Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam do Bộ VHTTDL giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Chiếu phim quốc gia và các đơn vị liên quan tổ chức, diễn ra từ ngày 25-2 đến 3-3 trên phạm vi toàn quốc. Những bộ phim được giới thiệu trong dịp này sẽ mang đến cho người xem những dấu ấn đậm nét về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam.
Tuần phim là hoạt động chào mừng “Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”, đặc biệt là đối với những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Những bộ phim sẽ được chiếu trong dịp này, phim truyện: Bình minh đỏ, Cơn giông, Phượng cháy, Nhà tiên tri; phim tài liệu: Hồ Chí Minh năm 1946, Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn (Hồ Chí Minh năm 1946 – phần 2), Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, Chầu văn – âm hưởng linh thiêng, 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; phim hoạt hình: Kỳ tích đầm Dạ Trạch, Đôi cánh kim cương.
Nhà tiên tri (Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam) là bộ phim về đề tài Lãnh tụ Hồ Chí Minh, phim tái hiện lại một thời gian khổ, hy sinh nhưng đầy sắc màu huyền thoại của dân tộc, khi Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1950). Bộ phim đem lại cho khán giả một cái nhìn toàn diện hơn về Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một nhân cách lớn, con người giản dị với ý chí hòa bình bất diệt và tầm nhìn chiến lược thiên tài về thắng lợi tất yếu của dân tộc ta. Bác đã có những tiên đoán về thắng lợi của quân và dân ta vào năm 1954, và thực tế lịch sử đã chứng minh những nhận định thiên tài của Người là hoàn toàn chính xác.
Cảnh phim "Nhà tiên tri"
Hai bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh, năm 1946 và Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn (Hồ Chí Minh, năm 1946 - phần 2 do Công ty cổ phần truyền thông Vietking sản xuất), biên kịch Nguyễn Hạnh Lê và đạo diễn Trần Tuấn Hiệp thực hiện. Phim Hồ Chí Minh, năm 1946 kể về những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946. Bằng trí tuệ xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân chống “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Người đã nhìn nhận đúng thời cơ, nắm bắt khoảnh khắc lịch sử và sáng suốt đưa ra những quyết sách kịp thời, có lợi nhất cho đất nước, để lại cho muôn đời sau Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn; Những bước đi ngoại giao và một cuộc chiến không mong muốn đề cập giai đoạn năm 1946 - đối với dân tộc Việt Nam được coi là một thời điểm lịch sử đặc biệt, khi cả đất nước chìm trong nạn đói, nạn dốt, thù trong, giặc ngoài… vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc. Và chính trong giai đoạn lịch sử đặc biệt đó, đã ghi dấu một cách sáng chói nhất tài năng lãnh đạo kiệt xuất của Lãnh tụ Hồ Chí Minh về cả hai mặt: đối nội và đối ngoại.
Bộ phim đề cập đến những sách lược ngoại giao tuyệt vời vào thời điểm lịch sử đặc biệt năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết trước âm mưu xâm lược của các đế quốc lớn đối với nước ta. Những tư liệu quý về các cuộc đàm phán ngoại giao tại Hà Nội, và những chuyến đi sang Pháp tiếp tục đàm phán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tài liệu lịch sử vô giá để ngày hôm nay, các thế hệ trẻ được biết và tự hào về tài năng kiệt xuất của những bậc Lãnh tụ năm xưa, để biết trân trọng hơn nền hòa bình hôm nay, thêm đoàn kết cùng nhau giữ gìn hòa bình và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) có độ dài 40 phút, khẳng định và nêu bật về giá trị văn hóa Việt Nam, là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc, hun đúc nên tâm hồn, khí phách bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm nhất quán về vị trí, vai trò hết sức quan trọng của lĩnh vực văn hóa. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời, lần đầu tiên Đảng nêu cương lĩnh văn hóa, nội dung, tính chất, tổ chức định hướng phát triển của một cuộc cách mạng, văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng thành công. Những luận điểm của đề cương này đã được soi tỏ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát hóa thành chân lý, có giá trị vô cùng sâu sắc “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”…
Phim Văn hóa soi đường cho quốc dân đi (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) đề cập đến sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam. Với 54 dân tộc anh em cùng chung cảm xúc, tình yêu tổ quốc đã hòa trộn trong mạch máu, trong trái tim mỗi người con nước Việt. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tình cảm đoàn kết, gắn bó, tắt lửa tối đèn có nhau, sự tương thân tương ái vẫn được truyền lại từ nguồn cội xa xưa… Ngày nay, khái niệm thế giới phẳng đã trở nên quen thuộc giữa các quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia đều muốn khẳng định giá trị của mình. Một quốc gia cường thịnh là quốc gia có nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc… Cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa Việt Nam giữ vai trò quan trọng và trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Đảng ta đã xác định về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, là phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, khơi niềm tự hào dân tộc niềm tin khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.
Bình minh đỏ (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam), tác giả kịch bản Nguyễn Thị Minh Nguyệt, do NSND Thanh Vân đạo diễn. Phim kể về chiến sự diễn ra vào Tết Mậu Thân 1968 đang ngày càng khẩn trương, ác liệt, nhu cầu cung cấp nhân, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 đào tạo gấp một số nữ thanh niên xung phong để lái xe vận tải phục vụ chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Giải phóng quân miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời.
Trong điều kiện chiến sự diễn ra ác liệt; những cô gái tuổi đôi mươi được giao nhiệm vụ chở hàng hóa, quân y vụ cho chiến trường, chở thương binh ra Bắc điều trị, mang thi hài liệt sĩ từ nước bạn Lào về nước an táng... Bộ phim khắc họa tinh thần chiến đấu quả cảm của những nữ lái xe Trường Sơn, về cả những hy sinh, mất mát trong chiến tranh không thể bù đắp được, để có chiến thắng cuối cùng.
Cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn; bộ phim tôn vinh những chiến sĩ nữ lái xe anh hùng và những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc.
Cảnh phim "Bình minh đỏ"
Phim truyện Cơn giông (Công ty CP Phim Giải Phóng) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Lê Văn Thảo, do đạo diễn Trần Ngọc Phong thực hiện. Tiểu thuyết Cơn giông viết về cuộc sống ở vùng sông nước Cà Mau, với những nhân vật rất đỗi kỳ lạ. Số phận cứ đưa đẩy và vùi dập, nhưng họ vẫn quyết làm người sống tử tế. Câu chuyện xoay quanh nhân vật tên Bằng, là người gốc Cà Mau, xuất thân là một đứa trẻ mồ côi, được nhặt sau một cơn giông. Sau thời gian lưu lạc, anh trở về quê hương với quyết tâm tìm ra gốc gác của mình. Và chính từ sông nước phù sa, nơi anh tiếp xúc với những con người làng quê chân chất, hào sảng đã khiến Bằng thay đổi thành một con người khác. Bằng, cuối cùng cũng đã tìm thấy được cha ruột và tình yêu đến với anh như một câu chuyện đẹp có hậu, giàu tính nhân văn.
Vì là tác phẩm chuyển thể từ văn học, với các nhân vật chính bước ra từ trang sách, nên đạo diễn Trần Ngọc Phong và biên kịch Ngô Hoàng Giang vẫn quyết định giữ nguyên tính cách số phận, song với cấu trúc và yêu cầu của tác phẩm điện ảnh, đã có phần “bồi đắp” thêm một số chi tiết để câu chuyện được liền mạch, hấp dẫn hơn. Bộ phim vẫn được giữ nguyên tên, bởi đây là cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của tác giả và đã được giải thưởng lớn, hơn nữa, cái tên Cơn giông cũng hàm ý được thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm, rằng trong cuộc đời của mỗi số phận đều có thể gặp phải những sóng gió bất ngờ, nhưng nếu biết vượt qua thì sau cơn giông trời sẽ lại sáng.
Bộ phim "Cơn giông"
Bộ phim Phượng cháy (Công ty CP Phim truyện I) do đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà thực hiện, là câu chuyện xoay quanh nhân vật Ngọc - một cô bé 16 tuổi đang trong giai đoạn thay đổi tâm lý, với bố là ông Phúc - một doanh nhân thành đạt, nhưng vì quá yêu thương người vợ đã mất, nên dành hết tình cảm cho con bằng cách kiểm soát con gái mình mọi lúc mọi nơi. Hệ quả dẫn đến Ngọc cảm thấy bị tổn thương khi quyền tự do cá nhân bị người cha xâm phạm. Xung đột, mâu thuẫn của hai cha con đến đỉnh điểm, nhưng cuối cùng họ cũng tìm được tiếng nói chung, và mỗi người cùng nhìn lại bản thân theo nhiều góc độ.
Phim Chầu Văn – âm hưởng linh thiêng (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) đề cập tới thể loại âm nhạc, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chầu văn. Vượt qua thử thách của thời gian, thậm chí vượt qua được định kiến xã hội và pháp luật để không những tồn tại và phát triển, mà còn nhận được sự yêu thích của cộng đồng người yêu nhạc, cũng như cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Bộ phim với thông điệp: cùng với sự phát triển của nền kinh tế, những môn nghệ thuật lột tả đời sống tinh thần của người Việt Nam không những phong phú, đa dạng mà còn vô cùng đặc sắc, góp phần xây dựng một kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam sống động.
Phim hoạt hình Kỳ tích đầm Dạ Trạch do Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất, là câu chuyện kể về Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục theo Lý Nam Đế đánh giặc Lương từ năm 541, được phong là Tả tướng quân. Năm 545, quân Lương do Trần Bá Tiên cầm đầu sang xâm lược nước ta một lần nữa. Do bệnh nặng, Lý Nam Đế giao quyền cho Triệu Quang Phục cầm quân chống giặc. Hai bên giao tranh nhiều trận, chiến đấu rất ác liệt nhưng không phân thắng bại. Triệu Quang Phục bèn lui quân về dựng căn cứ mới ở quê hương ông, vùng Dạ Trạch (Khoái Châu) - là vùng đầm lầy địa thế hiểm trở gắn với những chuyện kỳ bí về Chử Đồng Tử. Tận dụng địa thế, kết hợp với lối đánh du kích tài giỏi, ông đã đánh tan đội quân hùng mạnh của nhà Lương. Ông được nhân dân trong vùng tôn là Dạ Trạch Vương. Về sau, ông lên nối nghiệp Lý Nam Đế, chỉ xưng là Triệu Việt Vương để tỏ lòng trung nghĩa.
Đôi cánh kim cương của Công ty Cổ phần Phim Giải phóng, bộ phim hoạt hình kể về Bồ Câu Trắng vì nghe lời Tu Hú mà quên mất nhiệm vụ được giao, vì thế, Bồ Câu Trắng không thể tham gia cuộc thi sắc đẹp, cũng không thể tham gia thi nhà hòa giải. Bồ Câu Trắng suy sụp tinh thần nhưng may mắn là có hai người bạn là Bồ Câu Xám và Đom Đóm chân tình an ủi, động viên giúp Bồ Câu Trắng tìm lại được giá trị của một nhà hòa giải. Bộ phim mang ý nghĩa giáo dục về sự khiêm nhường, lòng tốt, sự chân thành, biết sửa sai.
NGỌC BÍCH