Phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, việc học tập phong cách tư duy Hồ Chí Minh với hạt nhân là phong cách tư duy chính trị, vừa là nội dung thường xuyên vừa có ý nghĩa chính trị trong công tác xây dựng Đảng, đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế thời kỳ mới.

     Phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh là những đặc điểm có tính hệ thống, ổn định, thể hiện nét đặc trưng riêng, nổi bật, đặc sắc, độc đáo riêng có của Người, không trộn lẫn với bất kỳ nhà chính trị nào. Phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh là cơ sở tiền đề quan trọng cho những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, trong TK XX và có ý nghĩa to lớn trong việc học tập phong cách tư duy chính trị của Người trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

     Phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh được hình thành trên một nền tảng truyền thống của gia đình, quê hương cộng hưởng với tư chất của Người, sau đó được hình thành, phát triển trong thực tiễn trải nghiệm hành trình đi tìm đường cứu nước và hoàn thiện, nâng lên tầm cao mới về chất khi bắt gặp, tiếp thu giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là phong cách tư duy chính trị độc lập, sáng tạo, tự chủ trong xác định mục tiêu, con đường của cách mạng Việt Nam. Lịch sử dân tộc ta cuối TK XIX, đầu TK XX chứng kiến sự bế tắc của con đường cứu nước thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, chứng tỏ tư duy chính trị cũ đã tỏ ra lỗi thời, lạc hậu. Bởi lẽ, với tư duy chính trị dựa trên cơ sở Nho giáo, các nhà yêu nước đương thời đã coi cuộc xâm lược của thực dân Pháp với Việt Nam là cuộc xâm lược của một dân tộc với một dân tộc, của một nước mạnh với một nước yếu như bản chất các lần thống trị của thế lực phương Bắc trước đây đối với dân tộc ta. Như vậy, tư duy chính trị cũ đã tỏ ra bất lực khi không nhìn nhận rõ bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp không chỉ đơn thuần là áp bức dân tộc mà bao gồm và cao hơn là áp bức giai cấp. Bằng tư duy chính trị độc lập, sáng tạo của mình, Hồ Chí Minh đã quyết tâm đi tìm một hệ tư tưởng mới, muốn tìm xem đằng sau “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là gì để về giúp đồng bào mình. Người đã tìm thấy hệ tư tưởng cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin và trên nền tảng và định hướng ấy, Hồ Chí Minh đã từng bước xây dựng được lý luận về con đường giải phóng hoàn toàn dân tộc Việt Nam. Đó là sự lựa chọn dứt khoát, thể hiện tư duy chính trị sắc bén về con đường giải phóng dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (1).

     Phong cách tư duy chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh còn thể hiện trong việc xác định con đường riêng cho cách mạng Việt Nam, đó là đề cao cách mạng giải phóng dân tộc. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản nhưng lại tiến hành dân tộc cách mạng, đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập dân tộc, chứ chưa phải tiến hành giai cấp cách mạng (thế giới cách mạng) đuổi tư bản, giành lấy chính quyền về tay công nông. Nhận thức và cách giải quyết của Hồ Chí Minh cũng không giống kiểu cách mạng vô sản ở chính quốc, có nhiệm vụ đập tan nhà nước chuyên chính tư sản, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản. Chính tư duy chính trị sáng tạo này đã gây nên những hoài nghi nhất định trong hàng ngũ những người cộng sản của quốc tế lúc đó, nhưng thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam khởi đầu từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 1975, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội đã chứng minh cho tính đúng đắn tư duy chính trị Hồ Chí Minh khi giải quyết tốt mối quan hệ giai cấp và dân tộc phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

     Nét đặc sắc trong phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ trong tinh thần yêu nước, yêu dân, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa lý trí và tình cảm cách mạng trong sáng Hồ Chí Minh. Tinh thần yêu nước, yêu dân của Hồ Chí Minh xuất phát từ tư duy chính trị luôn đánh giá cao sức mạnh của quần chúng nhân dân: “… Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (2). Chính vì yêu nước, yêu dân tha thiết nên phong cách tư duy chính trị của Người đạt đến trình độ thấu cảm với dân. Điều đó thể hiện qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Khi đề cập đến xây dựng một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, Người nêu mục đích: “Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động” (3). Chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh nêu ra để động viên toàn dân xây dựng một xã hội mới ở Việt Nam thật dễ hiểu, có sức hấp dẫn lớn. Mong muốn lớn nhất của Người cũng thật giản dị, dễ hiểu: “… là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (4).

     Hiện nay, Đảng ta đang phát động mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Học tập phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh trong tình hình mới đối với cán bộ, đảng viên phải đi vào chiều sâu, thành phong cách của mỗi người cụ thể. Học tập phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh là quá trình tổng hợp, vận dụng, phát triển phong cách của Người vào quá trình rèn luyện tư duy của mỗi cán bộ, đảng viên. Để học tập phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

     Một là, đề cao ý thức trách nhiệm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân của cán bộ, đảng viên.

     Bảo vệ và giữ gìn độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là vấn đề thiêng liêng của mọi người dân, trước hết là của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giáo dục cán bộ, đảng viên thấy được những giá trị về những hy sinh to lớn của các thế hệ để có được non sông gấm vóc hòa bình, tươi đẹp như hôm nay, từ đó mỗi người thấy được niềm tự hào, trách nhiệm với Tổ quốc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước có trách nhiệm với đất nước… sẽ biến tư tưởng thành hành động, thành những việc làm cụ thể hàng ngày, giúp mỗi người xử lý hài hòa các lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết. Thực hiện tốt nhiệm vụ trên là trực tiếp góp phần khắc phục “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

     Trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh, nhân dân luôn được Người xác định là nguồn lực, là sức mạnh to lớn của Đảng, của cách mạng. Nhân dân là đối tượng lãnh đạo, quản lý, nhưng dân là chủ và dân làm chủ. Cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân, trước hết phải trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, với lợi ích của nhân dân. Bác Hồ đã dạy rằng: “… việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh” (5). Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt đường lối nhân dân theo tư duy chính trị Hồ Chí Minh, trước hết phải thường xuyên quán triệt mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng không có mục đích nào khác là luôn luôn phấn đấu đem lại nhiều quyền lợi cho giai cấp công nhân và nhân dân ta. Để nâng cao ý thức trách nhiệm với dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần có một loạt giải pháp, có giải pháp thuộc về trách nhiệm của tổ chức, có giải pháp thuộc bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Với mỗi người, phải có nhận thức đúng và quyết tâm hành động; phải làm tốt mối quan hệ với nhân dân theo những quy định của Đảng và pháp luật. Khắc phục những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, không biến trách nhiệm của cán bộ trong thi hành công vụ thành quan hệ kinh tế vì lợi ích cá nhân hay lợi ích cục bộ của cơ quan, đơn vị… Tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước có quy định cụ thể, lấy tinh thần, thái độ phục vụ làm thước đo chuẩn mực đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.

     Hai là, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng.

     Có thể nhận thấy, sức mạnh của Đảng nằm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất và năng lực, có đức, có tài, có trách nhiệm và sự nhiệt tình trong công tác xây dựng Đảng. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên không coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ của mình, cho rằng đó là việc của cấp ủy, của một số cơ quan xây dựng Đảng… thì không thể và không bao giờ công tác xây dựng Đảng có kết quả như mong muốn. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải tích cực tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đạo đức và phong cách công tác. Nhưng để trách nhiệm đó được thực hiện tốt cần có sự chuyển động từ hai phía:

     Về phía cấp ủy, người lãnh đạo phải thực hành dân chủ rộng rãi trong tổ chức Đảng, tổ chức tốt việc tự phê bình và phê bình như lời căn dặn của Bác Hồ trong Di chúc thiêng liêng của Người. Trách nhiệm nêu gương của người cán bộ lãnh đạo cấp trên, người đứng đầu “làm trước và phải thực sự gương mẫu để các cấp noi theo” (6) và thực hiện nghiêm các nội dung trong Quy định số 08 QĐ/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Người đứng đầu phải tôn trọng nguyên tắc sinh hoạt đảng, tôn trọng tập thể, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên… có như vậy mới phát huy được tính tích cực, tự giác trong mỗi cán bộ, đảng viên.

     Về phía cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn; tham gia vào các quá trình xây dựng đường lối chính trị; góp phần triển khai đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhân dân; đấu tranh bảo vệ đường lối chính trị đúng đắn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình” (7).

     Ba là, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân trên cương vị công tác.

     Đảng ta là đảng cầm quyền nên việc xây dựng phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống qua xác định trách nhiệm chung với Tổ quốc, dân tộc, nhân dân, Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội, gia đình chỉ có tác dụng tích cực khi xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên. Để mỗi người đều thấy rõ trách nhiệm với chính mình, tự mình phải rèn luyện đạo đức cách mạng, coi đó là nhiệm vụ không thể thoái thác. Cần xác định rõ nghĩa vụ và quyền lợi trên mỗi cương vị công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phẩm chất chính trị, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên được thể hiện trong sự tôn trọng bản thân, thể hiện trong các mối quan hệ với chính mình, với người và với việc, trong đó với chính mình là rất quan trọng. Phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi người thể hiện qua trách nhiệm với công việc được giao. Mọi công việc phải làm cho đến nơi, đến chốn, làm cho kỳ được với tinh thần: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to” (8).

     Có thể nhận thấy, các giải pháp trên đây là một thể thống nhất có mối quan hệ gắn kết với nhau tạo nên hiệu quả của việc nâng cao vai trò tích cực, tự giác của cán bộ, đảng viên trong học tập phong cách tư duy chính trị Hồ Chí Minh. Quá trình tổ chức thực hiện, cần tiến hành tốt những nội dung cơ bản trên đây nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, xác định tốt trách nhiệm cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

___________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.453.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187.

5, 8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.432, 131.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.27.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.356.

Tác giả: Nguyễn Văn Thủy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

;