Đến với “Ký ức nhiếp ảnh” của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Công Thắng một ngày Hà Nội đẹp trời, ấn tượng trong tôi là những xúc động với nhiều cung bậc. Bởi, ở nơi đây, tôi được chiêm ngưỡng những chiếc máy ảnh, thước phim…, một thời gắn bó và “theo chân” các nghệ sĩ tài hoa nhằm ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, hình bóng con người và vẻ đẹp của đất nước.
Trước khi đến với gallery “Ký ức nhiếp ảnh”, NSNA Phạm Công Thắng đã có hơn 30 năm “cầm máy” chinh chiến, khám phá nhiều địa danh, cũng như tìm hiểu cuộc sống con người trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Những cống hiến của ông đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ghi nhận và tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nhiếp ảnh Việt Nam trong nhiều năm (từ 2005 đến 2017). Ông đã hai lần tổ chức Triển lãm ảnh cá nhân: Quê hương - 1999, tại Thanh Hóa; Khoảnh khắc năm 2011, tại Hà Nội; ra hai sách ảnh Lãng du cùng Phạm Công Thắng năm 2017 và Lãng du cùng Phạm Công Thắng 2020, bộ sách nằm trong Dự án sách Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2008. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của ông cũng đạt giải thưởng cao: Thắp sáng dòng điện mùa xuân - Huy chương Vàng năm 2008; Làng đào Phú Thượng - Huy chương Bạc năm 2006; Công nghiệp hóa Thủ đô - Huy chương đồng năm 2014…
NSNA Phạm Công Thắng
Đến “Ký ức nhiếp ảnh” chúng ta sẽ bắt gặp những dòng lưu bút đầy cảm phục dành cho NSNA Phạm Công Thắng. Đó là sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của nhà sử học Dương Trung Quốc đối với “Gallery - Ký ức nhiếp ảnh”, “Nhiếp ảnh là thần lực, là biến “khoảnh khắc thành vĩnh viễn” do vậy nó là phương tiện và phương cách để lưu giữ ký ức của xã hội. Nói cách khác, người lưu giữ ký ức của xã hội đó chính là lịch sử…”. NSNA Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhân ngày thành lập Hội (8-12-2021), đã đến thăm trao tặng bằng khen, logo của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho chủ nhân “Gallery - Ký ức nhiếp ảnh”. Trong lưu bút của Chủ tịch Hội, có đoạn: “Trân trọng tình yêu và đóng góp của NSNA Phạm Công Thắng đối với Nhiếp ảnh Việt Nam…”.
TS Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã đến trao tặng cho NSNA Phạm Công Thắng chiếc máy ảnh Sony 0ptical zoom 3x
Mặc dù Nhiếp ảnh Việt Nam đã song hành cùng lịch sử của dân tộc, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có bảo tàng nhiếp ảnh cách mạng. "Gallery - Ký ức nhiếp ảnh” của NSNA Phạm Công Thắng dù chỉ là một bảo tàng mini của một cá nhân, nhưng đã góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Khi tôi hỏi NSNA Phạm Công Thắng về ý tưởng thành lập “Gallery - Ký ức nhiếp ảnh”, ông chia sẻ, tôi luôn đặt trong tâm câu nói của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, luôn trăn trở với tiêu chí “Chấn hưng và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam”. Bởi vậy tôi đã dồn mọi tâm huyết đã từng ấp ủ suốt hơn 30 năm qua để lập Bảo tàng nhiếp ảnh Việt Nam được lấy tên là “Gallery - Ký ức nhiếp ảnh”. Đến nay rất vui mừng vì bảo tàng đã được trên 300 NSNA, nhà báo có tên tuổi cũng như nhiều người yêu thích nhiếp ảnh trong và ngoài nước gửi về trên 500 hiện vật lớn nhỏ. Đặc biệt, có những hiện vật quý gắn với tên tuổi nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo gạo cội trong làng báo chí và nhiếp ảnh cả nước. Có rất nhiều hiện vật độc đáo, có tuổi đời hàng trăm năm; có những hiện vật của hai mẹ con, hai bố con nghệ sĩ, hai anh em nghệ sĩ, của những người đã khuất. Có những hiện vật là nhân chứng cho cả chiều dài văn hóa, trong đấu tranh vệ quốc, trong lao động sản xuất, trong công cuộc đổi mới phát triển của đất nước. Có thể nói đây không những là nơi trưng bày lưu giữ hiện vật trang thiết bị, sách ảnh có liên quan đến nhiếp ảnh mà còn là một địa chỉ văn hóa, du lịch độc đáo; nơi giao lưu trao đổi nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo; là địa chỉ tin cậy, góp phần để các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về nền Nhiếp ảnh Việt Nam cũng như truyền thống 56 năm đi lên và phát triển của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc tham quan "Ký ức nhiếp ảnh"
Từ khi “Gallery - Ký ức nhiếp ảnh” đi vào hoạt động, nơi đây đã trở thành điểm đến của những người làm nghề cũng như nhiều người yêu nhiếp ảnh. Điểm thu hút để du khách đến với “Ký ức nhiếp ảnh” không chỉ là vì những câu chuyện, dấu ấn của các hiện vật, mà còn là tình cảm, niềm tin của các đồng nghiệp muốn gửi gắm các kỷ vật đã từng gắn bó đến với Phạm Công Thắng. Sự trân quý của người xem dành cho Gallery là sự khích lệ tích cực để người nghệ sĩ có động lực “vun đắp”, hoàn thiện cho “Ký ức nhiếp ảnh” của mình. NSNA Phạm Công Thắng rất kiên định khi chia sẻ, “Nếu không tổ chức nào đứng ra hỗ trợ tiếp sức… thì tôi và cả gia đình tôi vẫn sẽ làm, và luôn cố gắng để gallery ngày càng tốt hơn”.
Không gian trưng bày "Ký ức nhiếp ảnh"
Chia tay NSNA Phạm Công Thắng, tôi luôn tin tưởng một điều, “Ký ức nhiếp ảnh” sẽ luôn thu hút công chúng, bởi những kỷ vật ý nghĩa được nâng niu, trân trọng, lan tỏa tình yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.
LINH GIANG