Công nghiệp văn hóa (CNVH) là các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa văn hóa, hội tụ 4 yếu tố: tính sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Vốn văn hóa không chỉ tạo ra sản phẩm văn hóa mà còn tạo ra môi trường và điều kiện cho ngành CNVH phát sinh và phát triển. Phát triển CNVH dựa trên nguồn vốn văn hóa trở thành xu hướng tất yếu vì vai trò và lợi ích của nó đối với sự phát triển bền vững. Với nguồn vốn văn hóa phong phú, đa dạng, Hà Nội đang trong tiến trình xây dựng những ngành CNVH thích ứng với các bước phát triển mới của thời đại.
Từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), Đảng ta đã bắt đầu đặt vấn đề gắn kết giữa kinh tế với văn hóa. Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW (2014), Đảng chính thức đưa ra 1 trong 6 nhiệm vụ là phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XIII (2021), Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới...”. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng xác định: “Ưu tiên phát triển một số ngành CNVH, một số sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế…”. Từ các quan điểm chỉ đạo trên, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội với lợi thế Thủ đô cùng bề dày về lịch sử văn hóa đã trở thành 1 trong 3 trung tâm phát triển CNVH của cả nước. Bài viết tìm hiểu thực trạng phát triển CNVH Hà Nội dựa trên nguồn vốn văn hóa, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phát huy vốn văn hóa trong phát triển CNVH trên địa bàn hiện nay.
1. Lý luận về phát huy vốn văn hóa trong phát triển các ngành CNVH
Văn hóa và phát huy vốn văn hóa
Văn hóa là khái niệm có nội hàm rất rộng. Tùy theo góc độ tiếp cận và mục đích sử dụng mà người ta đưa ra định nghĩa phù hợp. Tuy nhiên, dù tiếp cận theo cách nào thì giá trị phổ quát chung của văn hóa mà cả nhân loại hướng tới là chân - thiện - mỹ. Bài viết tiếp cận thuật ngữ văn hóa từ quan niệm của học giả Trần Ngọc Thêm trong Cơ sở văn hóa Việt Nam: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (1). Như vậy, nội hàm của văn hóa gồm: Văn hóa chứa đựng yếu tố vật thể (công trình kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa...) mà chúng ta có thể khai thác để tạo ra những giá trị mới, đặc biệt là giá trị thặng dư cho nền kinh tế thông qua việc phát triển các ngành CNVH; Văn hóa chứa đựng yếu tố phi vật thể (niềm tin, hệ giá trị văn hóa hình thành nên các chuẩn mực, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán...). Trong bối cảnh phát triển thị trường văn hóa hiện nay, văn hóa phi vật thể trở thành nguồn vốn văn hóa, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội đồng thời tham gia vào quy trình sáng tạo, sản xuất, bảo quản, phân phối tiêu dùng sản phẩm văn hóa.
Vốn văn hóa là một khái niệm trừu tượng với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Kế thừa quan điểm của Bourdieu, bài viết đưa ra cách hiểu về vốn văn hóa gắn với văn hóa cộng đồng: Vốn văn hóa được hiểu là tổng thể các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần và những biểu hiện của con người tác động đến các hoạt động kinh tế, xã hội, qua đó tạo ra các giá trị trao đổi, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội theo hướng chân - thiện - mỹ.
Phát huy vốn văn hóa là việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo, giữ gìn và lan tỏa các giá trị nhân văn cao đẹp của con người (tri thức, trí tuệ, kỹ năng, đạo đức, lối sống, phong cách ứng xử...), bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình phát triển (các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần), nguồn lực quan hệ xã hội (được thể chế hóa thành những quy tắc, luật lệ) tạo thành không gian, môi trường văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động kinh tế, xã hội nói chung và CNVH nói riêng.
Công nghiệp văn hóa
CNVH còn được gọi là công nghiệp sáng tạo, công nghiệp nội dung hay công nghiệp dựa trên bản quyền... Năm 2007, UNESCO đưa ra quan niệm: “CNVH là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết nối giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể), và các nội dung sáng tạo được bảo vệ bản quyền. Khái niệm công nghiệp liên quan đến sản phẩm hàng hóa còn khái niệm văn hóa thường diễn đạt ý niệm trừu tượng về giá trị” (2). Ở đây, UNESCO đã nhấn mạnh tính hai mặt của CNVH là tính sáng tạo và tính thương mại. Năm 2016, Chiến lược phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có đưa ra định nghĩa: “CNVH là sự ứng dụng của những tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân”.
2. Phát huy vốn văn hóa trong phát triển CNVH ở Hà Nội
Hà Nội và vốn văn hóa Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước. Trong quá trình hội nhập, Hà Nội sớm bắt nhịp theo xu hướng phát triển CNVH trên thế giới. Tháng 10-2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo. Đây là bước đột phá trong xây dựng thương hiệu mới cho thủ đô, đồng thời là cơ hội giúp Hà Nội có thể biến sáng tạo và CNVH trở thành một trong những cốt lõi của sự phát triển, tạo cơ hội để tăng cường hội nhập quốc tế, huy động được nguồn lực, tri thức, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố thành viên và của tổ chức UNESCO. Vốn văn hóa Hà Nội bao gồm chủ thể văn hóa, vốn văn hóa vật thể và phi vật thể.
Chủ thể văn hóa Hà Nội có nguồn gốc từ những cư dân cổ từ trung du di cư xuống gây dựng nền văn minh sông Hồng. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, Hà Nội trở thành kinh đô của cả nước. Từ đây, cư dân của nhiều miền quê tụ về làm ăn, sinh sống qua nhiều thế hệ. Buổi ban đầu ngoài nhóm người gọi là dân Kẻ Chợ được coi là cư dân bản địa, quá trình nhập cư gồm: tầng lớp quan lại và binh lính, thợ thủ công và nghệ nhân, thương nhân, văn nhân nghệ sĩ, nho sinh sĩ tử… tụ về kinh đô thi cử, lập nghiệp, lập danh; trong đó đội ngũ thanh niên, học sinh, sinh viên đầu TK XX đã hình thành tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa Hà Nội thời cận hiện đại. Theo đó, phẩm chất thanh lịch được bổ sung thêm giá trị văn minh, làm nên cốt cách văn hóa của người Hà Nội (3). Như vậy, cùng với người Kẻ Chợ được coi như cư dân gốc, các thế hệ cư dân từ nhiều miền quê và kiều bào hội tụ về kinh đô sinh sống, làm ăn đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng và bồi đắp nên cốt cách thanh lịch văn minh của người Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội có “dân số vàng” cùng một nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã trở thành nguồn lực nội sinh, vốn văn hóa, động lực quan trọng phát triển thủ đô.
Khách quốc tế tham quan chùa Một Cột (Hà Nội) - Ảnh: Hà Hữu Nết
Hà Nội tự hào với kho tàng di sản văn hóa vô giá, gồm 5.922 di tích lịch sử, danh thắng cùng 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong số đó có nhiều di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới, Di sản quốc gia. Các di sản này được coi là hồn cốt của Hà Nội, chất chứa tinh hoa của dòng chảy văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử đồng thời là nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Hà Nội trong quá trình hội nhập.
Thực trạng phát huy vốn văn hóa trong phát triển các ngành CNVH (khảo sát ngành Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh)
Hiện nay, Hà Nội có 6/27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong đó, Nhà hát Kịch Hà Nội nổi tiếng với dòng chính kịch, trí tuệ. Nhà hát đã khai thác những câu chuyện rất đỗi quen thuộc như: Trương Chi - Mị Nương, Vua Lý Thái Tổ, Dế Mèn phiêu lưu ký… được các nghệ sĩ cách tân, mang hơi thở cuộc sống đương đại, qua đó tạo sức hút cho sân khấu. Đơn cử như tác phẩm văn học nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, dưới bàn tay đạo diễn, những Dế Mèn, Dế Trũi, Dế Choắt, Cốc, Cào Cào, Xén Tóc… từ trang sách bước lên sân khấu sinh động, đầy màu sắc nhờ sự lồng ghép của nhiều hình thức nghệ thuật như: kịch nói, múa rối, hay thủ pháp sân khấu lồng sân khấu. Đạo diễn cũng đưa tuồng, chèo, cải lương, quan họ… đan xen với nhạc rap, nhảy hiện đại, vừa đem lại chiều sâu văn hóa cho tác phẩm, vừa cuốn hút khán giả.
Nhà hát Chèo Hà Nội đánh dấu sự khác biệt bằng phong cách sang trọng, tao nhã, hiện đại, có khả năng lôi kéo cả tầng lớp khán giả trẻ. Nhà hát luôn đổi mới các chương trình biểu diễn, xây dựng các trích đoạn đặc sắc trong những vở chèo truyền thống xen lẫn ca hát dân gian. Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam thường đầu tư vào những tác phẩm văn học nổi tiếng, câu chuyện lịch sử và tích truyện dân gian chứa đựng bài học nhân văn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc… như việc sáng tạo tác phẩm thứ hai trong dự án Huyền sử Việt mang tên Thượng Thiên Thánh Mẫu. Vở diễn được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian người Việt. Thành công nhất là Nhà hát Múa rối Thăng Long với hơn 2.000 chương trình/ năm và đã biểu diễn ở hơn 50 quốc gia. Nhà hát thu hút từ 1.500- 2.000 khán giả/ ngày. Rối nước trở nên cuốn hút đối với khách quốc tế chính là bởi ngôn ngữ biểu đạt độc đáo và chất liệu vốn văn hóa dân gian đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.
Trong 5 năm qua, 6 nhà hát của Hà Nội đã tổ chức 12.000 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có hơn 1.800 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, doanh thu đạt hơn 234 tỷ đồng. Đối với hoạt động biểu diễn bán vé thu tiền do các tổ chức thuộc Hà Nội thực hiện là 900 buổi trong 3 năm từ 2017-2020. Ngoài 6 đoàn, nguồn thu đến từ nhiều chương trình tầm cỡ thế giới, có sự liên doanh góp mặt của các ngôi sao đình đám như ban nhạc ABBA, BRUNEI, SMOKIE, vở bale Hồ Thiên Nga, K-Pop đến từ Hàn Quốc, chương trình trao giải thưởng Âm nhạc quốc tế ASEAN Award... Thành phố huy động nguồn lực xã hội hóa cho chương trình Đếm ngược - Count down vào thời khắc giao thừa, đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/ chương trình (3 chương trình); chương trình Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert đạt khoảng 20 tỷ đồng/ chương trình; Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa giai đoạn 5 năm (2018-2022) khoảng 15 tỷ đồng/ năm/ chương trình… (4).
Hà Nội từ lâu đã đi vào lịch sử ngành Điện ảnh nước nhà. Vốn văn hóa cùng con người Hà Nội không chỉ là đối tượng phản ánh mà người Hà Nội còn là những người làm phim. Điện ảnh Việt Nam thực sự hình thành và phát triển khi có Hãng Phim truyện Việt Nam (1953), nhưng mãi tới 1974 mới có phim Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội có người và cảnh Hà Nội. Năm 1976, một bộ phim tiếp theo về người Hà Nội là Sao Tháng Tám. Tại Liên hoan phim Việt Nam 1999, cảnh và người Hà Nội lại một lần nữa được khắc họa trong Hà Nội mùa đông năm 1946. Trong các phim về Hà Nội, hình ảnh người lính thật đáng ca ngợi như trong: Tiền tuyến gọi, Em bé Hà Nội, Vùng trời, Hà Nội mùa đông năm 1946, Sống mãi với thủ đô. Đó còn là những người thợ dũng cảm, gan dạ như trong phim Ở phía Bắc thành phố, hay những chiến sĩ công an mưu trí, sáng tạo trong Điệp vụ thứ nhất. Cũng còn những người Hà Nội rất đỗi bình thường mà khi vào phim cũng đáng trân trọng như Người Hà Nội, Trở về, Ngõ hẹp. Thêm vào đó là nguồn vốn văn hóa phi vật thể đến từ các câu chuyện lịch sử trong Đêm hội Long Trì, Hoàng Lê nhất thống chí... Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công dân số 1 của đất nước đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm phim khai thác. Như vậy, nguồn vốn văn hóa, con người Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim khai thác và sẽ tiếp tục là nguồn tài nguyên đưa ngành Điện ảnh Hà Nội trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển CNVH của Thủ đô.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển ngành Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, trong thời gian gần đây, Hà Nội rất quan tâm phát triển các không gian sáng tạo trẻ. Những không gian đó đã khởi động trong vòng 5 năm qua, đến nay Hà Nội có 24 không gian sáng tạo, trong đó phần lớn là các không gian làm việc chung, triển lãm, tổ chức sự kiện về nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc, điện ảnh, thư viện, quán cà phê sách, cửa hàng thời trang... Những không gian sáng tạo mới, nơi truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối cho giới nghệ sĩ, nhất là người trẻ tiêu biểu như Hanoi Creative City, Manzi, Doclab, Nhà Sàn Studio, X98... Năm 2013, Zone 9 (khu nhà cũ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 nằm trên 2 mặt đường, số 9 Trần Thánh Tông và 38 Nguyễn Huy Tự, Hà Nội) ra đời đã trở thành nơi gặp gỡ của hàng nghìn bạn trẻ trong và ngoài nước; được coi như là một không gian giải trí, một ngôi nhà sáng tạo và tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Với hơn 60 hộ kinh doanh và hơn 1.000 nhân viên, Zone 9 là mô hình tổ hợp sáng tạo lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, tuy nhiên, tổ hợp này bị đóng cửa sau vụ vụ hỏa hoạn diễn ra vào tháng 11-2013. Mặc dù vậy, nhưng Zone 9 đã truyền đi nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ. Ý tưởng về một không gian sáng tạo ngày càng được nhiều người ưa thích, đặc biệt tại Thủ đô. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mạng lưới những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và kinh doanh trên địa bàn Hà Nội ngày một phát triển lớn hơn và đây chính là điều sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển CNVH của Hà Nội.
3. Một số giải pháp
Trong thời gian qua, Hà Nội triển khai chiến lược phát triển các ngành CNVH dựa trên nguồn vốn văn hóa bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình khai thác, phát huy nguồn vốn văn hóa trong lĩnh vực này còn tồn tại một số khó khăn, thách thức vì đây là một lĩnh vực mới ở nước ta, nên nhận thức về CNVH còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thu hút sự quan tâm, đầu tư của xã hội. Việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển các ngành CNVH còn nhiều bất cập. Trong đó, việc rà soát, hoàn thiện, xây dựng hệ thống chế độ chính sách đối với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật và văn nghệ sĩ, đầu tư đặt hàng, tài trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác, thành lập quỹ sáng tác cần được chú trọng, tạo nên những chuyển biến mang tính đồng bộ để văn hóa, nghệ thuật phát triển tương xứng với vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển văn hóa của thời kỳ mới. Cơ sở vật chất và trang thiết bị như máy móc kỹ thuật, trường quay đối với hoạt động điện ảnh chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi và đặc biệt là chưa bắt kịp nhu cầu thời đại hiện nay. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các chủ thể (cơ quan quản lý, tổ chức văn hóa nghệ thuật, doanh nghiệp, giới văn nghệ sĩ, nghệ nhân và người dân) tham gia vào các công đoạn sản xuất, phân phối, kinh doanh dịch vụ văn hóa về vị trí, vai trò của vốn văn hóa trong phát triển các ngành CNVH ở Hà Nội.
Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ VHTTDL và UBND thành phố trong việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành CNVH giai đoạn tới, trong đó ưu tiên vào những ngành mũi nhọn.
Ba là, cụ thể hóa nhiệm vụ trong việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND thành phố bằng các kế hoạch, chương trình hằng năm.
Bốn là, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển các ngành CNVH trong giai đoạn 2021-2025, nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội hoàn thiện chính sách và Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 với nhiều nội dung, ưu đãi nhằm khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNVH.
Năm là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy cho các ngành CNVH phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của xã hội và phục vụ xuất khẩu.
Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29-5-2017 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó cần xác định một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm và đem lại kết quả nhất định, làm tiền đề và động lực để phát triển các lĩnh vực khác.
Ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ 6 quan điểm, 1 mục tiêu chung và 3 mục tiêu cụ thể tương ứng với 3 mốc thời gian như trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Theo đó, Thành ủy Hà Nội xác định sẽ tập trung đầu tư phát triển một số ngành giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản… phù hợp với thực tiễn và từng giai đoạn cụ thể. Đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là CNVH thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển CNVH vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đến năm 2045, CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành thành phố sáng tạo của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Hà Nội.
Như vậy, sau khi Chiến lược phát triển các ngành CNVH ra đời và đi vào cuộc sống, Hà Nội đã trở thành 1 trong 3 trung tâm phát triển CNVH của cả nước. Hà Nội đã biết khai thác, phát huy nguồn vốn văn hóa đặc sắc, để biến nó thành sản phẩm văn hóa mang đặc trưng riêng, tham gia vào thị trường CNVH nhằm tạo ra giá trị thặng dư, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua việc khảo sát thực trạng phát huy vốn văn hóa trong ngành Nghệ thuật biểu diễn và Điện ảnh, bài viết đã đề xuất giải pháp nhằm phát huy hiệu quả vốn văn hóa trong phát triển công nghiệp văn ở Hà Nội nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thêm nguồn tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm, tìm hiểu về lĩnh vực này.
_________________________
1. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần 2, Nxb Giáo dục, 1999, tr.10.
2. UNESCO, Culture, trade and globalization: Questions and answers (Hỏi đáp về văn hóa, thương mại và toàn cầu hóa), en.unesco.org, 2000.
3. Mai Nam Thắng, Mấy suy nghĩ về đất và người Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, 2020, tr.327-328.
4. Tô Văn Động, Thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô Hà Nội hiện nay và những kiến nghị, đề xuất, Kỷ yếu hội thảo Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của thủ đô Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, 2020, tr.122.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Viết Lộc, Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.
2. Ngô Ánh Hồng, Phát huy vốn văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, Đề tài khoa học tự chủ cấp cơ sở, Học viện Chính trị khu vực I, 2021.
3. Thành ủy Hà Nội, Chương trình 04-Ctr/TU, Đề án đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, 2018.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1775/QĐ-TTg (8-9-2016) phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóaViệt Nam đến năm 2020,tầm nhìn đến năm 2030.
5. Hoàng Phúc, Hà Nội: Phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, laodongthudo.vn, 2022.
PGS, TS PHAN VĂN TÚ - TS NGÔ ÁNH HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022