Minh họa Aladdin va cây đèn thần của Rene Bull
Cùng là tranh, song tranh minh họa là một loại tranh đặc biệt nhất trên thế giới vì được vẽ ra để giải thích cho mọi thứ, cũng như nhằm trang trí và thể hiện đa dạng các ý tưởng thương mại. Chưa hết, khác với tranh vẽ thường độc bản có tính trừu tượng cao, tranh minh họa hay thiên về sản xuất hàng loạt và diễn giải một cách nhanh chóng, dễ hiểu từng sự kiện mà thường là một câu chuyện, vì thế được gọi là tranh truyện. Về từ nguyên, nó có nghĩa là sự soi sáng bằng hình ảnh, khiến nội dung- câu chữ được rõ ràng, hấp dẫn hơn, nên ngay từ đầu đã được dùng để kể truyện và về sau minh họa cho báo chí, thời trang, khoa học.
Tranh minh họa còn ra đời cực sớm, có thể nói là đầu tiên trong lịch sử loài người. Tại quần thể hang động Lascaux, ở miền tây nam Pháp, người ta đã phát hiện ra hơn 600 bức tranh trên vách đá, được tin là đã xuất hiện từ cách đây 17 tới 19 nghìn năm và gồm 1.500 hình vẽ, hình khắc sặc sỡ, chi tiết mô tả khá rõ các loài động vật và cuộc săn bắn của người xưa, cho thấy người tiền sử đã vẽ lại cuộc sống của họ. Tuy những hình vẽ này hơi nguệch ngoạc, song mọi người đều biết họ đang vẽ gì, chủ yếu là bò, dê, ngựa, hươu, gấu, chim trong những bầy đàn đông đúc và những cuộc đi săn tập thể. Một hình vẽ lớn nhất ở đây là hình một con bò đen, dài tới năm mét và là một con thú có thể đã từng sống trên trái đất được người xưa chứng kiến.
Minh họa Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn của Arthur Rackha
Từ những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy, trải qua hàng nghìn năm, các họa sĩ đã bắt đầu đi sâu vào đặc tả những lĩnh vực xã hội, ví dụ như ở thời Hy Lạp và La Mã cổ đại đã có những hình tượng thần linh- anh hùng, hình ảnh đền đài, hoạt động thể thao, cúng tế… và ngoài vẽ, khắc còn gắn, khảm trên sàn. Tranh minh họa đã phát triển vượt bậc khi vào thời Trung Cổ, có các loại thủ bản, giúp người đọc mang đi dễ dàng và truyền thống chép sách của các thủ thư Ki tô giáo nhằm gìn giữ di sản. Chính niềm tin của Ki tô giáo vào sự thiêng liêng của các tác phẩm kinh thư đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, sao chép, đồng thời sáng tác các hình vẽ trang trí. Cứ một đoạn kinh (thơ), thủ thư lại vẽ một hoặc nhiều bức tranh cho nó và gồm rất nhiều họa tiết hoa mỹ, cầu kỳ. Do vẽ tay trên giấy, da thuộc, tranh lúc này cũng rất màu mè, rực rỡ. Thế nhưng, cái thúc đẩy nó phổ biến đến nay lại là sự ra đời của máy in cơ khí vào năm 1452, tạo nên một cuộc cách mạng trong nghệ thuật thời Phục Hưng đến tận bây giờ khi những hình vẽ không chỉ còn được vẽ thủ công từng bức đơn lẻ nữa mà được in ấn đại trà bằng máy. Nhiều cuốn kinh thánh, kế tiếp là truyện thần thoại, cổ tích vốn dĩ được dành riêng cho các bậc vương giả thì lúc này đã tới được tay đại chúng do số lượng nhiều, giá rẻ. Các họa sĩ cũng có thể sáng tác được tùy ý hơn và đặc biệt trong kỷ nguyên khám phá, ai nấy đều thả sức tưởng tượng, cho ra nhiều minh họa độc đáo, lạ kỳ dù rằng chung một câu chuyện.
Minh họa Vòng quanh thế giới 80 ngày của Lev Kaplan
Thế kỷ 19 được xem là thời kỳ hoàng kim của tranh minh họa do văn học cực kỳ phát triển, cộng với việc giao thoa văn hóa Đông Tây, làm nên một số lượng tác phẩm văn chương khổng lồ cần “soi sáng”. Khắp thế giới, các phong cách minh họa khác nhau lần lượt nở rộ cho đến tận thế kỷ 20, mang tới những tên tuổi lớn, như tại Anh là họa sĩ John D. Batten (1860-1932) với những họa phẩm bằng sơn dầu, keo màu vô cùng ngộ nghĩnh, đặc sắc thể hiện trong các tập truyện cổ tích của Anh, Celt, Ấn Độ và các cuốn truyện, như Người đẹp ngủ trong rừng, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa Badoura, Ngài Miacca, Jack và chiếc áo tàng hình, Truyện kể từ những đêm Ả Rập… vén lên một bức màn huyền bí, thơ mộng của xứ sở thần tiên. Hoặc như họa sĩ Arthur Rackham (1867-1939), tác giả của những minh họa màu nước vừa siêu thực, ám ảnh vừa ngọt ngào, dễ thương thể hiện đặc trưng của truyện cổ tích. Phong cách giàu mực của ông đã được mọi lứa tuổi yêu thích và đánh giá cao qua nhiều tác phẩm, như Peter Pan trong vườn Kensington, Alice ở xứ sở thần kỳ, Hansel and Gretel, Gió trên rặng liễu, Gulliver phiêu lưu ký và Truyện cổ Grimms.
Ở Pháp lại có họa sĩ Edmund Dulac (1882-1953), một chuyên gia chuyển tải rất hay các chủ đề phương Đông và là một người tiền phong sử dụng bảng màu trong tranh minh họa, làm ra các họa tiết đầy màu sắc. Sự tao nhã mà ông mang đến trong thần thoại, truyện cổ tích được xem là vô địch thiên hạ, cũng như khả năng làm chủ vẻ đẹp siêu thực đến nay vẫn khiến bao người kinh ngạc, cho họ nhớ về các tác phẩm, như Thủy thủ Simbad, Alibaba và 40 tên cướp, Con ngựa thần, Rubaiyat của Omar Khayyam, Áo mới của nhà vua, Bà chúa Tuyết cùng nhiều câu chuyện khác trong truyện cổ Andersen.
Minh họa Người đẹp và quái vật của Walter Crane 1874
Họa sĩ người Hungary Willy Pogany (1882-1955) cũng là một bậc thầy về tranh truyện. Ông không chỉ là một nhà minh họa mà còn là nhà văn, họa sĩ tranh tường- chân dung, đạo diễn nghệ thuật. Những bức tranh sơn dầu và màu nước của ông rất hợp với cả chủ đề huyền thoại lẫn ngụ ngôn, ca kịch và tiểu thuyết. Chuyên vẽ cho sách thiếu nhi, tranh của ông được coi là rất giàu Art Nouveau, tân nghệ thuật, nhấn mạnh tới sự tươi sáng, uốn lượn, êm đềm nhờ đã sử dụng những gam màu ấm áp, nên thơ, kết hợp giữa màu nước, sơn dầu và mực. Có thể thấy điều ấy qua các tác phẩm, như Bộ lông cừu vàng, Odyssey du ký, Ngôi đền Nero bên sông Nile, Câu chuyện thành Troy, Những người con của Odin, Cô bé quàng khăn đỏ…
Tại Mỹ, họa sĩ Howard Pyle (1853-1911) là một đại thụ trong làng minh họa truyện, thậm chí ông còn được mệnh danh là cha đẻ của tranh minh họa Mỹ khi xuyên suốt các đề tài từ lịch sử tới các cuộc chiến và giấc mộng Mỹ, trong đó hiện lên các chàng cao bồi, các anh hào, những tên cướp biển. Khả năng nhìn nhận về những chuyển động tinh tế trên biển và các trận đánh của ông đã thu hút bạn đọc năm châu đến với văn học, và ai nấy đều xem ông là người kể chuyện bằng tranh hay nhất thế kỷ 19 với nhiều bức tranh trên cả sách truyện lẫn báo chí như Harper,s Weekly, St. Nicholas và Scribner,s Magazine. Ông đã điều chỉnh kỹ thuật của mình cho tương hợp với mỗi câu chuyện được minh họa dựa trên nhiều phong cách khác nhau, gồm chủ nghĩa tiền Raphael, chủ nghĩa thẩm mỹ, chủ nghĩa tượng trưng và hội họa hiện thực. Nhờ thế tranh rất rực rỡ, ngay cả bóng tối, sóng gió cũng lung linh. Mặc dù đề tài là thần tiên, anh hùng song những gì diễn ra trong bức vẽ lại khá chân thực như người. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông là các minh họa cho truyện và tiểu thuyết: Huyền thoại biển, Nàng tiên cá, Chim sơn ca, Những chuyến phiêu lưu vui vẻ của Robin Hood, Vua Arthur và các hiệp sĩ, Những nhà vô địch bàn tròn…
Minh họa Ngôi đền Nero bên sông Nile của Willy Pogany 1947
Mặc dù không được đào tạo bài bản và sự nghiệp chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nữ họa sĩ Virginia F. Sterrett (1900-1931) vẫn sánh ngang với các danh họa người Mỹ khác nhờ các họa phẩm đẹp như mơ. Tranh của bà tác động tới thế giới bằng một cách tiếp cận rất khác Howard Pyle. Đó là sự ca ngợi thiên nhiên cực kỳ tươi đẹp, nhà cửa cũng thật tráng lệ, còn con người thì luôn kiều diễm. Thành tựu của bà là mang lại một vẻ đẹp trong sáng, diệu vời đúng như thần tiên và được truyền cảm hứng từ những câu chuyện dân gian về những vương quốc huyền bí, xa xôi, những nàng công chúa, những lâu đài, những con rồng mà bà đã nghe từ nhỏ lẫn những khó khăn, bệnh tật trong cuộc đời khiến bà gửi vào tranh tình yêu sự sống. Mọi thứ được tạo ra bằng cọ và bút chì nên rất thanh thoát, nhẹ nhàng song cũng không kém phần mê hoặc, quyến rũ. Không ai ngờ nhiều bức tranh minh họa nổi tiếng thế giới đã được thực hiện khi bà mới 20 tuổi và nằm trên giường bệnh. Chủ yếu bà vẽ cho ba đề tài: Truyện cổ châu Âu hay Tanglewood Tales, trong đó có Proserpina từ chối quả lựu, Nàng Europa và con bò đực, Ulysses tại cung điện của phù thủy Circe; Truyện cổ tích Pháp - French Fairy Tales với Vị thần của núi, Công chúa Rosalie, Cô gái tóc vàng và con rùa; Truyện Những đêm Ả Rập- Nghìn lẻ một đêm với Nàng Scheherazade, Aladdin và cây đèn thần, Câu chuyện về Baba Abdallah.
Có thể nói, thế giới của tranh minh họa hết sức rộng lớn và màu nhiệm. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu bản vẽ đã hình thành và lan tỏa khắp thế giới, từ truyện tranh cho thiếu nhi đến sách cho người lớn, rồi các minh họa nhà cửa, phương tiện. Đặc biệt từ tranh truyện thú vị và rực rỡ, vào thập niên 30 của thế kỷ trước đã nảy sinh loại phim ảnh động cụ thể là phim hoạt hình của Walt Disney. Hiện nay, cứ sau một bộ truyện tranh sẽ có một bộ phim hoạt hình tương ứng và ngược lại cho thấy sự hấp dẫn, lôi cuốn của tranh truyện. Hơn thế, do sự phát triển của tiểu thuyết đồ họa và ngành công nghiệp trò chơi điện tử lẫn việc sử dụng minh họa trên báo chí ngày càng tăng, loại tranh này đang trở thành một loại hình nghệ thuật giải trí đặc sắc thu hút toàn cầu và có nhiều bức tranh cổ xưa có giá trị sưu tập rất cao, khi bán đấu giá có thể lên tới hàng chục triệu USD.
CHU MẠNH CƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024