Quảng Trị - một góc nhìn về văn hóa, lịch sử

Hè về trên Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Trà Thiết

Trên lãnh thổ Việt Nam, Quảng Trị nằm ở đoạn thắt lại trên chiều dài Bắc - Nam của dải đất hình chữ S, với diện tích tự nhiên 4.737km2. Phía Đông Quảng Trị giáp biển Đông, có chiều dài bờ biển hơn 100km; phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới 208km; phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế và phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình. Với địa hình như vậy, Quảng Trị tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và ngoảnh mặt ra Biển Đông bao la. Địa hình phân bố đa dạng theo không gian và có sự đan xen giữa vùng gò đồi thung lũng, miền nội đồng và cồn cát ven biển. Nhìn toàn cục từ Tây sang Đông tựu trung theo 5 dạng địa hình: núi (đá vôi và đá cứng), đồi (phiến thạch, trung sinh và bazan), đồng bằng châu thổ, cồn cát ven biển, biển và hải đảo.

Núi rừng Quảng Trị là một phần của dãy Trường Sơn chạy dọc phía Tây vừa chia cắt vừa nối liền hai quốc gia Lào - Việt qua cửa khẩu Lao Bảo. Ở đó có ngọn Tá Linh Sơn (động Voi Mẹp) được coi là ngọn núi thiêng, là nơi bắt nguồn của các con sông trong vùng. Từ ngoài biển xa, các thuyền bè đều lấy đây làm tiêu điểm của cả vùng. Khi hữu sự người ta trông vào đây để cầu xin linh ứng. Năm Tự Đức thứ 4 (1850), nhà vua ban tặng tên Tá Linh Sơn và được ghi vào tự điển. Ở đó có núi Mai Lĩnh Sơn - một trong những thắng cảnh được khắc trên Cửu đỉnh đặt trong kinh thành Huế, Mai Lĩnh Sơn đã trở thành biểu tượng của Quảng Trị: non Mai. Đây cũng là vùng văn hóa, sinh thái nhân văn của các tộc người Môn - Khmer (Pacô - Vân Kiều) từ rất lâu đời.

Tiền núi (miền trước núi) là các đồi đất đỏ được phong hóa từ đá bazan ở đầu thế kỷ đệ tứ lan tỏa từ Gio Linh, Vĩnh Linh cho đến tận Cửa Tùng, tạo thành những mũi đất (lẫn đá) ăn sâu ra biển như những con khủng long trườn mình trên bờ cát. Bên cạnh đó là các thung lũng và bồn địa giữa núi đồi với những dòng suối nhỏ ngang dọc hợp thành nguồn các con sông lớn mà tiêu biểu là Nguồn Hàn - con sông đã trở thành biểu tượng thứ hai của Quảng Trị: sông Thạch Hãn. Đây là những trung tâm nảy sinh nghề nông và cũng là không gian văn hóa thích hợp của người nguyên thủy cổ.

Cội rễ của văn hóa Quảng Trị có từ thời đá cũ, nhưng đến thời đá mới với cuộc cách mạng nông nghiệp mới tạo ra được gốc đủ sâu, rễ đủ bền để đứng vững trước bão tố và thiên nhiên khắc nghiệt. Hàng loạt những bộ sưu tập về rìu đá mài loại tứ giác ở Hướng Hóa, Ba Lòng, Cồn Tiên, Hải Lăng... của các học gia người Pháp như Madơlen Côlani, Cadière, của Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Huế... từ những thập kỷ đầu của TK XX và những năm gần đây đã chứng minh rằng, văn hóa nông nghiệp trồng khô hay trồng nước đã phát triển ở các vùng đồi bazan, vùng cồn - bàu, trằm ruộng trên triền hai dãy cồn cát Đông - Tây, cách ngày nay từ 2.500 - 5.000 năm.

Trên dọc hai bên bờ sông Đa Krông phía thượng nguồn sông Thạch Hãn cũng như nhiều nơi khác ở vùng núi huyện Hướng Hóa, những nhà khảo cổ học do tình cờ cũng phát hiện nhiều dấu vết về thời đại đồ đồng. Với nhiều chiếc rìu đồng tứ giác, lưỡi xéo, giáo đồng, lưỡi câu đồng và một số lớn các đồ trang sức như khuyên tai, hạt mã não bằng đá thủy tinh tự nhiên cùng một vài mảnh vỡ từ trống đồng... mang phong cách của văn hóa Đông Sơn (Bắc Bộ) ở Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, cho thấy sự đan xen giao lưu mạnh mẽ của vùng đất Quảng Trị với nhiều nền văn hóa lớn khác.

Những nhát cuốc của các nhà khảo cổ học Việt Nam trong ba mùa điền dã 1992, 1993, 1994 đã bổ xuống nhiều nơi trên đất Quảng Trị, và ở đâu cũng tìm thấy những di duệ mà người xưa để lại như minh chứng một điều: không nơi nào ở Quảng Trị không có di tích. Ba cuộc khai quật dù chưa lớn ở ba di chỉ Bình Tra (xã Vĩnh Giang), Lòi Rú - Bàu Đông và Cồn Chùa (xã Gio Mai) càng không phải là điểm dừng và bằng lòng với những kết luận ban đầu. Song, từ những kết quả thu được có thể hình dung bước phát triển liên tục của con người từ thời đại cuối đá mới đến sơ kỳ kim khí (văn hóa Sa Huỳnh) lên văn minh bản địa tiền Việt: văn minh Chămpa (từ thiên niên kỷ I TCN đến TK VI-VII SCN). Nhờ các tầng văn hóa thống nhất chứa đựng cùng một lúc gốm Sa Huỳnh, gốm Chàm và gốm sứ Đông Hán, Lục Triều, Đường của Trung Hoa có thể chỉ định niên đại gốm cổ trong một khung thời gian tương đối chính xác từ TK II đến TK VII. Và nhận thức rằng: “Giai đoạn văn hóa gọi là Sa Huỳnh muộn chính là văn hóa Chămpa sớm, rằng người Chàm cổ bảo lưu rất lâu gốm thô kiểu Sa Huỳnh, trong khi, có thể do học được từ gốm Trung Hoa, bắt đầu phát triển loại gốm xương mịn hơn, hoa văn đơn giản hơn. Đồng thời do giao lưu liên tục với thế giới người Hoa qua các cảng thị Cửa Tùng, Mai Xá, Mỹ Thủy... đã luôn luôn nhập khẩu một số đồ bán sứ và sứ của người Hoa (Quảng Đông) liên tục từ đầu công nguyên đến TK VII - IX - XI. Đó là chưa kể đến các kết quả điều tra ở nhiều nơi khác từ vùng đồng bằng ven biển Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đến vùng đồi trung du, rừng núi ở Vĩnh Lĩnh, Cam Lộ, Hướng Hóa... đâu đâu cũng mang lại những kết quả đáng khích lệ, chứng tỏ tiềm năng văn hóa dưới lòng đất của Quảng Trị là rất lớn.

Nền văn minh Chămpa có mặt gần như đầy đủ ở tất cả loại hình di tích: đền tháp, thành lũy, mộ táng và đặc biệt là hệ thống các công trình dẫn thủy cổ có một không hai tại vùng Tây Gio Linh, Đông Gio Linh và Cam Lộ.

Hiện nay, ở Quảng Trị, các tháp Chàm không còn soi bóng xuống các dòng sông Sa Lung, Bến Hải, Cổ Hà nữa, song còn có ít nhất là 20 địa điểm có dấu tích về sự hiện diện của các công trình đền tháp ở Duy Viên, Nam Sơn, Huỳnh Xá Thượng (Vĩnh Linh), An Xá. Phường Sỏi, Hà Trung (Gio Linh), Kim Đâu, Trương Xá, Định Xá, Lâm Lang (Cam Lộ), Dương Lệ, Trà Liên, Bích La Trung, Nhan Biều, Ái Tử, Phường Sơn (Triệu Phong), Trà Lộc, Câu Hoan, Trung Đơn... Có những đền tháp đơn lẻ nhưng cũng có những khu đền tháp lớn được coi là thánh địa của một vùng như: Dương Lệ, An Xá, Hà Trung. Những đền tháp cổ này đã bị đổ nát và có nơi đã bị san thành bình địa nhưng còn để lại nhiều di vật có giá trị về điêu khắc đá, vốn là những đối tượng thờ cúng của người bản địa được người Việt sau này hoặc biến thành đối tượng thờ cúng của mình, hoặc để ngổn ngang trên các lớp gạch vụn. Tất cả đang cần đến sự bảo tàng hóa tại chỗ.

Có hai tòa thành cổ hiện còn dấu vết mờ nhạt là thành Cổ Lũy (Vĩnh Giang) và thành Thuận Châu (Triệu Đại) được người Chàm xây dựng tương đối quy mô từ trước TK VII và được người Việt kế thừa trong một vài thế kỷ đầu mới mở nghiệp. Cả hai tòa thành này là kết quả của việc sử dụng triệt để những gì đã có của tự nhiên để phát triển lên một trình độ hoàn thiện như địa hình, sông nước... làm cho nó trở thành những pháo đài vững chắc phản ánh trình độ nghệ thuật quân sự của vương quốc cổ Chămpa.

Hệ thống các công trình dẫn thủy cổ ở Quảng Trị rất phong phú và đa dạng theo sự ảnh hưởng của điều kiện địa hình. Nếu không tính các hố, đập nước vốn là những công trình tương đối quy mô như nhiều vùng khác thì hệ thống dẫn thủy cổ ở vùng Quảng Trị tựu trung theo một dạng thức mà người ta vẫn quen gọi là giếng (vũng). Đây là một loại hình thủy lợi có một không hai, rất đặc trưng của Quảng Trị. Những hệ thống khai thác nước dùng đá xếp ở vùng đồi bazan phía Tây Gio Linh, Cam Lộ, các giếng cổ được gia công, ghè đẽo ở thành phố Đông Hà hay là hệ thống khai thác nước không dùng hoặc ít dùng đá xếp ở vùng đất đỏ đông Vĩnh Linh, vùng cồn cát ven biển đông Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, mà ngày nay vẫn tồn tại và sử dụng tốt đều là những giếng có mạch nước ngầm trong vắt, vọt lên, tiết ra, rỉ ra từ lòng đất, dưới chân những triền đồi. Quanh năm suốt tháng, các giếng cổ này không bao giờ cạn. Đó là những hệ thống liên hoàn đa chức năng, với lối xây dựng đa dạng, không chỉ phục vụ cho sinh hoạt của con người và gia súc mà còn phục vụ chính cho việc tưới tiêu đồng ruộng. Bên cạnh hệ thống các công trình dẫn thủy liên hoàn vừa nói là hệ thống giếng đơn được gọi là giếng Chàm và giếng kiểu Chàm. Người Chàm rất giỏi tìm mạch nước ngầm nên đã đào hàng loạt giếng ở ven cảng cổ để xuất khẩu nước và hàng trăm giếng ở các làng dùng cho sinh hoạt cư dân. Các giếng này có hình dạng hoặc vuông, hoặc tròn và được kè đá hoặc xây gạch hay toàn bộ chỉ bằng gạch xếp với kỹ thuật đặc trưng không giống với người Việt. Loại giếng đơn này có ở hầu khắp các nơi dọc ven biển Vĩnh Linh, Triệu Phong và trong khá nhiều làng xóm nguyên là điểm tụ cư của người Chàm như: Nghĩa An, Lâm Xuân, Chợ Thuận, Hà Trung, Vệ Nghĩa, Đại Hào... Những công trình này mặc dù không thể thống kê hết trong danh mục di tích nhưng cũng như những địa điểm có di chỉ mộ táng như Nhan Biều, Dương Lệ, các địa điểm lưu dấu tích sự giao lưu kinh tế, văn hóa qua tiền đồng, đồ gốm sứ thời Đường, Tống, Minh là những sản phẩm văn hóa cần được tôn trọng, giữ gìn...

Tiếp theo sự sụp đổ của vương quốc Chămpa, Quảng Trị trở thành một bộ phận lãnh thổ của nhà nước phong kiến Việt Nam. Nhiều ý kiến của các nhà khảo cổ học ngày nay cho rằng, vùng Quảng Trị, Thừa Thiên cần xây dựng một tượng đài Công chúa Huyền Trân để tưởng nhớ công lao một người con gái vừa mới chớm tuổi trăng tròn đã vì nghiệp lớn mà hy sinh bản thân mình, mang lại cho đất nước một dãy từ Châu Ô đến Châu Lý vào năm 1306. Đi theo bước chân của Huyền Trân trong các cuộc đại di dân vào vùng đất mới, các ông tổ người Việt Quảng Trị thuộc nhiều dòng họ được coi là các vị “tiền khai khẩn, hậu khai canh” đã lập ra hàng loạt làng xã cổ trong suốt nhiều thế kỷ. Họ không chỉ để lại cho đời nay công lao về sự khai sơn phá thạch mà còn để lại nhiều di vật phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng bắt đầu gây dựng sự nghiệp của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị bằng bảy vò nước trong mà các cụ bô lão làng Ái Tử cung tiến. Từ đó cho đến khi nhà nước quân chủ phong kiến chấm dứt vai trò lãnh đạo đất nước của mình (tháng 8-1945), chính thể do ông khởi xướng đã không dừng lại ở câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” mà đã đi khá xa cho đến điểm nút tận cùng đất mũi của giang sơn hình chữ S này. Một miếu Trảo Trảo phu nhân với huyền tích khá lãng mạn gắn với sự kiện Nguyễn Hoàng thắng quân nhà Mạc là Lập Bạo vào năm 1572 mới chỉ phản ánh được một phần cuộc đấu tranh để bảo vệ vương triều cát cứ của chúa Nguyễn những ngày đầu mở nghiệp. Một ngôi chùa Trà Bát hiện vẫn còn dấu tích ở làng Trà Liên gắn với pho tượng đồng về Thái phó Nguyễn Ư Dĩ cũng mới chỉ là một mốc của ba lần dời đô ngay tại đất Ái Tử trong vòng 68 năm (1558-1626). Một di tích không thể khái quát được nhiều vấn đề của một thời kỳ lịch sử xã hội, nhưng lại góp phần quan trọng vào việc khái quát lịch sử xã hội.

Sự hình thành và phát triển của một vùng đất bao giờ cũng gắn với quá trình đấu tranh và xây dựng của những cộng đồng người trên vùng đất ấy. Để có được cuộc sống thanh bình, ấm no, người dân Quảng Trị đã phải vượt qua mọi thử thách gian nan trong cuộc giành giật sinh tử, liên tục, bền bỉ với thiên nhiên, với các thế lực cường bạo để hình thành một bản lĩnh vững vàng. Suốt nhiều thế kỷ (từ TK XIV đến TK XIX), vùng đất này luôn nằm trong sự giao tranh ác liệt của các thế lực phong kiến và ngoại xâm. Di sản văn hóa truyền thống vì vậy cũng mang đậm dấu ấn chiến tranh. Đó là một con sông Ái Tử gắn với tên tuổi Đặng Dung từng làm cho tướng nhà Minh là Trương Phụ phải kinh hoàng vào năm 1413. Đó là một thành Tân Sở gắn với tên tuổi vị vua yêu nước Hàm Nghi và nhóm chủ chiến của triều đình dựng cờ khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp; một đình Hà Thượng nổi danh một thời bởi cuộc tụ nghĩa của Đốc đồng Trương Đình Hội. Đó là thành Quảng Trị, thành Thuận Châu, thành Cổ Lũy... với những công trình kiến trúc quân sự không kém phần chiến lược và quy mô.

Giữa những cuộc chiến tranh là các thời kỳ hòa bình và xây dựng con người Quảng Trị bằng sự cộng cư của các tộc người thuộc ngữ hệ Việt - Mường, Môn - Khơme, đã đoàn kết gắn bó trong cuộc sống sáng tạo của mình để hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc với đầy đủ chủng loại di tích, di vật phong phú, góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc. Nhiều di tích vốn là sản phẩm văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng, bất tử trong nhân dân. Đó là những ngôi nhà dài - sản phẩm văn hóa được tích hợp do quá trình cộng cư của nhiều gia đình có cùng huyết thống tập hợp lại trong một không gian kiến trúc - sinh hoạt - văn hóa chung; là những miếu thờ thần rừng, thần cây, thần đá với những yếu tố thờ cúng nguyên thủy của người Pacô ở bản Tà Rụt hay nhiều bản làng khác trên dãy Trường Sơn. Từ trong không gian sinh hoạt và thờ cúng nguyên sơ ấy, các giá trị nghệ thuật văn hóa nhân bản đã được nảy nở và thể hiện qua phong tục tập quán, lễ hội, tính cách đạo đức và quan niệm nhân sinh...

Đó là hàng loạt các công trình kiến trúc đình chùa, đền, miếu, nhà thờ theo mô thức nhà “rường” ở khắp nơi trong các làng xã người Kinh vùng đồng bằng - nơi sinh hoạt văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với những huyền tích phản ánh lịch sử phát triển của tư tưởng, của nhận thức thẩm mỹ, nghệ thuật... tiêu biểu là những ngôi đình ở làng Hà Thượng, Hà Trung, Nghĩa An, Lập Thạch Câu Nhi, Câu Hoan, Diễn Sanh...; những ngôi chùa thờ Phật như: Sắc tứ Tịnh Quang tự, Trung đơn Thiên Bảo tự, Long An tự...; những nhà thờ Thiên Chúa giáo như: Trung tâm Thánh mẫu La Vang, Nhà thờ Hội Yên, Giáo xứ Diên Sanh...; những đền miếu như: đền Tứ vị Thánh nương, đền Thanh Tương Hầu, miếu Bà Thủy, Bà Hỏa, miếu Ông - Bà, miếu Cao Sơn, Cao Các, miếu Bà Đặng, Bà Vách, miếu Thái giám, Ngũ hành liệt vị Tiên nương... cùng với nhiều nhà thờ họ tộc, nhà ở dân gian khác có mặt hầu khắp xóm làng Quảng Trị, tạo nên một quần thể kiến trúc nghệ thuật mang nhiều dáng vẻ dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc. Tất cả hàm chứa nhiều nội dung tư tưởng về nhân sinh quan, vũ trụ quan, giá trị đạo đức, thẩm mỹ sâu sắc. Đó là những nhà bia, lăng mộ của danh nhân các thời kỳ đã từng có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung, vùng đất này nói riêng như nhà bia, lăng mộ Trần Đình Ân ở Hà Trung, mộ tướng quân Tây Sơn Hoàng Kim Hùng ở Vĩnh An, mộ Ngô Văn Sở ở Câu Hoan... Những bia ký được dựng để ca ngợi cảnh trí của non sông đất nước như hai tấm bia đá ở sông Vĩnh Định, sông Thạch Hãn... và còn nhiều di tích tồn tại dưới mọi dạng vật chất, hàm chứa đủ các nội dung mà hiện nay trong chừng mực của công tác kiểm kê chưa thể kể hết được. Ngoài ra, sự tồn tại đến hôm nay của hàng chục khu chợ cổ như chợ Phiên, chợ Sãi, chợ Thuận, chợ Cầu, chợ Kênh, chợ Do, chợ Huyện, chợ Sòng, chợ Kẻ Diên... và dấu tích của một số cảng thị như Tùng Luật, Mai Xá, Cửa Việt... là những di tích minh chứng hùng hồn cho một thời sôi động, hoàng kim của thương trưởng Quảng Trị vào các TK XV, XVI, XVII và XVIII.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quảng Trị đã có hơn 20 năm là tuyến lửa. Ở đây đã có hàng loạt những sự tích anh hùng,  xuất hiện nhiều địa danh lẫy lừng chiến công, biểu trưng cho chí khí quật cường, quả cảm và niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc ta. Di tích chiến tranh cách mạng ở Quảng Trị rất phong phú về số lượng, đa đạng về loại hình và tầm cỡ về nội dung. Chính điều đó đã tạo nên sự giàu có, sự phong phú và đồ sộ, mang tính chất đặc thù, độc đáo trong toàn bộ hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

Nhà tù Lao Bảo, Lao Xá Quảng Trị là những chứng nhân tội ác của thực dân Pháp đối với những người yêu nước và chiến sĩ cộng sản. Ở đó, vượt lên chế độ lao tù hà khắc, vượt lên mọi sự tra tấn nhục hình là trường học chính trị rèn luyện ý chí gang thép và thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những người cộng sản chân chính.

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trên vĩ tuyến 17 là vùng phi quân sự nhưng không một ngày ngừng tiếng súng, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước gần 20 năm (1954-1972). Suốt thời gian đó, dòng sông hiền hòa đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng của nhân dân đôi bờ Nam - Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Địa đạo Vịnh Mốc - pháo đài ngầm kiên cường trong lòng đất, “lâu đài cổ” giấu kín biết bao điều kỳ lạ của con người đã làm ra nó và của thời đại mà nó được sinh ra. Với một tổng thể cấu trúc độc đáo, Vịnh Mốc vừa là nơi trú ẩn an toàn cho người dân, vừa là nơi cố thủ chiến đấu của bộ đội, là kho hậu cần phục vụ chiến đấu tại chỗ và chi viện cho đảo Cồn Cỏ anh hùng. Đây là sự tái hiện cuộc sống của một làng quê trong lòng đất, thể hiện khí phách kiên cường bám đất, giữ làng để chiến đấu chống trả sự tàn bạo của bom đạn Mỹ, giữ vững vùng giới tuyến của quân và dân đất thép Vĩnh Linh anh hùng.

Hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh với mạng lưới dày đặc len lỏi giữa núi rừng Trường Sơn đi qua địa phận Quảng Trị, được đất và người Quảng Trị chở che đã trở thành huyền thoại bởi những sự tích anh hùng trong tâm thức người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Một Khe Hó - điểm xuất phát đầu tiên của đường dây 559; một cầu Khe Xon, Xom Rò, Cu Tiền - điểm bí mật vượt đường 9 trong tuyến gùi thồ; một đường 14, đường 15 với các địa danh cầu treo Bến Tắt, ngầm Bến Tắt, Tổng trạm A30...; một Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh đường dây 559 và nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - nơi yên nghỉ của 10.036 chiến sĩ bộ đội Trường Sơn trong số hơn 17.000 người đã hy sinh... không phải là con đường đơn thuần chuyển tải sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam mà còn chuyển tải cả ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, quyết tâm giành lấy hòa bình, thống nhất của cả dân tộc.

Cồn Tiên - Dốc Miếu với tuyến hàng rào điện tử Mác Namara - hệ thống phòng thủ chiến lược có một không hai trên thế giới của quân đội Mỹ và Việt Nam cộng hòa được thiết lập ở phía Nam vĩ tuyến 17, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, là sản phẩm khoa học hiện đại của 47 nhà khoa học Mỹ, đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Mác Namara, tiêu tốn đến 800 triệu USD; được mệnh danh là “Con mắt thần bất khả xâm phạm”... vẫn không thể nào ngăn được khát vọng thống nhất đất nước, đánh đuổi kẻ thù ra khỏi miền Nam, giải phóng Tổ quốc của hàng triệu người Việt Nam, trong đó quân và dân Quảng Trị giữ vai trò quan trọng. Do vậy, từ khi bắt tay xây dựng cho đến ngày bị bão lửa quân giải phóng cuốn phăng vào tháng 3-1972, tuyến hàng rào điện tử này chưa có một ngày yên ổn và liên tục bị đánh tơi tả, từng bước và cuối cùng bị vô hiệu hóa.

Đường 9 - Khe Sanh, con đường chiến lược huyết mạch được người Pháp làm ra và được quân đội Mỹ nâng cấp để phục vụ cho mục đích quân sự của những thế lực xâm lược trên toàn cõi Đông Dương đã trở thành con đường kinh hoàng đối với chính những kẻ làm ra nó. Những địa danh trên đường 9 sau những cuộc đụng độ giữa quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn với lực lượng quân Giải phóng trong các năm 1968, 1971, 1972 đã thành nỗi kinh hoàng của Nhà Trắng, nỗi ám ảnh về sự tuyệt vọng của những năm sau chiến tranh. Khe Sanh đã biến thành “Khe Tử”, đồi Động Tri biến thành “Đồi thịt băm” và đường 9 biến thành “Đường chết” đối với Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa.

Thành Cổ Quảng Trị làm chấn động dư luận thế giới và lương tri loài người không chỉ vì nó là một công trình kiến trúc quân sự dưới thời quân chủ phong kiến mà bởi cuộc chiến đấu giành giật 81 ngày đêm từ ngày 26-6-1972 đến ngày 16-9-1972 của các chiến sĩ quân Giải phóng với lực lượng lớn quân đội Sài Gòn phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 2km2 của thị xã đã phải hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ mà sức công phá của nó bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) năm 1945. Nơi đây, cả một thị xã tỉnh lỵ tỉnh Quảng Trị sầm uất đã tiêu tan bởi bom đạn Mỹ dưới lớp tro tàn, gạch vụn; chỉ có ý chí bất khuất, kiên cường bám trụ của các chiến sĩ quân giải phóng là tồn tại và sự hy sinh anh dũng của họ đã tạo đà thắng lợi cho ta tại Hội nghị Paris.

Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ ra đời năm 1973 do yêu cầu của công cuộc cách mạng đã trở thành nơi biểu tượng cho tình cảm, khát vọng và quyết tâm giành độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của toàn thể nhân dân miền Nam. Trên phần đất vừa mới được giải phóng hồi đó, Quảng Trị vinh dự nhận lãnh sứ mệnh là trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam để đón tiếp sứ bộ ngoại giao của nhiều nước và nhiều đoàn đại biểu của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến trình quốc thư.

Lịch sử đã để lại trên đất Quảng Trị không chỉ là những di tích tầm cỡ, có tiếng vang lớn, mà còn để lại hàng nghìn địa danh ghi dấu nhiều sự kiện oanh liệt, hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong số 562 di tích mà Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị đã thống kê và hoàn chỉnh hồ sơ kiểm kê khoa học, tuy mới chỉ là con số ít ỏi nhưng đã có hơn 2/3 là di tích thuộc loại hình cách mạng kháng chiến. Điều này phản ánh chân thực nhận định: “Ra ngõ gặp anh hùng, ra ngõ gặp di tích” ở Quảng Trị. Những di tích này đang cần sự bảo tàng hóa để gìn giữ và phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống cho con cháu đời đời và giới thiệu với anh em, bè bạn xa gần.

Đến nay, Quảng Trị có 20 di tích đã được xếp hạng quốc gia (gồm 57 địa điểm di tích thành phần) và 4 di tích quốc gia đặc biệt: Thành Cổ Quảng Trị  và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh qua đất Quảng Trị (tất cả gồm 28 di tích thành phần).

Quảng Trị là một vùng đất từng chứng kiến quá nhiều sự khốc liệt của chiến tranh, chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát nhưng cũng là nơi thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; không một địa danh nào, không một làng xóm nào lại không thấm máu các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính vì thế mà trên khắp các địa bàn trong tỉnh là những di tích phản ánh sinh động hiện thực hai cuộc kháng chiến tại địa phương.

Nhiều đình, đền, miếu, nhà ở, các khu rú cấm đã thành nơi ghi dấu sự ra đời nhiều tổ chức tiền thân của Đảng và chi bộ Đảng Cộng sản; thành nơi họp kín của các hội nghị Đảng ủy, Huyện ủy, Khu ủy, Ủy ban kháng chiến; thành các hòm thư bí mật, các trạm giao liên...

Nhiều khu rừng, khu đất đã thành những khu căn cứ, chiến khu cách mạng nuôi giấu hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và người dân yêu nước đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến, thành nơi ẩn giấu của các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội chủ lực để từ đó bất ngờ tập kích vào đồn bốt địch, gây cho chúng nhiều nỗi kinh hoàng.

Nhiều địa điểm trong các làng xóm đã thành chứng nhân của những vụ thảm sát, chém giết, đốt phá, tra tấn tàn khốc của kẻ thù thực dân, đế quốc và bọn tay sai đối với dân lành và đối với những chiến sĩ cách mạng, nhưng cũng chính những nơi ấy là các “địa chỉ đỏ” ghi nhận sự vùng lên quật khởi của lực lượng quần chúng cách mạng hoặc gián tiếp hoặc trực diện đấu tranh giáp mặt với kẻ thù để giữ vững khí tiết, giữ vững phong trào và góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đặc biệt là hàng trăm, hàng ngàn địa danh, tên đất, tên làng của Quảng Trị đã thành các di tích ghi dấu ấn quân sự về các căn cứ, đồn bốt địch; thành di tích ghi dấu ấn về chiến công oanh liệt của các lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trong hàng trăm, hàng ngàn trận chiến đấu lớn, nhỏ đọ sức với kẻ thù; thành các di tích ghi dấu các trận địa phòng không mặt đất kiên cường đánh trả không lực Hoa Kỳ để bảo vệ vùng trời quê hương...

Không thể nào kể hết các di tích trên vùng đất vốn đã đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt này. Tất cả hòa quyện vào nhau dệt thành bản anh hùng ca bất diệt về non sông và con người Quảng Trị.

Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Bộ VHTTDL cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, công tác bảo tồn di tích đã có những chuyển biến đáng kể. Sự đầu tư thích đáng vào việc trùng tu, tôn tạo các di tích có tầm vóc lớn như: Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải hay xây dựng hàng loạt bia đài ở các di tích khác như ngã ba Cầu Ga, sân bay Sa Mưu, sân bay Tà Cơn, khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời... đã làm cho các di tích phần nào được khởi sắc. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra cho công tác bảo vệ, chống xuống cấp và tôn tạo di tích ở Quảng Trị một vấn đề rất bức bách mang tính thời sự. Đó là những địa danh nổi tiếng một thời trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều tuyến du lịch đã được mở ra, tiêu biểu là tuyến du lịch “DMZ” (du lịch vùng phi quân sự) đang là niềm hứng thú, hấp dẫn và mở ra nhiều triển vọng trong kinh doanh du lịch Quảng Trị. Thời cơ và vận hội mới để thúc đẩy nền kinh tế Quảng Trị phát triển đang mở ra, các di tích - tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng đất này cần được đánh thức. Tất cả đang đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, quan tâm, hỗ trợ đắc lực của mọi người, mọi cấp, mọi ngành.

GS, VS HỒ SĨ VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;