Nữ thương binh hai lần được gặp Bác Hồ

“Được gặp Bác, được nghe Bác dạy, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi gian lao thử thách, phấn đấu học tập, công tác và cống hiến...” - Đó là lời tâm sự của nữ thương binh Huỳnh Thị Kiển ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ - người vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Giữ trọn lời hứa với Bác, mấy chục năm qua, dù thương tật luôn hành hạ, người nữ thương binh kiên cường ấy luôn phấn đấu vượt lên mọi khó khăn để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng theo cách riêng của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28-2-1969. (Ảnh tư liệu TTXVN)

 

Chúng tôi ghé thăm nữ thương binh Huỳnh Thị Kiển tại nhà riêng ở đường Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều. Vốn là giáo viên, đã nghỉ hưu nhiều năm. Trong sân nhà đầy hoa kiểng, khi chúng tôi đến thăm và ngỏ ý viết bài về cô, người nữ thương binh rất khiêm tốn. Ấy thế nhưng, lúc nhắc đến Bác thì giọng cô đầy xúc động pha lẫn tự hào: “ Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi rất vinh dự vì được gặp Bác 2 lần... Dù trong hoàn cảnh nào, tôi luôn phấn đấu thực hiện lời hứa với Bác...”.

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được cha mẹ truyền cho ngọn lửa yêu nước, các anh trai của cô Kiển lần lượt lên đường tham gia kháng chiến. 12 tuổi, cô bé Huỳnh Thị Kiển tình nguyện làm giao liên tại địa phương. Năm 1965, cô gia nhập đội du kích xã, bao phen cùng đồng đội chiến đấu, đẩy lùi những trận càn ác liệt của địch. Giữa năm 1967, trong một trận càn, cô Kiển bị địch bắn bị thương nặng ở chân và được đồng đội thay nhau cõng rút về tuyến sau. Thấy tình thế ngày càng nguy cấp, địch đã tấn công sát một bên, cô nhất định ở lại cản địch để anh em rút nhanh, bảo toàn lực lượng. Trong lúc đồng đội còn chần chừ, cô cố vùng vẫy lăn mạnh xuống đất..., quyết đương đầu với kẻ thù. Địch đưa cô về nhà tù Hội An, dùng nhiều cực hình tra khảo hòng bắt cô khai báo các hầm bí mật, nơi cất giấu tài liệu. Mặc cho địch đánh đập, tra điện đến chết đi sống lại, cô vẫn không hé răng. Cuối cùng, chúng dùng dao chặt chân cô 2 lần cho đến khi cô ngất lịm.

Đinh ninh là cô đã chết, chúng đưa cô vào nhà xác ở Bệnh viện Hội An. Tại đây, cô đã được các đồng đội cứu thoát, đưa về chiến khu Quảng Nam, rồi chuyển ra miền Bắc chữa trị vết thương. Ngày 2/9/1968, cô cùng đoàn Anh hùng dũng sĩ miền Nam đến gặp Bác tại quảng trường Ba Đình. Cô và các đồng chí trong đoàn chỉ được nhìn Bác từ xa. Khi nghe Bác hỏi tình hình chiến sự miền Nam, ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên anh em giữ vững tinh thần chiến đấu, vượt qua những mất mát hy sinh, ai nấy đều xúc động, đứng lặng người, nước mắt dâng trào. Cô bộc bạch: “Lúc ở trong tù, nhiều lần bị địch tra tấn chết đi sống lại nhưng cứ nghĩ đến cách mạng, nghĩ đến Bác Hồ, tôi lại cắn răng chịu đựng. Lòng tôi chỉ thầm ước mơ được gặp Bác một lần. Không ngờ ước mơ ấy đã thành sự thật...”. Hôm ấy, Bác tặng cô gói kẹo, 1 bộ quần áo và 2 quyển sách. Cô đã tặng quyển “Người tốt việc tốt” cho 1 đồng chí ở cùng đơn vị, riêng quyển “Hậu phương thi đua với tiền phương” cô xem như một kỷ vật vô giá, luôn giữ kỹ bên mình. Sau này, nhằm lưu truyền những kỷ vật của Bác cho thế hệ ngày sau, cô đã tặng quyển sách ấy cho nhà Bảo tàng thành phố Cần Thơ làm hiện vật trưng bày.

Tấm gương anh dũng của cô Kiển được một ký giả viết bài đăng báo. Đọc được bài báo ấy, ngày 3/2/1969, Bác Hồ cho các chú bảo vệ đến bệnh viện, nơi cô đang điều trị, mời cô về gặp Bác. Cô Kiển hồi tưởng lại: “Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng ký ức về lần gặp Bác tại nhà sàn ở Phủ Chủ tịch nước vẫn nguyện vẹn. Nhìn Bác giản dị trong bộ đồ kaki cũ, sờn vai, chống gậy bước xuống từng bậc thang, tôi không nén được xúc động, đánh rơi cả chiếc nạng gỗ, sà vào lòng Bác, nấc nghẹn vì xúc động và sung sướng. Bác cười thật hiền, đỡ tôi ngồi xuống ghế, xoa đầu tôi, ôn tồn hỏi thăm sức khỏe, tinh thần chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ miền Nam...”. Hôm ấy, cô Kiển được dùng cơm với Bác. Bữa cơm của vị Chủ tịch thật giản dị, chỉ có đĩa nước tương, rau muống, cà pháo và chén súp có chiếc đùi gà. Bác xới cơm, gắp từng miếng thịt để vào chén cho cô Kiển. Bác nói: “Cháu phải cố gắng ăn nhiều cho khỏe, vết thương mau lành để đi học và trở về Nam công tác”. Nhìn cô ăn hết chén cơm ngon lành, Bác cười thật tươi, hỏi tiếp: “Sau này vết thương lành, cháu thích học nghề gì ?”. Cô đáp: “ Sau này học xong văn hóa thì cháu thi vào Đại học Sư phạm. Ở miền Nam chiến tranh ác liệt, bom đạn tơi bời, trẻ em không được đến trường, cháu muốn được dạy cho các em thơ biết chữ, biết yêu quê hương đất nước...”.

Lời hứa với Bác luôn là động lực lớn lao để cô phấn đấu, vươn lên trong những lúc khó khăn nhất. Cô tâm sự: “Sau khi trình bày tâm tư, nguyện vọng với Bác là muốn được đi dạy học, tôi rất lo, bởi hiện tại tôi đã là một thương binh, trình độ văn hóa mới hết lớp 5. Để thực hiện lời hứa với Bác, trong những năm ở miền Bắc, vừa điều trị vết thương, tôi vừa học văn hóa, làm công tác tuyên truyền cho cuộc chiến đấu ở miền Nam.

Năm 1971, tôi lập gia đình cùng anh bộ đội đặc công cũng là thương binh hạng 3/4. Năm 1972, con gái đầu lòng ra đời. Vừa nuôi con, vừa học văn hóa, bao khó khăn chồng chất nhưng tôi quyết không nản lòng...”.

Đất nước thống nhất, năm 1976, cô theo chồng về quê và thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành Sư phạm Văn. Năm 1980, cô Kiển ra trường, về dạy học tại Trường PTCS An Hòa 2. Những năm đầu đất nước mới giải phóng, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống, thế nhưng, bên chiếc nạng khập khiễng, cô Kiển quyết bám trường bám lớp bằng sự say mê và tâm huyết. Một nách hai con, cô vừa đi dạy, vừa chăn nuôi để cải thiện cuộc sống gia đình. Ngày ngày, sau giờ dạy học, cô tất tả quét dọn nhà cửa, lo cơm nước cho các con, chăm sóc đàn heo, trồng rau để kiếm thêm thu nhập. Đêm đêm, khi các con đã ngủ say, cô lặng lẽ đọc sách, soạn giáo án. Có những hôm trái gió trở trời, vết thương nhức buốt nhưng giọng cô luôn ngọt ngào trong từng bài giảng. Qua từng trang thơ, bài giảng, cô đã truyền cho bao thế học sinh ngọn lửa yêu nước, nhiệt tình cách mạng...

Từ sự tận tụy dìu dắt của cô giáo thương binh, bao thế hệ học sinh từng bước trưởng thành. Các con cô cũng đều thành đạt và có vị trí nhất định trong xã hội. Giờ đây, mái tóc đã pha sương nhưng trong lòng người nữ thương binh trung kiên ấy vẫn còn bồi hồi, xúc động mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu. Trong niềm vui trước sự đổi mới, phát triển của đất nước, của thành phố, cũng như những cán bộ cách mạng lão thành đi trước, cô luôn tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những thế hệ kế tiếp.

Nay cô thương binh Huỳnh Thị Kiển đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn còn khí phách của người du kích xã ngày nào. Cô vẫn xông xáo làm việc thiện, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

 

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

;