Quản lý thiết chế văn hóa cơ sở: Thực trạng và giải pháp

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa, nhiều công trình văn hóa đã ra đời từ cấp trung ương đến cấp cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của toàn thể quần chúng nhân dân, các thiết chế văn hóa ở nước ta hiện nay ngày càng phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII  tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa. Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra,  giám  sát,  bảo  đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh  vực  văn  hóa.  Ðổi mới, hoàn thiện các thiết chế  văn  hóa  từ  Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả. Ðào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo,  chỉ  đạo,  quản  lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt  thực  sự am  hiểu  về  văn  hóa,  có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...” (1). Điều đó cho thấy văn hóa nói chung, thiết chế văn hóa cơ sở nói riêng ngày càng được quan tâm.

1. Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Trung tâm văn hóa, Nhà triển lãm

Hiện nay, trên cả nước có 67 thiết chế văn hóa (Trung tâm văn hóa, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Thông tin triển lãm...) cấp tỉnh. Cấp huyện có 683 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa (NVH), đạt tỷ lệ khoảng 91,3%. Cấp xã là 7.194 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - Thể thao đạt tỷ lệ khoảng 73,2%. Cấp thôn là 75.327 làng, thôn, ấp, bản... có NVH, đạt tỷ lệ 74,4%. Bên cạnh đó, có 34 NVH lao động cấp tỉnh do Tổng liên đoàn Lao động Việt  Nam  chỉ  đạo;  32  NVH  lao  động  cấp huyện; 31 NVH cấp tỉnh thuộc quân đội; 9 NVH do Công an nhân dân quản lý; 68 NVH cấp tỉnh và 168 NVH cấp huyện do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phụ trách (2). Ngoài ra, các ngành: Than, Gang thép, Giấy, Cao su... cũng đều có NVH phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của công nhân lao động.

Các Trung  tâm  Văn hóa - Thể thao các cấp đã tích cực  tìm  tòi các  loại hình hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn  hóa,  thể  thao  của nhân dân. Nội dung hoạt động  của  các  trung  tâm văn hóa cấp  tỉnh và cấp huyện tương đối đa dạng, phong phú, thường xuyên có sự đổi mới. Ngoài việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các trung tâm đều mở rộng các hình thức khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân và thanh thiếu niên, nhất là vào dịp nghỉ hè. NVH, khu  thể  thao  thôn, bản thường xuyên tập trung vào các hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng, địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hóa, thể thao thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đây thực sự là nơi giúp gắn kết cộng đồng và có ý nghĩa lớn đối với đời sống văn hóa tinh thần người dân.

Hệ thống bảo tàng

Ngày 23 - 6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 156/2005/QĐ -TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Sau 15 năm thực hiện, cả nước có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập; hiện đang lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử, trong đó có tới 120 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (trong tổng số 164 bảo vật quốc gia) (3).Hệ thống bảo tàng đã xác lập được vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tôn vinh bản sắc dân tộc, phổ biến kiến thức khoa học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trở thành những điểm đến hấp dẫn, trực tiếp góp phần phát triển du lịch.

Hệ thống thư viện

Theo thống kê của Thư viện Quốc gia Việt Nam, tính đến hết năm 2020, ngoài thư viện của 63 tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 582 thư viện cấp quận, huyện, hơn 6.000 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản... Bên cạnh đó là 10.000 tủ sách pháp luật và 8.000 điểm bưu điện - văn hóa xã, phường gắn kết mật thiết với hệ thống thư viện tại các địa phương.

Hệ thống thư viện đã từng bước đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục cấp thẻ nhằm thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện. Công tác luân chuyển sách, báo được thực hiện thường xuyên. Việc tăng cường phục vụ thư viện lưu động, các xe thư viện lưu động đã triển khai chương trình Chuyến xe tri thức tới các trường học, vùng sâu, vùng xa, tăng cường các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, đối tượng yếu thế trong xã hội... cũng đã góp phần vào việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Hệ thống các rạp chiếu phim

Hiện nay cả nước có 1096 phòng chiếu với hơn 200 cụm rạp (4). Hệ thống rạp chiếu phim rộng khắp và được trang bị thiết bị hiện đại, tiện nghi đã góp phần không nhỏ cho doanh thu của ngành Công nghiệp điện ảnh đạt doanh số hơn 100 triệu uSD và đứng vào top 10 thị trường điện ảnh lớn toàn cầu. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức điện ảnh của gần 100 triệu dân Việt Nam rất lớn và thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng nếu được khai thác đúng hướng. Tuy vậy, sự phân bố số lượng cũng như chất lượng rạp chiếu phim giữa các vùng miền còn nhiều chênh lệch. Một số tỉnh chưa có rạp chiếu phim chuyên dụng, hiện đại, các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị và các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có quy hoạch địa điểm xây dựng các rạp chiếu bóng. Quy mô của các rạp còn nhỏ, hoạt động khó khăn và mang tính cầm chừng. Trong khi nhiều rạp tư nhân hoặc có sự đầu tư của nước ngoài một cách chuyên nghiệp, còn lại các rạp chiếu phim của nhà nước phần lớn thiết bị cũ kĩ, cơ sở vật chất xập xệ nên không thu hút được khách. Ngoài ra, còn phải kể đến một vấn đề là hiện nay các rạp ưu tiên chiếu phim ngoại vào khung giờ vàng, dẫn đến phim Việt bị thiệt hại cả về doanh thu lẫn độ phổ. Đây cũng là vấn đề đang gây đau đầu cho các nhà quản lý khi nhiều rạp kinh doanh quá chú trọng yếu tố kinh tế mà bỏ qua yếu tố quảng bá văn hóa dân tộc thông qua phim Việt.

Hệ thống tượng đài

Hiện nay, cả nước có trên 400 công trình tượng đài (5). Các công trình tượng đài, công trình mỹ thuật công cộng là công trình văn hóa nghệ thuật ca ngợi những chiến thắng, những sự kiện lịch sử, lãnh tụ và danh nhân của dân tộc, đồng thời là tác phẩm mỹ thuật đem đến cảm xúc thẩm mỹ, truyền tải thông điệp về giáo dục, tôn vinh truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, tạo nên môi trường thẩm mỹ nhân văn, hướng thiện. Một số công trình tượng đài được khánh thành đi vào sử dụng gần đây đã trở thành những địa chỉ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các sự kiện chính trị của địa phương, trở thành điểm tham quan du lịch như: Tượng đài Bác Hồ với Tây Nguyên ở Gia Lai, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc ở Tuyên Quang... Các tượng vườn hoa ra đời từ các Trại sáng tác điêu khắc được đặt ở các khu du lịch; các bãi biển, như: dọc hai bên bờ sông Hương (Thừa Thiên Huế), Vũng Tàu, Nha Trang, Hải Phòng; các khu du lịch như Hội An - Quảng Nam, Flamingo Đại Lải - Hà Nội, Châu Đốc - An Giang ... đã tạo nên những địa điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, những năm gần đây, không ít địa phương đua nhau xây tượng đài không hợp lý dẫn đến tốn kém, lãng phí. Chất lượng nhiều tượng đài na ná nhau, chưa thực sự mang đến yếu tố thẩm mỹ, thậm chí một số tượng đài còn gây phản cảm và bức xúc trong dư luận.

Hệ thống các công trình thể thao

Hiện nay, Bộ VHTTDL trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thể dục thể thao thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia, 3 Trường Đại học Thể dục thể thao (ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM) và các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ), thực hiện chức năng: đào tạo cán bộ thể dục thể thao; đào tạo vận động viên các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của quốc gia, quốc tế; tổ chức các hoạt động dịch vụ thể dục thể thao (ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn) . Việc khai thác sử dụng cơ sở vật chất theo hình thức sự nghiệp có thu, ngoài thực hiện chuyên môn, nhiệm vụ, được tổ chức các hoạt động dịch vụ.

Các công trình thể thao ở cấp tỉnh và cấp huyện nhìn chung đã được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tốt để phục vụ tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế và của địa phương, tổ chức tập huấn, tập luyện của lực lượng vận động viên thể thao đội tuyển tỉnh, thành phố. Đồng thời, đào tạo hướng dẫn viên, cộng tác viên; tổ chức các hoạt động dịch vụ, khai thác phục vụ nhân dân tập luyện hằng ngày (một số trung tâm thuộc các thành phố lớn thường xuyên hoạt động đến 23 giờ đêm).Ngoài ra, còn có các công trình thể thao của các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học...; Công trình thể thao của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý, phục vụ luyện tập cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; Công trình thể thao của các Bộ, Ngành, đoàn thể trung ương phục vụ luyện tập cho cán bộ, công nhân viên chức. Ngoài tổ chức các nhiệm vụ chính trị, các cơ sở đều tổ chức hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết tổ chức dịch vụ thể dục thể thao.

Nhìn chung, các Chiến lược, Quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao đã điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với tình hình mới. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, đặc biệt cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đã được ban hành, phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Hệ thống công trình văn hóa, thể thao từ trung ương đến địa phương đã triển khai và tổ chức tốt các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của địa phương. Nhiều thiết chế văn hóa - thể dục thể thao như: NVH, sân vận động, rạp hát, thư viện, nhà tập, nhà thi đấu thể thao, bể bơi ... được xây dựng, trong đó một số công trình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt, hưởng thụ các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục thể thao. Đồng thời, cũng là nơi gắn kết cộng đồng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Những công trình văn hóa nằm trong thiết chế văn hóa do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, sử dụng cùng với các công trình văn hóa do các ngành, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội khác đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng đã tạo nên một mạng lưới các công trình văn hóa đồng bộ, phục vụ, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao, góp phần bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên được bồi dưỡng, đào tạo từ hệ thống thiết chế văn hóa đã trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, thể dục thể thao cơ sở. Hệ thống thư viện, rạp chiếu phim, bảo tàng cũng góp phần không nhỏ trong việc vui chơi giải trí, nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Những kết quả trên đạt được là rất đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: ngân sách Nhà nước hằng năm cấp cho các thiết chế văn hóa còn hạn chế. Kinh phí hoạt động ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, nguồn nhân lực tổ chức khai thác vận hành các thiết chế này còn thiếu và yếu về chuyên môn. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng về trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, thiếu chủ động, sáng tạo. Hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người biết đến hoặc không quan tâm nên dẫn đến nguồn thu hằng năm đạt thấp. Nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi các thiết chế văn hóa các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa phát huy được sáng kiến, sự tham gia tích cực của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa tại các khu đô thị chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa một số nơi chưa được quan tâm, quy hoạch. Có địa phương còn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại, nhà ở để bán hoặc chuyển nhượng. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, luyện tập thể dục, thể thao của người lao động. Các thiết chế văn hóa - thể thao ở cấp xã phần lớn bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị hoạt động. Việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tuỳ tiện, chưa hợp lý nên bị cộng đồng xa lánh. Nhiều nơi xây dựng được trụ sở nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ công tác tại các thiết chế văn hóa, thể thao còn quá mỏng, ít được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ. Đó là những vấn đề gây nên sự hoạt động kém hiệu quả của các thiết chế văn hóa, làm lãng phí công năng và tiền của. Do đó, rất cần có những giải pháp vừa đồng bộ, vừa căn cơ và phù hợp.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách

Bộ VHTTDL cần xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Cùng với đó là nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách, đảm bảo điều kiện tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm khai thác và sử dụng tối đa công suất các công trình phục vụ nhân dân đến sinh hoạt, luyện tập. Có chính sách ưu tiên về thuế đối với đơn vị dịch vụ sự nghiệp công.

Rà soát, đánh giá mô hình hệ thống công trình, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm không tổ chức thiết chế văn hóa cấp xã, tăng cường nguồn lực đầu tư đối với thiết chế văn hóa cấp thôn (thông qua thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, trong đó kiến nghị giao vai trò phân bổ kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước do trung ương thực hiện để đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu được xác định cụ thể).

Giao quyền tự chủ trong tổ chức hoạt động cho đơn vị quản lý cơ sở vật chất thể dục thể thao theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ, nhất là việc liên kết nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị (trừ cơ sở phục vụ đào tạo vận động viên);  tổ chức các hoạt động, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.

Quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật

Dành quỹ đất ở vị trí thuận lợi để xây dựng hệ thống công trình, thiết chế văn hóa - thể thao các cấp. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan và tập luyện của nhân dân. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình phải phù hợp với quy mô, theo quy hoạch phát triển văn hóa, thể dục thể thao.

Cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa hiện có, bổ  sung  trang  thiết bị hoạt động,  thay  thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ.

Đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ

Hiện nay, công tác cán bộ vẫn là khâu yếu của các thiết chế văn hóa. Do đó, cần căn cứ vào nhu cầu thực  tế  của  địa  phương,  căn  cứ  vào  tiêu  chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ văn hóa, thể thao được quy định đối với từng cấp, lập quy hoạch, kế hoạch, giao nhiệm vụ đào  tạo  cho  các  trường  có chuyên môn phù hợp. 

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ nghiệp vụ trực tiếp quản lý các công trình văn hóa, thể thao. Bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, thể thao quần chúng cho cán bộ xã và thôn. 

Bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách về lương, chế độ thù lao công tác đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở. 

Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao

Công năng của nhiều thiết chế vă hóa - thể thao hiện nay ở cơ sở chưa được khai  thác đúng hoặc đang gây ra sự lãng phí.

Do đó, cần đổi mới nội dung, phương thức quản lý, hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao gắn với thực tiễn và nhu cầu người dân, tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng tham gia hoạt động văn hóa, tập luyện, biểu diễn và thi đấu thể thao đa dạng theo nhu cầu và sở thích của mọi người, phù hợp với địa phương, đơn vị,  tránh dập khuôn máy móc chỉ  tổ chức một số hoạt động nhất định. 

Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ở các công trình văn hóa -  thể  thao gắn với việc  liên doanh,  liên kết xây dựng các thiết và tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao. Mở rộng dịch vụ, tổ chức nhiều loại hình hoạt động để phục vụ các tầng lớp xã hội và mọi lứa  tuổi  tham gia, chú  trọng phát  triển nhiều  loại hình phục vụ cộng đồng, nhằm huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển văn hóa, thể dục, thể thao. 

Nhu cầu văn hóa của nhân dân là vô cùng phong phú đa dạng. Do đó, việc nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng quản lý các thiết chế văn hóa là vô cùng cần thiết bởi điều đó không chỉ nâng cao đời sống văn hóa của người dân mà còn góp phần ổn định chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh. Người dân khi được nâng cao dân trí, rèn luyện sức khỏe, có một nền tảng văn hóa tốt sẽ luôn biết tự hào, nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là mục tiêu Đảng và Nhà nước đặt ra trong quá trình lãnh đạo, quản lý.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Hà Nội, 2021, tr.146-147.

2. Kỉ yếu Hội thảo Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Quảng Ninh, 6-2020, tr.5-7. 

3. Nguyễn Phương Liên, Tìm hướng đi cho bảo tàng, nhandan.vn, 29-6-2020.

4. Anh Hoa, Rạp chiếu phim đóng băng, CGV, Lotte, Galaxy, BHD cận kề nguy cơ phá sản, baodautu.vn, 8-6-2021.

5. Phạm Thanh Tùng, Tượng đài cho ai?, tuoitre.vn, 10-6-2017.

TS ĐẶNG THỊ TUYẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

;