Thọ Xuân là vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, đây cũng là nơi phát tích của hai triều đại Tiền Lê và Lê Sơ hiển hách trong lịch sử dân tộc. Thọ Xuân còn được biết đến là “vùng đất di sản”, với nhiều lễ hội và di tích danh thắng, trò diễn dân gian độc đáo, đặc sắc, mà trò Xuân Phả là một trong những di sản nổi bật, được xem là “độc nhất vô nhị”. Trò Xuân Phả phát tích từ làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân). Cùng với quá trình khai phá đất đai, tạo lập xóm làng, người dân Xuân Phả đã tạo nên một truyền thống văn hóa phong phú, với các điệu múa trò Xuân Phả nức tiếng gần xa.
1. Lịch sử hình thành trò Xuân Phả
Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, trò Xuân Phả có từ thời Đinh, được biểu diễn trong lễ hội làng dịp mùng 9-10 tháng 2 âm lịch hằng năm tại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân. Hệ thống trò diễn gồm 5 trò: Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung), phản ánh việc sứ thần các nước lân bang đến tiến cống vua Nam Việt và nghinh bái Thành hoàng nước Nam. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, hệ thống trò diễn Xuân Phả đã dần hoàn thiện về kỹ thuật, trang phục, đạo cụ, âm nhạc và lời ca. Đặc biệt, các điệu múa và lời hát cổ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, không có sự pha trộn. Đây là những yếu tố tạo nên sức sống và sự hấp dẫn riêng có của trò diễn, được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác và thể hiện được sắc thái văn hóa, tinh thần riêng của người dân làng Xuân Phả trong suốt tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển cùng vùng đất cổ Thọ Xuân.
Trò Xuân Phả là các trò diễn dân gian mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ đến chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa. Trò Xuân Phả được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ để trở thành một tổ hợp múa dân gian đặc sắc của làng Xuân Phả.
2. Ý nghĩa của trò diễn Xuân Phả
Sau nhiều thế kỷ ra đời, tồn tại, phát triển và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trò diễn Xuân Phả đã dần hoàn thiện về kỹ thuật làm mặt nạ, đạo cụ, trang phục, âm nhạc và lời ca. Trò diễn này cũng hội tụ các tiêu chí như tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương. Các điệu múa phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài... Với những tiêu chí đó, trò diễn Xuân Phả đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hằng năm, trò diễn Xuân Phả được biểu diễn vào dịp hội làng mùng 10 tháng 2 âm lịch tại làng Xuân Phả để nghinh bái thần linh, thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với thần linh đã phù hộ độ trì cho dân làng có một đời sống nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt. Trò diễn cũng góp phần bồi đắp tinh thần cho mỗi người dân sau một năm vất vả, miệt mài lao động, đồng thời đây cũng là niềm tự hào của người dân đất Việt.
Trò Tú Huần - Ảnh: internet
Trò Xuân Phả được xem là sự kết tinh giữa nghệ thuật cung đình và trí tuệ dân gian. Sân khấu dân gian ra đời cùng với nhu cầu văn hóa khép kín trong làng xã và hội làng Xuân Phả mà điểm nhấn là múa Xuân Phả, tồn tại đến tận ngày nay cũng bởi nhu cầu cân bằng giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần con người. Nếu nói trò diễn dân gian là linh hồn của sân khấu tục lệ, thì trò Xuân Phả chính là sợi chỉ xanh lấp lánh được thêu thùa một cách cầu kỳ và lắm công phu trên bức họa làng quê bình yên và trù phú bao đời. Người nông dân bước chân khỏi ruộng đồng, tạm rũ đi những bùn đất, rơm rạ để khoác lên tấm áo con trò và hóa thân thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Dưới sân đình, trong đêm trăng, khi mùa màng vừa qua lúc bộn bề, người ta lại say sưa nhảy múa theo nhịp trống, phách và đắm mình trong những ca từ, giai điệu dẫu dân dã, chất phác nhưng cũng chất chứa đầy ắp những tâm sự, những khát khao.
Cùng chịu ảnh hưởng trong những vùng trò diễn gần nhau, song, có ý kiến cho rằng, trò Xuân Phả giàu tính sáng tạo nghệ thuật hơn cả và là đỉnh cao của múa hát dân gian xứ Thanh. Chính vì lẽ đó, trong kho tàng trò diễn dân gian hết sức phong phú, đa dạng của Thanh Hóa, trò Xuân Phả có một vị thế và diện mạo khác biệt, độc đáo và sức hấp dẫn riêng có. Đó cũng đồng thời là những giá trị văn hóa, tinh thần chưa thể đong đếm hết của di sản phi vật thể mang tầm quốc gia này. Cũng vì vậy, khi nói về giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ của trò Xuân Phả, sách Địa chí Thanh Hóa: Văn hóa - xã hội, tập 2, nhấn mạnh: “Trò Láng, nhất là múa (múa Xuân Phả) được giới nghiên cứu nghệ thuật đánh giá cao, được tuyển vào giáo trình múa dân tộc thời Lê và coi đó là “vang bóng của điệu múa chư hầu lai triều” để ca ngợi Lê Thái Tổ, ca ngợi chiến thắng giặc Minh của dân tộc ta ở TK XV”.
Tuy nhiên, theo lời của nghệ nhân Bùi Văn Hùng (xã Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa), người có vai trò không nhỏ trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản trò Xuân Phả, thì tất cả tài liệu thành văn nghiên cứu về trò múa ngũ quốc đều mới dừng ở mức mô tả. Những điều kỳ lạ và bí ẩn của âm nhạc, các động tác múa, của cách làm mặt nạ, trang phục... đều chưa được giải mã nên rất cần được nghiên cứu và tìm lời giải đáp.
3. Những điệu múa (trò diễn) trong trò Xuân Phả
Trò Xuân Phả là tổ hợp của 5 trò diễn, gồm Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung).
Trò Hoa Lang tượng trưng cho người Cao Ly (Triều Tiên) tiến cống, với các nhân vật ông, cháu, mế nàng và mười quân. Trang phục gồm áo dài, đầu đội mũ cao da bò, tay trái cầm quạt, tay phải mái chèo, đeo mặt nạ cũng làm bằng da bò phết sơn trắng, mắt có lông công. Mũ Chúa được chạm rồng, chạm mặt nguyệt ở mũ Quân.
Trò Hoa Lang gồm 1 chúa, 1 mế nàng, 2 lính hầu, 10 quân và 2 người điều khiển ngựa. Đạo cụ cầu kỳ, với cờ, roi, quạt, siêu đao, mái chèo. Các con trò vừa múa, vừa hát theo nhịp thanh âm của trống, nạo bạt, mã la, mõ tre, lúc khoan thai, khi dồn dập. Lời hát thể hiện tình bang giao và “chúc mừng tuổi vua vạn niên/ ngai rồng ngự trị dân yên thái hòa”. Bên cạnh đó, trang phục với màu sắc và hoa văn bắt mắt, xuất hiện biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến, cũng là tín hiệu của yếu tố cung đình trong trò diễn.
Trò Tú Huần tượng trưng cho người Thổ Hồn Nhung (Mông Cổ) tiến cống. Trò Tú Huần đầu đội mũ loóng làm từ tre, đeo mặt nạ gỗ miêu tả bà cố, mẹ và mười người con. Mũ tre đan như rế nồi úp ngược có lạt tre làm tóc bạc, đội trên miếng khăn vuông vải đỏ bịt đầu tóc. Mặt nạ gỗ sơn trắng vẽ mắt mồm màu đen rất “kinh dị”. Mặt bà cố nhăn nheo, mặt người mẹ thì già nua còn mười người con được chia thành năm cặp, mặt vẽ theo độ tuổi từ trẻ đến già với 1, 2,… 5 cái răng tương xứng.
Trò Chiêm Thành - Ảnh: internet
Trò Ai Lao tượng trưng người Thái - Lào tiến cống, gồm Chúa Lào, người hầu, lính bảo vệ (mười quân), voi và hổ nhảy múa theo tiếng xênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu trưng cho sức mạnh săn bắt nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển. Chúa đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo chàm xanh. Quân lính đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân mang xà cạp và tay cầm xênh tre.
Trò Ngô Quốc tượng trưng người Ngô Việt (Trung Hoa) tiến cống, có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đầu đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo. Đầu màn có xuất hiện nhân vật người bán thuốc, người bán kẹo và thày địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho các nàng tiên cùng chúa và đoàn quân đi ra. Màn diễn gồm các điệu múa quạt, múa khăn rồi múa mái chèo.
Trò Chiêm Thành tượng trưng người Champa tiến cống. Trong trò Chiêm Thành, ngoài chúa, quân còn có thêm nhân vật phỗng. Áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm màu đỏ hồng và không thêu thùa hoa văn. Chúa và quân đều vấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình.
4. Kết luận
Những điệu múa, trò diễn đó là cuộc sống của cư dân vùng Xuân Phả được kết tinh thành nghệ thuật. Bởi vậy, trò Xuân Phả không chỉ là nghệ thuật dân gian mà còn là trí tuệ dân gian đã lắng đọng trong bản hòa tấu của thanh âm, vần điệu, ca từ, của các động tác lúc mềm mại, uyển chuyển, khi mạnh mẽ, phóng khoáng, cương - nhu hài hòa. Trò Xuân Phả với những quy cách truyền thừa và gốc rễ tinh thần đã ngấm vào máu thịt người Xuân Phả và là nơi gửi gắm ước mơ về cuộc sống bình yên, hạnh phúc; hay ẩn chứa cả khát vọng vươn lên không ngừng, khát vọng về một quốc gia hùng cường, đủ sức đương đầu với các thế lực ngoại bang luôn lăm le xâm phạm?
Với những giá trị đặc sắc, độc đáo ấy, trò Xuân Phả đã vượt khỏi không gian của một làng để có mặt ở nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa và trong cả nước. Đặc biệt, ngày 16-9-2016, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL đưa nghệ thuật trình diễn trò Xuân Phả vào danh mục sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia, đó là sự vinh danh cao quý, góp phần khẳng định vị thế và giá trị của trò Xuân Phả trong đời sống cộng đồng. Bởi di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Với giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ hay những yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc, có thể nói trò Xuân Phả là sự đan xen, giao lưu, tiếp biến một cách hồn nhiên giữa sân khấu cung đình và sân khấu dân gian. Nói cách khác, đó là đỉnh cao của sự kết tinh giữa nghệ thuật múa cung đình và múa dân gian người Việt. Bởi vậy, trò Xuân Phả xứng đáng là viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản này hiện rất cần một chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị trong cộng đồng làng xã và cộng đồng dân tộc Việt Nam.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Ngọc Khánh (chủ biên), Địa chí Thanh Hóa: Văn hóa - Xã hội, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
2. Nguyễn Thùy, Trò Xuân Phả - Trò diễn “độc nhất vô nhị” ở Thanh Hóa, dantri.com.vn, 24-3-2018.
3. Thảo Vy, Bí ẩn trò Xuân Phả, thoxuan.thanhhoa.gov.vn, 22-2-2021.
4. Hoàng Minh Tường, Vị thế của quốc gia Đại Việt qua trò Xuân Phả, baothanhhoa.vn, 29-1-2020.
5. Phan Cẩm Thượng, Trò Xuân Phả, tiasang.com.vn, 5-5-2008.
6. Đỗ Duy Nhã, Lễ hội truyền thống Xuân Phả, baothanhhoa.vn, 15-3-2019
Ths LÊ BÁ THÀNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022