Những góc nhìn chuyển thể

Từ cái nền vững chắc của tác phẩm văn chương đã cho ra đời nhiều bộ phim có sức sống vượt thời gian. Ngược lại, ngôn ngữ điện ảnh cũng đã góp phần tôn vinh văn học, giúp cho tác phẩm lan tỏa bằng một hình thức mới. Bởi sự “so le” nhất định giữa hai thực thể riêng biệt này mà những cuộc tranh luận nảy lửa về tính tương đồng và dị biệt của hai lĩnh vực điện ảnh và văn chương giữa những người làm nghệ thuật dường như không có hồi kết. Ở mỗi góc độ, họ có cái nhìn khác nhau về công việc chuyển thể. Tuy nhiên, họ cũng tìm thấy ở nhau những điểm thống nhất cơ bản.

Cảnh phim Đảo của dân ngụ cư dựa theo truyện của nhà văn Nguyễn Quang Lập

Việc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim đang được coi là một xu thế tất yếu, khi các nhà làm phim muốn hướng đến một sự phát triển bền vững. Chuyển thể được coi là một quá trình lao động và sáng tạo tích cực của các nhà làm phim. Việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang điện ảnh tức là việc chuyển thể từ ngôn ngữ biểu cảm này sang một ngôn ngữ biểu cảm khác. Quá trình này đòi hỏi sự nhạy bén, trình độ cảm thụ của nhà làm phim để có thể xử lý các chi tiết một cách có hiệu quả nhất, đồng thời, cũng cần tài năng của đạo diễn để sáng tạo ra các chi tiết đắt giá khác, góp phần tạo nên giá trị tác phẩm điện ảnh. Mỗi tác phẩm điện ảnh mang phong cách riêng của mỗi đạo diễn và mỗi đạo diễn lại chọn cho mình những cách thể hiện khác nhau. 

Tuy nhiên, khi tác phẩm văn học trở thành một bộ phim thì nguyên tác sẽ được đạo diễn “giữ phần hồn” được bao nhiêu? Tác giả văn học sẽ đứng ở vị trí nào? Nên hay không nên tham gia vào quá trình làm phim? Dưới đây là ý kiến của những người trong cuộc.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức: "Thích tự mình chuyển thể kịch bản phim"

Tôi thích tự tay mình chuyển thể kịch bản phim vì muốn nhìn thấy những nhân vật của mình được sống trên màn ảnh. Quá trình viết kịch bản tôi phải mày mò tự học qua tài liệu của các nhà văn Sơn Nam, Phan Văn, đạo diễn Lê Mộng Hoàng… Cảm giác của tôi khi xem phim làm từ kịch bản của mình là hài lòng, dù tất nhiên có những chỗ vẫn chưa được như ý. Những chắc chẳng ai lại có thể ghét bỏ con mình khi chúng xấu xí hoặc khuyết tật. Khi đã am hiểu chút ít, tôi nhận ra sự khác biệt quan trọng giữa viết văn và viết kịch bản là người viết phải am tường ngôn ngữ điện ảnh. Đó là phải chú ý hành động và kịch tính cùng những chi tiết hình ảnh nhiều hơn là đối thoại dẫn dắt và mô tả tâm trạng.

Phim Kiều dựa theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du

Từ đó tôi nghĩ rằng nhà văn và nhà biên kịch, tốt nhất là ai làm việc nấy. Biên kịch chuyên nghiệp chuyên chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim thì tốt hơn nhà văn tự làm, nhất là khi nhà văn chưa rành công việc này. Trong thực tế, tôi biết rằng các đạo diễn vẫn thường phải làm lại một lần nữa của nhà văn, gọi là kịch bản phân cảnh. Quá trình này cũng khá vất vả. Tôi thường đề nghị xem lại kịch bản phân cảnh của đạo diễn và mạn phép trao đổi, góp ý. Tôi cũng thích thu xếp công việc để đi theo đoàn làm phim, kể cả lúc dựng phim, lồng tiếng và thấy rất thú vị. Có người hỏi, khi tác phẩm của tôi chuyển thể thành phim, tôi được và mất gì? Tôi trả lời “Tôi chỉ được thôi, chẳng mất gì cả!”. Các cuốn tiểu thuyết Ngọc trong đá, Ngôi sao cô đơn, Vĩnh biệt mùa hè… đều được tái bản mỗi cuốn bốn, năm lần, tôi nghĩ nhờ không ít vào việc chúng được quay thành phim.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: "Nhà văn nên đứng ngoài cuộc chơi điện ảnh"

Trên thế giới, những tác phẩm văn học nổi tiếng luôn nguồn đề tài lớn cho điện ảnh, thậm chí có những cuốn tiểu thuyết được nhiều đạo diễn dựng khác nhau, ví như Chiến tranh và hòa bình hay Những người khốn khổ (mà mỗi đạo diễn lại cho ra một Jean Valjean khác nhau). Đối với một tác phẩm, mỗi đạo diễn sẽ tìm ra một điểm nhấn khác nhau, do đó, chỉ cần họ làm một cách nghiêm túc và trung thành với tinh thần và sự kiện chính trong tác phẩm. 

Điện ảnh Việt Nam có hai bộ phim là Long Thành cầm giả ca (dựa vào bài thơ của đại thi hào Nguyễn Du viết cách đây gần 200 năm) và Cánh đồng bất tận (chuyển thể từ truyện vừa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) đều đã rất thành công. Không thể phủ nhận nhiều tác phẩm văn học đã tạo mạch cảm hứng tốt cho các đạo diễn. Có nhiều lý do để khán giả Việt kéo nhau nô nức đi xem một bộ phim Việt, nhưng lý do đầu tiên là phim đã có sẵn một điểm tựa, một bệ phóng là tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đã hay thật, đã lay động tình cảm thật, đã tác động nhận thức thật, và đã gây những phản ứng nóng bỏng thật. Từ đó, truyện Cánh đồng bất tận đã thành một giá trị văn chương và thẩm mỹ, bảo đảm cho bất cứ loại hình nào lấy nó làm nội dung một cách công phu và nghệ thuật thì sẽ thành công.

Tuy nhiên để có được cái lợi ấy, mỗi bên đều phải chịu áp lực trong lợi thế so sánh giữa khán giả và độc giả. Văn chương đi trước, một khi đã gây được tiếng vang thì độc giả có quyền kỳ vọng là sẽ được thưởng thức một món ăn mới xứng tầm bằng ngôn ngữ riêng của điện ảnh. Cánh đồng bất tận gây dư luận khen chê nhiều chiều, trong đó có sự so sánh, đối chiếu giữa truyện và phim để nhận xét, đánh giá bởi nhiều độc giả rất mong mỏi được xem nhân vật mà mình đã đọc trong truyện sẽ lên phim như thế nào. 

Có nhiều tranh cãi về việc nhà văn nên hay không nên tham gia vào quá trình làm phim. Theo tôi, khi nhà văn đã đồng ý bán tác phẩm của mình cho nhà làm phim thì cách tốt nhất nên đứng ngoài cuộc chơi điện ảnh. Nếu tham gia vào sẽ dễ gây ra xung đột, làm hỏng cả hai, bởi mỗi thể loại có đặc trưng riêng.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: "Không nên đem ra so sánh..."

Có nhiều cách để chuyển thể kịch bản, hoặc là nhà văn nhượng thẳng tác phẩm cho nhà làm phim để họ mặc sức sáng tạo, hoặc tác giả có thể cùng kiểm soát khi tác phẩm được chuyển thể. Nhưng cách tốt nhất, theo tôi, đạo diễn nên mời họ làm tác giả kịch bản. Bởi khi các nhà văn không biết biến tác phẩm của mình thành ngôn ngữ điện ảnh thì sẽ tham gia cùng đạo diễn viết kịch bản một cách chi tiết, dễ hiểu, tiếp đó đạo diễn muốn làm gì thì làm. 

Điện ảnh và văn học là hai loại hình khác nhau, vì thế không nên đem ra so sánh giống hay không giống. Ví như một câu thoại trong văn học có thể viết một đằng, nhưng khi ra phim thì nó là tình huống cụ thể thì câu thoại có thể mất đi hặc thay đổi. Vì thế, rất khó có thể so sánh mà chỉ có thể thấy tinh thần chủ đề của tác phẩm còn hình thức có thể khác nhau. Giống như thơ chuyển sang âm nhạc, thơ chuyển sang hội họa… thì cũng khó có thể so sánh giống hay không giống.

Phim Cô gái đến từ hôm qua dựa theo truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh

Tôi đã nhiều lần làm phim từ kịch bản chuyển thể, ấn tượng nhất với tôi là kịch bản Đất và người chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma. Chúng tôi thay đổi một phần kết cấu truyện, thêm bớt các tình tiết và nhân vật để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh và tính chất của phim truyền hình. Tác giả tiểu thuyết cũng như tác giả kịch bản là những người rất am hiểu về nông thôn, tạo thuận lợi cho đoàn làm phim. Nội dung phim cũng có nhiều biến tấu. Điều quan trọng là những thay đổi đó không làm mất đi sự hấp dẫn, ngược lại phần nào làm phong phú, đa dạng hơn về cuộc sống, tính cách người nông dân và thể hiện cách nhìn nhân hậu, đầm ấm hơn về nông thôn. 

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập: "Chuyển thể là sáng tác lần hai"

Chuyển thể là tác giả kịch bản kể lại câu chuyện của nhà văn bằng ngôn ngữ điện ảnh và quan niệm riêng của họ; là sáng tác lần thứ hai trên tác phẩm của người khác. Tác giả kịch bản bao giờ cũng muốn giữ nguyên tác phẩm nhưng điều đó rất khó. Tất nhiên, chuyển thể không có nghĩa là minh họa bằng hình ảnh cho tác phẩm văn học.

DIÊN VỸ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;