Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng

Đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là ở các đô thị, các thành phố lớn. Quá trình này đã làm tăng thêm tính đa dạng và phức tạp của các tỉnh, thành. Các không gian công cộng ngày càng được xây dựng nhiều và mở rộng. Không chỉ có vậy, cộng đồng dân cư tập trung ở các đô thị, các thành phố cũng ngày một đông. Môi trường văn hóa nơi công cộng vốn phù hợp với đời sống những năm tháng của TK XX trở về trước, dường như đã trở nên không còn phù hợp với đô thị hiện đại, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các đô thị, các tỉnh, thành phố.

Môi trường văn hóa có thể được hiểu tương đương với khái niệm cultural environment trong tiếng Anh. Khi tìm hiểu về khái niệm này trên internet, chúng tôi nhận được câu trả lời của Quora (một trang web hỏi đáp được cộng đồng người sử dụng tạo lập, trả lời và biên tập) như sau: Môi trường văn hóa là một tập hợp các niềm tin, tập quán, phong tục và hành vi được tìm thấy là phổ biến đối với mọi người sống trong một dân số nhất định. Môi trường văn hóa định hình cách mỗi người phát triển, ảnh hưởng đến ý thức hệ và tính cách. Môi trường văn hóa được xác định bởi đỉnh cao của nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa có ảnh hưởng đến các lựa chọn và hành vi cá nhân.

Khái niệm môi trường văn hóa được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến dưới những góc độ khác nhau, tuy nhiên đa số các ý kiến đều nhất trí cho rằng, môi trường văn hóa là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong môi trường sống của con người, ở đó chứa đựng các yếu tố tự nhiên, nhân văn và tổng hợp các yếu tố văn hóa xã hội có tương tác với con người. Môi trường văn hóa có thể xem như tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian và thời gian xác định. Trong mối quan hệ tương tác với con người, các yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau nhằm giúp cho con người phát triển, phát huy được vai trò của mình trong tư cách vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của văn hóa. Theo đó, môi trường văn hóa được nhận thức là một thành tố cấu thành nên văn hóa (nơi diễn ra các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người) và hệ giá trị văn hóa.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã đề cập đến khái niệm môi trường văn hóa và tiếp tục được nhấn mạnh, bổ sung và làm rõ trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong khuôn khổ bài viết, với mục tiêu “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, chúng tôi sử dụng khái niệm môi trường văn hóa theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: “Môi trường văn hóa là môi trường chứa đựng những giá trị văn hóa và diễn ra các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người”.

Nơi công cộng, không gian công cộng tương đương với khái niệm public place, public space trong tiếng Anh. Trong bài viết của Thejas Jagannath về Tầm quan trọng của không gian công cộng, tác giả cho rằng: Có nhiều yếu tố góp phần vào một không gian công cộng thành công như: khả năng tiếp cận của không gian, sự thoải mái của không gian, tạo sự hòa đồng, gắn kết và hoạt động của người tham gia.

Về khái niệm nơi công cộng, nội hàm của khái niệm này cùng nhiều tiêu chí phân loại nơi/ điểm/ không gian công cộng khác nhau như: là địa điểm phục vụ cho mọi người trong xã hội, là không gian chung của mọi người, là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người… (1). Căn cứ vào các văn bản pháp luật như Luật Hình sự Việt Nam, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (2012), Nghị định 103/2009/NĐ-CP, chúng tôi xác định nơi công cộng là những địa điểm “kín” hoặc “mở”. Ở đó, các hoạt động chung của xã hội diễn ra thường xuyên hoặc không thường xuyên, cụ thể: đường phố (tại vỉa hè, lòng đường, khi tham gia giao thông); các điểm sinh hoạt công cộng ngoài trời (tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên); các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng (bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa...); các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa...); các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; các điểm dịch vụ công cộng (nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, thuyền, sân bay, bệnh viện); các điểm giải trí, du lịch (khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch, bãi biển...).

Theo Wikipedia, sự hình thành, phát triển và thay đổi của không gian công cộng phụ thuộc vào sự phát triển, đặc điểm của đời sống công cộng, vốn không giống nhau giữa các nền văn hóa khác nhau và ở các thời điểm khác nhau. Trong không gian công cộng, người sử dụng vừa là người quan sát, vừa là người tham gia các hoạt động chung. Hình thức hay hoạt động của mỗi người trong không gian công cộng thường gây ảnh hưởng tới những người khác, vì thế, không gian công cộng được coi là nơi diễn ra các xung đột xã hội, cũng như là nơi của các hòa giải xã hội giữa các tổ chức, cá nhân.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, đạo đức, nhân cách, văn hóa con người Việt Nam đang có những biểu hiện xuống cấp, và xuất hiện những vấn đề tiêu cực. Bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử biểu hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói là sự xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hằng ngày. Nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay.

Xuất phát từ nền tảng văn hóa của một nước nông nghiệp trồng lúa nước, lại chịu sự giáo dục và ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, văn hóa Việt Nam mang trong mình những dấu ấn của văn hóa làng xã, trọng tình, trọng nghĩa, của tình làng nghĩa xóm, con người sống theo những chuẩn mực đạo đức như: kính lão đắc thọ, kính già yêu trẻ, kính trên nhường dưới hay những chuẩn mực trong ứng xử như: đạo cha con, đạo vợ chồng, đối xử với nhau dựa trên Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh những hành vi, phong cách đẹp đã xuất hiện những ứng xử thiếu văn hóa, những hành vi lệch chuẩn của không ít cá nhân. Những hành vi lệch chuẩn này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường văn hóa không chỉ trong gia đình, nhà trường, trong công sở mà còn cả ở nơi công cộng.

Như đã đề cập ở trên, trong không gian công cộng, người sử dụng vừa là người quan sát, vừa là người tham gia các hoạt động chung. Hình thức hay hoạt động của mỗi người trong không gian công cộng thường gây ảnh hưởng tới những người khác, vì thế, không gian công cộng được coi là nơi diễn ra các xung đột xã hội cũng như là nơi của các hòa giải xã hội giữa các tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, những hành vi, thái độ, ngôn ngữ, cử chỉ ứng xử của mỗi cá nhân khi tham gia vào hoạt động nơi công cộng sẽ ảnh hưởng đến những người khác. Những ứng xử đẹp sẽ được đông đảo mọi người hoan nghênh, hưởng ứng và ngược lại cần bài trừ, lên án những hành vi, thái độ, ngôn ngữ cử chỉ gây phản cảm hay trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo đức.

Thực tế cho thấy, do hạn chế về nhận thức cũng như thiếu phông nền văn hóa nhất định, không ít cá nhân đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, có những lời nói, hành động bất nhã ở nơi công cộng. Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi giai tầng, lứa tuổi thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau gây nhiều bức xúc, nghi ngại trong xã hội.

Tại các bến xe, nhà ga, sân bay trong nước và quốc tế, những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, phản cảm của một số hành khách được camera an ninh và người dân ghi lại, sau đó phát tán, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, gây ra những làn sóng phẫn nộ, lên án gay gắt của cộng đồng. Tình trạng chen chúc, xô đẩy, không nhường nhịn khi mua vé của hành khách khiến cho không gian công cộng ở nhiều nhà ga, bến tàu trở nên lộn xộn, nhốn nháo. Tình trạng tranh giành, bắt khách dọc đường của chủ xe khiến nhiều người sợ hãi. Dường như ở nhiều nhà ga, bến xe hiện nay, việc thực thi những nguyên tắc, quy định về văn hóa ứng xử, về nếp sống văn minh nơi công cộng vẫn chưa được lưu tâm vì thiếu chế tài và đội ngũ cán bộ hướng dẫn, vận hành. Còn khi tham gia giao thông ở những đô thị lớn, trên đường quốc lộ, cao tốc… vì vội, vì mục đích cá nhân, người tham gia giao thông sẵn sàng liều mình, bất chấp luật pháp để đua chen, lấn đường, lấn làn, đi ngược chiều... và sẵn sàng đáp trả bằng những lời nói thô tục, những câu chửi đổng, thậm chí là xô xát khi xảy ra va chạm, tai nạn… Sự thiếu ý thức, thiếu tôn trọng và không chấp hành nghiêm chỉnh luật khi tham gia giao thông khiến việc xây dựng và hình thành văn hóa giao thông ở nước ta gặp nhiều khó khăn. Số vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng cả về mức độ, tính chất nghiêm trọng và số người tử vong để lại những tổn thất về tài sản, kinh tế và nỗi đau lớn cho người ở lại và cộng đồng xã hội.

Không chỉ có những biểu hiện tiêu cực qua thái độ ứng xử, hành vi, lời nói khi tham gia giao thông, những biểu hiện này còn được thể hiện ở nhiều điểm/ không gian/ nơi công cộng khác ở Việt Nam. Việc xâm phạm các công trình văn hóa, mỹ thuật công cộng (con đường gốm sứ - một công trình tiêu biểu của các họa sĩ, nghệ nhân trong và ngoài nước thể hiện tình yêu Hà Nội nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long bị nhiều người phóng uế bừa bãi hay cạy phá nham nhở); chen lấn xô đẩy khi xếp hàng khám chữa bệnh ở bệnh viện; không tuân thủ các quy định và giữ gìn môi trường tại các bãi biển, bể bơi; nhà hàng, khách sạn chặt chém khách hàng, chất lượng phục vụ không đảm bảo… cũng là những “nét bút hỏng” trong bức tranh xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng.

Cách ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng sẽ phản ánh văn hóa cao hay thấp của cá nhân, cộng đồng đó. Ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội có những biến chuyển mạnh mẽ với sự giao tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại nên bên cạnh những điều tốt đẹp, tích cực, tiến bộ là sự nảy sinh những thói quen xấu. Điều này cần được nhận diện để loại trừ nhằm hướng đến sự văn minh, tích cực.

Một môi trường văn hóa nơi công cộng lành mạnh, văn minh, lịch sự không chỉ là điều kiện, là nơi để củng cố các mối quan hệ xã hội, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người mà còn có khả năng kiến tạo môi trường văn hóa tốt đẹp cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa, toàn diện. Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng cần xuất phát từ thực tiễn của đất nước nói chung và đặc thù của mỗi nơi/ điểm/ không gian công cộng nói riêng.

Xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng trong bối cảnh hội nhập văn hóa, kinh tế, xã hội với khu vực và quốc tế cần xác định trên cơ sở hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Tiếp thu và phát huy những yếu tố mang tính tốt đẹp, bài trừ, loại bỏ những yếu tố mang tính lạc hậu, không phù hợp với đời sống hiện đại. Sự hòa hợp này phải đảm bảo vừa mang bản sắc dân tộc, vừa thể hiện cái riêng của mỗi điểm/ không gian công cộng, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại và dân tộc, không đi ngược lại thuần phong mỹ tục và quy định của Đảng và Nhà nước.

Để xác định, phân tích, làm rõ các thành tố cấu trúc và nội dung của môi trường văn hóa nơi công cộng và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng, chúng tôi bám sát và vận dụng quan điểm, nhận thức lý luận của Đảng trong các Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI.

Chúng tôi còn sử dụng lý thuyết nghiên cứu tổng thể các phương diện sáng tạo văn hóa lẫn hệ giá trị văn hóa môi trường văn hóa của tác giả Đỗ Huy, xem môi trường văn hóa chính là sự vận động các quan hệ của con người trong quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình. Môi trường văn hóa có nghĩa bao quát là môi trường nhân hóa, ở đó có sự hoạt động phong phú đa dạng của con người (2).

Từ đó, chúng tôi xác định các thành tố cơ bản của môi trường văn hóa nơi công cộng bao gồm:

 Các giá trị văn hóa nơi công cộng

 Các giá trị sẵn có, cần được gìn giữ và phát huy: phong tục tập quán, lễ nghi; các chuẩn mực đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; giá trị giáo dục, giá trị nhận thức...

 Các giá trị văn hóa mới cần xây dựng: các thiết chế văn hóa nơi công cộng, xây dựng đời sống văn hóa nơi công cộng...

 Các quan hệ văn hóa nơi công cộng, trong đó tập trung vào quan hệ ứng xử nơi công cộng: quan hệ ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên; quan hệ ứng xử giữa con người với con người; quan hệ ứng xử giữa con người với bản thân.

 Các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ và xây dựng sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa nơi công cộng: người dân được hưởng thụ chất lượng từ các dịch vụ, sản phẩm, thiết chế văn hóa như thế nào? Có thu hút được người dân không? Cần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ ở các thiết chế, xây dựng các thiết chế có tác dụng giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh nơi công cộng...

Xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng, theo chúng tôi, là tạo dựng nên một môi trường văn hóa nơi công cộng hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Dựa trên quan điểm giá trị học Mácxít khi nghiên cứu các giá trị văn hóa đều cho rằng giá trị là các tư tưởng bao quát được tin tưởng mạnh mẽ chung cho một nhóm người, một cộng đồng lịch sử, một giai cấp, một dân tộc, một thời đại về cái gì là điều đúng, điều sai, điều thiện, điều ác, điều hợp lý, điều không hợp lý, điều xấu, điều đẹp.

Các tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa nơi công cộng cần được xây dựng dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản. Để tiến hành đánh giá môi trường văn hóa nơi công cộng, cần dựa trên các giá trị như: hệ chuẩn mực cho các giá trị sử dụng; hệ chuẩn mực cho các giá trị đạo đức; hệ chuẩn mực cho các giá trị thẩm mỹ; hệ chuẩn mực cho các giá trị vật chất; hệ chuẩn mực cho các giá trị tinh thần.

Các hệ chuẩn mực này được đánh giá trên các yếu tố: yếu tố tự nhiên và yếu tố văn hóa (xã hội); yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài; các giá trị truyền thống và hiện đại; bảo tồn, gìn giữ, phát huy và phát triển.

Như vậy, việc nghiên cứu, phân tích môi trường văn hóa nơi công cộng để nhận diện và làm tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng, ngăn chặn những biểu hiện, những hành vi, thái độ, lời nói tiêu cực cũng như phát huy, phát triển những điều tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục là việc làm cần thiết, có những ý nghĩa tích cực về lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về môi trường văn hóa nơi công cộng, xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng… đã và đang được nêu lên, bàn luận trong những năm gần đây.

Xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi bởi mỗi một cá nhân cụ thể là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh để mỗi người được sống, tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa nơi công cộng ngày một tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

_____________________

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 1995, tr.201.

2. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta từ góc nhìn giá trị học, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 4 (202), 2001, tr.26-29.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đoàn Tuấn Anh, Tìm hiểu khái niệm môi trường văn hóa, Tạp chí Lý luận chính trị, số 2, 2003, tr.84-88.

2. Ngô Kim Anh, Mối quan hệ môi trường văn hóa trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI, Tạp chí Hoạt động Khoa học, số 5, 1999.

3. Ash Amin, Collective culture and urban public space (Văn hóa tập thể và không gian công cộng đô thị), publicspace.org, 2-6-2009.

4. Đinh Thị Vân Chi (chủ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, 2015.

5. Nguyễn Trọng Chuẩn, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để có con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tạp chí Cộng sản, số 10 (864), 2014, tr.65-69.

6. Đinh Xuân Dũng, Xây dựng môi trường văn hóa - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 2, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, 2004.

7. Nguyễn Hồng Hà, Môi trường văn hóa với việc xây dựng lối sống con người Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.

8.Trần Ngọc Hiên, Môi trường văn hóa cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 6, 1995, tr.11-14.

9. Trần Ngọc Hiên, Xây dựng môi trường văn hóa cho sự phát triển bền vững của đất nước, Tạp chí Cộng sản, số 11, 2006, tr.32-36.

10. Lê Như Hoa, Quản lý văn hóa nơi công cộng ở Thủ đô Hà Nội, Nxb Lao động, 2007.

11. Đỗ Huy, Mấy vấn đề lý luận về môi trường văn hóa và đời sống văn hóa, Tạp chí Triết học, số 8 (291), 2015, tr.27-35.

12. Nguyễn Phương Lan, Môi trường văn hóa với việc xây dựng nhân cách và lối sống, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 11 (329), 2011, tr.8-10, 34.

13. Hồng Ngân Thanh, Nghĩ về ô nhiễm môi trường văn hóa hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 6 (324), 2011, tr.24-28.

14. Lê Ngọc Thành, Xây dựng môi trường văn hóa trong bệnh viện từ bài học ứng xử, giao tiếp, Tạp chí Tuyên giáo, số 11, 2011, tr.66-68.

15. Viện Văn hóa, Môi trườnng văn hóa với việc xây dựng lối sống con người Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.

16. Hồ Sĩ Vịnh, Môi trường văn hóa và văn hóa môi trường, Tạp chí Tuyên giáo, số 7, 2017, tr.54-57.

17. UNESCO, Culture in Public Spaces - Key for Shaping A New Urban Agenda, (Văn hóa trong không gian công cộng - Chìa khóa để định hình một chương trình nghị sự đô thị mới), en.unesco.org.

TS VŨ TÚ QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;