2012-2022 (%)

So sánh mức độ tham gia sinh hoạt thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần của người dân nông thôn giữa 2 thời điểm 2012 và 2022 cho thấy có sự thay đổi đáng kể ở hầu hết các loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần. Như vậy, đô thị hóa đã làm thay đổi một cách tích cực lối sống văn hóa, trình độ hưởng thụ và sự tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân xã Đông Yên trong thời gian vừa qua.

2. Biến đổi văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng

Trong bối cảnh đô thị hóa, guồng quay công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, một mặt quá trình đô thị hóa giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, bên cạnh đó còn không ít mặt trái cần luận bàn.

Biến đổi văn hóa ứng xử trong gia đình có thể nhận thấy, theo truyền thống, người già sống chung với con cháu trong gia đình nhiều thế hệ. Truyền thống này vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng ngày nay mô hình này đã có những thay đổi do xu hướng hạt nhân hóa gia đình. Theo kết quả khảo sát tại xã Đông Yên, so với thực tế vào thời điểm năm 2012, con số này năm 2022 đã có sự thay đổi rất lớn, điều này cho thấy sự biến đổi rõ nét ở văn hóa ứng xử trong gia đình của các hộ gia đình tại địa bàn nghiên cứu.

Bảng 4: Các hình thức thu xếp cuộc sống của người cao tuổi thời điểm 2012-2022 (%)

Trong gia đình truyền thống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ giữa bề trên và kẻ dưới (cha mẹ là bề trên, con cháu là kẻ dưới). Nói cách khác là mối quan hệ giữa người ra lệnh và kẻ phục tùng, giữa người thống trị và kẻ bị trị. Trong mối quan hệ đó, cha mẹ có quyền tuyệt đối đối với con cái và con cái có bổn phận tuyệt đối phục tùng cha mẹ. Nếu như trong gia đình truyền thống, mối quan hệ cha mẹ - con cái được nhấn mạnh theo nguyên tắc: quyền của cha mẹ và bổn phận của trẻ em, thì trong gia đình hiện đại ngày nay nguyên tắc đó được nhấn mạnh theo chiều ngược lại, đó là quyền của trẻ em và bổn phận của cha mẹ (5). Sự biến đổi này diễn ra một cách đột ngột và là cú sốc văn hóa đối với nhiều gia đình vì nó tước đi quyền lực, vốn được coi là tự nhiên và tất yếu của cha mẹ đối với con cái. Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra bối rối, họ không biết phải giáo dục con cái như thế nào, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày giảm sút, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ngày một gia tăng, điều này khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ về thực tại của xã hội.

Bảng 5: Mức độ vâng lời cha mẹ của con cái thời điểm 2012-2022 (%)

Biến đổi văn hóa trong ứng xử cộng đồng có thể thấy trong việc người dân tham gia vào các tổ chức xã hội ở địa phương ngày càng có xu hướng tăng lên. Người dân khi tham gia vào các tổ chức xã hội, đoàn thể gắn với cuộc sống cá nhân gia đình, mang lại cho họ giá trị văn hóa, tinh thần như Hội người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, nhóm/ câu lạc bộ thể thao/ giải trí... Điều này chứng minh, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, các đặc điểm về lối sống văn hóa cộng đồng của người dân ngày càng có xu hướng theo nhịp sống hiện đại.

Bảng 6: Mức độ tham gia vào các tổ chức xã hội của người dân thời điểm 2012-2022 (%)

3. Biến đổi trong phong tục, tập quán và tín ngưỡng

Không gian địa lý của sự lựa chọn hôn nhân

Không gian địa lý của những người kết hôn rộng hay hẹp tùy thuộc vào môi trường xã hội mà các cá nhân sinh sống, tính di động xã hội, nghề nghiệp, khả năng và cơ hội giao tiếp của các cá nhân. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, các cá nhân thường ít có điều kiện di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống, tính di động nghề nghiệp và di động xã hội không cao, cơ hội giao tiếp không nhiều, do đó phạm vi lựa chọn hôn nhân thường bó hẹp trong phạm vi làng xã. Ngày nay, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, không gian địa lý của việc lựa chọn hôn nhân trong phạm vi làng xã đã bị phá vỡ do tính di động nghề nghiệp và di động xã hội của các cá nhân tăng lên. Con cái trong các gia đình trên địa bàn xã ra thành phố học tập và tìm kiếm việc làm, họ không quay về nông thôn mà kết hôn với những người quen biết từ nhiều vùng khác nhau, thậm chí là những người nước ngoài sinh sống tại nơi làm việc của họ (6).

Bảng 7: Không gian địa lý của việc người dân lựa chọn hôn nhân thời điểm 2012-2022 (%)

Nghi thức trong hôn nhân

Nghi thức trong một lễ cưới ngày càng có sự thay đổi giữa quá khứ và hiện tại. Một số tục lệ trong đám cưới xưa được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại. Hiện nay, chỉ còn giữ lại 5 lễ chính là dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, đón dâu, lại mặt thay vì 7 lễ như trước đây. Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường và tốc độ đô thị hóa nhanh ở Việt Nam, trang phục lễ cưới đã có sự thay đổi, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. Ngày nay, chú rể thường mặc vest, với nhiều mẫu dáng đa dạng, có nhiều tông màu hơn để lựa chọn. Một số ít đám cưới chọn các loại hình cách điệu, tân thời hoặc có thiết kế đặc biệt (7).

Nghi thức trong tang lễ

Hiện nay, việc tang lễ của xã Đông Yên theo lối cũ với những hủ tục đã được xóa bỏ và người dân thực hiện theo hướng văn minh hơn. Hầu hết thôn làng trên địa bàn xã đều có ban tang lễ, xã cử một cán bộ phụ trách việc tang chịu trách nhiệm ký hợp đồng với ban tang lễ khi gia đình trong thôn xã có thân nhân qua đời thực hiện hỏa táng; 100% đám tang không mời thuốc lá, không cử nhạc tang sau 22 giờ và trước 5 giờ sáng. Nổi bật nhất là đối với hỏa táng, nhiều người dân lo ngại ảnh hưởng tới vấn đề tâm linh, nhưng nay đã có những chuyển biến lớn. Hiện tại hơn 70% các đám tang được cử hành thông qua hình thức này, nhằm bảo vệ môi trường và thực hiện các tiêu chí, nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới, điều mà trước đây hầu như không thể thực hiện được.

Lễ hội địa phương

Lễ hội trước đây tại địa phương thường kéo dài từ 7-10 ngày vào các dịp đầu năm, quy mô và không gian tổ chức nhỏ. Nhưng hiện nay, do nhiều yếu tố, quy mô của các hội làng cũng được mở rộng về không gian. Lễ hội không còn là lễ hội làng, mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng (lễ hội đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn). Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng, mà còn có du khách trong và ngoài tỉnh, nhiều khi dẫn tới tình trạng quá tải vào hội chính.

Các tiết mục trong phần hội được cải biên, mang tính trình diễn nghệ thuật hơn. Cùng với đó, các vật dụng cần thiết được nâng cấp để phù hợp với xã hội hiện đại. Sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ đã kéo theo sự thay đổi về hình thức tổ chức các lễ hội theo chiều hướng tích cực, nhưng đồng thời cũng phát sinh những hạn chế. Tác động của quá trình đô thị hóa đã khiến nhiều người trẻ rời làng lên thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm, cùng với đó, tỷ lệ sinh thấp cũng khiến cho dân số ở địa phương đang ngày càng giảm sút. Dân số giảm, không đủ người tổ chức kéo theo việc không có đủ kinh phí và nguồn tài trợ cho các loại hình giải trí và hoạt động thờ cúng cũng như các nghi lễ. Điều này đã khiến cho một số lễ hội truyền thống tại địa phương đứng trước nguy cơ bị mai một và biến mất trong tương lai.

Trong các lễ hội cổ truyền, người dân thực sự là chủ thể, mỗi người tham gia gánh vác một công việc trong khâu tổ chức. Nếu như trước đây, hội làng hầu hết do chủ làng và hội đồng quản lý của làng thực hiện, thì hiện nay, các lễ hội ở làng chủ yếu do chính quyền chỉ đạo chính, người dân chỉ phối hợp thực hiện. Chủ thể của lễ hội là người dân, chỉ đóng vai trò thụ động như các du khách (8).

Như vậy, qua tiếp cận nghiên cứu về biến đổi lối sống của người dân xã Đông Yên, huyện Đông Sơn dưới tác động của quá trình đô thị hóa có thể thấy sự biến đổi lối sống văn hóa nông thôn là một tất yếu không thể tránh khỏi. Văn hóa nông thôn, dù được nhìn nhận với tư cách là một thiết chế xã hội cơ bản hay với tư cách là một nhóm xã hội, đều chứa đựng nhiều yếu tố tạo nên sự thay đổi. Sự thay đổi đó điều chỉnh chính bản thân cá nhân trong mỗi cộng đồng cho phù hợp với xã hội, đồng thời cũng điều chỉnh xã hội cho phù hợp với điều kiện cụ thể bên ngoài. Hệ quả tạo ra là sự biến đổi lối sống mới, có khả năng thích ứng tốt hơn với sự biến đổi của xã hội để thay thế văn hóa truyền thống cũ. Đó là xu hướng tiến bộ chung dù còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Điều quan trọng nhất là phải gìn giữ được những giá trị tốt đẹp, quý báu của văn hóa truyền thống và phát huy những mặt tích cực của văn hóa hiện đại.

___________

1. Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Quảng Bình thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay, Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 6, 2016, tr.20-25.

2. Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - UBND huyện Đông Sơn, Địa chí huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa, Nxb Khoa học xã hội, 2006, tr.703.

3. Bùi Văn Tuấn, Tác động của đô thị hóa đến các vấn đề xã hội vùng ven đô Hà Nội hiện nay, nghiên cứu trường hợp xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ tư Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2018, tr.770-771.

4, 5, 6. Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.177.

7. Đoàn Văn Trường, Tác động của quá trình đô thị hóa đến biến đổi văn hóa nông thôn khu vực Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng - Qua tiếp cận các nghiên cứu xã hội học, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch: Những vấn đề đặt ra đối với Thanh Hóa và khu vực Nam sông Hồng - Bắc Trung Bộ, Nxb Khoa học xã hội, 2020, tr.252-266.

8. Trần Hữu Sơn, Trần Thùy Dương, Xu hướng biến đổi của lễ hội truyền thống hiện nay, tapchicongsan.org.vn, 30-5-2021.

TS ĐOÀN VĂN TRƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;