Truyện đồng thoại ENEOS & MOGU - Đóa hoa đồng thoại là cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại (truyện dành cho thiếu nhi) được tổ chức thường niên tại Nhật Bản kể từ năm 1970. Tại Việt Nam, cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại ENEOS & MOGU Đóa hoa đồng thoại được Công ty TNHH ENEOS Việt Nam và Công ty TNHH Quỹ Bắc Cầu tổ chức, với mong muốn đóng góp vào nền văn học thiếu nhi Việt Nam những tác phẩm ý nghĩa và cùng lan tỏa văn hóa đọc. Cuộc thi được bảo trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và sự đồng hành của Nxb Kim Đồng.
Đến với Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2018, đến nay, Đóa hoa đồng thoại được đông đảo các tác giả Việt Nam ở mọi lứa tuổi quan tâm ủng hộ, với số lượng các bài dự thi tham gia tăng mạnh, chất lượng bài dự thi cũng được đầu tư nâng cao rõ rệt. Ngày 10-3-2023, cuộc thi Đóa hoa đồng thoại năm thứ 6 tại Việt Nam chính thức được phát động, mong muốn có thể tìm được nhiều tác giả người Việt Nam viết truyện cho chính trẻ em Việt Nam.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Ban Giám khảo cuộc thi nhận xét: “Người lớn sáng tác, trẻ em cũng có thể sáng tác được. Đó là một cách giao tiếp giữa người với người. Hiện nay, người sáng tác văn chương cho trẻ em tại Việt Nam rất ít. Những tác phẩm thành công, xuất sắc lại càng hiếm hoi. Tìm được một tác giả, một tác phẩm hay đặc biệt viết cho các em chẳng khác nào “đãi cát tìm vàng”. Đó là cái khó. Rất khó. Nhưng cũng không nên vì khó mà không làm. Cuộc thi hy vọng có thể tìm kiếm thêm các cây bút đích thực viết cho các em thiếu nhi”.
Sáng tác truyện đồng thoại là sáng tác truyện cho trẻ em. Thí sinh tham gia được tự do sáng tác nội dung tác phẩm theo suy nghĩ, cảm nhận hay tưởng tượng của bản thân mình về sự vật, hiện tượng, con người…
Quy định về tham dự cuộc thi
Các thí sinh dự thi yêu cầu phải có quốc tịch Việt Nam. Đối tượng dự thi được chia thành 3 hạng mục: hạng mục Tiểu học (thí sinh dự thi đang trong độ tuổi học Tiểu học); hạng mục Trung học cơ sở (thí sinh dự thi đang trong độ tuổi học Trung học Cơ sở) và hạng mục Tự do (thí sinh dự thi không thuộc hai hạng mục trên).
Ban tổ chức không giới hạn số tác phẩm dự thi của một thí sinh. Mỗi tác phẩm dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy (mã Unicode, phông chữ Time New Roman, cỡ chữ 13) tối đa 1.500 chữ. Yêu cầu tác phẩm dự thi được gửi kèm cùng Đơn đăng ký dự thi, trường hợp gửi trực tiếp đơn đăng ký có chữ ký của thí sinh (hoặc người giám hộ). Đồng thời, tác phẩm dự thi phải là sáng tác mới, chưa từng được phát hành, đăng tải hoặc công khai trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hay tham gia các cuộc thi khác…
Trong thời gian diễn ra cuộc thi, các tác phẩm tham dự không được đăng ký dự thi cuộc thi khác, và không được công bố công khai nếu chưa có sự đồng ý của Ban Tổ chức. Ban Tổ chức không nhận tác phẩm sáng tác chung. Bản quyền tác phẩm đạt giải sẽ thuộc về Ban Tổ chức. Ban Tổ chức được phép sử dụng tác phẩm dự thi để phục vụ mục đích quảng bá, truyền thông cho cuộc thi.
Cách thức dự thi
Tác phẩm có thể gửi online qua địa chỉ email: [email protected], quy định đặt tên file: tenthisinh_tentacpham, định dạng file dạng pdf hoặc Microsoft Word. Tác phẩm dự thi cũng có thể gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp: Công ty TNHH Quỹ Bắc Cầu, Tầng 3, 119-121 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Số điện thoại liên hệ: 02439741405.
BTC nhận bài dự thi đến hết ngày 31-8-2023 (đối với Hạng mục Tự do) và đến hết ngày 8-9-2023 (đối với Hạng mục Tiểu học và THCS) tính theo dấu bưu điện và thời gian trên website.
Thời gian công bố kết quả dự kiến vào tháng 10-2023. Thời gian trao giải dự kiến vào ngày 25-11-2023. Lễ trao giải dự kiến tổ chức tại Hà Nội.
Hệ thống giải được chia đều cho 3 hạng mục: Tiểu học, Trung học Cơ sở và Tự do như sau: 3 Giải Nhất trị giá 5.000.000 đồng/ giải, 6 Giải Nhì trị giá 3.000.000 đồng/ giải, 9 Giải Ba trị giá 1.000.000 đồng/ giải, cùng nhiều Giải Khuyến khích trị giá 500.000 đồng/giải. 1 Giải Đặc biệt Xuất sắc với phần quà hấp dẫn sẽ được công bố vào tháng 4-2023. Các tác phẩm đoạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được tập hợp và phát hành trong tuyển tập Đóa hoa đồng thoại 2023.
LIÊN HƯƠNG