Tập huấn về bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Nằm trong khuôn khổ Dự án Củng cố về thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế của UNESCO, trong các ngày 16 và 17-2 tại Complex 01, Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả tổ chức khóa Tập huấn về bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi tập huấn

Tham gia lớp tập huấn có các cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý, chuyên viên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; cán bộ phụ trách văn hóa quận/ huyện, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng về văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia, năm 2018 chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019. Những con số này đã cho thấy tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, được đánh giá là khổng lồ, phong phú, đa dạng. Đặc biệt là sức sáng tạo của những người trẻ và những nguồn vốn văn hóa vật thể và phi vật thể… 

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn

Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa, tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khỏe mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Để tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam, củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, dự án triển khai loạt các hoạt động gồm nghiên cứu, đánh giá, hội thảo, tập huấn và workshop… nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Chương trình tập huấn có bốn chuyên đề: Quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong các điều ước quốc tế liên quan do các chuyên gia của Cục Bản quyền tác giả trao đổi; Các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật do PGS, TS Trần Văn Hải, Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi; Thực trạng và kinh nghiệm xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật do bà Đặng Thị Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Thanh tra Văn hóa gia đình, Thanh tra Bộ VHTTDL.

Sau khóa tập huấn các học viên được trang bị thêm kiến thức về hiểu biết thực tiễn khuôn khổ pháp lý, về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo; đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam.

Tin, ảnh: H.M

;