Tiểu luận về nghệ thuật An Nam của học giả người Pháp Louis Bezacier do Nhã Nam và NXB Thế Giới phát hành, như một lời phản biện trước những luận điểm dưới thế kỷ 20 cho rằng nghệ thuật An Nam là “bản sao lỗi” hay “nghệ thuật thuộc địa” của Trung Hoa.
Cung An Định (Huế) - nơi thể hiện sự giao thoa trong kiến trúc phương Đông và phương Tây - Ảnh Hà Thành
Tư tưởng tách biệt khỏi nền nghệ thuật lớn
Những luận điểm lỗi thời kể trên đến từ việc nghệ thuật An Nam, đặc biệt hơn là kiến trúc, được nghiên cứu muộn hơn trong lĩnh vực khảo cổ học Ðông Dương. Bởi một số lý do như vị thế của Angkor và các nền nghệ thuật có nguồn gốc Ấn Ðộ quá lớn, đã lấn át nền nghệ thuật ở xung quanh. Hay do những di tích của nghệ thuật cổ An Nam đã vắng mặt theo thời gian. Cùng với đó, nghệ thuật An Nam, theo nhận định của Bezacier, mới chỉ tồn tại được hơn 10 thế kỷ, tính từ thế kỷ IX, nên nó tương đối trẻ so với các quốc gia trong khu vực. Dẫu vậy, ông cũng rất quyết liệt khi tuyên bố, “đây không phải lý do để coi thường hay gièm pha nó”. Bởi với ông, nghệ thuật An Nam đã biết cách thoát khỏi nghệ thuật Trung Hoa - nền nghệ thuật truyền cảm hứng cho mình, đồng thời cũng có những bước phát triển riêng biệt.
Ngay từ chương đầu trong tác phẩm, ông đã khẳng định tinh thần thoát ly khỏi cái bóng của nghệ thuật Trung Hoa rất cứng rắn. Ðiều này thể hiện qua khảo cứu về đình làng Bắc Bộ. Dù vẫn còn chút mơ hồ về nguồn gốc, tuy nhiên, ông đã phủ nhận nhận định dạng thức kiến trúc này xuất phát từ Trung Hoa. Trong Doanh tạo Pháp thức (cuốn sách về kiến trúc hoàn thiện vào năm 1103 tại Trung Hoa), có đề cập rằng công trình này là nơi người dân an cư, tồn tại dưới triều Hán. Chữ “đình” có nghĩa là dừng lại hoặc ở lại, phán xét hoặc dàn xếp. Thế nhưng, tên gọi là chưa đầy đủ và chưa thuyết phục để chứng tỏ được gì về nguồn gốc Trung Hoa.
Sách Tiểu luận về Nghệ thuật An Nam - Louis Bezacier
Bezacier cũng nhận định, đây là công trình kiến trúc An Nam duy nhất được xây trên cột trụ nhà sàn. Trong khi đó, kiến trúc đình của Trung Hoa lại được xây dựng trên mặt đất. Và dường như phương pháp xây dựng kiến trúc này có vẻ là không được biết đến ở Trung Hoa. Nếu có, thì cũng là được du nhập nhờ những kẻ xâm lược trong quá trình đô hộ phương Nam, trong đó có miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Thay vào đó, khi nghiên cứu về văn hóa Ðông Sơn nhằm giải mã về lịch sử nghệ thuật An Nam, ông lại phát hiện điểm tương đồng với kiến trúc của Indonesia. Tại đây, toàn bộ các công trình đều được xây dựng trên cột trụ nhà sàn. Chính vì thế, ông đã nảy sinh mối hoài nghi, sự "tương phùng" trong tư duy xây dựng giữa 2 quốc gia này có gì liên quan tới nhau.
Bản vẽ mặt cắt kiến trúc đình làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh
Qua quá trình nghiên cứu về văn hóa Ðông Sơn tại Việt Nam, Bezacier đã phát hiện mối liên hệ sâu sắc với văn hóa của tộc người Dayak tại đảo Borneo và tộc người Battak tại đảo Sumatra (Indonesia). Song, ông không tìm được bất kỳ tài liệu nào chứng minh mối liên hệ, sự chuyển tiếp của nền nghệ thuật Ðông Sơn với nền nghệ thuật An Nam được biết đến sau này. Vì vậy, dưới góc nhìn cá nhân, ông đã tạm tách nghệ thuật Ðông Sơn ra khỏi dòng lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Ðồng thời, ông cũng gạt bỏ những ngôi mộ gạch cùng những đồ tuẫn táng của người Hán trong giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc ra khỏi dòng nghệ thuật này. “Vì chúng không có vẻ gì là được làm ra trên quốc gia này”, dường như Bezacier đặt nghi vấn chúng được tạo ra ở Trung Hoa, rồi mang sang nước ta trang trí thì phải. Từ những nhận định được viết trong sách, đã lý giải tại sao Bezacier tính tuổi “khai sinh” cho nghệ thuật An Nam bắt đầu từ thế kỷ IX.
Minh định lại tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam
Từ đây, Bezacier đã chia nghệ thuật An Nam làm 4 giai đoạn chính. Cụ thể, thời kỳ Ðại La kéo dài từ thế kỷ IX đến XI. Kế đến là thời kỳ nhà Trần từ thế kỷ XII đến XIV. Thời kỳ nhà Lê tiếp nối từ thế kỷ XV đếnXVIII. Cuối cùng, thời kỳ nhà Nguyễn từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Hình tượng Kinnari được phát hiện ở chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: Kiến Thức
Tiêu biểu cho thời kỳ nghệ thuật Ðại La có thể kể tới hình tượng người mình chim Kinnari - cũng là điển hình cho sự giao thoa đa văn hóa trong mỹ thuật An Nam. Trên hình tượng này có vô số những bông hoa tái hiện trên búi tóc của tượng, và tạo thành một dải vấn đầu quanh trán. Chi tiết này được ông chỉ ra giống với điêu khắc và hội họa Trung Á. Ngay từ giai đoạn nhà Lý, nghệ thuật Việt Nam đã được nhận định là sự tổng hòa của nhiều nền nghệ thuật. Hay nói như Bezacier, các điêu khắc dưới thời kỳ này là “tượng trưng cho sự gặp gỡ giữa những hệ quả cuối cùng của nghệ thuật Hindu khi đi qua khu vực Trung Á, với một mặt là nghệ thuật Trung Hoa và mặt khác là nghệ thuật Chăm”.
Rời xa sự mảnh mai, tinh tế của nghệ thuật Ðại La, nghệ thuật thời Trần có lối thể hiện đồ sộ, năng nề hơn. Biểu hiện qua hình tượng rồng được thể hiện chắc khỏe hơn, không còn mang hình “con giun”, “hình dây” đặc trưng của thời kỳ Ðại La (theo cách dùng từ của Bezacier). Sang thời Lê, nền mỹ thuật được đánh dấu điểm khởi đầu qua một cuộc xâm lược của giặc Minh từ phương Bắc. Cuộc xâm lược này đã mang lại một số yếu tố mới cho nền nghệ thuật An Nam. Ta được chứng kiến một sự bùng nổ về nghệ thuật, với các chủ đề không hoàn toàn mới, song lối biểu hiện lại rất khác biệt. Các đồ án trang trí đã có sự chú trọng hơn đến bố cục. Có thể kể tới họa tiết cành lá, bông hoa được tạo hình uốn lượn đều đặn hơn, sử dụng nhiều yếu tố cách điệu hơn. Hoa sen có xu hướng biến thành đám mây, hay được tạo tác trên các tay vịn nhô ra phía trên các cầu thang. Về mặt hình học, hoa lá được xếp theo các trục dọc cân xứng nhau.
Chum gốm được tạo tác dưới thời Lê có hoa văn đối xứng nhau - Ảnh sưu tầm
Thời kỳ kế đến - thời Nguyễn có sự phân tách ra thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất của thời kỳ nhà Nguyễn trải dài suốt thế kỷ XIX, và giai đoạn sau là đầu thế kỷ XX. Giai đoạn đầu với đặc trưng là các công trình trong Hoàng thành Huế, các lăng mộ. Trong giai đoạn này, ảnh hưởng từ nghệ thuật Trung Hoa, đặc biệt là nghệ thuật cung đình mang màu sắc nhà Minh - Thanh tại Bắc Kinh lưu lại dấu ấn mạnh mẽ. Kiến trúc này trải qua sự biến đổi hoàn toàn khi Khải Ðịnh lên ngôi. Phong cách mới chỉ giữ lại một số mô-típ trang trí truyền thống. Còn lại, kiến trúc bị thay đổi sâu sắc. Trường phái tân cổ điển vốn thịnh hành ở Pháp vào đầu thế kỷ XX đã có sự du nhập vào Ðông Dương, tiêu biểu có thể kể tới cung An Ðịnh. Giai đoạn này nói lên ảnh hưởng Trung Hoa bị thay thế bằng ảnh hưởng phương Tây.
Dù có sự phân chia ra 4 thời kỳ, nhưng nhìn chung, nền nghệ thuật An Nam được Bezacier phác họa là một nền nghệ thuật tôn giáo. Trong đó, tháp Phật, tháp mộ, bàn thờ và tượng pháp phảng phất yếu tố nghệ thuật Phật giáo. Còn Thái miếu, lăng mộ của các vị vua lại mang tính chất nghệ thuật Nho giáo. Ðồng tình với quan điểm này của Bezacier, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn cho hay, nghệ thuật Việt Nam khởi dựng trên nền tảng tôn giáo, tín ngưỡng. Ðây là cũng mạch ngầm chảy xuyên suốt trong nghệ thuật cổ truyền Việt Nam.
Với công lao góp phần khơi thông dòng chảy nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam, PGS-TS. Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán - Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã nhận định, Louis Bezacier là một trong số ít học giả đặt những viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Sau 80 năm kể từ khi công trình được công bố, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra, nghiên cứu đã bộc lộ những thiếu sót của nó, và cần được những thế hệ sau bổ sung, điều chỉnh. Ðấy là điều không thể tránh trong các công trình nghiên cứu. Dẫu vậy, ông Trần Trọng Dương khẳng định, Bezacier vẫn có tầm ảnh hưởng đối với giới nghiên cứu mỹ thuật cho đến ngày nay.
Đĩa trang trí họa tiết hoa sen thời Lê được phát hiện tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam) - Ảnh sưu tầm
Louis Bezacier từng theo học tại Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1926. Tháng 10 năm 1935, Bezacier đến Hà Nội công tác. Tại đây, ông đảm nhiệm vai trò bảo tồn các công trình ở miền Bắc và miền Trung, trong đó có cả các công trình thuộc vương quốc Champa trước đây. Những công trình kiến trúc do Louis Bezacier tu bổ có thể kể đến như: chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), lăng mộ, cung điện triều Lê, cầu theo lối thượng gia hạ kiều,… tại khu vực đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa,…
NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024