"Vài giọt Tháp Chàm" ở Bình Định qua di sản ảnh

Tháp Đôi qua ống kính của Fanny Lemire năm 1888

Kinh đô Vijaya (nằm ở địa phận tỉnh Bình Ðịnh ngày nay) của vương quốc cổ Champa, một vương quốc đã từng có giai đoạn phát triển rực rỡ trong lịch sử cổ trung đại Ðông Nam Á. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ 11-15, Kinh đô Vijaya - Bình Ðịnh đã đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng nhất của vương quốc Champa. Nơi đây có nhiều phế tích, di tích kiến trúc đền tháp, di chỉ khảo cổ và vô số tác phẩm điêu khắc minh chứng cho quá khứ vàng son của cố đô vương quốc Champa. Vẻ đẹp của những ngôi tháp Chàm Bình Ðịnh đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh... Cố nhạc sĩ Văn Cao khi đi qua vùng đất này cũng đã thả hồn với câu thơ đầy chất hội họa: “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt Tháp Chàm”

Tháp Chăm ở Bình Ðịnh cũng được các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ, nhà nhiếp ảnh người Pháp đưa vào ống kính máy ảnh. Có thể kể đến tên tuổi của các vị “tiền bối” này như Ch. Lemire, André Sallet, Parmentier, Jacques Dournes... Người chụp nhiều ảnh tháp Chàm ở Bình Ðịnh là ngài Công sứ Pháp Ch. Lemire. Năm 1881 Ch. Lemire được bổ nhiệm làm công sứ Pháp (résident) tại Qui Nhơn, sau đó tại Touranre (Ðà Nẵng) và Faifo (Hội An). Trong lúc làm công sứ ở Qui Nhơn, ông chụp khá nhiều bức ảnh về kiến trúc Champa ở Bình Ðịnh như tháp Bánh Ít, Tháp Ðôi, tháp Dương Long (tháp Ngà), tháp Cánh Tiên, tháp Bình Lâm, tháp Phú Thiện, tượng voi đá thành Ðồ Bàn... Tháp Bánh Ít có các tên gọi khác là Tri Thiện, Thị Thiện, Thiện Mẫu, Bà Gi hay Thổ Sơn Cổ Tháp. Người Pháp đặt tên là Tour D’Argent (Tháp Bạc). Cùng với Tháp Ðôi, tháp Bánh Ít do Ch. Lemire chụp vào năm 1886, với nhiều góc độ khác nhau, được xem là những bức ảnh xưa nhất chụp về kiến trúc Champa tại Miền Trung Việt Nam. Những bức ảnh của ông đã được in ấn, xuất bản thành sách và làm bưu ảnh, lưu trữ ở nhiều bảo tàng, thư viện tại nước Pháp. 

Tháp Bánh Ít qua ống kính của Lemire chụp năm 1898, đã xử lý chỉnh màu bằng AI

Nhiều bức ảnh có giá trị nghệ thuật, tư liệu độc đáo khi kịp thời ghi lại cảnh quan, hiện trạng, dáng vẻ của từng ngôi tháp, cụm tháp, tác phẩm điêu khắc khi các nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh đặt chân đến. Tiêu biểu như bức ảnh chụp thần Shiva đứng (Thần Hủy diệt và Tái tạo) với 10 tay và 5 đầu do Ch. Lemire chụp tại Tháp Bạc (Bánh Ít) vào năm 1888. Nó được in trong bộ sách ảnh của Marie, Fanny. Trong công trình này có in bức ảnh tháp Bánh Ít của Ch. Lemire chụp. Hai ngôi tháp cổ trầm mặc, uy nghi trên đồi cao. Ðiều thú vị trong bức ảnh này có xuất hiện một toán lính An Nam đang cử hành một nghi lễ với trống, kèn, cờ phướn trang nghiêm. Các ngôi tháp được bảo vệ bởi hàng rào tre giống như các hàng rào làng/palei Chăm. Khả năng trong những ngôi tháp này, lúc đó vẫn còn bức tượng Shiva nên Ch. Lemire mới có may mắn có cơ hội lưu vào ống kính máy ảnh của mình. Bên cạnh Ch. Lemire, các nhà khảo cổ khác cũng có nhiều bức ảnh chụp về tháp Bánh Ít như André Sallet chụp năm 1889 và những năm 1920-1929, Parmentier chụp năm 1909.

Tháp Đôi qua ống kính của René Tétart,chụp năm 1919

Tháp Ðôi còn được gọi là tháp Hưng Thạnh, hiện tọa lạc trên đường Trần Hưng Ðạo, phường Ðống Ða, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Ðây là cụm tháp được nhiều nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh ghi chép lại với nhiều góc độ, thời điểm khác nhau. Ðiều đáng nói là trong khi tàng di sản ảnh, có đến hàng chục bức ảnh của nhiều tác giả có tên và không tên chụp về Tháp Ðôi. Người chụp nhiều ảnh Tháp Ðôi là André Sallet. Ông đảm nhiệm chức vụ thanh tra cho chính quyền thuộc địa nên có điều kiện thăm viếng nhiều nơi, ghi lại những thắng cảnh, di tích và đời sống sinh hoạt của người An Nam cuối thế kỷ XIX. Ông để lại rất nhiều hình trên kính (plaques de verre) tại Hội Ðịa lý Paris (Société de Géographie de Paris). Trong năm 1896 André Sallet đã chụp bộ ảnh về Tháp Ðôi khá hoàn hảo với độ nét khá cao, thấy rõ các chi tiết kiến trúc, mảng trang trí hoa văn trên toàn bộ ngôi tháp. Ðặc biệt, nhà nhiếp ảnh này đã ghi lại nhiều góc độ, phương hướng của ngôi tháp, vừa đặt tả cận cảnh vừa mở rộng không gian để ngắm ngôi tháp từ xa, lột tả nét đẹp toàn diện của ngôi tháp. Ông cẩn thận đặt chân máy ở nhiều góc khác nhau: Thứ tự góc nhìn từ hướng phía Bắc, hướng phía Ðông - Bắc ở góc nhìn cận cảnh, hướng phía Nam và Ðông - Nam. Tháp Ðôi qua ống kính của Paule Le Scour, chụp trong khoảng thời gian thập niên 30- 40 của thế kỷ trước có sự hiện diện của con người Bình Ðịnh. Ðó là bức ảnh chụp hai người nông dân đội nón lá, gồng gánh đứng trước ngôi tháp. Họ gánh đôi giỏ tre trên vai, vật dụng của nhà nông. Cho thấy, xung quanh sát kề bên ngôi tháp là cánh đồng trồng khoai lúa, nhà cửa thưa vắng. 

Tháp Đôi qua ống kính của Jacques Dournes, chụp năm 1969

René Tétart là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng cũng chụp một số bức ảnh về Tháp Ðôi vào năm 1919. Cuối năm 1916, theo đề nghị của Albert Sarraut, Toàn quyền Ðông Dương, Chính phủ Pháp cử đoàn nhiếp ảnh, điện ảnh quân đội sang Ðông Dương quay phim, chụp ảnh để giới thiệu về cuộc sống, phong tục, phong cảnh đất nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhà nhiếp ảnh Réne Tétard đã chụp hàng trăm bức ảnh về con người và phong cảnh ở nhiều địa phương trong nước. Ông có những bức ảnh khá ấn tượng về bờ xe nước qui mô với nhiều bánh xe nước ở sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1921. Nhà nhiếp ảnh này cũng có chụp một số ảnh về Tháp Ðôi vào năm 1919. Bức ảnh chụp ngôi tháp lấy tiền cảnh là các bụi dứa dại để khắc họa quang cảnh thơ mộng, hoang sơ nơi ngôi tháp tọa lạc. Tháp Ðôi cũng từng lọt vào ống kính của Jacques Dournes, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp. Ông chụp bộ ảnh vào ngôi tháp này vào năm 1969 và được lưu trữ ở Bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac. 

Với số lượng ảnh phong phú được tạo ra bởi nhiều nhà nhiếp ảnh đương thời nên Tháp Ðôi được phổ biến, in ấn nhiều nhất, xuất hiện trên bưu ảnh, tiêu biểu là bức ảnh của Pierre Godson còn in dấu bưu điện và dán tem cô gái cầm cành ô liu nổi tiếng trong bộ Ðông Dương. Ngoài những bức ảnh có ghi tên tác giả, nhiều ảnh chụp tháp Chăm ở Bình Ðịnh không rõ tác giả, tiêu biểu là bộ ảnh tháp Cánh Tiên, thuộc phế tích thành Ðồ Bàn, người Pháp đặt tên là Tháp Ðồng (Tour de cuivre). Sở dĩ tháp có tên gọi “Cánh Tiên”, theo người dân trong vùng, vì nhìn từ xa, ngọn tháp đẹp như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời. Một số ảnh chụp tháp Cánh Tiên được lưu giữ ở Bảo tàng Branly-Jacques Chirac có giá trị nghệ thuật, không có tên tác giả.

Không ảnh tháp Cánh Tiên, Nhơn Hậu do phi công Mỹ chụp vào những năm 60 của thế kỷ trước

Tháp Dương Long, người Pháp đặt tên là Tháp Ngà (Tour d’ Ivoire) được người Chăm xây dựng khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, thuộc thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh. Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chàm đẹp nhất Miền Trung, đã được Nhà nước công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 23/12/2015. Tuy nhiên, trong kho tàng di sản ảnh, tháp Dương Long không được phổ biến như Tháp Ðôi, tháp Bánh Ít. Phải chăng do tháp Ngà không thuận tiện đi lại, nên ít được các nhà nhiếp ảnh lưu tâm. Tuy nhiên, ngôi tháp này cũng được đưa vào bộ sưu tập các ngôi tháp Chăm ở Bình Ðịnh của Công sứ Ch. Lemire. Trong ảnh của ông, các ngôi tháp bị che khuất bởi những cây lớn nên chỉ thấy những búp sen lớn trên đỉnh tháp, không thấy nhiều vẻ đẹp kiến trúc và điêu khắc ở thân tháp.

Việc chiêm ngưỡng và chụp ảnh tháp Chăm từ trên không ngày nay khá đơn giản và phổ biến. Tháp Hòn Chuông cao ngất trên chóp núi thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh ở Bình Ðịnh cũng đã được đưa vào ống kính bằng flycam. Tuy nhiên, trước đây việc chụp không ảnh các ngôi tháp không phải là việc dễ dàng. Trước năm 1975, một số phi công Mỹ ảnh chụp không ảnh một số ngôi tháp Chăm ở Bình Ðịnh. Tháp Bánh Ít được chụp không ảnh nhiều nhất. Một số bức ảnh màu và đen trắng chụp không ảnh các ngôi tháp có nét đẹp như tranh, đó là tháp Phú Lốc ở An Nhơn, người Pháp thì gọi ngôi tháp này là Tháp Vàng (Tour d’Or) hay tháp Cánh Tiên ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Ðặc biệt, Tháp Ðôi qua không ảnh thấy được toàn cảnh ngoại thành thành phố Quy Nhơn vẫn còn hoang sơ, nhà cửa thưa thớt vào những năm thập niên 60 của thế kỷ trước.

Không ảnh Tháp Đôi, Quy Nhơn, Bình Định do phi công Mỹ chụp

Các nhà nhiếp ảnh người Pháp cũng đã để lại cho đời sau nhiều bộ sưu tập ảnh quý giá về các di tích đền, tháp Champa ở Miền Trung nói chung, Bình Ðịnh nói riêng. Nhiều ảnh được chụp vào những năm cuôi thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi họ đến đây làm công tác nghiên cứu, khảo cổ, ghi chép lại dấu tích của một nền văn minh một thời rực rỡ, huy hoàng. Các bức ảnh quý giá này hiện đang lưu trữ ở Viện Viễn Ðông Bác Cổ (EFEO), Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac và các thư viện lớn của nước Pháp. Hình ảnh về các ngôi tháp Chăm ở Bình Ðịnh cũng được sưu tầm, chia sẻ trên internet, các trang mạng xã hội, Facebook...Ðó là những viên ngọc sáng giá mà những nhà nhiếp ảnh đi trước dâng tặng cho các thế hệ mai sau để tìm hiểu, nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị của nền văn hóa Champa ở dải đất Miền Trung Việt Nam.

TS TRẦN TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024

;