Charles Carpeaux và những báu vật “không gì sánh nổi”

Chân dung nhà khảo cổ kiêm nhiếp ảnh Charles Carpeaux

Di sản tư liệu hình ảnh là một loại hình di sản chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản tư liệu. Theo phân loại của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) thuộc Liên hợp quốc thì hình ảnh nằm trong lĩnh vực di sản thông tin tư liệu, tài liệu, có người gọi là tài liệu hình ảnh, nguồn dữ liệu hình ảnh. Các nhà thám hiểm, các nhà nghiên cứu, nhà nhiếp ảnh đã chụp nhiều bức ảnh về con người, kiến trúc và phong cảnh Việt Nam thời kỳ đầu Pháp thuộc đến năm 1954, trước và sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, trong đó có nhiều bức ảnh, bộ ảnh tư liệu quý hiếm về di tích kiến trúc, di vật Champa. Nhà nhiếp ảnh làm nên bộ sưu tập “có một không hai” về Phật viện Đồng Dương và khu di tích Mỹ Sơn chính là Charles Carpeaux, người phụ trách việc chụp ảnh di tích và hiện vật của khu khai quật. Cùng với những phát hiện, khám phá về khu di tích, những bức ảnh của ông thực sự là báu vật để lại cho đời sau.

Tháp Sáng ở khu di tích Đồng Dương lúc còn nguyên vẹn trong ảnh của Carpeaux

Đầu thế kỉ 20, Charles Carpeaux cùng với Henri Parmentier (kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ) - cả hai là nhân viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) - được giao nhiệm vụ nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật Champa. H. Parmentier là người chủ trì khai quật hai di tích quan trọng của Champa ở Quảng Nam: đầu tiên ở Đồng Dương, từ tháng 3 - 10/1902, và sau đó ở Mỹ Sơn từ tháng 3/1903 - 2/1904. Charles Carpeaux (nhà nhiếp ảnh kiêm nhà điêu khắc) đã chụp lại toàn bộ tiến trình khai quật di tích Đồng Dương và Mỹ Sơn. Năm 1901, trước khi đến Miền Trung Việt Nam, ông đã tới Campuchia với vai trò là nhân viên của EFEO chuyên chụp ảnh di tích và giám sát nhân công đang làm việc tại đền Bayon. Tháng 6/1904, khi vừa hoàn thành khai quật khảo cổ ở Mỹ Sơn, Carpeaux bị bệnh và mất ở Sài Gòn ở tuổi 34 do sự gian nan, vất vả của công việc được đảm nhiệm và hơn nữa, ông không hợp phong thổ, khí hậu ở Đông Dương. Năm 1908, tập sách ảnh của Carpeaux có tên: “Les Ruines d’Angkor de Dong Duong et My Son” (Những phế tích Angkor, Đồng Dương, và Mỹ Sơn) xuất bản tại Paris. Tập sách do mẹ của ông là bà J-B. Carpeaux tuyển chọn, tổ chức bản thảo và công bố để phác dựng lại hành trình trải nghiệm, làm việc và khám phá các di sản vùng Đông Dương của con trai mình. Việc làm ý nghĩa và cần thiết này của người thân trong gia đình Charles Carpeaux cũng nhằm tưởng nhớ và ghi nhận công lao đóng góp cho khoa học của ông trong những năm ở xứ sở Đông Dương. Vào tháng 5/1934, Henri Marchal đã cho tạc bức phù điêu bằng đồng đặc tả chân dung ông gắn trên một phiến đá, đặt gần di tích Bayon để tưởng niệm. Bức chân dung này được “sao chép” từ bức ảnh ông đứng trên cửa sổ của một ngôi đền Bayon nhìn ra xa với dung mạo rất nghệ sĩ và hào hoa!

Một mảng tường tháp Đồng Dương trước khi khai quật khảo cổ

Năm 2005, các hình ảnh được chụp bởi Charles Carpeaux trong quá trình khai quật khảo cổ học Đồng Dương và Mỹ Sơn trong khoảng thời gian 1901-1904 đã được Bảo tàng Guimet (Pháp) tập hợp, biên soạn và in lại trong cuốn “Missions archéologiques Françaises au Vietnam - Les monuments du Champa - Photographies et itinéraires 1902-1904”(Phái đoàn khảo cổ Pháp tại Việt Nam - Các di tích Champa - Hình ảnh và hành trình 1902-1904). Những bức ảnh chụp hiện trường khai quật của Carpeaux còn được sử dụng làm minh họa cho công trình “Inventaire descriptif des monuments de l’Annam” của H.Parmenttier cũng như nhiều công trình khác về nghệ thuật Champa của P.Stern và Boisselier. Đây là bộ ảnh rất quý ghi lại diện mạo khu di tích Đồng Dương, Mỹ Sơn lần đầu tiên được khai quật khảo cổ học một cách quy mô. Trong cuốn sách này, tổng số 260 ảnh về di tích Champa được chụp bởi Carpeaux với gần 100 ảnh liên quan đến cuộc khai quật Mỹ Sơn và 97 bức ảnh về di tích, di vật tại hiện trường khai quật khảo cổ Phật viện Đồng Dương. 

 Bệ thờ Đồng Dương được phát lộ tại hiện trường khảo cổ

Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật, ăn ở, đi lại thời bấy giờ, nhà nhiếp ảnh Charles Carpeaux đã đóng góp công sức lớn lao thực hiện nhiệm vụ khai quật khảo cổ học của EFEO tại Đông Dương. Charles Carpeaux cùng với các nhà nhiếp ảnh khác sau này, nhất là bộ ảnh về trùng tu nhóm Tháp A Mỹ Sơn vào năm 1938 của Louis Bezacier, kiến trúc sư người Pháp, đã góp phần làm nên kho dữ liệu hình ảnh đồ sộ với 800 ảnh về Champa được lưu trữ tại Bảo tàng Guimet. Giá trị đặc biệt trong bộ sưu tập ảnh của Charles Carpeaux là nó ghi lại hiện trạng khu di tích Đồng Dương và Mỹ Sơn với những ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn, kết cấu, đường nét hoa văn thể hiện phong cách kiến trúc, vật liệu, quanh cảnh hoang sơ... mà nó đã từng được mô tả trong nhật ký của các nhà khảo cổ, đưa vào bản vẽ chi tiết kiến trúc của Henry Parmentier. Hiện nay, ngoài Tháp giữa (hay còn gọi là Tháp Sáng) chỉ còn chút mảng tường, các ngôi tháp khác như Tháp cổng, những hàng trụ cột và vẻ đẹp mỹ lệ của nó đã hoàn toàn biến mất trên thực địa do thời gian làm cho hư hại, tàn phá của chiến tranh và hủy hoại của con người. 

 Mảng tường còn nguyên vẹn và những di vật ngỗng ngang tại khu tháp C Mỹ Sơn

Bộ ảnh khai quật khảo cổ học di tích Đồng Dương, Mỹ Sơn còn là nhật ký, ghi chép bằng ảnh chứa đựng nhiều thông tin thú vị. Nhà nhiếp ảnh Carpeaux không chỉ việc ghi lại các hố khai quật, từng loại hình hiện vật như tượng voi, đài thờ, tượng Phật, thần Shiva… (sau này nhiều hiện vật trong số đó như Đài thờ Đồng Dương được công nhận là Bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) mà còn đưa vào ống kính hình ảnh hoạt động, đời sống, nhà ở, lối ăn mặc, đi lại của quan lại, người dân, những người lao công tại công trường khai quật, cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng xung quanh di tích. 

Một người Chăm ở Phan Thiết mặc bộ trang phục cung đình

Ngoài các bức ảnh chụp tại khi khai quật, Carpeaux còn là người phát hiện những báu vật bằng vàng tại di tích Mỹ Sơn. Charles Carpeaux kể lại trong một bức thư ghi ngày 21-8-1903, rằng sau cơn mưa lớn, nước chảy mạnh cuốn trôi lớp đất bên trên các vị trí vừa khai quật thì lộ ra một cái bình gốm đất nung nằm phía sau tháp C7, khu di tích Mỹ Sơn. Trong bình có chứa khá nhiều báu vật như vương miện, vòng cổ, vòng cổ tay, vòng tay, vòng mắt cá chân bằng vàng chạm khắc tinh xảo gắn đá quý thô. Đây là những món trang sức để trang điểm cho một ngẫu tượng của thần Shiva tại Mỹ Sơn. Cũng vào lúc đó, các nhà khảo cổ phát hiện tượng thần Shiva tại tháp Mỹ Sơn C7, kế bên C1, có niên đại khoảng thế kỷ 8-9, bằng sa thạch. Bức tượng này được trang điểm một bộ trang sức bằng vàng.

 Phù điêu chân dung bằng đồng gắn trên phiến đá ở gần đền Bayon để tưởng nhớ Charles Carpeaux

Trên hình trình khám phá di tích, di vật bằng hình ảnh, Carpeaux còn có “cơ duyên” tiếp cận “kho báu” của người Champa ở vùng Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận). Đó là những cổ vật như trang phục, trang sức, bình, chén bát, mũ miện và vũ khí cổ vốn là bảo vật của các vị vua cuối cùng thuộc vương quốc Champa và thế kỷ 17. Nó được giao lại cho các tộc người Raglai, Chu Ru bảo quản. Năm 1902, vì lo ngại cho sự bảo tồn kho bảo vật này, những người có liên quan đã báo cáo cho một vị quan và là phu quân của một phụ nữ vốn thuộc dòng dõi vua Champa. Thông qua cha Durand, vị này đã liên lạc với các học giả của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO). Nhờ đó, Charles Carpeaux đã có mặt ở Phan Rí để thu thập và phân loại các cổ vật nằm rải rác trên 8 địa điểm khác nhau. Những bức ảnh chụp kho báu vật của vua Champa của Carpeaux được in trong tạp chí của EFEO năm 2928 và công trình sách ảnh: “Ký ức Việt Nam” (Nxb Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, năm 2020). Điều thú vị là, trong các bức ảnh của ông chụp ở Bình Thuận có bức một bức ảnh quý hiếm, chụp nhóm đàn ông, trong đó có người đang mặc bộ trang phục của Hoàng tộc Chăm.

 Những báu vật của Hoàng tộc Chăm

Khi bước vào ngưỡng cửa của năm 2024 thì đã đúng 120 năm từ ngày nhà nhiếp ảnh Carpeaux đến tham gia “phái đoàn khảo cổ” và chụp những bức ảnh về khu di tích Đồng Dương và Mỹ Sơn. Trải qua thời gian hơn một thế kỷ, di sản ảnh của ông càng trở nên vô giá, đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu, trùng tu, bảo tồn di tích thuộc nền văn hóa Champa ở tỉnh Quảng Nam. Năm 1948, nhà nghiên cứu về nghệ thuật, kiến trúc Champa nổi tiếng là P.Stern đã từng cho rằng bộ sưu tập ảnh của Charles Carpeaux là “không gì sánh được” nếu muốn hiểu về di sản Champa trong bối cảnh đầu thế kỷ 20. Từ bộ ảnh Charles Carpeaux và dựa trên tư liệu khảo cổ học của Pháp, nhất là các bản vẽ kiến trúc của Henry Parmentier, Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đang thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu, phục dựng 3D Phật viện Đồng Dương”. Đây là đề tài khoa học có ý nghĩa cấp thiết nhằm phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn và tham quan di tích. Bộ ảnh tư liệu quý giá của Charles Carpeaux hiện được lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng...Với giá trị to lớn của bộ sưu tập ảnh này, tỉnh Quảng Nam, qua con đường ngoại giao và hợp tác văn hóa, cần đề nghị chuyển nhượng và mua bản quyền các bộ sưu tập ảnh ở các kho lưu trữ tại Thủ đô Paris để có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ngoài việc nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn, trùng tu, tham quan di tích thì đây là những bức ảnh không thể thiếu để biên soạn, in ấn trong công trình địa chí, sách ảnh “Quảng Nam xưa và nay”. Cơ quan chức năng của tỉnh cần phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, phương thức chuyển nhượng, mua bản quyền bộ sưu tập ảnh của Charles Carpeaux để những “báu vật” này sớm được về với mảnh đất xứ Quảng vốn giàu có di sản của quá khứ.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Viện nghiên cứu Kinh thành (2021), Thuyết minh đề tài Nghiên cứu, phục dựng 3D Phật viện Đồng Dương dựa trên tư liệu khảo cổ học của Pháp năm 1901-1902, Hà Nội;

2. Xem thêm: Trần Tấn Vịnh (2021), Di tích kiến trúc và dấu ấn văn hóa Champa qua kho tàng di sản tư liệu hình ảnh, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 475 tháng 9, Hà Nội;

3. Xem thêm: Trần Tấn Vịnh (2022), Khu đền tháp Mỹ Sơn trong di sản tư liệu, Tạp chí Xưa và Nay số 539, tháng 5;

4. https://www.facebook.com/share/p/Dn7NEoLPwQmhVcyg/?mibextid=WiMSqg.

TS TRẦN TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

;