Ở thời điểm hiện tại, người Lô Lô đen là một trong 6 dân tộc có dân số dưới 5.000 người. Bà con cư trú chủ yếu tại 2 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Hơn 3.000 người trong số đó sinh sống tại các xã: Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm); Cô Ba, Hồng Trị, Kim Cúc (huyện Bảo Lạc). Tuy là dân tộc ít người nhưng bà con có lịch sử, ngôn ngữ riêng; có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc với những tín ngưỡng, lễ hội dân ca, dân vũ, không gian kiến trúc (nhà sàn), trang phục, nghề thủ công truyền thống…
Thầy mo chính thực hiện nghi thức cúng trâu tươi
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác cùng chung sống trên dải đất hình chữ S, trên dặm dài lịch sử, người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng lao động, sản xuất nông nghiệp hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên, phải “Trông trời, trông đất, trông mây”. Bà con sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên và tin rằng “vạn vật hữu linh” - mọi thứ đều có linh hồn, có thế giới ma, thế giới trên trời, thế giới trần gian. Các dạng thức tín ngưỡng chủ yếu của người Lô Lô đen là thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công, thờ các loại ma, thần linh… liên quan đến chu kỳ đời người, thờ cúng nông nghiệp.
Trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng, không thể không nhắc tới nghi lễ cầu mưa. Lễ cầu mưa (cúng thần rừng) tiếng Lô Lô gọi là Mề Pỉ. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, lao động, sản xuất được người dân lưu giữ và bảo tồn từ đời này qua đời khác. Lễ cầu mưa là ngày hội lớn, linh thiêng của dân làng với rất nhiều nghi thức cấm kỵ buộc mọi người đều phải tuân thủ. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin được giới thiệu Lễ cầu mưa của người Lô Lô đen xóm Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, từng được tái hiện tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ 1.
Thiếu nữ Lô Lô đen
Nghi lễ được tiến hành với 1 thầy cúng chính, 2 thầy cúng phụ cùng một đội phục vụ nghi lễ, gồm: 4 nam, 4 nữ đồng thời sự tham gia đông đủ của bà con người dân tộc Lô Lô trong xóm.
Nghi lễ cầu mưa thường được bà con tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch, không cố định ngày đầu tháng hay cuối tháng mà phụ thuộc vào sự sắp xếp thời gian của thầy mo chính trong bản. Song, điều đặc biệt theo quan niệm của đồng bào, ngày diễn ra nghi lễ bắt buộc phải là ngày thìn (rồng) vì chỉ có ngày thìn thì thần Rừng mới cho mưa để cây cối tốt tươi, muôn vật sinh sôi nảy nở. Lễ vật thờ cúng để dâng lên cho các loại ma và thần linh trong nghi lễ này bao gồm: 1 con trâu, 1 con chó, 3 con gà to, 1 con gà con và 1 mâm xôi. Những lễ vật đó được tất cả các gia đình người Lô Lô đen trong xóm cùng nhau đóng góp theo hương ước.
Sau khi thầy mo chính đã chọn được ngày để hành lễ, trưởng xóm sẽ cử những người trong cùng khu vực cư trú chuẩn bị sẵn các lễ vật. Các thanh niên sẽ đến khu rừng thiêng (nơi sinh sống của các vị thần linh vẫn luôn bảo vệ, phù hộ cho dân làng) quét dọn và làm sẵn một khung nhà gỗ nhỏ để chuẩn bị cho việc thực hiện nghi thức chôn gà. Cần nói thêm là, với người Lô Lô đen ở tỉnh Cao Bằng, từ xa xưa, mỗi xóm làng đều có một khu rừng riêng của mình. Mọi người dân trong xóm đều có trách nhiệm phải cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và không ai được chặt phá cây trong rừng. Riêng với những gia đình đang có người ở cữ thì tuyệt đối không được đi vào khu rừng này.
Hai thầy mo phụ thực hiện nghi thức cúng chó và cúng gà
Tới ngày hành lễ, những người tham gia sẽ đến cùng ăn sáng tại nhà thầy mo chính. Trước đó, làng đã chuẩn bị sẵn các con vật làm lễ, gồm: trâu, gà, chó, một mâm xôi, năm cái chén, năm đôi đũa, một bát gạo và kèm một chút lễ cảm ơn thầy kẹp trong giấy đỏ được sắp sẵn trên mâm vuông bằng gỗ hoặc cây trúc.
Đúng giờ, từ nhà thầy mo, đoàn sẽ di chuyển đến rừng thiêng theo trình tự: Con trâu được dắt đi trước, tiếp đến là mâm đồ lễ được bốn người khiêng 4 góc cùng các con vật lễ, thầy mo chính, hai thầy mo phụ cùng đoàn nghi thức hát và dân làng đi sau.
Lúc đến không gian được chuẩn bị trước trong rừng thiêng của làng thì mâm đồ lễ và các con vật được đặt theo trình tự từ phải qua trái: Đầu tiên là mâm lễ cúng bên cạnh khung nhà gỗ đã được làm trước đó, con trâu tiếp theo, 3 con gà và con chó được đặt ở ngoài cùng. Sắp xếp xong đồ lễ, thầy mo chính sẽ có lời báo cáo đến thần linh:
“Hôm nay ngày lành tháng tốt, xóm Cà Pẻn A có lễ vật dâng lên xin các vị thần linh chứng giám và phù hộ cho người dân làng”.
Thầy mo chính thực hiện nghi thức chôn gà
Tiếp theo, dân làng sẽ mổ những con vật làm lễ. Khi đã xong công đoạn cắt tiết, các thầy mo sẽ thực hiện nghi thức cúng tươi một lượt để dâng lên đến các loại ma và thần linh, trong đó, 2 thầy mo phụ sẽ thực hiện trước: Đầu tiên, thầy phụ thứ nhất cúng 3 con gà, với ý nghĩa cúng cho các loại ma dại đang lang thang trong khu rừng thiêng: “Hôm nay, xóm Cà Pẻn A làm lễ cầu lộc. Nghi lễ này chỉ dành riêng cho những người trong xóm và nhũng vị thần linh cùng tổ tiên của xóm. Những con ma dại hãy nhận lễ của làng rồi đi chỗ khác chứ không được tham dự ở đây”.
Tiếp theo, thầy phụ thứ 2 cúng con chó với ý nghĩa cúng các loại ma bẩn (ma không đem lại sự may mắn):
“Hỡi các loại ma không đem lại sự may mắn, hôm nay, xóm Cà Pẻn A làm lễ cầu lộc. Trước khi làm lễ, làng có chuẩn bị lễ riêng dâng lên, ma bẩn không được quấy phá mà hãy đến nhận và mang những sự không may mắn ra khỏi khu rừng để xóm tổ chức làm lễ được linh nghiệm. Hôm nay, chỉ có thần linh và ma tổ tiên của riêng xóm Cà Pẻn A chứng giám, phù hộ”.
Sau khi 2 thầy phụ cúng xong, thầy chính trên tay cầm một cành cây được chặt ở rừng thiêng sẽ tiến hành nghi thức cúng trâu, với ý nghĩa:
“Hỡi các vị thần linh và tổ tiên của xóm Cà Pẻn A, các loại ma dại, ma bẩn đã được đuổi đi, giờ đây khu rừng đã được khai quang trong sạch, xin mời các vị thần linh hãy đến chứng giám và phù hộ cho dân làng có được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khỏe, bình an”...
Khi thầy cúng xong lần một, trâu được xẻ lấy 1 chân sau đặt lên mâm để thầy cúng thêm một lần nữa. Đồng thời, bà con xẻ thêm một ít thịt trâu, 3 giẻ xương sườn cùng một ít gan… mang đi luộc trước để chuẩn bị cho nghi thức tiếp theo. Phần thịt còn lại cùng các con vật khác sẽ được dân làng cùng nhau đem ra chế biến làm thực phẩm cho bữa ăn tại rừng.
Điều bắt buộc trong nghi thức này là dân làng sẽ dùng cây trong rừng để làm kiềng nấu bếp, chứ không được chuẩn bị và mang theo kiềng từ nhà đi. Sau khi luộc chín phần thịt trâu làm lễ, thịt sẽ được chặt nhỏ, chia đều cho các mâm xung quanh cùng với mâm thầy cúng. Lúc này, mỗi gia đình người Lô Lô đen trong xóm sẽ cử 1 thành viên ăn trước cùng thầy (ăn cùng thần linh). Khi ăn, mọi người tuyệt đối không được nói chuyện mà phải ăn theo sự chỉ dẫn của thầy mo chính. Thời điểm thủ tục ăn cùng thần linh xong, thầy mo chính sẽ đứng dậy hô một câu thần chú, mọi người đồng thời đứng dậy, rời khỏi vị trí ngồi của mình đến các mâm cỗ đã được chuẩn bị sẵn cho bữa tiệc (các mâm cỗ được chuẩn bị theo số lượng mỗi gia đình 1 mâm - ngoại trừ mâm của thầy cúng và đội hát lễ phải ngồi riêng thì các thành viên khác trong xóm sẽ ăn uống giao lưu vui vẻ cùng bà con trong xóm và những vị khách được mời đến tham dự). Lúc này, thầy cúng cũng sẽ thực hiện nghi thức chôn gà con (nghi thức quan trọng để xác định buổi lễ có thành công hay không). Theo quan niệm của người Lô Lô đen, gà chôn xuống đất sau 3 ngày quay lại mà hố chôn không bị thủng thì nghi lễ đã được thần linh chứng giám và dân làng trong năm được mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Nếu hố chôn gà bị thủng thì buổi lễ chưa được thần linh công nhận - thầy mo chính cùng dân làng sẽ chọn ngày và thời điểm thích hợp để thực hiện lại nghi thức này lại cho đến khi được linh nghiệm.
Giới thiệu những nét đặc sắc trong văn hóa người Lô Lô đen
Trong khi mọi người đang ăn uống vui vẻ thì tại mâm của thầy mo, đội nghi thức sẽ hát đối đáp với nhau bằng những làn điệu dân ca của người Lô Lô (mỗi bên 2 người). Một bên sẽ hát trong vai người được làng cử đi tìm mua trâu: “Trong làng có nhiều người biết tìm trâu, biết mua bán không nhờ, lại nhờ đội tôi đi, rồi lấy được con trâu không như ý. Khi làm lễ sợ rằng thần linh cùng các thầy và xóm bản ưng ý. Nhưng đã được nhờ thì chúng tôi vẫn đi, đến hôm nay công việc coi như đã hoàn thành còn những thiếu sót rất mong thần linh, thầy mo và xóm bản chấp nhận”...
Bên hát đối lại trong vai thay mặt thầy mo cùng làng bản: "Cảm ơn các anh đã đi tìm được con trâu to nhất trong chợ, các vị thần linh cùng các thầy và xóm làng đã được ăn no đủ. Năm nay, các vị thần linh sẽ cho mưa thuận, gió hòa để xóm mình có mùa màng tươi tốt ấm no".
Sau khi dân làng đã ăn uống xong, mọi người cùng nhau đưa thầy mo chính về. Đội nghi lễ sẽ cùng nhau hát mở đường đưa thầy về với ý nghĩa: “Thầy mo cùng mọi người đã ăn no đủ cả, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau đi về thôi. Để tránh làm ướt và bẩn quần áo của thầy, 30 người hãy đi trước, 30 người hãy đi sau để phát quang đường và đuổi ruồi muỗi che sương cho thầy...”. Về đến nhà thầy, mọi người lại cùng nhau uống nước nói chuyện, đội hát tiếp tục hát. Một bên thay mặt làng xóm hát: “Cảm ơn thầy hôm nay đã giúp xóm, xin các vị thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận, gió hòa. Chúc thầy và mọi người trong gia đình luôn mạnh khoẻ ấm no, mong thầy sẽ tiếp tục giúp bản làng báo cáo đến các vị thần linh và tổ tiên khi có việc được nhờ đến”; một bên đại diện thầy mo hát đối lại với ý nghĩa: “Cảm ơn xóm làng đã tin tưởng và chọn thầy làm lễ, nếu có gì còn sai sót mong làng xóm chấp nhận. Giờ đây, công việc đã gần hoàn thành trọn vẹn, thầy sẽ tiếp tục thực hiện đủ nghi thức để thần linh công nhận và chứng giám cho xóm làng, chúc xóm ta năm nay mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khoẻ và làm ăn phát đạt”.
Về phần thầy mo chính, để đảm bảo tính linh thiêng và hiệu nghiệm trong nghi thức này, sau khi làm lễ ở rừng về đến nhà từ 24h trở đi, thầy không được phép nói chuyện nữa, mà sẽ ở trong phòng riêng của mình, kể cả bộ quần áo thầy mặc để hành lễ cũng không được phép thay. Đến sáng ngày thứ 3, thầy tự đến khu rừng thiêng thắp hương kiểm tra hố chôn gà rồi quay về nhà cùng ăn sáng với các thành viên được xóm cử đi mua trâu. Sau đó, thầy cùng mọi người sẽ trở lại cuộc sống thường ngày của mình.
THANH HÀ - MA VĂN ĐỐNG
Ảnh: TUẤN MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024