Tột cùng văn hóa là con người

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội (24-11-2021) là một sự kiện văn hóa lớn của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19, được coi là một “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” của TK XXI. Bài phát biểu chỉ đạo hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các ý kiến của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung vào một chủ đề quan trọng: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc”, “nói lên bản sắc của Dân tộc”, “Văn hóa còn thì Dân tộc còn” (1). Chủ thể của văn hóa là con người. Vì thế, nhận thức của không riêng người nào làm công tác văn học nghệ thuật - trước hết và cần thiết hướng đến con người khi bàn về văn hóa. Văn hào Nga M. Gorki đã viết: “Con Người! Hai tiếng ấy vang lên tự hào biết bao!”. Nếu nói có một thứ “tài nguyên văn hóa”, thì con người chính là “tài nguyên của tài nguyên” của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới từ xưa tới nay.

Văn hóa và con người

Con người sáng tạo nên văn hóa (vật thể và phi vật thể). Nói đến con người là nói đến lối sống - như một dấu chỉ văn hóa của dân tộc, quốc gia bất kỳ: “Những đặc tính của nền văn hóa dân tộc còn biểu hiện cả trong lối sống của con người. Lối sống đó, về mặt nó là một trong những hình thức của nền văn hóa dân tộc, biểu hiện những tập quán đã hình thành trong quá trình lịch sử ở một dân tộc nhất định” (2). Lối sống của người Việt Nam trong truyền thống lịch sử là tôn trọng “tín/lễ/nghĩa”, trọng tình cảm đến mức “duy tình” (Lá lành đùm là rách, Chị ngã em nâng, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ...), trọng nghĩa (Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây, Một miếng khi đói bằng một gói khi no...). Tinh thần nhân văn sâu xa luôn song hành với tinh thần quật khởi, anh hùng trước các thế lực ngoại bang luôn thèm khát dòm ngó và rắp tâm chiếm đoạt mảnh đất hình chữ S. Người Việt Nam có tiết tháo ngang trời nên “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng). Các chiến sĩ Cộng sản dấn thân tranh đấu cho độc lập dân tộc thì sẵn sàng “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành” (Hoàng Văn Thụ), trong hành xử thì đề cao “Dĩ công vi thượng”. Một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm đã vun đắp một lối sống anh hùng và nghệ sĩ: “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh” (3). Phẩm chất của con người văn hóa, con người có nhân cách là: “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Chấn hưng văn hóa luôn khởi đầu từ chấn hưng nhân cách con người. Người có lương tri và trách nhiệm hiện nay thường băn khoăn trước câu tự vấn “con người đang xấu đi hay tốt lên?”. Với tinh thần khoa học, khách quan, công bằng, chúng ta hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật theo tinh thần “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Nói hình tượng thì, con người Việt Nam đang “lột xác” trong sự biến chuyển có tính bản lề lịch sử từ chiến tranh sang hòa bình, từ cơ chế hành chính bao cấp sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ độc thoại sang đối thoại với thế giới mở, mang chí hướng trở thành công dân toàn cầu.

Văn hóa và giáo dục

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm đến vấn đề chấn hưng văn hóa từ giáo dục. Thiết nghĩ, đây là tâm điểm sự quan tâm chú ý của toàn xã hội, đã được đặt ra từ lâu vì hơn bất kỳ lĩnh vực nào, Giáo dục chạm đến, gõ cửa từng gia đình, từng cá thể (khoảng 25 triệu người đi học và dạy học, chưa kể số người tham gia quản lý và phục vụ ngành giáo dục, trên tổng dân số 97 triệu người ở trong nước). Giáo dục là chân tủy của văn hóa, đó là quy luật, chỉ có điều chúng ta nhận thức chưa thấu triệt hoặc chưa có năng lực hiện thực hóa một nguyên lý có tính chất chính cương. Khi nhận thức giáo dục là khởi nguyên của chấn hưng văn hóa, đồng thời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề xuất dành cho văn hóa nhiều thời gian và nguồn lực hơn (đầu tư cho văn hóa có thể tới 2% ngân sách quốc gia hằng năm). Thực tế, chúng ta đã và đang đầu tư thời gian và nguồn lực lớn cho giáo dục, nhưng thực trạng thì chưa thể nói là đáng lạc quan. Hiện, Việt Nam có 23,5 triệu học sinh, sinh viên các cấp học (từ Mầm non đến Đại học) và 1,27 triệu giáo viên, cán bộ, công nhân viên phục vụ giáo dục (số liệu thống kê của Bộ GDĐT, năm học 2018-2019). Tuy nhiên, giáo dục đang là lĩnh vực tồn đọng nhiều rào cản đến chấn hưng văn hóa. Rào cản thì nhiều, nhưng nói gọn lại là thiếu triết lý giáo dục, thiếu chương trình khoa học, thiếu chặt chẽ quản lý để thị trường chi phối khắc nghiệt đầu vào/ra người học... Bạo lực học đường không thuyên giảm, nhiều giáo viên mầm non thất nghiệp, học sinh vùng sâu, vùng xa thiếu điều kiện tiếp cận học trực tuyến, tiêu cực trong thi cử... Tất cả đang đổ xuống đầu phụ huynh, học sinh, giáo viên như dân gian nói “trăm dâu đổ đầu tằm”. Trong một bối cảnh như thế, giáo dục còn nhiều điều phải giải quyết để là cái đà, bệ phóng, chân tủy nhằm chấn hưng văn hóa.

Hồ Chủ tịch đã dặn dò chúng ta: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chúng ta phải xóa bỏ triệt để “tư duy nhiệm kỳ” để giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục.

Môi trường văn hóa và con người

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi quan tâm đến vấn đề môi trường văn hóa lành mạnh: “Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. Đây là quan điểm biện chứng triết học chỉ rõ mối quan hệ có tính logic giữa con người và hoàn cảnh, xét từ phương diện văn hóa. C.Mác đã viết: “Muốn làm cho con người trở nên nhân đạo hơn thì phải tạo ra hoàn cảnh nhân đạo hơn”. Từ quan điểm đó, thiết nghĩ, muốn xây dựng “con người có nhân cách”, trước hết phải xây dựng “môi trường văn hóa lành mạnh”.

 Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh (có thể gọi là “thổ nhưỡng văn hóa”, “khí quyển văn hóa”) phụ thuộc vào nhiều yếu tố về chính cương (đường lối), chính sách quản lý, biện pháp thực hiện. Nhưng có một yếu tố, theo tôi, ít người ngại (né tránh), hoặc không dám (sợ) nói đến - văn hóa nêu gương. Nếu người dân thường hành xử không đúng phép tắc văn hóa (không cần/ kiệm/ liêm/ chính/ chí công vô tư, chẳng hạn), thì chúng ta chỉ hay nghĩ về trách nhiệm cá nhân người đó. Nhưng mấy ai tiết tháo mà chỉ ra một thực trạng có tính nguyên nhân sâu xa là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không nêu gương. Các nghị quyết về tổ chức (Đảng, Quân đội, Công an) gần đây đều đặt yêu cầu “trong sạch” trước “vững mạnh”. Vì sao (!?). Đã có nhiều phụ huynh học sinh thường hay đặt câu hỏi với tôi: “Vì sao nhiều trẻ thơ bây giờ không ngoan và ham học như trước?”. Câu trả lời của tôi có thể làm không ít ai đó xót xa: “Vì người lớn ít nêu gương và thầy cô giáo không được như xưa!”. Sở dĩ trong chiến tranh cách mạng, tinh thần của mỗi người dân lên cao ngút là vì họ sống trong khung cảnh/ trường “ra ngõ gặp anh hùng”, là vì: “Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt/ Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm/Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Chế Lan Viên, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Trong chiến tranh, chúng ta tự hào có những tấm gương oanh liệt, noi theo và học tập. Trong thời bình, nhất là trong cơ chế thị trường, hình như chúng ta ít có những “gương” theo đúng nghĩa của nó?

Trong thế giới phẳng, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh còn cần đến sức đề kháng văn hóa cao hơn của chúng ta. Đang có một cuộc “xâm lăng văn hóa” (“thế lực mềm”), lúc âm ỉ, lúc cao trào là nguy cơ khiến cho văn hóa truyền thống dễ mai một. Với nghệ thuật thứ bảy, dù đã có nhiều bước tiến phát triển khích lệ nhưng cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng và để có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam thu hút khán giả, tránh tỷ lệ phim ngoại nhập lấn át như hiện nay. Trong văn học xảy ra tình trạng sách “đam mỹ”, “ngôn tình” “sex” (ai đó gọi là “bá đạo”), trở thành best-seller, tràn lan, khiến mỹ cảm bị xô lệch, thiếu chuẩn mực của chân - thiện - mỹ. Trong giới nghiên cứu văn học, sự sủng ái các chủ nghĩa ngoại nhập (Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Phân tâm học, Nữ quyền luận...) dễ tước đoạt đi tinh thần thực tiễn của hoạt động nghề nghiệp khi xa rời vốn văn hóa dân tộc, đặc biệt là vốn văn hóa dân gian. Trong sáng tác văn học đang nở rộ những “mê lộ”, “phản tỉnh”, “mặc cảm”, “sám hối”, “tan rữa”, “cô độc”, “phi lý”... khiến cho độc giả thiếu bản lĩnh có thể bị ảnh hưởng (rối loạn, lệch chuẩn) đến lý tưởng thẩm mỹ.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đòi hỏi cuộc ra quân tổng lực của “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Nhưng phải làm thực, đạt kết quả thực, hiệu quả thực, không vì chạy theo phong trào hay vì thành tích.

Môi trường văn hóa lành mạnh gần gũi nhất với mỗi người chính là các nguyên tắc hành (ứng/ xử), duy trì và phát huy các giá trị tích cực của thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội truyền thống Việt Nam. Phải chăng chúng ta đang ít đi những từ ngữ giản dị như “cảm ơn”, “xin lỗi” trong giao tiếp hằng ngày nơi công cộng. Ngoài đường phố, thái độ kính già nhường trẻ theo quan sát của tôi hầu như trở nên hiếm hoi. Thậm chí trong trường học, ở một số nơi, quan điểm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” cũng không còn được nâng niu, trân trọng như trước.

Thiết nghĩ, môi trường văn hóa lành mạnh còn gắn hữu cơ với một môi trường sinh thái “xanh - sạch - đẹp”. Nói một cách thẳng thắn, ở không ít địa phương, người ta đã tấn công vào bà mẹ tự nhiên/ thiên nhiên vĩ đại (tình trạng phá rừng không nương tay, không thương tiếc là một ví dụ). Và không ít những dự án kinh tế đã phá hủy môi trường, gây hệ lụy khó lường. Chúng ta đang thiếu thảm cây xanh cho mỗi đầu người ở nhiều thành phố, thiếu không khí sạch, thiếu nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày ở nhiều nơi. Thiếu môi trường kép lành mạnh sẽ dễ dẫn đến tình trạng con người bị ức chế, trầm cảm, dễ bị kích động, dễ có hành vi phản văn hóa. Theo tôi, đây là điều chúng ta cần chú ý khi tổ chức xây dựng môi trường văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Văn hóa và cái khác biệt

Có lẽ lần đầu tiên chúng ta nghe nói trực diện, công khai trên diễn đàn hội nghị tầm quốc gia đến “cái khác biệt” khi bàn về văn hóa trong ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại phiên bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trên tinh thần chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt, ông nhấn mạnh: Cần cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến, thậm chí khác biệt, miễn là cái khác biệt đó không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước (4). Ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đảm bảo tính nguyên tắc lãnh đạo, vừa gợi mở những giải pháp tháo gỡ theo tinh thần đổi mới. Thêm nữa, hẳn sẽ “gây men” cho những ý kiến trao đổi sôi nổi trong xã hội, trong giới hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà về một vấn đề lâu nay thuộc phạm trù “tế nhị”, “nhạy cảm”.

Theo tinh thần của UNESCO, không có đẳng cấp (cao/ thấp) trong phạm trù văn hóa, chỉ có cái bản sắc của riêng nền văn hóa đó ánh chiếu lên trong bức tranh văn hóa chung của thế giới, làm giàu thêm vốn liếng văn hóa nhân loại. Vì thế, UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh, ca trù, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh... của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Trong tâm thức của những người định kiến (cực đoan), có sự phân chia ngôi thứ trong văn hóa, như độc tài Hít-le đã bị ám ảnh về tính chất “thượng đẳng” của dân tộc Đức, nên thẳng tay tàn sát thảm khốc tận gốc rễ người Do Thái như lịch sử đã ghi nhận. Trong xã hội ta hiện nay đang nhen nhóm tư tưởng về cái gọi là đẳng cấp/ giới “thượng lưu”, “tinh hoa” trong cách tồn tại đời sống và thụ hưởng văn hóa. Đã là thượng lưu và tinh hoa thì phải nghe nhạc giao hưởng, phải xem trình diễn ba-lê, phải hút xì-gà, uống rượu ngoại, phải vận complet, phải đi ô tô sang nhập khẩu, phải du lịch thế giới, con cái học trường quốc tế,... còn dân dã/ quê kiểng/ chân quê thì nghe quan họ/ ca trù/ ví giặm, uống rượu nút lá chuối, vận áo dài truyền thống, hút thuốc lào, du lịch trong nước, đi xe nội địa, con cái học trường công lập nhà nước... Đó là những quan niệm hết sức ấu trĩ, nếu không nói là sai lầm khi quan niệm cái khác biệt về văn hóa. Trong lĩnh vực sáng tác văn học hiện nay cũng đang có xu hướng cổ xúy cho một cái khác biệt kiểu, “thơ rác”, “bên lề”, “phản kháng”, “nổi loạn”... đề cao những “bóng đè” , “cô độc”, “hoan ca”, “sợi xích”... Nhưng rốt cục, tất cả những tìm tòi/ phát minh “cái khác biệt” ấy đều đi vào ngõ cụt.

Nói đến cái khác biệt trong lĩnh vực văn hóa, theo cách trình bày của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thiết nghĩ, là nói đến năng lượng sáng tạo, nhiệt huyết sáng tạo cái mới của người làm công tác văn hóa, nhất là giới văn nghệ sĩ. Nhưng cũng như bất cứ lĩnh vực nào, văn hóa cũng có “chính cương” và “sách lược”. Sách lược (như biến số) có thể mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt ứng nghiệm thực tiễn. Nhưng chính cương thì phải đảm bảo nguyên tắc (như hằng số). Nó là tôn chỉ, phương hướng, đường lối. Cái mới đôi khi bao hàm cái lạ (vào lúc mới xuất hiện), nhưng cái lạ thì tuyệt nhiên không thể trở thành cái mới. Đó là nguyên lý. Vì thế, cái lạ đôi khi mượn trang phục cái khác biệt (có thể được ủng hộ, cổ võ nhất thời) để dễ bề “lọt lưới” nội dung. Ở đây, đòi hỏi người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải có con mắt xanh (bản lĩnh và kinh nghiệm văn hóa).

Kết luận

Văn hóa là một đại dương vô tận. Văn hóa là khởi nguyên và là đích đến của nhân loại. Việt Nam chưa thể so tài với thế giới bằng những giải Nobel các lĩnh vực, chưa thể có những siêu tập đoàn như Microsoft của Bill Gates. Nếu có đi ra biển lớn nhân loại trong tương lai thì của nả duy nhất, lưng vốn văn hóa dân tộc như Nguyễn Trãi đã công bố cách nay 700 trăm năm về một nền văn hiến Đại Việt. Dân tộc Việt Nam tự hào có các Danh nhân Văn hóa thế giới: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du; danh sách có thể nối dài thêm bằng những tên tuổi lừng danh khác như Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu... (dấu ba chấm thuộc về thì tương lai).

_____________________

1, 3. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Báo Nhân Dân điện tử, 24-11-2021.

2. Rôdentan M, Từ điển Triết học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.976.

4. Hoàng Thùy, Viết Tuân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tôn trọng sự khác biệt, vnexpress.net, 28-11-2021.

BÙI VIỆT THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;