Khoảng 20 năm trở lại đây, hoạt động văn hóa ở các cơ sở tín ngưỡng có nhiều thay đổi, bắt nguồn từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phong trào phục hồi các sinh hoạt văn hóa truyền thống nở rộ ở nhiều nơi đã khiến cho hoạt động văn hóa trong các cơ sở tín ngưỡng đa dạng, phong phú nhưng cũng trở nên ngày càng phức tạp. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội biến đổi ngày càng mạnh mẽ, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện việc phát triển tự phát, lệch chuẩn trong các hoạt động tại một số cơ sở tín ngưỡng, lợi dụng tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đối với các hoạt động văn hóa tại các cơ sở tín ngưỡng là rất cần thiết.
Khái quát thực trạng những hạn chế trong hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng
Công tác bảo tồn, trùng tu và xây dựng cơ sở tín ngưỡng
Cùng với sự trỗi dậy của các hoạt động và nghi lễ tôn giáo, phong trào khôi phục các cơ sở tín ngưỡng cũng đang được triển khai rầm rộ. Nhiều di tích, sau khi được trùng tu, tôn tạo, trở nên xa lạ với chính cư dân địa phương bởi mức độ hoành tráng và hiện đại, đủ sắc màu lòe loẹt. Trong các cơ sở tín ngưỡng được làm mới này, hiện tượng đưa các linh vật “lạ”, hoành phi, câu đối không phù hợp; những tranh, ảnh, tượng thờ ít có tính thẩm mỹ vào không gian thờ tự đã khiến cho diện mạo của cơ sở tín ngưỡng trở nên tân - cổ lẫn lộn, khập khiễng, giảm tính thiêng và giá trị thẩm mỹ.
Ở một số địa phương, doanh nghiệp tư nhân còn tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội. Việc tu bổ các di tích hay xây mới đền, chùa của “Mạnh Thường Quân” ở một số nơi chỉ với mục đích kinh tế hoặc nhằm “đánh bóng” tên tuổi của mình. Họ đầu tư xây đền chùa, quảng bá hình ảnh như một địa điểm du lịch tâm linh, nhằm mục đích kêu gọi khách thập phương đến tham quan, hành lễ,… không khác gì một hình thức kinh doanh du lịch.
Quản lý tài sản và sử dụng tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng
Hiện nay, ở hầu khắp các địa phương, tình trạng bị mất đồ thờ tự, sắc phong hoặc bị chiếm dụng đất đai ở khu di tích cổ vẫn đang diễn ra khá phức tạp. Từ năm 2003-2018, tỉnh Bắc Giang có đến 50 vụ trộm cắp cổ vật (1) còn ở thành phố Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, đã có 20 di tích bị mất hàng trăm cổ vật, hiện vật, di vật quý (2)... Điều này, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây ra nhiều tổn thất giá trị tinh thần. Bởi cổ vật bị mất trộm không chỉ chứa đựng giá trị thẩm mỹ mà còn là linh vật đối với mỗi di tích, có ý nghĩa lớn trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Vì vậy, việc quản lý tài sản tại các cơ sở tín ngưỡng cũng rất quan trọng và cần có thêm cơ chế chính sách và những quy định về trách nhiệm rõ ràng.
Vấn đề sử dụng tiền công đức (3) cũng là hiện tượng nhức nhối. Ở một số địa phương, chính quyền cấp cơ sở chi tiêu tiền công đức không đúng mục đích như quy định của Luật Di sản văn hóa đề ra: số tiền thu về rất lớn nhưng mức độ dành cho việc trùng tu, tôn tạo di tích chưa xứng tầm. Hay hiện tượng các chùa có trùng tu nhưng chủ yếu quan tâm trùng tu những công trình dễ thu lại “lợi lộc”. Một số trụ trì còn đứng ra mua đất xây chùa bằng tiền công đức (4). Vì thế, việc công khai minh bạch hóa mục đích sử dụng tiền công đức, tiền lễ chùa đã đến lúc cần được quy định chặt chẽ và có sự giám sát của các cơ quan liên quan.
Quản lý các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tại các cơ sở tín ngưỡng
Ở nhiều lễ hội, tính thiêng trong tín ngưỡng, lễ hội đã bị những nhu cầu trần tục của con người làm cho suy giảm.
Người dân đến với sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội chỉ mong cầu tài, cầu lộc, cầu may bằng mọi giá mà bỏ quên sự thành kính thần, thánh. Đã xuất hiện ở không ít các lễ hội cảnh cướp lộc cầu may vốn chỉ có ý nghĩa tượng trưng vui vẻ trong truyền thống nay trở thành cảnh tranh nhau giành giật lấy bất cứ cành lộc, hoa hay đồ thờ tự nào, thậm chí giẫm đạp lên nhau, xô xát dẫn tới thương tích nặng nề cho người khác. Năm 2018, Báo cáo tổng kết hoạt động của Bộ VHTTDL có ghi: “Trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, còn một số hạn chế, cụ thể như vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội như Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An), Lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)... Khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích” (5). Những hiện tượng như cúng vong, giải vong tại chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), cúng sao giản hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) đầu năm 2019… cũng được xem là những minh chứng rõ ràng cho tình trạng quản lý các cơ sở tín ngưỡng còn nhiều bất cập, lỏng lẻo.
Nhiều cơ sở tín ngưỡng vẫn có các dịch vụ như: xóc thẻ, bói quẻ, xin xăm, tử vi, tướng số, xem tuổi, đoán vận, cho thuê đồ lễ, sắp lễ thuê, mang vác đồ lễ thuê và thậm chí là khấn thuê. Một số cơ sở tín ngưỡng đã trở thành nơi kiếm tiền, thực hành hoạt động mê tín dị đoan.
Có thể nói, công tác quản lý hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng hiện nay chưa chặt chẽ, gặp bất cập về cách thức quản lý và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ban ngành. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp sự biến động nhanh chóng, phức tạp của đời sống thực tiễn. Những tiêu cực trong các hoạt động văn hóa tại các cơ sở tín ngưỡng vẫn trở đi, trở lại hằng năm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phát huy vai trò cộng đồng trong việc quản lý hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng
Theo một định nghĩa thường được sử dụng, cộng đồng là một tập thể nhỏ, cố kết chặt chẽ với nhau về lợi ích, tổ chức, thiết chế và hoạt động. Theo nghĩa này, cộng đồng thực chất là hệ thống xã hội vi mô, bao gồm cả các nhóm xã hội sơ cấp; các cộng đồng thể nhỏ phổ biến như một nhóm gia đình lân cận, dòng họ, xóm làng, khu phố, xã, phường.
Trên thực tế, các cơ sở tín ngưỡng, đặc biệt là những cơ sở tín ngưỡng truyền thống, đã tồn tại trước đây, có bề dày lịch sử, thường gắn liền với một cộng đồng dân cư nhất định, chủ yếu là cộng đồng làng xã cụ thể. Chúng ta biết rằng, xã hội nông thôn, nông nghiệp truyền thống là xã hội mang tính cộng đồng cao độ, thể hiện rõ nét ở các tổ chức và thiết chế xã hội như gia đình, dòng họ, xóm làng. Đặc điểm tổ chức xóm làng ở Việt Nam đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Hồng xưa và nay xác minh điều đó.
Các nghiên cứu đi trước đã cho thấy, làng - xã là một cộng đồng mang tính tự trị, làng - xã có một năng lực tự quản cộng đồng thể hiện trên nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và văn hóa (6). Bên cạnh đó là sự tồn tại của hương ước, một dạng văn bản quy định một số nhiệm vụ chung và các điều khoản bị cấm đoán, kèm theo là các hình thức khen thưởng - trừng phạt mà các thành viên cộng đồng phải tuân thủ; hương ước là sự tự điều khiển, tự điều chỉnh của làng - xã Việt (7).
Năng lực tự quản của cộng đồng làng - xã rất đậm nét trong lịch sử và hiện vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định đến các cộng đồng nông thôn đương đại (8).
Tại vùng đồng bằng sông Hồng những năm gần đây, một xu hướng thể hiện khá rõ tinh thần cố kết cộng đồng là sự khôi phục một số tổ chức xã hội truyền thống như việc Ban tế tự của đình, hội vãi già của chùa, hội đồng niên được tổ chức theo lớp tuổi và giới. Các nhóm xã hội tự quản này đã tạo nên các mối liên kết cộng đồng theo những chiều tổ chức khác nhau, cái vì mục tiêu tế tự, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của làng, của giới, cái để thỏa mãn nhu cầu cộng cảm, hợp tác, tương trợ lẫn nhau theo nhóm tuổi.
Các cơ sở tín ngưỡng trong xã hội truyền thống chủ yếu do các cộng đồng cư dân, cụ thể là các làng - xã, quản lý và tổ chức hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của chính cộng đồng mình và chỉ có tầm ảnh hưởng ở cộng đồng tại chỗ, tính lan tỏa xã hội hẹp hơn và ít mang tính tiêu cực.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự phục hồi rầm rộ nhiều hoạt động văn hóa tại một số các cơ sở tín ngưỡng, đi cùng nó là các hoạt động du lịch tâm linh phát triển mạnh mẽ, có sự cộng hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều cơ sở tín ngưỡng đã nhận được sự quan tâm hơn của công chúng tứ phương, nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa đã có tầm ảnh hưởng đến cấp vùng, thậm chí trên phạm vi cả nước. Đi cùng với sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng đó còn có sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý các hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng này. Nhiều hoạt động được tổ chức không dựa trên nhu cầu của cộng đồng tại chỗ mà dựa trên nhu cầu của du khách hay phục vụ nhu cầu phát triển du lịch địa phương. Sự mở rộng quy mô của lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Bà Chúa kho, lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn... kèm theo hệ lụy phát sinh tiêu cực là ví dụ minh chứng.
Kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa tại Đền Trần, Nam Định những năm trước đã cho thấy vai trò rất quan trọng của cộng đồng địa phương trong tham gia xây dựng, tổ chức và quản lý các hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng. Trong suốt quá trình xây dựng mô hình lễ hội Đền Trần, luôn có sự thảo luận, chia sẻ thông tin với cộng đồng sở tại, cụ thể là cộng đồng dân cư phường Lộc Vượng. Trước hết, việc tiếp xúc với cộng đồng địa phương để tìm hiểu thực trạng công tác tổ chức, những vấn đề của mùa lễ hội trước, đồng thời tìm hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của các thành viên cộng đồng. Việc thảo luận về mô hình tổ chức mới với cộng đồng sở tại đã tạo ra những tranh luận khá gay gắt về quan điểm cũng như phương án tổ chức, quản lý lễ hội mới. Những mâu thuẫn về quyền lợi, nhu cầu và quan điểm của các bên được bộc lộ, thảo luận khá cởi mở và mang tính xây dựng, mặc dù không kém phần gay gắt. Nhóm thực hiện đã thấy rõ được tầm quan trọng của sự thống nhất và đồng thuận của cộng đồng đối với sự thành - bại của mô hình lễ hội, vì cuối cùng người thực hiện, tham gia và hưởng lợi gần nhất vẫn là cộng đồng có lễ hội. Việc thảo luận với cộng đồng diễn ra khá nhiều lần, tất cả những vấn đề đều đã được thảo luận để tìm kiếm được tiếng nói chung, có được sự nhất trí đồng thuận của cộng đồng tại chỗ. Sự chấp nhận của cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công của mô hình mới. Đồng thời các hoạt động của mô hình lễ hội đều do cộng đồng tham gia, để lễ hội thực sự là của cộng đồng. Cũng chính việc có sự tham gia của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của chính cộng đồng, đã dẫn tới việc phục dựng thành công các hoạt động văn hóa truyền thống trước đây trong lễ hội Đền Trần vào mùa lễ hội năm 2014: lễ rước nước và lễ tế cá. Đây là hai nghi lễ truyền thống đã bị mai một tới gần 100 năm. Sự phục hồi của hai nghi lễ quan trọng này đã tạo nên ý nghĩa lịch sử và nhân văn của lễ hội, như sự tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước, trở thành vương triều hưng thịnh trong lịch sử dân tộc, thay bằng việc trước đây, người ta chỉ biết đến lễ hội Đền Trần như là một hoạt động phát ấn, xin lộc đầu năm.
Kinh nghiệm phục dựng Lễ hội xuống đồng, vùng đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh cũng cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư địa phương trong các hoạt động phục hồi, tham gia vào hầu hết các khâu trong toàn bộ quá trình phục dựng lễ hội.
Cho đến trước khi được phục dựng, Lễ hội xuống đồng với hội thi bơi chải đã không được tổ chức hơn 20 năm, lần cuối vào những năm 1986-1987. Năm 2007, với sự phối hợp và hỗ trợ từ nhiều phía, lễ hội đã được huyện Yên Hưng và hai xã Phong Cốc, Phong Hải phục dựng theo mô hình truyền thống với đầy đủ nghi lễ. Trong quá trình phục dựng lễ hội, chính quyền không đứng ra tự tổ chức các hoạt động mà kêu gọi sự tham gia của Ban Khánh tiết đình Phong Cốc (địa điểm diễn ra lễ hội), tổ chức được hình thành từ đại diện các tiểu ban Khánh tiết của 14 dòng họ lớn ở vùng đảo Hà Nam. Tháng 6-2007, trước chủ trương khôi phục Lễ hội xuống đồng truyền thống của chính quyền huyện Yên Hưng và xã Phong Cốc, Phong Hải, Ban Khánh tiết đình Phong Cốc nhận các trách nhiệm chính: Tổ chức và điều hành các nghi lễ của lễ hội xuống đồng; Thông qua các đại diện của dòng họ trong Ban Khánh tiết, kêu gọi các dòng họ huy động con em của mình (tại địa phương và ở các nơi khác) tham gia phục dựng lễ hội. Người dân các xã tham gia lễ hội đã trở thành chủ nhân tổ chức lễ hội, sự tham gia của họ được huy động trên tinh thần tự nguyện, họ đã nhận thấy đây là một việc làm vì mục đích chung của cả cộng đồng và tiếp tục duy trì nó trong đời sống cộng đồng như chúng ta đã thấy cho đến hiện nay.
Quá trình phục dựng lễ hội năm đầu tiên đã bước đầu huy động được sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân tại cộng đồng, song do lễ hội này đã không còn được thực hiện từ nhiều năm nay, nên việc tham gia của người dân, đặc biệt của thanh niên, vẫn còn hạn chế. Sự tham gia nhiệt tình chủ yếu được nhận thấy ở lứa tuổi cao niên do họ đã từng được tham dự lễ hội này trong quá khứ. Với tầng lớp thanh niên, phần lớn trong số họ chưa có trải nghiệm nào về lễ hội xuống đồng mà chỉ được nghe người khác kể lại, nên sự tham gia vẫn còn miễn cưỡng. Tuy nhiên, chỉ sang mùa lễ hội thứ hai, cùng với việc huy động tốt hơn sự tham gia của các tầng lớp người dân tại cộng đồng, đã dần khẳng định vai trò của lễ hội xuống đồng như là một hoạt động văn hóa của chính cộng đồng chứ không phải là một mô hình sự kiện văn hóa - xã hội do các cấp hành chính quản lý, chỉ đạo thực hiện.
Một số ví dụ và phân tích nêu trên góp phần khẳng định thực tế rằng, các cộng đồng dân cư trong xã hội truyền thống và kể cả đương đại luôn có năng lực tự quản cộng đồng, đặc biệt trong các hoạt động tín ngưỡng. Hy vọng rằng, đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các cơ quan liên quan trong việc tìm ra các phương hướng phát huy tốt năng lực, vai trò của cộng đồng sở tại trong công tác quản lý hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
_______________
1. Nguyễn Hưởng, Nhức nhối nạn trộm cắp cổ vật, baobacgiang.com.vn, 19-1-2018.
2. Đình Châu, Mất cắp cổ vật và nỗi lo gìn giữ di sản, vov.vn, 23-6- 2021.
3. Tiến Long - T.B. Dũng, Méo mó quản lý tiền công đức, chế tài được không?, tuoitre.vn, 18-6-2019.
4. Nguyên Khánh, Quản lý tiền công đức không ảnh hưởng tín ngưỡng, tienphong.vn, 23-6-2021.
5. Báo cáo công tác lễ hội năm 2018 của Bộ VHTTDL.
6. Tô Duy Hợp (chủ biên), Phát triển cộng đồng, lý thuyết và vận dụng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
7. Phan Đại Doãn, Làng Việt Nam, một số vấn đề kinh tế xã hội, Nxb Khoa học xã hội và Nxb Mũi Cà Mau, 1992.
8. Nguyễn Duy Quý, Thành Duy và Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa làng và làng văn hóa, in trong Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1996. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng làng xã Việt có ba đặc trưng cơ bản: Ý thức cộng đồng làng; Khả năng tự quản; Tính khác biệt.
Ths NGUYỄN TUẤN ANH - Ths NGUYỄN THỊ THU TRANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021