Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là: “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện từ gia đình đến cộng đồng dân cư. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế”. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bản Dự thảo nêu rõ cần: “Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN), tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội”.
Đây là mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế được thể hiện ở lĩnh vực xây dựng và phát triển VHDN trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay.
1. Xây dựng VHDN là nhiệm vụ then chốt để phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế, hình thành môi trường văn hóa toàn diện
Tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nêu rõ mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế được thể hiện trong xây dựng VHDN như sau:
“Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng VHDN, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc” (1).
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16-5-2016 tiếp tục khẳng định: “Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng VHDN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh”(2).
Đặc biệt, ngày 7-11-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ công bố Ngày VHDN Việt Nam 10-11 và Phát động Cuộc vận động Xây dựng VHDN Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng VHDN ở nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế:
“Xây dựng VHDN chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa ở TK XXI. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp” (3), đồng thời cần “xây dựng và phát triển nền tảng VHDN Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển VHDN là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” (4).
Gần đây, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vấn đề “xây dựng VHDN, doanh nhân và kinh doanh” (5), nhằm hướng tới “Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước... Hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt” (6). Cần “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực trong phát triển kinh tế… Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65% ...”(7).
VHDN được coi là sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp, là tiêu chí để phân biệt doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp khác. Hiện nay, VHDN không chỉ là tài sản quý giá của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia, là hình ảnh quan trọng của đất nước trên thương trường quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều có chiến lược bảo vệ hình ảnh, thương hiệu đất nước. Chính vì vậy, trong tiến trình đổi mới 35 năm qua và ngay trong thời điểm hiện tại, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước nhà xây dựng VHDN cùng với xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân, củng cố mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế, hình thành môi trường văn hóa toàn diện trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để hướng tới sự phát triển bền vững.
2. Quan niệm về VHDN
Trong một xã hội rộng lớn, mỗi doanh nghiệp được coi là một xã hội thu nhỏ. Xã hội lớn có nền văn hóa chung, xã hội nhỏ (doanh nghiệp) cũng cần xây dựng cho mình một giá trị văn hóa riêng. VHDN là một bộ phận cấu thành nên nền văn hóa chung của dân tộc. VHDN là văn hóa được sinh ra từ doanh nghiệp và thể hiện bản sắc của doanh nghiệp đó. VHDN được hiểu là một hệ thống các giá trị, truyền thống, tập quán, lối ứng xử, nghi lễ, biểu tượng theo chuẩn mực Chân - Thiện - Mỹ được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, có khả năng lưu truyền, tạo nên bản sắc riêng và có tác động sâu sắc tới tâm lý và hành vi của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, có tác dụng làm nên thương hiệu tin cậy, hấp dẫn đối với cộng đồng xã hội. Trong thực tế phát triển VHDN hiện nay, có thể kể đến các chủ thể của VHDN như sau:
Thứ nhất, là đội ngũ doanh nhân và các cấp lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp (chủ thể lãnh đạo quản lý, là chủ thể khởi nghiệp, sáng tạo, định hướng, điều chỉnh, vận thông hệ giá trị VHDN). Doanh nhân là nhà kinh doanh, người khởi xướng và đứng đầu doanh nghiệp. Đó là chủ thể lãnh đạo quản lý quan trọng bậc nhất, chịu trách nhiệm và đại diện cho doanh nghiệp trước xã hội và luật pháp.
Khi doanh nhân và các cấp lãnh đạo quản lý là những người có đức, có tài, tỏa sáng vẻ đẹp nhân cách văn hóa, thì sẽ có khả năng dẫn dắt, chi phối, ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển VHDN (cụ thể là doanh nhân cùng các cấp lãnh đạo quản lý sẽ thiết kế mục tiêu cao cả đầy ý nghĩa nhân văn của doanh nghiệp; sáng tạo ý tưởng triết lý sản xuất, kinh doanh, cải tiến phát minh sáng chế khoa học công nghệ kinh doanh sản xuất, tạo ra niềm tin dẫn đạo qua hệ thống biểu tượng, ngôn ngữ, ý thức hệ, nghi lễ và huyền thoại của doanh nghiệp…).
Thứ hai, là tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp. Đây là chủ thể người lao động có nhiệm vụ kế thừa, tiếp nhận, vận dụng và góp phần tham gia thể hiện, sáng tạo các giá trị VHDN của doanh nghiệp.
3. Xây dựng VHDN
Trên thực tế, quá trình thiết kế, xây dựng VHDN của một doanh nghiệp thường thực hiện các nhiệm vụ sau:
Xây dựng giá trị ngoại hiện của VHDN
Đây là hệ giá trị hữu hình của VHDN, bao gồm tất cả những hiện tượng và sự vật có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc với doanh nghiệp như: Kiến trúc, bài trí, công nghệ, sản phẩm; Cơ cấu tổ chức, các phòng ban của doanh nghiệp; Các văn bản quy định nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp; Lễ nghi và lễ hội hằng năm; Các biểu tượng, logo, khẩu hiệu, tài liệu quảng cáo, tờ rơi; Ngôn ngữ, ăn mặc, phương tiện đi lại, chức danh, cách biểu lộ cảm xúc, hành vi ứng xử thường thấy của các thành viên và các nhóm làm việc trong doanh nghiệp; Những câu chuyện và huyền thoại về những tổ chức; Hình thức mẫu mã của sản phẩm; Thái độ và cung cách ứng xử của các thành viên doanh nghiệp.
Xây dựng những giá trị được tuyên bố của doanh nghiệp, bao gồm: các chiến lược, mục tiêu, triết lý doanh nghiệp
Đây là các giá trị hữu hình của VHDN (của một doanh nghiệp), được diễn đạt chính xác rõ ràng thông qua các hình ảnh biểu tượng và diễn ngôn chiến lược khái quát, hàm súc, cô đọng, giàu ý nghĩa, hấp dẫn, thu hút, có tầm ảnh hưởng và chức năng định hướng cho thành viên doanh nghiệp ứng phó với môi trường doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân trong nước và kinh tế quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Chẳng hạn như định hướng chiến lược nổi bật của Vinamilk là “Vì thế hệ tương lai vượt trội”; “Giá trị tự nhiên”, “Vươn cao Việt Nam”…
Xây dựng những giá trị ngầm định (vô hình) của VHDN
Đây là hệ giá trị cốt lõi bên trong của VHDN. Giá trị ngầm định của doanh nghiệp chính là lợi ích (vật chất và tinh thần) mà doanh nghiệp đó đem đến cho con người (trong và ngoài doanh nghiệp) hướng tới sự phát triển của cộng đồng xã hội theo các chuẩn mực Chân, Thiện, Mỹ, trở thành niềm tin dẫn đạo trong doanh nghiệp, tạo ra chữ tín của doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội.
Thông thường, giá trị ngầm định của VHDN là tri thức, quan niệm chung, niềm tin, suy nghĩ và tình cảm mặc nhiên được thừa nhận trong doanh nghiệp và ngoài cộng đồng xã hội, xuyên suốt trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Logo, slogan của doanh nghiệp chính là biểu tượng cho giá trị cốt lõi, ngầm định của doanh nghiệp. Khi kỷ niệm 23 năm thành lập, Vingroup đã chọn slogan mới của Tập đoàn là “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” như ngọn lửa khát vọng không ngừng thôi thúc, cùng với hệ giá trị cốt lõi được tuyên bố chỉ cô đọng 6 chữ: “Tín” - “Tâm” - “Trí” - “Tốc” - “Tinh” - Nhân” trong ý nghĩa góc nhìn thương hiệu khái quát về một đẳng thức của thành công.
Trong lễ phát động Cuộc vận động Xây dựng VHDN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất ý tưởng về giá trị cốt lõi của VHDN Việt Nam là “liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm môi trường”, trong đó nhấn mạnh 5 nội dung xây dựng VHDN trong thời kỳ hội nhập quốc tế như sau:
“Một là, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai tròVHDN trong cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp Việt Nam từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hai là, xây dựng và phát triển nền tảng VHDN Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển VHDN là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ba là, phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội.
Bốn là, làm lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh; tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động sáng tạo.
Năm là, nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ nhân viên và người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hóa và môi trường làm việc” (8).
4. Tác động của VHDN đối với sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế đất nước
Nếu VHDN phát triển tốt sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng thịnh vượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia. Thực tế cho thấy, khi VHDN phát triển, sẽ có những tác động tích cực như sau:
VHDN bao hàm các yếu tố tri thức, khoa học, công nghệ được phát triển sẽ tác động đến sự phát triển doanh nghiệp (sản xuất và kinh doanh) ngày càng hiện đại, thích ứng với yêu cầu liên tục phát triển của con người và cộng đồng xã hội trên phạm vi cả nước.
VHDN (bao hàm sức nghĩ, kiểu tư duy tích cực của doanh nghiệp) được phát triển sẽ đủ khả năng xây dựng được tầm nhìn chiến lược phát triển cho doanh nghiệp. Đây là trí tuệ sáng tạo định hướng của ban lãnh đạo doanh nghiệp kết hợp với trí tuệ sáng tạo của những người lao động, sẽ trở thành ngọn đuốc trí tuệ tổng hợp của doanh nghiệp có tác dụng soi đường, dẫn lối cho doanh nghiệp tiến lên trong bối cảnh cạnh tranh phức tạp và khốc liệt của thị trường trong nước và quốc tế.
VHDN phát triển ngày càng tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực Chân, Thiện, Mỹ của thời đại, đem lại sự hài lòng cho con người trong và ngoài doanh nghiệp. Trên thực tế, các chuẩn mực Chân, Thiện, Mỹ là ba trụ cột vĩnh hằng của văn hóa nhân loại, luôn được loài người thừa nhận và tôn vinh. Nếu VHDN đạt đến những chuẩn mực này, sẽ làm cho doanh nghiệp liên tục phát triển và phát triển bền vững (vì có được tình yêu, sự ủng hộ, niềm tin của người lao động, khách hàng và đối tác).
VHDN phát triển đồng bộ về các giá trị hữu hình và vô hình, những giá trị được tuyên bố của doanh nghiệp có tác dụng xây dựng “thương hiệu”, uy tín của doanh nghiệp trong kinh doanh sản xuất và khả năng hiển thị rõ rệt các giá trị đó trong tầm quan sát của cộng đồng xã hội. Từ đó tạo nên phong cách, đẳng cấp, tầm ảnh hưởng, thị phần của doanh nghiệp ngày càng rộng mở.
VHDN phát triển sẽ tạo nên lực hướng tâm cho doanh nghiệp, có sức thu hút nhân tài, củng cố lòng trung thành của nhân viên, người lao động không chỉ làm việc vì thu nhập tiền lương, mà còn vì những nhu cầu khác cao quý hơn. Theo A.Maslow, con người có 5 nhu cầu từ thấp đến cao, tổng hợp cả về vật chất và tinh thần: nhu cầu sinh lý (không khí, ánh sáng, nước, lương thực, duy trì nòi giống…); nhu cầu xã hội - thông tin, giao tiếp (nhà ở, y phục, phương tiện giao thông, phương tiện nghe, nhìn…); nhu cầu được tôn trọng, yêu quý, ngưỡng mộ (tôn vinh, khen thưởng, khẳng định); nhu cầu tự khẳng định để tiến bộ; Nhu cầu an ninh (bình yên, an toàn) (9).
Về sau, giới nghiên cứu còn bổ sung nhu cầu cao hơn của con người như nhu cầu lao động sáng tạo, nhu cầu phát minh, sáng chế, nhu cầu được cống hiến… Đây là những nhu cầu có tính khách quan ở mỗi cá nhân và cộng đồng, là động lực thúc đẩy con người hoạt động hướng tới những gì cao quý. Doanh nghiệp của mọi ngành nghề được thành lập ra để sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu sinh tồn của con người và xã hội. Người lao động trong doanh nghiệp khi đi làm thường mong muốn thỏa mãn các nhu cầu có tính khách quan nói trên. Tuy nhiên, ngoài nhu cầu kiếm tiền sinh tồn, họ cũng cần các nhu cầu khác. Nếu VHDN phát triển sẽ đáp ứng được các nhu cầu chính đáng của người lao động và cộng đồng xã hội, đặc biệt là nhu cầu lao động sáng tạo, nhu cầu được tôn vinh, nhu cầu được cống hiến của người lao động, doanh nghiệp sẽ phát triển rất mạnh.
VHDN phát triển sẽ khích lệ quá trình đổi mới và sáng chế trong doanh nghiệp, tạo ra hàng hóa ngày càng có chất lượng cao. Tại các doanh nghiệp có môi trường VHDN tốt sẽ kích thích người lao động sáng tạo (vì con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, nhưng con người cũng là sản phẩm của môi trường văn hóa đã được hình thành từ trước).
VHDN khi phát triển đến tầm cao thương hiệu nổi tiếng, sẽ trở thành giá trị riêng của doanh nghiệp, là tiêu chí phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, giúp doanh nghiệp vượt lên và thành công.
Trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, thực tế cho thấy, nếu VHDN của một doanh nghiệp nào đó bị suy yếu, nghĩa là không đảm bảo được các chuẩn mực Chân, Thiện, Mỹ trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì điều đó sẽ tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
VHDN suy yếu thường bộc lộ ở hành vi của doanh nghiệp: bất chấp tất cả, chỉ sản xuất, kinh doanh tìm lợi nhuận thuần túy, không quan tâm đúng mức tới lợi ích của con người và cộng đồng trong và ngoài doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp đưa ra hàng hóa kém phẩm chất, thất hứa với khách hàng, trốn thuế, làm ăn chộp giật, manh mún, dối trá… làm mất đi hình ảnh thương hiệu vốn có của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường và trốn tránh trách nhiệm, thì sẽ bị dư luận xã hội lên án, pháp luật xử lý mà ngay đến người lao động chân chính trong doanh nghiệp cũng bất bình.
VHDN suy yếu còn thể hiện ở tình trạng lạc hậu của doanh nghiệp về máy móc, thiết bị, trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ, yếu kém về khả năng cập nhật nghiên cứu phân tích thị trường để đầu tư sản xuất kinh doanh, trình độ tay nghề non yếu của lực lượng lao động… làm giảm sút sức cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp trên thương trường.
VHDN suy yếu còn thể hiện ở việc chủ doanh nghiệp vô trách nhiệm với người lao động như: chậm trả lương, trốn tránh đóng bảo hiểm, sa thải bất ngờ, cơ chế quản lý cứng nhắc, độc đoán chuyên quyền, gây không khí thụ động sợ hãi trong doanh nghiệp, khiến cho người lao động thờ ơ hoặc ngầm chống đối giới lãnh đạo, lãng phí tài sản, không tha thiết học tập nâng cao trình độ, không sáng tạo, làm ăn chiếu lệ, coi doanh nghiệp là chỗ “trú chân”, không trung thành và sẵn sàng “nhẩy việc” sang doanh nghiệp khác. Tất cả những biểu hiện yếu kém của VHDN nêu trên sẽ làm đình trệ sản xuất, kinh doanh, và doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể.
Kết luận
VHDN là tài sản văn hóa quan trọng của doanh nghiệp, được xuất hiện ở nhiều dạng thức hữu hình, ngoại hiện (vật thể) bao gồm tất cả những gì quan sát và nhận biết được về doanh nghiệp; và dạng thức vô hình (phi vật thể), bao gồm tri thức khoa học công nghệ kinh doanh sản xuất, niềm tin dẫn đạo và quy tắc ứng xử đạt chuẩn Chân, Thiện, Mỹ do con người trong doanh nghiệp thừa nhận, vận thông và được cộng đồng xã hội tin yêu, quý trọng tôn vinh, hướng tới, hình thành chữ tín của doanh nghiệp. VHDN là một nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Để thiết thực xây dựng và phát triển VHDN trên phạm vi cả nước, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tập trung truyền thông, quảng bá nhiều mô hình điểm, những kinh nghiệm xây dựng VHDN thành công tiêu biểu như: Viettel, VinGroup, Vietinbank, Vinamilk, TH True Milk…
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, xây dựng VHDN là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đảm bảo cho văn hóa ngang hàng với kinh tế, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững, xây dựng một nước Việt Nam XHCN thịnh vượng và hùng cường, tích cực đóng góp cho sự ổn định và phát triển của nhân loại.
________________
1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn.
2. Chính phủ, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thuvienphapluat.vn.
3, 4, 8. Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại Lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, vpcp.chinhphu.vn, 7-11-2016.
5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144, 239, 240.
9. Tháp nhu cầu của Maslow, vi.wikipedia.org.
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021