Sơ lược về dân tộc Lô Lô
Dân tộc Lô Lô thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến. Trong các thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc, người Lô Lô trước đây mang các tên gọi khác nhau là: Ô Man, Lu Lọc Màn, La La, Qua La, Di Nhân, Di Gia, Quả La, Lạc Tô. Đồng bào Lô Lô tự gọi mình là Màn Trzì, Màn Chì hay Mùn Trzì (tùy thuộc vào cách phát âm của mỗi vùng). Lô Lô là tên gọi thông dụng từ lâu.
Căn cứ vào trang phục, thổ âm và một số đặc trưng văn hóa, các nhà khoa học nước ta đã chia người Lô Lô thành hai ngành: Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Nhóm Lô Lô Đen, tự gọi mình là Màn Di No, cư trú tập trung tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Nhóm Lô Lô Hoa, tự gọi mình là Màn Di Qua hay Màn Di Pu, cư trú tập trung tại thị trấn Mèo Vạc, xã Xín Cái, Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc và một số hộ sống rải rác trong các xã Lũng Táo, Sủng Là, huyện Đồng Văn.
Nhiều tài liệu đều khẳng định rằng, người Lô Lô ở Việt Nam có quan hệ mật thiết với người Di ở Trung Quốc. Do nhiều biến cố lịch sử, họ di cư vào Việt Nam. Người Lô Lô đến khai phá vùng đất cao nguyên Đồng Văn trước các dân tộc Cờ Lao, Mông, Dao, Nùng, Giấy, Pu Péo. Vào mỗi dịp cúng tế, các dân tộc này đều cúng ma người Lô Lô. Khi bắt đầu vào mùa vụ, người Mông làm lễ cúng nương, họ phải cúng ma người Lô Lô. Hiện nay nhiều địa danh vùng Đồng Văn, Mèo Vạc vẫn dùng tiếng Lô Lô để gọi.
Tính đến năm 2015, tổng dân số người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 1.623 người, tập trung đông nhất tại thị trấn Mèo Vạc, xã Thượng Phùng, Xín Cái của huyện Mèo Vạc và các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Là huyện Đồng Văn.
Tang ma của dân tộc Lô Lô
Người Lô Lô quan niệm trái đất hình tròn, còn vũ trụ có ba thế giới gồm thế giới trần gian, thế giới ma và thế giới trên trời. Tất cả đều giống nhau, đều có con người, có ma quỷ, có thánh thần, có cỏ cây, sông núi... Thế giới lòng đất là thế giới của loài người tí hon đeo dao ở gần đầu gối, làm việc và sinh sống như người trần gian. Thế giới của ma - thế giới ảo, do người chết đem chôn dưới đất rồi biến thành. Con người không thể nhìn thấy ma quỷ, song ma quỷ thì nhìn thấy con người. Người Lô Lô cho rằng, nếu con người sống không tốt bụng thì dễ bị ma quỷ trừng phạt, làm cho ốm đau và chết.
Người Lô Lô quan niệm trời là cha, đất là mẹ, có trời mới có đất, có đất mới sinh cỏ. Trời sáng tạo ra thế giới trần gian, loài người và muôn vật; trời quyết định vận mệnh của loài người.
Tang ma của người Lô Lô Đen ở Lũng Cú được tiến hành theo hai nghi lễ. Nghi lễ thứ nhất gọi là làm ma tươi, tức lễ chôn cất thể xác hay làm ma, còn nghi lễ thứ hai là làm ma khô, gia đình đưa ma về với thế giới tổ tiên. Hai nghi lễ này được tiến hành đồng thời, nhưng thường người ta làm lễ chôn thể xác, tức làm ma tươi trước. Sau một thời gian, khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về kinh tế và tinh thần, gia đình mới tổ chức làm lễ ma khô cho người chết.
Theo tập quán của người Lô Lô, khi bố mẹ qua đời, con cái nấu nước ấm lau người và thay quần áo cho cha mẹ rồi khiêng thi hài ra gian giữa nhà, đặt nằm quay đầu về bàn thờ tổ tiên, quay chân ra cửa. Sau đó, họ bắn ba phát súng chỉ thiên. Người Lô Lô Đen còn đánh lên ba hồi trống đồng để báo hiệu cho dân làng biết gia đình mới có người qua đời. Trong những ngày thi hài đang ở trong nhà, tang chủ mời thầy mo đến, làm lễ đưa hồn người chết về với thế giới tổ tiên.
Họ hàng dân làng đến phúng viếng mang cho tang chủ ngô, lúa, gà, củi… để gia đình làm đám. Mỗi ngày cũng như mỗi đêm, tang chủ thường thay đồ cúng, cúng cho người chết ba lần. Khi kết hợp làm ma lớn cho người chết, gia đình còn tổ chức múa ma suốt ba ngày đêm. Ngày đầu và ngày cuối cùng là những ngày múa chính, có bốn đôi nam nữ, thường là những người già cùng độ tuổi như người quá cố, mặc quần áo mới, múa tiễn bạn mình về với tổ tiên. Ngoài tám người múa chính này thì ai tham gia múa cũng được.
Đến lúc chuẩn bị đưa đám, thi hài mới được nhập quan, gia đình phủ lên thi thể người chết một mảnh vải trắng rồi đậy nắp quan tài lại. Quan tài được buộc vào bốn cây đòn và trai tráng trong làng khiêng ra huyệt mộ. Dẫn đầu đoàn đưa đám ở nhóm Lô Lô Đen là một bà già cầm bát gạo rắc dọc đường để xin các cô hồn cho phép, nhường đường đưa người chết ra mộ. Còn ở nhóm Lô Lô Hoa thì con trai cầm hương, con gái cầm bùi nhùi cỏ tranh đi trước, mang ý nghĩa soi đường dắt tiễn bố mẹ về với tổ tiên. Khi hạ huyệt, con trai lấp ít đất đầu tiên, mang ý nghĩa làm nhà cho bố mẹ. Mộ được đắp nhô cao khỏi mặt đất khoảng một thước tây, quanh mộ được xếp đá. Ở người Lô Lô Hoa, bà con xếp chín hàng đá đối với nam, bảy hàng đối với nữ.
Với quan niệm người chết sẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới khác nên đám ma của người Lô Lô có nhiều lễ thức độc đáo, như hóa trang, nhảy múa, nhào lộn... Tiếng trống đồng cất lên để gọi linh hồn về. Phụ nữ nhảy múa trong đám tang, mặc những bộ trang phục, đồ trang sức đẹp nhất để đưa tiễn người quá cố về với tổ tiên. Trống đồng cũng được gõ đệm nhịp cho các điệu múa nghi lễ dân gian trong các nghi lễ tang ma. Tiếng trống đồng vang lên, tất cả cùng tham gia một điệu múa đồng đều và uyển chuyển, chỉ khi nào tiếng trống dừng, họ mới chấm dứt. Tối đến, những người phụ nữ cùng làm những vật dụng trong tang lễ hay những trang phục cần thiết cho các phần lễ tiếp theo. Ở dưới sân, mọi người đốt lửa và quây quần bên nhau, mời nhau rượu, trêu đùa nhau một cách vui vẻ. Trong các đám tang của người Lô Lô, một việc không thể thiếu là lễ múa ma hay còn gọi là múa người rừng để tiễn hồn người chết về với tổ tiên. Thực hiện nghi lễ này, gia đình người mất nhờ ít nhất bốn nam thanh niên vào chốn sơn lâm hóa trang thành người rừng (lấy cây rừng quấn xung quanh người, chỉ để hở hai con mắt). Nam giới hóa trang phải là người chưa lập gia đình, biết những điệu múa của dân tộc và được bà con gọi là người rừng. Người Lô Lô cho rằng, ngày xưa, tổ tiên mình ăn vận như vậy cho nên phải hóa trang đúng thì bên kia mới biết mà nhận người chết về sống cùng ở thế giới tổ tiên. Đoàn người múa theo nhịp trống đồng, mô phỏng những công đoạn trong sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, trồng ngô, bẻ ngô, giã gạo, trồng lanh, dệt vải...
Về nhà, mọi người sắp cỗ cúng cho hồn người chết và cũng là để gọi vía người sống về, không cho vía theo người chết. Từ đó, cứ mỗi bữa ăn, gia đình lại xới riêng một bát cơm cùng thức ăn và đôi đũa mời người chết về cùng ăn. Dù chết vào tháng nào thì cứ đến tháng 11, bà con lại làm cỗ lớn nhờ thầy mo triệu hồn người chết nhập vào hình nhân “ma tể” trên bàn thờ gia tiên, ngự ở đó làm ma nhà; đồng thời cũng đánh dấu từ đây, mỗi bữa người nhà không cúng cơm nữa.
Ở người Lô Lô Hoa, sau khi mai táng xong, nếu gia đình có điều kiện kinh tế tốt mới làm lễ cúng lớn và múa ma suốt ba ngày ba đêm. Sau khi làm lễ lớn này, hằng ngày không phải cúng cơm cho người đã khuất nữa.
Nghi thức để tang của người Lô Lô có một số nét khác biệt so với một số dân tộc khác như việc con trai chỉ để tang bố không để tang mẹ, trong khi con gái chỉ để tang mẹ, không để tang bố. Cách thức để tang của phụ nữ cũng rất đặc biệt, họ chỉ trùm chiếc áo lên đầu cho đến khi cải táng xong. Cũng có trường hợp con gái để tang mẹ bằng cách cắt một ít tóc cất vào nơi kín đáo, khi nào họ chết sẽ mang tóc đó chôn theo luôn.
Bố mẹ mất, con cháu trong nhà phải chịu tang một năm, con trai không được cưỡi ngựa, con gái không được mang đồ trang sức. Chồng mất ít nhất một năm thì người vợ mới được đi lấy chồng khác. Bố mẹ qua đời thì phải một năm sau con cái mới được dựng vợ gả chồng. Vào các dịp thanh minh (3/3), người Lô Lô cũng có tục tảo mộ. Tết tháng bảy, bà con cúng thổ công và cúng cho ông bà, cha mẹ, tết Cả thì cúng và thắp hương cho người chết trên bàn thờ tổ tiên… Ở người Lô Lô Hoa, lại có tục vào dịp Tết Cả (tết năm mới), con cháu đến mộ ông bà, cha mẹ thắp hương và bón cơm tượng trưng cho người chết ở trong mả ăn.
Tác giả: Nguyễn Văn Tiến
Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020