Nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và sự phát triển kinh tế, xã hội đã, đang được nhiều học giả quan tâm. Tuy nhiên, việc làm rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự phát triển bền vững của một cộng đồng, một địa phương hay một quốc gia, không phải là một nhiệm vụ dễ. Lý do đầu tiên ảnh hưởng tới việc đo đạc tác động này nằm ở sự trừu tượng và đa dạng trong định nghĩa khái niệm văn hóa và trong việc xác định các nội hàm của khái niệm này.
Trong vòng chục năm gần đây, khi vấn đề về việc xác định rõ vai trò và các đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển ngày càng xuất hiện nhiều trong những thảo luận về học thuật và chính sách, nhiều chương trình nghiên cứu đã, đang cố gắng xây dựng những bằng cứ làm rõ việc văn hóa có vai trò quan trọng thế nào đối với sự phát triển. Hay nói cách khác, văn hóa có thể làm thay đổi và tạo ra những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tổng thể như thế nào. Văn hóa không chỉ tạo ra các tài sản có giá trị như kỹ năng, tác phẩm, sản phẩm và dịch vụ mà còn cung cấp hiểu biết sâu sắc, đóng góp vào sự phát triển tổng thể về mọi phương diện đời sống kinh tế và xã hội.
Du lịch trên hồ sinh thái Lâm Bình (Tuyên Quang) - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Theo bà Jyoti Hosagrahar, Giám đốc, Ban Sáng tạo trong Lĩnh vực Văn hóa, UNESCO, “Văn hóa là con người của chúng ta và những gì định hình nên bản sắc của chúng ta. Đặt văn hóa vào trọng tâm của các chính sách phát triển là cách duy nhất để đảm bảo phát triển lấy con người làm trung tâm, bao trùm và bình đẳng” (1).
Bản thân việc bảo vệ và thúc đẩy văn hóa đã là một mục đích quan trọng và đồng thời cũng đóng góp trực tiếp vào việc đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững. Việc phát triển một khung chỉ số nhằm thu thập dữ liệu, đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững là nền tảng cho việc ủng hộ và làm rõ vai trò của văn hóa trong các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như lồng ghép văn hóa vào các kế hoạch và chính sách phát triển ở cấp quốc gia và cấp đô thị để đạt tới sự phát triển mang tính bao trùm và đồng đều hơn trong mọi lĩnh vực đời sống của đất nước trong thời gian tới.
1. Các phương diện đóng góp của văn hóa cho phát triển bền vững
“Chúng tôi thừa nhận sự đa dạng về tự nhiên và văn hóa của thế giới, đồng thời công nhận rằng tất cả các nền văn hóa và nền văn minh đều có thể đóng góp và là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững” - lời mở đầu của Chương trình nghị sự 2030 (Liên hiệp quốc, 2015).
Trong một quá trình dài, một số tổ chức quốc tế như: UNESCO, UCLG (United Cities and Local Governments), Culture Action Europe, Agenda21… cùng chung một quan điểm về “Tương lai chúng ta muốn bao gồm cả văn hóa” đã nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tích hợp văn hóa trong các chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững của toàn cầu.
Các nỗ lực vận động của UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế đã đạt được nhiều thành công to lớn, thể hiện rõ trong các Nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc (2010, 2011 và 2013) thông qua, trong đó công nhận vai trò của văn hóa như một yếu tố thúc đẩy, là động lực cho sự phát triển bền vững. Quá trình này đạt được đỉnh cao khi văn hóa được tích hợp với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững trong năm 2015. Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu chính, 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu là một bước tiến không nhỏ trong việc xem xét các khía cạnh văn hóa trong sự phát triển bền vững. Với việc thông qua Chương trình nghị sự 2030, lần đầu tiên cộng đồng liên quốc gia đã công nhận vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững.
Nếu các mục tiêu phát triển bền vững được nhóm xung quanh các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường như là ba trụ cột của phát triển bền vững, thì văn hóa và sự sáng tạo, ở thời điểm này, đã được xác nhận rộng rãi là có đóng góp ngang nhau cho mỗi trụ cột này. Ở chiều ngược lại, các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững sẽ góp phần vào việc bảo vệ di sản văn hóa và nuôi dưỡng sự sáng tạo của các cộng đồng và dân tộc (OECD, 2021).
Mặc dù không có mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu tập trung hoàn toàn trực tiếp vào văn hóa, nhưng Chương trình nghị sự 2030 đã đề cập đến các khía cạnh văn hóa trong phát triển bền vững: Mục tiêu 4.7 đề cập đến đảm bảo rằng tất cả người học có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm việc thông qua giáo dục cho mọi công dân toàn cầu và việc đánh giá cao sự đa dạng văn hóa và đóng góp của văn hóa vào phát triển bền vững; Mục tiêu 8.3 đề cập đến việc thúc đẩy các chính sách có định hướng phát triển hỗ trợ các hoạt động sản xuất, sự sáng tạo và đổi mới; Mục tiêu 8.9 và 12.b đề cập đến nhu cầu thiết lập và thực hiện các chính sách thúc đẩy du lịch bền vững thông qua văn hóa và sản phẩm địa phương, nhu cầu phát triển các công cụ giám sát phù hợp trong lĩnh vực này; Đặc biệt, văn hóa được liệt kê rõ ràng trong Mục tiêu 11.4: “Củng cố các nỗ lực nhằm bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới”, nhờ vào đó chỉ số được thống nhất toàn cầu 11.4 được Viện Thống kê (UIS) thuộc UNESCO hoàn thiện và báo cáo (United Cities and Local Governments, 2018).
2. Công tác thống kê văn hóa ở Việt Nam hiện nay
Mặc dù một số chủ trương và chính sách quan trọng nhất hiện nay về văn hóa và phát triển bền vững ở nước ta đều đã đề cập đến thực trạng, tầm quan trọng và sự cần thiết phải sớm hoàn thiện khung thống kê về văn hóa quốc gia làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, dự đoán xu hướng phát triển của ngành và thu hút đầu tư nhiều hơn từ các khu vực công và tư nhân cho phát triển văn hóa, nhưng trên thực tế, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa từ nhiều năm nay chưa nhận được sự đầu tư nguồn lực thích đáng so với tầm quan trọng của công tác này.
Hiện nay, chịu trách nhiệm thống kê cơ sở dữ liệu về văn hóa của Việt Nam chủ yếu là Bộ VHTTDL với các lĩnh vực: Di sản văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Thư viện; Văn hóa cơ sở; Quảng cáo và Bản quyền tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật và Tổng cục Thống kê Việt Nam với một số chỉ tiêu văn hóa cơ bản đã được đưa vào danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo quy định của Luật Thống kê (2015) (2). Ở cả hai đơn vị chịu trách nhiệm chính này, số liệu thống kê về văn hóa của Việt Nam hiện đang được thu thập qua hai hình thức gồm:
Chế độ báo cáo thống kê định kỳ: các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL tổng hợp số liệu chuyên ngành từ các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố để tổng hợp chung các chỉ tiêu về Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, số hãng phim, hoạt động chiếu phim, hệ thống thư viện, mức độ đáp ứng của thư viện công cộng, bảo tàng trên cả nước, hoạt động nghệ thuật biểu diễn, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, thiết chế văn hóa...
Điều tra, khảo sát chuyên biệt khi có các nhiệm vụ cụ thể như điều tra về di sản văn hóa phi vật thể, di tích, thiết chế văn hóa - thông tin (2007), lao động trong ngành Văn hóa… Bộ VHTTDL cũng có thể phối hợp với UNESCO hoặc một số tổ chức quốc tế khác để điều tra khảo sát phục vụ cho một số chương trình như: Báo cáo định kỳ 4 năm một lần việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO; Khảo sát định kỳ về lao động văn hóa; Khảo sát định kỳ về Mục tiêu 11.4 (bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên); Khảo sát về số liệu phim điện ảnh và rạp chiếu phim hoặc Bộ chỉ số văn hóa cho phát triển (2011-2013) với UNESCO; Khảo sát việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ với WIPO…
Đáng lưu ý, từ sau khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ đặt nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, Bộ VHTTDL với đơn vị chịu trách nhiệm chính là Cục Bản quyền tác giả đã tiến hành thu thập dữ liệu các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Quyết định này do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) thực hiện cho thấy, bước đầu Bộ VHTTDL đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu căn bản lĩnh vực điện ảnh. Các chỉ tiêu thống kê cơ bản lĩnh vực điện ảnh hiện có: Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh; Số lao động làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh; Nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh; Doanh thu ngành; Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp điện ảnh; Thuế và các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp hoạt động ngành Điện ảnh; Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Số lượng các phòng chiếu và ghế; Số lượng các sản phẩm phim được thẩm định, phân loại và cho phép phổ biến (phim chiếu rạp, phim truyện video, phim tài liệu nhựa, phim tài liệu video, phim ngắn, phim truyện nước ngoài).
Các ngành còn lại (Du lịch văn hóa; Quảng cáo; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) mới tiến hành được việc rà soát cơ sở dữ liệu ngành để xác định các nội dung cần bổ sung, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu; xác định và hình thành được một số chỉ tiêu, tiêu chí thống kê cụ thể cho từng ngành và tổ chức được một số đợt tập huấn thống kê thí điểm để hướng dẫn các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan ở các ngành, các địa phương về việc thu thập số liệu.
Kết quả 5 năm thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã chỉ ra những hạn chế và vướng mắc trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nói riêng như sau:
Các chỉ tiêu thống kê về văn hóa hiện đang thiên nhiều về số liệu của khu vực công. Thống kê đến từ khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế hoạt động trên địa bàn Việt Nam và các cá nhân nghệ sĩ, người thực hành văn hóa và nghệ thuật độc lập còn thiếu.
Phương thức thu thập số liệu về các ngành văn hóa mang tính nội bộ ngành, thủ công và thời vụ phục vụ các đợt báo cáo định kỳ hoặc tổng kết cuối năm.
Thiếu sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên liên ngành giữa Bộ VHTTDL với các Bộ, Ngành khác như: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (về đầu tư), Bộ Thương mại (xuất nhập khẩu, thương mại sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo (giáo dục và đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo), Bộ Thông tin và Truyền thông (sách, ấn phẩm, phương tiện nghe nhìn, phương tiện truyền thông tương tác), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nghề thủ công)… khiến việc xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa chưa đáp ứng được các yêu cầu của quy định về tổng hợp thống kê quốc gia và thực tiễn phát triển của ngành Văn hóa (tính liên ngành, liên khu vực và như các ngành kinh tế).
Nguồn nhân lực về thống kê dữ liệu văn hóa thiếu: ở cấp Trung ương, đơn vị chịu trách nhiệm thống kê là Phòng Thống kê thuộc Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL); ở cấp địa phương: mỗi Sở VHTTDL/ Sở Văn hóa và Thể thao chỉ có 1 đến 2 cán bộ làm công tác thống kê, thậm chí không có cán bộ công tác thống kê chuyên trách.
Phương thức và khung thống kê về văn hóa của nước ta chưa thường xuyên cập nhật các khung thống kê mới về các ngành văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa theo các tiêu chuẩn thống kê quốc gia và quốc tế như: UNCTAD, Viện số liệu UNESCO, UN Comtrade, UNDP, World Bank…
Chưa có các quy định, chế tài mang tính bắt buộc đối với việc cung cấp thông tin và số liệu, đặc biệt đối với khu vực ngoài nhà nước như các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam hoặc các nhóm, cộng đồng văn hóa hoạt động độc lập.
Công tác phổ biến dữ liệu còn hạn chế về mức độ cập nhật, dễ tiếp cận đối với công chúng, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu; chưa khai thác được hiệu quả của các nền tảng số trong quản lý và phổ biến dữ liệu ngành văn hóa.
Việc xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đánh giá sự đóng góp của các ngành văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân chưa được luật hóa (theo Luật Thống kê) nên khi tổ chức điều tra thống kê gặp nhiều khó khăn, chưa nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Để thu thập được số liệu thống kê đầy đủ về một số lĩnh vực/ ngành Văn hóa hoặc một số chỉ tiêu văn hóa cụ thể (bên cạnh các chỉ tiêu thống kê nội bộ của Bộ được thu thập và đánh giá hằng năm theo khung thống kê có sẵn), Bộ VHTTDL đang tạm theo quy trình sau:
Bộ VHTTDL gửi Công văn đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp điều tra, thu thập số liệu xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về các ngành Văn hóa hoặc lồng ghép một số chỉ tiêu thống kê văn hóa vào các đợt tổng điều tra như: Tổng điều tra Kinh tế Trung ương; Tổng điều tra dân số và nhà ở; Khảo sát mức sống dân cư; Tổng điều tra lao động và việc làm; Điều tra ngành Công nghiệp; Điều tra doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể... (3).
Bộ VHTTDL phê duyệt phương án điều tra và biểu mẫu điều tra nhằm thu thập số liệu về văn hóa.
Bộ VHTTDL và Tổng cục Thống kê tổ chức tập huấn điều tra cho các đơn vị thực hiện việc điều tra số liệu.
Số liệu được Bộ VHTTDL và Tổng cục Thống kê tổng hợp, phân tích và công bố.
Quy trình này, xét về tính hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành, chất lượng của dữ liệu thống kê và việc sử dụng có hiệu quả về cơ bản là không cao và tiêu tốn một nguồn lực lớn của đơn vị chịu trách nhiệm đối với công tác thống kê chỉ tiêu văn hóa (ở đây là Bộ VHTTDL và Tổng cục Thống kê) do phụ thuộc vào phương pháp thống kê dựa vào hình thức thu thập thông tin từ các cuộc điều tra thống kê chuyên biệt là chủ yếu, thay vì sử dụng dữ liệu hành chính và các cuộc điều tra thống kê quốc gia định kỳ có sự lồng ghép của nhiều lĩnh vực hoặc liên ngành.
Những hạn chế tồn tại trong công tác thống kê văn hóa nói chung trực tiếp ảnh hưởng tới giá trị lý luận và thực tiễn của công tác hoạch định chính sách ngành Văn hóa khi thiếu vắng các bằng chứng định lượng có tính thuyết phục về đóng góp của ngành Văn hóa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đặc biệt là những đóng góp của các hoạt động văn hóa và sáng tạo đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
3. Xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững
Hướng tiếp cận khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa và sáng tạo trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như đã được củng cố bởi Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam chia sẻ và thể hiện rõ trong một số chính sách quan trọng về phát triển bền vững và phát triển văn hóa. Văn hóa được khẳng định: là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014). Phát triển văn hóa, xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế (Nghị quyết số 136 NQ-CP ngày 25-9-2020). Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng... (Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021).
Năm 2019, sau khi thông qua Khung quốc gia về phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 3/2019/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó Bộ VHTTDL phụ trách hai chỉ số cụ thể liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình. Gần đây nhất, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (2021), trên cơ sở tiếp thu các nền tảng lý luận của Nghị quyết 33-NQ/TW, kế thừa những quan điểm tiếp cận của các văn bản chính sách quốc gia về văn hóa, phát triển bền vững và đánh giá yêu cầu của thực tiễn phát triển ngành Văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng trong những năm gần đây, đã đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải nhanh chóng xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững, làm cơ sở để đánh giá và đề xuất thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cho ngành Văn hóa.
Đặt trong bối cảnh của quá trình chuyển đổi về quan điểm tiếp cận gắn văn hóa với phát triển bền vững và khẳng định tầm quan trọng của công tác thống kê về văn hóa gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên, tháng 8-2021, Bộ VHTTDL đã ký Thỏa thuận với UNESCO tiến hành thực hiện thí điểm xây dựng Bộ chỉ số văn hóa chuyên đề trong Chương trình nghị sự 2030 (Chỉ số Văn hóa 2030 - The Culture 2030 Indicators) của Liên Hợp quốc tại Việt Nam và Thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) từ tháng 8-2021 đến tháng 6-2022.
Chương trình Chỉ số Văn hóa 2030 được phát triển từ năm 2017 với sự hợp tác của Viện Thống kê UNESCO, cùng với nhiều tổ chức, đại diện của những quốc gia thành viên tham gia các công ước về văn hóa của UNESCO và nhiều chuyên gia quốc tế (4). Đây là một bộ khung chỉ số chuyên đề với 22 chỉ số thuộc 4 nhóm chủ đề (Môi trường và khả năng chống chịu; Sự thịnh vượng và Sinh kế; Tri thức và Kỹ năng; Hòa nhập và Sự tham gia) (Bảng chỉ số ở trên), Chỉ số Văn hóa 2030 là một khung khái niệm nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các Mục tiêu thuộc Chương trình nghị sự 2030 tại các quốc gia và địa phương trên toàn cầu. Khung chỉ số này sẽ đánh giá vai trò của các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, cũng như sự đóng góp xuyên suốt của văn hóa trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và xây dựng chính sách của các quốc gia và thành phố tham gia hoặc áp dụng. Kết quả của các dự án thí điểm Chỉ số Văn hóa 2030 được dự kiến là hình thành một khung chỉ số văn hóa gắn với phát triển bền vững toàn cầu sẽ được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và thành phố trong những năm tới. Kết quả này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nỗ lực vận động để làm cho vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững trở nên rõ ràng hơn, có thể cân đo đong đếm được hoặc có bằng chứng và số liệu rõ ràng để chứng minh.
Việc triển khai thí điểm chương trình Chỉ số Văn hóa 2030 tại Việt Nam và Thành phố Huế được thực hiện với sự hợp tác của Bộ VHTTDL, Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và các chuyên gia của UNESCO (2021-2022) có giá trị thực tiễn cao khi:
Làm sáng tỏ những thiếu vắng về nguồn dữ liệu, hệ thống đo lường và quy trình giám sát việc đo lường các chỉ tiêu thống kê về văn hóa hiện nay ở cả hai phạm vi quốc gia và địa phương ở nước ta. Việc thiếu các bằng chứng mang tính định lượng (ví dụ như đóng góp của ngành Văn hóa đối với GDP, lao động và việc làm, thương mại sản phẩm và dịch vụ văn hóa và sáng tạo...), cũng như sự rời rạc, phân mảnh của các dữ liệu về văn hóa (do thiếu mối liên kết liên ngành, nhiều đầu mối quản lý số liệu…) khiến cho lĩnh vực văn hóa thường xuyên bị đặt bên lề của các chiến lược và chính sách phát triển tổng thể của quốc gia và các địa phương.
Sự cần thiết phải thúc đẩy công tác thu thập các dữ liệu và thiết lập các hệ thống đo lường các chỉ tiêu về văn hóa một cách đồng bộ hơn, chi tiết hơn, thường xuyên hơn để có được những dữ liệu tốt hơn, làm sáng rõ cách thức mà văn hóa đã, đang và có thể đóng góp vào các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của quá trình phát triển hoặc các chương trình phát triển bền vững cấp quốc gia và địa phương.
Trong bối cảnh thực tiễn còn nhiều hạn chế, bất cập về công tác thống kê văn hóa và yêu cầu cần sớm có một khung thống kê đồng bộ hơn, cập nhật hơn làm cơ sở cho việc hoạch định và đánh giá thực hiện các chính sách quốc gia về văn hóa và phát triển bền vững ở nước ta hiện nay, khung Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO có thể là cơ sở lý luận cung cấp khung khái niệm phù hợp cho việc xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững theo nhiệm vụ đặt ra ở Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 11-2021. Bên cạnh đó, để hỗ trợ có hiệu quả cho nhiệm vụ này, cần sớm thúc đẩy việc luật hóa công tác điều tra thống kê quốc dân về văn hóa hằng năm, cụ thể là phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cho các ngành/ lĩnh vực văn hóa trong hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia, ứng dụng cho các Bộ, Ngành, địa phương và đưa các chỉ tiêu thống kê này vào Luật Thống kê (sửa đổi, bổ sung).
__________________
1. Jyoti Hosagrahar, Culture: at the heart of SDGs (Văn hóa: trung tâm của SDGs), en.unesco.org, 2017.
2. Nhóm chỉ tiêu số 17. Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm: 157.1701. Số di sản văn hóa cấp quốc gia; 158.1702. Số huy chương trong các kỳ thi đấu quốc tế; 159.1703. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành; 160.1704. Số lượt người nước ngoài đến Việt Nam; 161.1705. Số lượt người Việt Nam ra nước ngoài; 162.1706. Số lượt khách du lịch nội địa; 163.1707. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam; 164.1708. Chi tiêu của khách du lịch nội địa.
3. Cụ thể năm 2016, các số liệu thống kê văn hóa đã được Bộ VHTTDL đề xuất đưa vào Phiếu thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra Kinh tế Trung ương năm 2017, do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Thống kê thực hiện theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 (Bộ VHTTDL, 2017). Nguồn: Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện QĐ số1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) thực hiện năm 2019.
4. Chương trình Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO được ban hành tại Diễn đàn Các Bộ trưởng Văn hóa vào tháng 11-2019, với sự tham gia của hơn 120 Bộ trưởng văn hóa các nước. Kể từ tháng 6-2021, Dự án Chỉ số Văn hóa 2030 được thực hiện thí điểm ở một số quốc gia và thành phố trên thế giới, trong đó có Việt Nam và TP. Huế (dưới sự hỗ trợ tài chính của Tổng cục Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy Ban châu Âu, và Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA).
Tài liệu tham khảo
1.Bộ VHTTDL, Báo cáo định kỳ 2016-2019 Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, 2020.
2. Bộ VHTTDL, Báo cáo tổng hợp Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2016.
3. Bộ VHTTDL, Báo cáo tổng hợp Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2021.
4. Bộ VHTTDL, Báo cáo Khung thống kê văn hóa Việt Nam, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2017.
5. Ernst, Young, Cultural Times: The First Global Map of Cultural and Creative Industries, CISAC - The International Confederation of Societies of Authors and Composers (Thời báo Văn hóa: Bản đồ toàn cầu đầu tiên về các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, CISAC - Liên đoàn quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc), New York, Mỹ, 2015.
6. United Nations, Transforming Our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development (Thay đổi thế giới của chúng ta: Chương trình 2030 cho phát triển bền vững), data.vietnam.opendevelopmentmekong.net, 2015.
7. OECD, Economic and SocialImpact of Culture (Tác động của kinh tế và xã hội đến văn hóa), g20.org, 2021.
8. UIS, Measuring the economic contribution of cultural industries - A review and assessment of current methodological approaches (Đo lường sự đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa - Đánh giá và xem xét các phương pháp tiếp cận hiện hành), uis.unesco.org, 2009.
9. UNDP Việt Nam, What are the Sustainable Development Goals? (Mục tiêu phát triển bền vững là gì?), vn.undp.org, 2018.
10. Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, UNESCO Culture for Development Indicator, Vietnam’s Technical Report (Chỉ số Văn hóa Phát triển của UNESCO, Báo cáo Kỹ thuật của Việt Nam), en.unesco.org, 2013.
11. United Cities, Local Government, Culture in the Sustainable Development Goals (SDGs): A Guide for Local Action (Văn hóa trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGS): Hướng dẫn các địa phương hoạt động), uclg.org, 2018.
TS NGUYỄN THỊ THU HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022