Đại dịch COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Hoạt động của hệ thống bảo tàng, di tích toàn cầu cũng không nằm ngoài bối cảnh ấy, theo đó, Chính phủ của mỗi nước đã có sự đầu tư, chỉ đạo, chuyển hướng hoạt động, theo những mức độ và điều kiện khác nhau. Với bảo tàng và di tích, đó là đầu tư cho công nghệ nhằm thay đổi cách tiếp cận với công chúng. Ở nước ta, cho dù công nghệ phát triển chậm hơn, nhưng hoạt động của hệ thống bảo tàng, di tích cũng đã có sự lột xác đáng kể để tiếp cận với thế giới, thích ứng với đại dịch.
1. Điểm qua những bảo tàng lớn ở các châu lục
Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, các bảo tàng tên tuổi và danh tiếng trên mọi quốc gia, ở các châu lục, đã giảm khoảng 70-80% lượng khách tham quan trực tiếp. Năm 2019, gần 300 bảo tàng lớn, đón 230 triệu lượt khách, nhưng đến năm 2020, con số này chỉ còn 54 triệu. Tại châu Á, những bảo tàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, có tình hình ảm đạm, ngoại trừ Bảo tàng Đài Loan (Trung Quốc) ít chịu sự tác động của dịch bệnh hơn. Bảo tàng quốc gia Nhật Bản ở Tokyo mất 70% khách tham quan, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh phải đóng cửa 3 tháng. Ở châu Âu, hai quốc gia Pháp và Ý được mệnh danh là đất nước của những bảo tàng, mà ở hai thủ đô chỉ còn 5% số khách du lịch. Những quốc gia như Australia, Newzealand, dịch bệnh ít hoành hành hơn, nhưng ngay với Art Gallery Te Puna o Waiwhetu tại thành phố Christchurch (Newzealand), được xem là lớn thứ hai, sau trung tâm kinh tế Auckland, số khách giảm 28%. Viện Bảo tàng quốc gia lịch sử ở Wellington giảm 3 trong 10 khách tham quan một ngày… (1).
Sự tác động của dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động trưng bày truyền thống, theo đó, thay vì tham quan trực tiếp, khách tham quan đã thay đổi thói quen, đến với trưng bày trực tuyến nhờ vào công nghệ số. Bảo tàng mỹ thuật tại thành phố Lyon nước Pháp, dự kiến khai mạc trưng bày tranh của Picasso theo hình thức truyền thống, nhưng họ đã thay đổi, mở cửa kho, trưng bày trực tuyến những tác phẩm, không chỉ của danh họa này, mà còn có cả của Ingres, Bonard, Monet, De Staël và những tên tuổi thuộc nhiều trường phái khác nhau.
Du khách tham quan Khu trưng bày di tích Nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: Thanh Tùng
Bảo tàng Orangerie tại Thủ đô Paris lại tiếp cận khách tham quan bằng trưng bày ảo những bức họa hoành tráng về đề tài hoa súng của Monet với góc nhìn 360o. Cũng tại “thủ đô ánh sáng”, 14 bảo tàng sử dụng công nghệ số để đem đến cho công chúng 320.000 tác phẩm hội họa, qua cổng thông tin chung.
Ở Bảo tàng Mỹ thuật Lyon, công nghệ đã được nâng cấp thiết bị để thích nghi với thời đại công nghệ số. Đây không phải là trường hợp biệt lệ, mà dường như ở hầu hết các bảo tàng lớn trên thế giới, công nghệ mới được thay thế để làm giàu nội dung trưng bày, với mục đích khuyến khích công chúng tham quan qua ứng dụng. Bảo tàng Mỹ thuật Lyon còn tham gia vào chương trình hợp tác với Google Art & Culture để khách tham quan không chỉ thưởng lãm những tác phẩm nổi tiếng của bảo tàng, mà còn được nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá kiến trúc ngôi nhà, vốn được xây dựng từ TK XVII, với chức năng là một tu viện có nhiều họa tiết, tác phẩm điêu khắc giá trị.
Xu thế hỗ trợ cho Google Art & Culture được thực thi không chỉ với Bảo tàng Mỹ thuật Lyon, nó là trào lưu của nhiều bảo tàng có uy tín trên khắp hành tinh, để biến đây thành một bảo tàng trực tuyến lớn, tạo điều kiện cho khách tham quan truy cập và xem miễn phí nội dung với chất lượng hình ảnh tuyệt hảo. Theo thời gian, tập đoàn Google đã mở rộng hợp tác với 150 bảo tàng, phòng trưng bày và nhiều tổ chức nghệ thuật của 40 quốc gia để có những trưng bày trực tuyến đa dạng, phong phú, hấp dẫn, mang bản sắc riêng… phục vụ công chúng.
Bảo tàng ElPrado Tây Ban Nha tham gia vào dự án bảo tàng mở rộng bằng việc hợp tác với Google Earth, giới thiệu ảnh chụp của 14 bức tranh, thuộc về những kiệt tác của Prado, Goya, Elgreco và Boschi với bức Tam Liên nổi tiếng của ông.
Louvre và cung điện Vesailles thuộc Cộng hòa Pháp, thực hiện các bộ sưu tập ảo từ năm 2012, để 6 năm sau đó, nhân năm văn hóa Mexico, cuộc trưng bày toàn thể đầu tiên được dành cho Frida Kahlo với hơn 800 tác phẩm của họa sĩ này được tập hợp trên cùng một cổng thông tin.
Tại Canada, Bảo tàng ảo (The Vitural Museum) đã tập hợp hàng chục ngàn tác phẩm lưu giữ ở hầu hết các bảo tàng, từ Trung ương xuống địa phương, để tạo cho công chúng chiêm ngắm mỗi ngày một tác phẩm.
Từ những ví dụ cụ thể vừa được lược dẫn, có thể thấy ngay hệ thống bảo tàng, trong hoạt động của mình, đã có những bước đi mới, cách tiếp cận mới, để đến được với công chúng trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra khốc liệt. Mới đây, giải thưởng bảo tàng được tổ chức hằng năm của Quỹ Art Found Museum đã tôn vinh cái tên xuất sắc nhất năm 2021 là Bảo tàng First Site (Anh), do những thay đổi sáng tạo, hiệu quả của họ trong những thời điểm chịu tác động của dịch bệnh. Bảo tàng này mở ra những không gian tương tác mới, khi mà trưng bày cố định, tại chỗ không còn là ưu việt. Ba mô hình: tại chỗ, trực tuyến và tại cộng đồng, với những vị trí, vai trò nhất định, có ý nghĩa quan trọng đối với khách tham quan. Ở bất cứ không gian nào, yếu tố tương tác được đặt lên hàng đầu. Biến nguy thành cơ, Bảo tàng First Site đã tăng cường các kết nối hiện có, mở rộng những trải nghiệm bằng hình thức trực tuyến đưa nội dung trưng bày của bảo tàng đến với công chúng ở mọi quốc gia. Người xem, không chỉ được thưởng lãm mà còn được thể hiện cái tôi qua những sáng tạo cá nhân, trong khu vực Studio trên trang web của bảo tàng. Bảo tàng này cũng không đứng ngoài những vấn đề nóng, mang tính thời sự cao, đó là vấn đề người tị nạn, với một chuyên đề Tên tôi không phải là người tị nạn hay Nghệ thuật vì cuộc sống, nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng từ những tác động của dịch COVID-19 đến sức khỏe cộng đồng. First Site còn đi xa hơn, thể hiện trách nhiệm với nhân dân, khi biến cơ sở vật chất thành nơi tiêm phòng vaccine, cho mượn tòa nhà bảo tàng để hoạt động từ thiện, sử dụng phần rảnh rỗi của cơ sở vật chất để làm nhà hàng, cung cấp bữa ăn và các hoạt động miễn phí cho trẻ em trong những dịp lễ, Tết.
Bảo tàng First Site không phải là bảo tàng lớn, nằm ở một thị trấn nhỏ của một cường quốc bảo tàng, lại được tôn vinh từ một quỹ uy tín, hẳn là ở đây đã có sự sáng tạo thường xuyên, do nắm bắt được những cơ hội tiếp cận, kết nối và chia sẻ được với người xem, thông qua nền tảng kỹ thuật số. Họ đã có cái nhìn sâu sắc hơn từ khách tham quan và sử dụng tốt nguồn lực tài chính được huy động từ cộng đồng. Nguồn thu của họ ngày một nâng cao và lôi cuốn được nhiều người yêu mến bảo tàng thành một nguồn lực, ủng hộ tích cực đối với bảo tàng.
Tóm lược tài liệu từ nhiều nguồn thông tin, người viết không có tham vọng phác thảo toàn cảnh bức tranh sáng, tối của bảo tàng thế giới thời đại dịch. Đó là một nhiệm vụ bất khả thi khi bức tranh ấy vô cùng hoành tráng, đa sắc màu, với những sự đổi thay theo từng tháng, từng năm, khó có thể cập nhật với bất cứ ai muốn quan tâm. Bởi thế, đây chỉ nên coi là các dẫn dụ mang tính tham khảo đối với hệ thống bảo tàng, di tích Việt Nam, cũng đang chuyển mình thay đổi theo hướng của thế giới, với những bước đi ban đầu nhiều hứa hẹn.
2. Những điểm sáng của bảo tàng, di tích Việt Nam
Bảo tàng, di tích ở nước ta, mấy năm gần đây và đặc biệt là trong thời kỳ giãn cách do dịch bệnh, đang có những chuyển biến tích cực để phục vụ công chúng một cách tiện ích và hiệu quả thông qua nền tảng công nghệ kỹ thuật số, theo những điều kiện và hoàn cảnh cho phép.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức trưng bày chuyên đề trực tuyến Tết Đoan Ngọ xưa và nay, Gió lành Đoan Môn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại. Trung tâm này còn giới thiệu các tour tham quan ảo 3600, giới thiệu những triều đại gắn với Hoàng Thành, điểm tham quan tiêu biểu và các sự kiện lớn diễn ra ở mảnh đất thiêng liêng này. Đó là những chuyên đề, tour tham quan tạo được hiệu ứng tích cực.
Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh độc quyền Hoa Lo Prison Relic trên nền tảng Spotify, đưa những câu chuyện lịch sử tiếp cận tới công chúng, đặc biệt với thế hệ trẻ. Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám lại có hình thức phổ biến rộng rãi hơn, đó là sản xuất các clip, kể câu chuyện về danh nhân gắn bó với trường đại học đầu tiên và những bài giới thiệu về di tích.
Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện dự án bảo tàng tương tác thông minh, được xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ số. Tại chương trình này, du khách có thể khám phá thực tế sống động với góc nhìn 3D, xoay chiều 3600, tương tác trực tiếp như phóng to, thu nhỏ qua 18 phòng trưng bày. Ở đây, họ làm kho mở trực tuyến để giới thiệu những bộ sưu tập qua trang web và fanpage. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trưng bày trực tuyến chuyên đề Việt Nam niềm tin chiến thắng để cổ vũ tinh thần phòng chống COVID-19.
Ngoài ra, còn có Bảo tàng Đắk Lắk đã ứng dụng nền tảng công nghệ số để từng bước chuyển đổi số, trong hoạt động, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Họ đã số hóa hiện vật trưng bày, triển khai bảo tàng 3D trên trang web, xây dựng lộ trình thực hiện trưng bày ảo, số hóa di tích được xếp hạng. Vào thời gian giãn cách dịch bệnh, Bảo tàng đã tổ chức trưng bày trực tuyến chuyên đề Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên, với những tư liệu hấp dẫn và trải nghiệm thú vị. Bảo tàng Thái Bình đã từng bước số hóa tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hồ sơ di tích, phim, ảnh. Tư liệu số hóa đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc chuyển hóa công tác tuyên truyền, giáo dục của bảo tàng. Bảo tàng Thanh Hóa được tỉnh đầu tư kinh phí để số hóa những hiện vật đang lưu trữ, phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu và phát huy giá trị hiện vật.
Ứng dụng 3D tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát huy hiệu quả - Ảnh Bảo tàng cung cấp
Có thể nói, những lược trích trên đây về di tích, bảo tàng ở các địa phương, chưa phải đã bao quát được những hoạt động đổi mới để thích ứng với mùa dịch bệnh. Và, dường như mới chỉ là những đại diện, mà người viết ít nhiều có thông tin, trong khi đổi mới đang là xu thế chung, không ít thì nhiều, cả hệ thống bảo tàng, di tích đang nhập cuộc. Những hoạt động ấy đã phản ánh bước chuyển mình, để tìm mọi cách đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với công chúng, bằng sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành.
Ở hệ thống bảo tàng quốc gia, nhiều điểm sáng, cách làm mới cũng xuất hiện, qua những thông tin nhận được từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… Đó là những cách làm nhiều ý tưởng, không chỉ để thích ứng với mùa dịch, mà còn thể hiện định hướng lâu dài, tiến tới hội nhập với bảo tàng thế giới, khi mà thời đại công nghệ số đang đặt ra như một nhu cầu tất yếu để phục vụ công chúng ngày càng tiện ích hơn.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã sớm áp dụng công nghệ và thí điểm thành công công nghệ tương tác 3D ảo từ năm 2013 với hai chuyên đề được lựa chọn khá hấp dẫn: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và Đèn cổ Việt Nam. Đó là bước đi đầu tiên tiếp cận với xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại, theo đó, đem đến cho công chúng những trải nghiệm mới, sự tương tác mới mà tham quan trực tiếp không thể có được. Năm 2016, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam đưa một số nội dung trưng bày thường trực lên trang web và đến năm 2020, họ đã phối hợp với Công ty Vietsoftpro trưng bày chuyên đề Bảo vật quốc gia, như một bước cải tiến trưng bày tương tác 3D ảo của năm 2013, cũng hợp tác với công ty công nghệ nêu trên. Đó là những bước đi đúc rút kinh nghiệm để thực hiện nhiều hoạt động đa dạng hơn.
Hoạt động giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng rất đa dạng, qua mô hình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, Giờ học lịch sử dành cho học sinh phổ thông, học viên những học viện quân sự và sinh viên các trường đại học, đã trở thành thương hiệu. Khi đại dịch bùng phát, hoạt động của các câu lạc bộ được chuyển sang hình thức trực tuyến, thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và giới trẻ. Ngoài hoạt động giáo dục trực tuyến, trưng bày trực tuyến vẫn được tiếp tục với hai chuyên đề: Bãi Cọi - nơi gặp gỡ các nền văn hóa và Đảng Cộng sản Việt Nam - từ Đại hội đến Đại hội. Đây là hai chuyên đề đã được trưng bày cố định, phục vụ cho khách tham quan trực tiếp trong thời gian mở cửa. Trước hoàn cảnh buộc phải giãn cách, Bảo tàng đã chuyển hình thức và quan trọng là làm mới hơn, khi Bãi Cọi được kể thêm những câu chuyện mà trưng bày trực tiếp chưa đề cập. Những nội dung làm mới ấy mang tính diễn giải, tạo cho khách tham quan trực tuyến hiểu sâu hơn về Bãi Cọi, về bí ẩn trong những ngôi mộ cổ, về đồ trang sức ở Bãi Cọi, về cuộc gặp gỡ của các nền văn hóa... Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay đang khẩn trương số hóa hiện vật trưng bày để tạo ra những sản phẩm mới, có chất lượng để phục vụ công chúng đa dạng hơn.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có những hướng đi mới, thích ứng với đại dịch. Tháng 8-2021, Bảo tàng đã cho ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour. Bằng hình thức này, ở bất kỳ nơi nào, với các thiết bị điện tử được kết nối internet, chỉ cần truy cập vào đúng địa chỉ là du khách có thể tự do khám phá mọi không gian trưng bày của Bảo tàng. 3D Tour được liên kết với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện Museum VFA với 100 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc cùng với video giới thiệu 2 bảo vật quốc gia được chuẩn bị đầy đủ về thông tin, chuẩn xác về hình ảnh và những câu chuyện có liên quan. Sự đổi mới này giúp du khách được chiêm ngắm vẻ đẹp của các tác phẩm cùng với giá trị lịch sử, mỹ thuật chứa đựng trong mỗi tác phẩm. Tôi nghĩ rằng, loại hình bảo tàng mỹ thuật, với hình thức trưng bày 3D là vô cùng hiệu quả, khi màu sắc, hình khối những tác phẩm mỹ thuật dễ làm bắt mắt người xem. Có lẽ cũng vì thế, những bảo tàng mỹ thuật lớn ở nhiều quốc gia đã tiếp cận cách trưng bày này từ lâu, song song với hình thức cố định.
3. Gợi nghĩ về khó khăn và thách thức
Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009, nhiệm vụ ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa đã chỉ rõ: “Ứng dụng một cách hợp lý và có hiệu quả các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thông tin tư liệu bảo tàng, nối mạng các bảo tàng từ trung ương đến địa phương, chú trọng tính khoa học, tính hệ thống trong việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về tài liệu, hiện vật bảo tàng…”. Đó là một nội dung bao quát, tường tận và cụ thể, theo một lộ trình, tính đến nay đã hơn mười năm. Tuy nhiên, với những gì hệ thống di tích và bảo tàng làm được theo quyết định này, dường như mới chỉ là bước khởi đầu, chưa toàn diện và đồng đều. Vậy nên, để rút ngắn khoảng cách giữa yêu cầu của Chiến lược với thực tế, cần khách quan đánh giá những khó khăn và thách thức.
Trước hết, khó khăn và thách thức thuộc về chủ quan, khi mà thói quen chưa có sự thay đổi. Quan niệm về trưng bày truyền thống vẫn bị đè nặng, hệ quả là hàng loạt những khâu thao tác của bảo tàng, di tích ít hoặc không được sử dụng công nghệ, nhằm hỗ trợ cho trưng bày ảo, trưng bày 3D. Điều này, tạo nên sự thiếu đồng bộ mà thực tế, từ những thành công ở lĩnh vực này của các bảo tàng, di tích, đã chỉ ra sự khiếm khuyết nêu trên. Nhận thức về một ngân hàng dữ liệu đối với bảo tàng, di tích còn đơn giản, khiến cho việc ứng dụng một cách hợp lý và có hiệu quả các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng còn gặp nhiều trở ngại. Đội ngũ am tường về công nghệ trong các bảo tàng và di tích ở Việt Nam dường như còn quá yếu và thiếu, theo đó, phải hợp tác với bên ngoài, còn nhiều lỗ hổng về di sản nói chung, bảo tàng nói riêng, do đó, sản phẩm tạo ra chưa đủ chất lượng khoa học, gây tâm lý e dè, khi đưa sản phẩm tới công chúng. Hợp tác là một xu thế, đặc biệt giữa bảo tàng, di tích với các công ty và tập đoàn công nghệ lớn, nhưng đó phải là sự hợp tác của những con người cụ thể, có trình độ và sự hiểu biết trên cả hai lĩnh vực.
Đối nghịch với tâm lý e dè là tâm lý chạy theo trào lưu, khi mà ứng dụng công nghệ tràn lan. Cần phải có sự tính toán, lựa chọn chủ đề phù hợp, tăng thêm sự hấp dẫn của hiện vật gốc. Công nghệ chỉ nên được coi là công cụ chuyển tải nội dung, tăng thêm sự hấp dẫn, sinh động, tạo nên sức hút đối với khách tham quan. Đây là kinh nghiệm được các bảo tàng lớn trên thế giới áp dụng thành công. Các bảo tàng và di tích Việt Nam cần có sự tham khảo, để tránh hội chứng công nghệ, khi nó còn nhiều lĩnh vực cần áp dụng, đó là công tác quản lý, số hóa hiện vật, thông tin tư liệu và những nội dung trưng bày chuyên đề tương thích.
Khó khăn và thách thức thứ hai, đó là nền tảng công nghệ của hệ thống bảo tàng, di tích ở nước ta còn quá hạn chế và lạc hậu, do đầu tư chưa đồng đều và đồng bộ. Sự không đồng đều thấy ngay ở khoảng cách giữa các bảo tàng quốc gia và những bảo tàng, di tích ở thành phố lớn với những bảo tàng, di tích ở các tỉnh nghèo hay vùng sâu, vùng xa. Những thiết bị công nghệ trong các bảo tàng, di tích thuộc vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, không đủ điều kiện để phục vụ cho số hóa, cho trưng bày 3D. Hợp tác là một lối thoát, nhưng đối tác và kinh phí đối với họ là cả một vấn đề nan giải.
Sự không đồng bộ thể hiện ở những thiết bị phục vụ cho công nghệ, tạo ra sản phẩm có chất lượng, còn chưa hoàn thiện. Thiết bị công nghệ dành cho bảo tàng, di tích đòi hỏi phải có chất lượng cao, bởi đó là những sản phẩm đáp ứng cho nghe và nhìn chuẩn xác, rất đáng được ưu tiên.
Thiết bị và công nghệ trong thời đại ngày nay phát triển không ngừng. Sự lạc hậu trong công tác bảo tàng, di tích ở nước ta luôn là vấn đề đặt ra, ngay ở những bảo tàng lớn và các di tích quan trọng như Di sản thế giới hay quốc gia đặc biệt, do đó, sẽ là một thách thức không nhỏ trong việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đại dịch COVID-19 phải chăng là cơ hội để ngành Di sản văn hóa nói chung, bảo tàng, di tích nói riêng có được sự đột phá?
Khó khăn thách thức thứ ba, đó là kinh phí đầu tư cho những công trình, dự án liên quan tới công nghệ. Đây không chỉ là đầu tư cho thiết bị, mà còn đầu tư cho công tác nghiên cứu. Một nội dung trưng bày 3D, đối với bảo tàng này, di tích khác, có thể không phải là vấn đề lớn, nhưng đa phần, đều có nhu cầu để xây dựng ý tưởng, chuẩn bị nội dung, thiết kế trưng bày với những khoản chi phí không hề nhỏ. Hay như, việc thực hiện số hóa hiện vật để tiến tới xây dựng bảo tàng số, không chỉ đơn thuần là tư liệu thô, chưa được nghiên cứu đầy đủ, mà đó là sự tích hợp toàn bộ tư liệu, kết quả nghiên cứu về mỗi hiện vật được lưu giữ, cho dù, hiện vật đã có trong kho, nhưng phải cập nhật thêm nhiều tư liệu khác. Thời gian, trí tuệ, nhân lực, tài lực, đầu tư vào những công việc như thế là không hề nhỏ.
Khó khăn và thách thức thứ tư, đó là sự hợp tác giữa các bảo tàng trong và ngoài nước, để thực hiện những dự án trưng bày, nhằm đưa những di sản của nhiều bảo tàng đến với công chúng theo các chủ đề và nội dung nhất định. Trên thế giới, trưng bày trực tuyến đã thu hút được nhiều bảo tàng tầm cỡ tham gia, với những sưu tập đặc sắc, kiệt tác của nhiều danh họa nổi tiếng, nên được coi là kinh nghiệm tốt với hệ thống bảo tàng, di tích Việt Nam. Trưng bày trực tuyến bằng sự hợp tác song phương và đa phương quốc tế, dường như không thấy hoặc ít thấy ở Việt Nam, do những đối tác bảo tàng Việt Nam chưa đủ điều kiện vật chất để đáp ứng. Khi trưng bày trực tuyến đã phổ biến hơn ở nước ta, nên được đặt vấn đề phối hợp để đưa những chuyên đề mang giá trị hợp tác đến với công chúng, khi điều kiện thưởng lãm trực tiếp của người Việt còn quá khó khăn. Làm được việc này, bên cạnh sự hỗ trợ về thủ tục của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, cần có những bảo tàng đủ uy tín làm đối tác. Đây là một thách thức với nhiều khó khăn, nhưng sẽ đem lại những kinh nghiệm đối với bảo tàng Việt Nam và hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng người Việt trong nước.
Đại dịch COVID-19 mang lại nhiều khó khăn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội. Cơ hội ấy đã mở ra và bảo tàng, di tích Việt Nam đang nắm bắt có định hướng và có chọn lọc, đem đến những kết quả đáng khích lệ. Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-11-2021 tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg đã chỉ rõ: “Kiện toàn, phát triển hệ thống bảo tàng, đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ. Đầu tư xây dựng một số bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng chuyên ngành cấp trung ương và địa phương; phát triển bảo tàng ảo”. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu Chiến lược về phát triển văn hóa đến năm 2030 đề ra, chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách mà những khó khăn, thử thách trên đây hẳn chưa phải là tất cả.
___________________
1. Tuấn Thảo, COVID-19: Các bảo tàng lớn trên thế giới mất 77% khách, rfi.fr, 9-4-2021.
TS PHẠM QUỐC QUÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022