1. Phương Đông và phương Tây từ góc nhìn toàn cầu hóa
Nói đến sự tiếp xúc giữa phương Đông và phương Tây, người ta thường nói sự đụng độ giữa các nền văn minh hoặc dẫn ra câu nói của nhà văn người Anh (được giải Nobel về văn học năm 1907) - R.Kipling: “Phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây và hai bên sẽ chẳng bao giờ gặp nhau”. Thật ra, xuất xứ của câu nói trên là câu đầu của khổ thơ trong bài thơ Khúc ca Đông - Tây được sáng tác năm 1889. Ông sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, am hiểu văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Ấn (1). Câu thơ trên chỉ là ước lệ. Vấn đề lớn mà tác giả muốn nói là sự gặp gỡ, thân thiện giữa các nền văn hóa, ảnh hưởng và bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó, nếu học tập, tiếp nhận của nước khác thì cũng có sự chọn lọc các giá trị phù hợp với truyền thống, tình cảm, tính cách của dân tộc, không sao chép, không đánh mất bản sắc, cốt cách của mình. Người ta nói: “Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bất đãi” (2). Thật ứng nghiệm với thời đại nhiều thách thức hôm nay. Nghĩ như vậy, chí ít là trong lĩnh vực văn hóa chúng ta đã đến sát biên giới của toàn cầu hóa. Vậy giữa phương Đông và phương Tây có gì khác nhau. Qua nhiều tài liệu mà chúng tôi đã thống kê được, có thể khái quát về mặt văn hóa hiểu theo nghĩa rộng nhất:
Phương Đông nghiêng về tư duy tổng hợp, trực giác, hướng nội, làm chủ bản thân; phương Tây vốn tư duy độc lập, phân tích lý tính, làm chủ thiên nhiên.
Phương Đông suy tưởng bằng trực giác, văn minh nông nghiệp là cơ sở chủ đạo của tư duy, tôn vinh siêu nhiên; phương Tây lấy con người, nguồn lực con người, chinh phục thiên nhiên làm chủ đạo cho các hành vi của mình.
Về đạo đức, phương Đông lấy đẳng cấp tôn ti trật tự làm cơ sở ứng xử: quân, sư, phụ, tứ đức, tam tòng; phương Tây là bình đẳng, đồng đẳng.
Nói khác nhau không có nghĩa là tuyệt đối hóa, thậm chí không bao giờ gặp nhau hoặc chống lại nhau. Trái lại, trong quá trình phát triển lịch sử văn hóa cả hai bán cầu đều nhìn thấy nhau, học tập lẫn nhau. Ví dụ: lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ phương Đông cái gì cũng phải học phương Tây, một phần là do “phương thức sản xuất châu Á”, phần còn lại là những nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa... nhưng không đáng kể vì ít phát huy tác dụng, thiếu những phát minh tầm quốc tế. Trên thực tế, khoa học kỹ thuật ở phương Tây mới phát triển từ TK XVIII, còn ở Trung Quốc và Ấn Độ, toán học đã đạt tới trình độ phát triển như hệ thập phân, việc đánh số thứ tự, sử dụng không số, các cách giải phương trình đại số được sử dụng nhiều thế kỷ trước khi du nhập vào phương Tây. Theo nhà hóa sinh Joseph Needham (1900-1995) trong công trình Khoa học và văn minh Trung Hoa, các ngành khoa học Trung Quốc trở thành trường nghiên cứu rất phong phú. Trong thiên văn học, người Trung Quốc đã thống kê danh mục hàng nghìn ngôi sao từ TK IV trước CN. Trong thực vật học, từ TK XVI có cuốn Đại dược thư của nhà bác học Li Shizhen, miêu tả những thuộc tính các loại cây và phân loại chúng. Trong địa chất khoáng học, địa lý học sớm có nhiều thành tựu. Trong nông nghiệp là sự chế tạo lưỡi cày, yên cương, trong công nghiệp là máy bơm nước, máy hơi nước, chế tạo đồng hồ, trong y học là khoa châm cứu dược học. Thế giới còn chịu ơn Trung Hoa về du nhập bánh lái, compa hàng hải, cột buồm cho các chuyến vượt biển...
Về mỹ học và lý luận nghệ thuật, chúng ta thấy có sự khác nhau, nhưng ít nhiều cũng có sự tương đồng. Từ thời cổ đại, ở phương Đông các triết gia Lão giáo như Lão Tử, Trang Tử đã nêu một số quan niệm về cảm thụ và sáng tạo cái đẹp trong các điều kiện tự nhiên và xã hội nhất định. Lão Tử cho rằng, cái đẹp có thể nhận biết qua cảm tính cá nhân. Cái đẹp ở đây là của Đạo; người cảm thụ và sáng tạo phải biết kiềm chế dục vọng cá nhân, giải thoát ức chế bản năng.
Về phương diện này, ở phương Tây được kiến giải có hệ thống hơn. Có thể khái quát thành bốn quan niệm cơ bản về lý luận nghệ thuật để giải quyết các vấn đề của sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ.
Loại thứ nhất, coi sáng tạo và cảm thụ cái đẹp, huyền bí gắn liền với thần thánh. Platon cho rằng, cảm thụ và sáng tạo của nghệ sĩ chủ yếu dựa vào thần hứng, thần nhập sinh ra thật lực.
Loại thứ hai, tiêu biểu là Heghen (1770-1831) trong tác phẩm Hiện tượng học tinh thần (1807), nhà triết học người Đức đã nghiên cứu các lĩnh vực pháp quyền, tâm lý, tôn giáo, tâm lý học, mỹ học thuộc lĩnh vực tinh thần tuyệt đối. Cảm thụ và sáng tạo thẩm mỹ có nguồn gốc từ ý niệm tuyệt đối được thể hiện bằng hình tượng. Từ đó, Heghen coi nhu cầu sáng tạo nghệ thuật của con người là ý thức tư duy sáng tạo cho bản thân. Theo ông, năng lực liên tưởng, sức tưởng tượng phản ánh hiện thực, đó là năng lực sáng tạo, cảm thụ đặc trưng của nghệ sĩ. Năng lực cảm quan nghệ sĩ không chỉ là thuộc tính của từng nghệ sĩ, mà còn là của một dân tộc: người Ý thẩm âm rất tốt và năng khiếu âm nhạc vượt trội, người Hy Lạp có con mắt tuyệt vời tạo nên tài năng hàng đầu về điêu khắc và tạc tượng…
Loại thứ ba, tiêu biểu là triết gia I. Kant (1724-1804), coi sáng tạo và cảm thụ cái đẹp bằng sự thích thú vô tư, là sự thỏa mãn về tinh thần chứ không phải là lý trí, chủ yếu dựa vào năng lực và thị hiếu. Sau Kant và trước Freud (1856-1939), các nhà triết học Shiller (1946), Spencer (1820-1903) đã phát triển sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ bắt nguồn từ sinh lực dư thừa của con người. Freud tiến xa hơn, coi sự thỏa mãn tình dục, dục vọng là động lực của sáng tạo nghệ thuật, là những khoái cảm nồng nhiệt lúc thăng hoa của vô thức và dục vọng (libido).
Loại thứ tư giải thích sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ là sự tái hiện những hình ảnh của thế giới khách quan trong ý thức chủ quan của con người. Đại diện cho quan niệm này là những nhà tư tưởng nổi tiếng: Démocrite, Aristote (thời cổ đại); E. Burker, Đ. Đidrốt (thời kỳ khai sáng); Phơbach, Tsecnưsepki (TK XIX). Mặc dù các biện giải của các ông có nhiều cái khác nhau, ở cấp độ cao thấp khác nhau, nhưng tất cả đều bắt rễ từ nhãn quan duy vật.
Chủ nghĩa Mác dựa vào chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng vừa tiếp thu các hạt nhân hợp lý trước nó về tính hình tượng, về cảm giác vô tư, về mối quan hệ giữa chân, thiện, mỹ, vừa bổ sung bản chất xã hội, năng lực tính người, có tính độc lập tương đối trong quá trình sáng tạo, đánh giá, cảm xúc... đã góp phần vào tiến trình phát triển nghệ thuật nhân loại.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều quan niệm về sáng tạo nghệ thuật đã bị thời đại vượt qua, nhưng cũng có nhiều ý tưởng có thể phù hợp với tư duy, tâm trạng, tình cảm của nhiều nghệ sĩ thời đại chúng ta, cho dù là những hệ thống triết - mỹ đó bắt nguồn từ phương Đông hay phương Tây, từ nền văn minh Hy La hay nền văn minh cổ đại Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ.
Sự gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây là một sự thật lịch sử, có từ xa xưa. Chỉ riêng về nguồn lực con người, chúng ta có thể dẫn ra những tổng kết khái quát của cổ nhân. Nếu ở phương Đông có thiên, địa, nhân thì ở phương Tây có: con người, trí tuệ, đất (man, mind, land); nếu ở Việt Nam có phương châm chân - thiện - mỹ thì ở Nhật Bản có mô hình hình trụ mà đỉnh là đức, đoạn giữa là kinh tế, đáy là thẩm mỹ… Do đặc điểm của thời đại, đặc biệt là do thành tựu của các ngành: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế tri thức, công nghệ vật liệu... đang đi vào mọi lĩnh vực đời sống, nền văn học, nghệ thuật nước ta phát triển theo phương châm “Dân tộc, khoa học, đại chúng, dân chủ, nhân văn”. Hiện tượng đó cũng xảy ra với hầu hết các nước. Hằng ngày, hằng giờ, các tác phẩm văn học, nghệ thuật vừa tốt, vừa hay, lại vừa có loại độc hại như những đợt sóng ùa vào thị trường văn hóa các dân tộc. Bây giờ không thể chỉ “đóng cửa”, chỉ sợ “gió độc” tràn vào. Toàn cầu hóa vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội là học tập cái hay, cái đẹp của bên ngoài. Thách thức là tâm lý sùng ngoại, phục ngoại, sao chép của ngoại, làm mất bản chất, bản tính dân tộc. Đây là một cuộc đấu tranh, cạnh tranh triền miên giữa ý thức, hành vi bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với những dòng đục, yếu tố phi đạo lý, phi nhân tính, không phù hợp với tâm lý, thị hiếu, phong tục, trình độ mặt bằng dân trí của dân tộc ta, nhân dân ta.
2. Từ văn hóa đọc đến văn hóa mạng trong bối cảnh giao lưu văn hóa
Văn hóa đọc là mối quan hệ tiếp nhận giữa người đọc sách (chủ thể) và tác phẩm văn chương, nghệ thuật, văn hóa, giáo dục... (khách thể). Mối quan hệ này có truyền thống từ lâu đời, khi mới hình thành tình bạn giữa hai người: nhà thơ và người bạn thơ tâm giao một cách tri ân, tri kỷ. Dần dần, số người đọc phát triển, nhất là khi tác phẩm của người viết được xuất bản bằng công nghệ in. Người đọc, sau đó văn hóa đọc ra đời từ thời kỳ Phục Hưng cho đến các thế kỷ sau đó, sự xuất hiện nhiều nhà văn, nghệ sĩ lớn, những nhà khoa học, văn hóa bậc thày của nhiều ngành khoa học là động lực cho sự ra đời của nhiều tác phẩm, từ đó gia tăng và nhân lên nhiều lần số lượng người đọc. Điều này thấy rõ từ TK XX trở đi khi sự giao lưu văn hóa Đông - Tây được xúc tiến, sự phát triển của các ngành khoa học - giáo dục, sự tăng tiến của công nghệ in hiện đại, kỹ thuật sản xuất giấy... là cơ sở và điều kiện để gia tăng số lượng sách đọc. Trình độ học vấn và trình độ dân trí cũng là những tác nhân kích thích người đọc tìm đến sách, báo chí. Sau Cách mạng Tháng Tám cho đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều kéo dài nhiều thập kỷ, thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc còn lại không nhiều, nhưng nhờ có chính sách đúng đắn về giáo dục và đào tạo, về chủ trương phổ cập giáo dục theo phương châm: “Học tập suốt đời cho tất cả mọi người” và nhiều chủ trương học tập, khuyến tài... nước ta đã có số lượng người đọc rất lớn, được thể hiện trong việc xếp hạng HDI chỉ số phát triển con người. Kiến thức mà họ thu nhận không chỉ hữu ích cho việc tích lũy tri thức mà còn có tác dụng đối với thực tiễn khi được ứng dụng vào lao động và sản xuất. Khẩu hiệu: “Học và làm theo sách, báo” là một ví dụ trong thời kỳ vàng son của văn hóa đọc.
Vài chục năm gần đây, do sự phát triển của các loại hình nghe, nhìn như video, vô tuyến truyền hình, internet... làm cho văn hóa đọc bị thu hẹp so với trước đây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giá trị thông tin đang được lưu hành, sử dụng qua nhiều kênh thông tin, không ai ngăn cản được sự tự do, dân chủ hóa tri thức qua internet. Bởi điều đó làm cho giá trị cá nhân gắn với giá trị xã hội và giá trị toàn cầu trở nên gần gũi. Sự đề phòng, cảnh báo những mặt trái của các phương tiện thông tin hiện đại là cần thiết, nhưng không thể không thừa nhận sự thua thiệt của văn hóa đọc; thao tác lật từng trang sách dần dần nhường chỗ cho thao tác “nhấn chuột” để tìm kiếm trí thức thông tin trên mạng. Văn hóa đọc còn có giá trị nữa hay không là tùy ở sự tự giác của người đọc. Người đọc thông minh sẽ tìm thấy những giá trị, kiến thức không chỉ ở cuốn sách hay, sách “gối đầu giường” một thời, mà còn ở các phương tiện thông tin và truyền thông khác, trong đó có văn hóa mạng.
Văn hóa mạng là một loại hình văn hóa mới, có khả năng truyền bá và tiếp nhận sáng tác cập nhật mọi thông tin, tri thức, tư liệu, số liệu...; được phổ cập khắp toàn cầu, vào tận từng gia đình, đến từng người chỉ cần mở máy và bấm chuột. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Dân, trên Báo Văn nghệ số 19, ngày 9-5-2008, khái niệm quan trọng nhất của văn học và văn hóa mạng là siêu văn bản (hypertext). Siêu văn bản là văn bản bao gồm các đường dẫn siêu liên kết, chỉ dẫn mối liên hệ của các từ và dữ liệu của văn bản chính đến các nguồn dữ liệu khác, tạo cho người đọc khả năng tiếp cận một lúc với nhiều văn bản và từ đó có thể tạo lập cho mình một văn bản mới... Chính nhờ công nghệ thông tin - truyền thông mà người đọc mới được hưởng khả năng liên kết siêu việt giữa các văn bản. Tất nhiên, mọi dữ liệu lên mạng phải được số hóa thì mới thực hiện hóa được khả năng đó. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rộng ra, cùng với sự phát triển của mạng internet vào cuối TK XX đầu TK XXI trở đi, văn hóa mạng đã hiện diện, bao quát nhiều phạm vi: sáng tác văn học nghệ thuật qua mạng, thư viện điện tử (đọc sách qua mạng), giáo dục mạng, giao lưu trực tuyến, giải trí trực tuyến, bảo tàng trên mạng, thư điện tử, nhật ký mạng (blog)… Văn hóa mạng có nhiều ưu điểm, như: góp phần nâng cao dân trí, ý thức công dân về việc tích lũy kiến thức, dân chủ hóa mọi thông tin kể cả những thông tin tối mật trong xã hội thông tin; tạo ra hoạt động tương tác giữa mọi thành viên trong xã hội, sự đối thoại giữa những nhà quản lý xã hội, giữa các nhà sáng tác, sự so sánh với những dự án, những thành tựu ở trong nước và ở nước ngoài một cách cập nhật.
Tuy nhiên, việc gì cũng có thể phát triển theo hai mặt. Mặt trái của văn hóa mạng là những hiện tượng tiêu cực, như: lừa đảo, dối trá, truyền bá phim đồi trụy, thư nặc danh, những cảnh bạo lực, xuyên tạc những hiện tượng vốn tốt đẹp trong xã hội. Những trang web đen, những blogger tự do quá trớn, dân chủ cực đoan với nhiều ý đồ chính trị đen tối gây rối loạn, nhằm chống đối chế độ, cần được nghiêm trị để trả lại bản chất đúng đắn của văn hóa mạng.
3. Sự ra đời của xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức
Những thập kỷ đầu của TK XXI, loài người bước vào một nền văn minh mới, nền văn minh thông tin hậu công nghiệp, một xã hội thông tin chứa đựng nhiều vận hội mới về kinh tế, chính trị và sự phục hưng văn hóa. Quá trình này diễn ra không đồng đều ở các nước. Một đặc điểm của xã hội thông tin là quá trình phát triển kinh tế ít dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà chủ yếu dựa vào tri thức khoa học và công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao), các nguồn lực có khả năng tái tạo và tự sinh sản. Thông tin và tri thức trở thành yếu tố đầu vào của hệ thống sản xuất, quản lý, là công cụ sáng tạo của cải vật chất, là chìa khóa của quyền lực và an ninh kinh tế, xã hội. Phương thức sản xuất phát triển hơn nhờ công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ thông tin (tin học, viễn thông), công nghệ vật liệu mới... Nhờ công nghệ cao thay đổi nhanh nên quy mô sản xuất thường vừa và nhỏ phù hợp với nhu cầu thị trường, nhu cầu đổi mới công nghệ. Bấy giờ, một môi trường mới sẽ ra đời: vật liệu ít, năng lượng ít, phế thải được xử lý và phân tán làm cho môi trường sinh thái trở thành môi trường văn hóa.
Trong nền kinh tế tri thức, sự tác động trực tiếp, có hiệu quả của giới tri thức, hàm lượng trí tuệ đối với sản xuất, lưu thông, phân phối, kinh doanh là một đặc điểm của phát triển. Sự phát triển diễn ra theo hai hướng: một là yếu tố tri thức, trí tuệ định hướng cho phát triển; hai là yếu tố văn hóa và truyền thống dân tộc hiện diện trong kinh doanh, sản xuất. Nhờ hàm lượng trí tuệ cao và công nghệ luôn luôn đổi mới mà giá trị sản phẩm thường có tỷ xuất cao hơn nhiều so với vốn bỏ ra. Quá trình công nghiệp hóa truyền thống theo chiều rộng ở phương Tây gây lãng phí nguyên liệu, năng lượng, tác động xấu đến môi trường sinh thái dẫn đến khủng hoảng năng lượng vào năm 1973. Những thập kỷ tiếp theo cho đến nay, Nhật Bản rút kinh nghiệm hiện đại hóa nền kinh tế theo nguyên tắc áp dụng những thành tựu mới nhất, sử dụng công nghệ cao nhất chứa nhiều hàm lượng chất xám. Trong nền kinh tế tri thức, quản lý vĩ mô vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Trong quản lý vĩ mô thì đất đai, tài nguyên, tài chính, tiền tệ, bộ máy hành chính... là những dây thần kinh hệ trọng và nhạy cảm của kinh tế quốc dân. Nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh không chỉ có tri thức tổng quát, tri thức chuyên sâu, thành thạo ngoại ngữ, mà phải biết phối hợp nhiều đối tác, tinh thông pháp luật, điều hành theo dự án, chối bỏ lối quản lý theo kinh nghiệm chủ nghĩa. Một trong những thành tựu của quản lý bằng tri thức là dùng phương pháp não công (brainstorming) để kích thích óc sáng tạo.
Báo chí, văn học, nghệ thuật châu Á đưa ra thị trường văn hóa thế giới không chỉ bằng tiếng Anh mà còn bằng nhiều ngôn ngữ: Trung Quốc, Hindi, Nhật Bản, Triều Tiên... Thị trường cho phép người dân của mọi dân tộc tiêu thụ sản phẩm văn hóa bằng bản ngữ. Châu Á sẽ trở thành trung tâm mua bán phim lớn nhất thế giới. Hiện Ấn Độ là nước có ngành Điện ảnh lớn, sản xuất nhiều phim truyền hình. Hàn Quốc, Nhật Bản ồ ạt sản xuất phim hoạt hình là nhờ các nhân tố địa phương kết hợp với kỹ thuật số.
Để kết thúc bài viết, tôi xin nói đôi điều về cách hành xử đối với bản sắc, bản lĩnh dân tộc và hội nhập thế giới trong toàn cầu hóa. Một là, giữ gìn và phát huy các giá trị dân tộc đang đi vào đời sống từ chính sách vĩ mô đến vi mô. Khi đề cập đến cấu trúc ba giai đoạn của giao lưu văn hóa: giai đoạn cấu trúc ổn định, giai đoạn giải cấu trúc và giai đoạn tái cấu trúc; cần tính đến điểm xuất phát, có tầm nhìn mở để hội nhập và giao lưu giữa các khu vực. Hai là, văn hóa Việt Nam trường tồn và phát triển là nhờ sự tôn vinh cái chân, thiện, mỹ. Ở đây phải tính đến tài năng của văn nhân, nghệ sĩ và nền văn hóa dân gian đã phát triển và tồn tại hữu ích cho đến hôm nay. Ba là, cần có ý thức sâu sắc, biện chứng sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập trong giao lưu văn hóa, giữa bảo tồn văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc và yếu tố bên ngoài, giữa cái được và cái mất, giữa tính định hướng văn hóa là hồn cốt của dân tộc và tình trạng hỗn độn của thị trường, nhất là thị trường văn hóa. Cần khắc phục phương châm nặng về nhận, nhẹ về cho; chỉ thấy cái hay của người, mà không thấy cái dở, cái không hợp với tâm lý, bản sắc của dân tộc đã tồn tại trong văn hóa dân tộc hàng ngàn năm.
______________________
1. Nguyễn Văn Dân, Phương Đông - phương Tây - từ một bài thơ, suy nghĩ về một vấn đề không nhỏ, Báo Văn nghệ, số 93, ngày 29-3-2008.
2. Tôn Tử: triết gia thời Xuân Thu đã nói về quan hệ giữa Thời thế và chủ thể Ta. Câu này có nghĩa: Biết mình, biết thời vận, trăm trận không trùng bước.
GS, VS HỒ SĨ VỊNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022