Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ công chức văn hóa cơ sở tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; trong thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng xã hội. Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho chính quyền cơ sở mà ở đó vai trò đội ngũ công chức văn hóa xã được thể hiện thông qua các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động chuyên môn.

Quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản được đảm bảo, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, là sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành trong đó có ngành VHTTDL.

1. Nhóm tiêu chí về chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở

Chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở được căn cứ dựa trên công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa tại cơ sở phải đảm bảo các tiêu chí:

Công tác quản lý: Xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện việc xây dựng kế hoạch, điều tiết, hướng dẫn người dân tham gia các hoạt động văn hóa tại cơ sở phù hợp với đặc điểm nhu cầu, điều kiện sống của người dân trên địa bàn.

Trong thời gian qua, Nhà nước đã xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới với hàng loạt các dự án lớn, đầu tư tập trung vào những khu vực kinh tế, xã hội, văn hóa trọng điểm. Chính vì vậy, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn các địa phương Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, việc đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa được chú ý,

Công tác tổ chức: Việc tổ chức các hoạt động văn hóa tại cơ sở cần đảm bảo các tiêu chí như: tính phù hợp, tính phong phú đa dạng; trong đó, tính phù hợp là đảm bảo sự hài hòa giữa tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa với các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị tại địa phương. Tính phong phú, đa dạng là đảm bảo mỗi lứa tuổi, mỗi tầng lớp đều được tham gia những hoạt động phù hợp nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mình.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động hướng về cơ sở và hoạt động văn nghệ quần chúng đã đạt nhiều kết quả tốt. Hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, sân thể thao, câu lạc bộ, trung tâm văn hóa, nhà giáo dục cộng đồng… đã được xây dựng cơ bản, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa góp phần vào thành tựu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phát triển khá đều ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.

2. Nhóm tiêu chí về mức độ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân

Hoạt động văn hóa ở cơ các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ trong xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân. Vì vậy, đây là nhóm tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở ở mức độ đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của người dân.

Mức độ tham gia các hoạt động văn hóa cơ sở của người dân: Tiêu chí này được xem xét trên các phương diện: lượt người tham gia sáng tạo văn hóa (tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng), lượt người hưởng thụ văn hóa (xem, sử dụng giá trị từ các hoạt động văn hóa). Ngoài ra, mức độ tham gia các hoạt động văn hóa của người dân còn được thể hiện qua việc gìn giữ, phát huy và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Qua báo cáo kết quả khảo sát của nhóm đề tài tại 8 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ trong xây dựng nông thôn mới mức độ người dân tham gia các hoạt động văn hóa ở cơ sở thu được kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể:

Tại thành phố Hà Nội, việc xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… đã và đang xây dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng hình ảnh, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại. Năm 2018, thành phố có 1.524/ 2.538 làng là “Làng văn hóa”, đạt 60%; 3.580/ 5.422 tổ dân phố là “Tổ dân phố văn hóa”, đạt 71%… (1).

Tại Ninh Bình, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã từng bước đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản văn hóa; tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được xem là nội dung cốt lõi, là nhân tố quyết định chất lượng của phong trào. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh, đến năm 2020, số gia đình văn hóa được công nhận đạt 88,97%; 90,59% làng, thôn, xóm, phố đạt danh hiệu văn hóa; 77,32% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được đăng ký, bình xét, công nhận đạt chuẩn văn hóa (2). Kết quả này đã phản ánh hiệu quả của việc triển khai thực hiện phong trào và khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của quần chúng nhân dân địa phương trong 20 năm qua.

Tỉnh Nam Định đã gắn nội dung cuộc vận động với các nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, góp phần làm thay đổi căn bản kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa và cảnh quan môi trường. Năm 2019, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020. Đến nay, toàn tỉnh có 3.329 khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước; 2.637 khu dân cư văn hóa; 527.039 gia đình văn hóa (3). Đặc biệt, tỉnh chủ động phối hợp triển khai thực hiện tốt phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào tiêu chuẩn thi đua, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa,Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư 5 không”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Gia đình Công giáo gương mẫu”. Tại nhiều khu dân cư, nhân dân đã xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng môi trường, cảnh quan, đưa vào quy ước để thực hiện; bảo vệ, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, các điểm thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh; duy trì các hoạt động giữ gìn, vệ sinh, làm sạch đẹp, khang trang phố phường, đường làng, ngõ xóm, 3.056 khu dân cư không có ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cuộc vận động còn góp phần đoàn kết nhân dân chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đến nay, đã có 1.684 khu dân cư “5 không”, 2.843 khu dân cư không có tội phạm, 2.506 khu dân cư không có tệ nạn ma túy, 3.331 khu dân cư không có tệ nạn mại dâm, 3.197 khu dân cư không có người khiếu kiện trái pháp luật...(4).

Tại Thái Bình, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; qua đó, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Việc xây dựng nếp sống văn hóa cá nhân, gia đình và xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 733/ 1.501 hương ước, quy ước đã thực hiện sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả năm 2020, toàn tỉnh có 1.695/ 1.797 thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 94,3%; 180/ 241 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 74,7%; 12/ 19 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ 63%; 940/ 1.444 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 65% (5).

Tại Bắc Ninh, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 191 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hàng năm, tỷ lệ hội viên, nông dân đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa” chiếm 85% trở lên. Duy trì hoạt động của 432 Câu lạc bộ “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Gia đình nông dân phát triển bền vững”, “Nông dân với pháp luật” với tổng số hơn 18.670 hội viên tham gia (6).

Thành phố Bắc Ninh là một trong những địa phương tiểu biểu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã phát triển sâu rộng và lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Trong năm 2020, toàn thành phố có 94,4% gia đình văn hóa; 102 khu dân cư văn hóa, 14 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 82,5% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ được tổ chức theo hướng văn minh, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân...

Trong những năm qua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã và đang thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao được nâng lên, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Toàn tỉnh có trên 1.400 đội văn nghệ quần chúng, 7.778 các loại hình câu lạc bộ, 1.318 tủ sách cơ sở và trên 65.000 lượt gia đình được công nhận danh hiệu “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. Phát triển rộng khắp các môn thể thao truyền thống của địa phương và các môn đang được phổ cập rộng rãi như: bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, bơi lội, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bóng chuyền hơi, đạp xe, dân vũ… đã có trên 3.500 câu lạc bộ, điểm, nhóm hoạt động thể dục, thể thao (8).

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiêu biểu là phong trào xây dựng gia đình, làng, khu dân cư văn hóa phát triển mạnh mẽ, có tác động thiết thực đối với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã công nhận được 1.281 làng, khu dân cư văn hóa (đạt 96%) (9).

Tại Hưng Yên, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi; tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng được phát huy. Năm 2000, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 55%, cuối năm 2020 đạt 91,5%. Tỷ lệ làng, tổ dân phố văn hóa năm 2000 là 28,4%, đến cuối năm 2020 là 88,7%. Hiện tỉnh Hưng Yên có 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 34% dân số toàn tỉnh Hưng Yên tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. 90% số huyện, thị xã, thành phố có trung tâm văn hóa; 73% số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa độc lập; 87% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa độc lập (10). Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện nghiêm túc.

Quá trình thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Vĩnh Phúc, 100% xã nông thôn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Nhà văn hóa tại tất cả các thôn, trong đó có hơn 1.000 Nhà văn hóa được xây mới, chỉnh trang mở rộng diện tích đạt 500m2 trở lên và có sân thể thao đơn giản (11). Các địa phương cũng quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy trong nhân dân tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi… Năm 2020, toàn tỉnh có 92% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 90%...

Mức độ hài lòng của người dân: Tiêu chí này được đánh giá sau khi người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các hoạt động văn hóa cơ sở. Tiêu chí này có thể được đánh giá thông qua thang điểm đánh giá đối với từng hoạt động hoặc từng lĩnh vực (tùy vào mức độ khảo sát khác nhau của các đợt nghiên cứu đánh giá về mức độ hài lòng của người dân). Qua khảo sát trực tiếp thông qua tiếp xúc với người dân, nhóm nghiên cứu nhận được sự hài lòng của người dân trong quá trình sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tại cơ sở.

3. Nhóm tiêu chí về mức độ đầu tư của cơ quan quản lý và các cấp chính quyền đến hoạt động văn hóa cơ sở

Chỉ tiêu về mức độ đầu tư của chính quyền đối với hoạt động văn hóa cơ sở: Tiêu chí này được nhìn nhận thông qua các con số về mức độ đầu tư như: kinh phí chi cho các hoạt động, chi cho xây dựng thiết chế văn hóa, nguồn nhân lực thực hiện, cơ sở vật chất qua từng năm, từng giai đoạn, thời kỳ nhất định. Theo kết quả khảo sát của nhóm đề tài toàn thành phố Hà Nội hiện có 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Tuy nhiên, có 29/ 30 quận, huyện, thị xã có các thiết chế văn hóa, thể thao (quận Nam Từ Liêm chưa có do mới tách); 143/ 584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã… Thành phố đã quan tâm đầu tư trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao tại các vườn hoa, công viên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Tại Ninh Bình, đến nay có 141/ 143 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa và Thể thao (đạt 98,6%), 136 xã, phường, thị trấn có khu thể thao (đạt 93,10%); có 1.633 thôn, xóm, phố có địa điểm sinh hoạt văn hóa (đạt 97,26%); có 1.222/ 1.679 thôn, xóm, phố có Khu thể thao (đạt 72,78%). Ngoài ra, còn có 431 công trình thể thao của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tạo động lực cho nhân dân thay đổi đời sống văn hóa cộng đồng, xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh, tiến bộ.

Tại Nam Định, huyện Xuân Trường triển khai thực hiện tốt phong trào sáng hóa nông thôn, xây dựng nhà văn hóa xóm; đường trong xóm đều có điện thắp sáng, 100% xã, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa; huyện Vụ Bản xây dựng 62 Nhà văn hóa, 4.185km đường giao thông, 191 công trình phúc lợi… Tỉnh Hải Dương có Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa Xứ Đông; Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng; Thư viện tỉnh; Bảo tàng; Nhà hát Chèo; Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao; Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao. Ở cấp huyện có 12 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; 12 thư viện (đạt 100%); 1 Nhà thiếu nhi; 9/12 huyện có sân vận động Trung tâm; (2 sân vận động trung tâm có khán đài); 7/ 12 huyện có nhà tập và thi đấu Thể dục, Thể thao đơn giản; 42 bể bơi thông minh đặt tại các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện, thị xã, thành phố và một số trường tiểu học, trung học sơ sở. Cấp xã có 235 nhà văn hóa và hội trường đa năng xã, phường, thị trấn (đạt 100%); 30 thư viện; 215/ 235 xã có sân vận động, 20 xã, phường, thị trấn còn lại đã có quy hoạch nhưng hiện nay chưa được xây dựng. Tỉnh có 1.302/ 1.334 thôn khu dân cư có nhà văn hóa, có 1.318 tủ sách cơ sở; 22 ao bơi hợp vệ sinh; 515/1.469 sân thể thao (diện tích từ 1.000-2.000m2) theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như Nghị quyết số 08 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Tính đến nay, 100% xã nông thôn mới của tỉnh có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Nhà văn hóa, trong đó có hơn 1.000 Nhà văn hóa được xây mới.

Những tác động, hiệu ứng mà hoạt động văn hóa cơ sở mang lại: Nhóm tiêu chí này nhằm đánh giá hoạt động văn hóa cơ sở dựa trên việc xác định vị trí, vai trò của văn hóa cơ sở thông qua những tác động, lan tỏa, sự hài lòng của người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội mà văn hóa mang lại.

Quá trình lãnh đạo, triển khai thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh; góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp cư dân trong xây dựng nông thôn mới.

Các hoạt động văn hóa cơ sở, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, thúc đẩy hoạt động văn nghệ quần chúng của các địa phương. Nhiều lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã góp phần quan trọng, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và các thành tựu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

_____________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Phạm Thị Như Quỳnh, Trần Thị Thanh Tâm, Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ trong xây dựng nông thôn mới, Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát của đề tài KH&CN cấp Bộ, 2022, tr.15-23.

TS PHẠM THỊ NHƯ QUỲNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;