Không chỉ đơn thuần là kết quả của phương thức sản xuất nông nghiệp, ruộng bậc thang Tây Bắc với vẻ đẹp kỳ vĩ thơ mộng còn là biểu tượng thấm đẫm các giá trị văn hóa lịch sử, là minh chứng cho tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức nỗ lực sáng tạo vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Ruộng bậc thang còn có tiềm năng dồi dào để khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tây Bắc.
Sáng Nhù, Mù Cang Chải mùa vàng - Ảnh: Tuấn Ngọc
Từ công trình kỳ vĩ dưới bàn tay lao động
Theo các nhà nghiên cứu dân gian, ruộng bậc thang có lịch sử hình thành cách đây khoảng 200 đến 300 năm, gắn với lịch sử cư trú của các dân tộc La Chí, Dao, Tày, Nùng, Cờ Lao, Phù Lá... Trên các mặt phiến đá cổ chưa xác định được niên đại nằm rải rác khắp thung lũng Mường Hoa, du khách có thể tìm thấy hình họa ruộng bậc thang được người xưa chạm khắc tinh xảo. Thường sinh sống ở vùng có địa hình đồi núi dốc, thiếu đất canh tác, đồng bào đã chọn các sườn đồi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, san thành các tầng bậc để giữ nước và trồng lúa. Miền núi Tây Bắc là khu vực có ruộng bậc thang nhiều và đẹp nhất ở nước ta, tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Trong đó, ba địa danh là huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 2.200ha, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) gần 765ha và Sa Pa (Lào Cai) gần 1.000ha. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các cụm ruộng bậc thang tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh và di tích cấp quốc gia với hơn 2.076 ha nằm trong vùng bảo vệ. Ruộng bậc thang tại Lai Châu hiện đã nằm trong danh mục kiểm kê di sản, tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh và di tích cấp quốc gia.
Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác mang đặc trưng riêng của cư dân vùng cao trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng khác với các quốc gia có chung nền văn minh lúa nước ở vùng Đông Nam Á thường canh tác ruộng bậc thang với hệ thống bơm nước lên cao, bố trí rất phức tạp thì ruộng bậc thang ở miền núi Việt Nam hoàn toàn được làm thủ công. Hiện nay, có nhiều dân tộc nắm giữ kỹ thuật làm ruộng bậc thang, điển hình là người Mông, Dao, Hà Nhì, La Chí, Nùng...
Đã từ lâu ruộng bậc thang trở thành hình thức canh tác độc đáo, tạo nên nét truyền thống đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng cao phía Bắc. Trải qua hàng trăm năm, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài tít tắp theo các sườn núi không chỉ đem lại những mùa vàng no ấm mà còn là những bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng. Ruộng bậc thang thể hiện tri thức và cách ứng xử của con người với tự nhiên. Hơn nữa, đó là phương thức canh tác lâu đời, một loại kỹ thuật được truyền dạy theo thế hệ và là sản phẩm trí tuệ, chứng minh năng lực chinh phục thiên nhiên và thái độ sống hài hòa với tự nhiên. Phương thức canh tác ruộng bậc thang còn góp phần giúp thay đổi tập quán canh tác, tiếp cận với văn minh lúa nước. Giống lúa nương bản địa cũ dùng cho các vùng rừng sâu, gieo khô và phụ thuộc vào nước mưa dần không còn nữa. Cùng với đó, nạn phá rừng để canh tác lúa nương cũng dần được đẩy lùi. Qua nhiều thế hệ, đồng bào các dân tộc đã xem ruộng bậc thang là tài sản vô giá, góp phần truyền tải linh hồn văn hóa bản địa.
Không chỉ là phương thức sản xuất nông nghiệp, ruộng bậc thang còn là loại hình di sản văn hóa đặc biệt, sản phẩm đặc thù trong kế hoạch xây dựng thương hiệu du lịch. Từ phương thức canh tác ruộng bậc thang đã sản sinh ra các tín ngưỡng liên quan tới nông nghiệp như: Tết Khu cù tê, Lễ xin giống của dân tộc La Chí; Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày... tạo nên kho tàng văn hóa đặc sắc cho cộng đồng nơi đây, trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chính vì vậy, việc bảo tồn ruộng bậc thang không chỉ là bảo tồn sinh kế nông nghiệp cho người dân vùng núi mà còn duy trì sức hấp dẫn du lịch, đem lại nguồn thu về du lịch để phát triển kinh tế cho địa phương thông qua việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến du lịch. Nhằm quảng bá hình ảnh kỳ vĩ của ruộng bậc thang, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành tập tem “Ruộng bậc thang” vào năm 2023. Tập tem bao gồm 5 hình ảnh ruộng đồng thể hiện quá trình canh tác lúa nước của người dân miền núi. Ảnh được chụp tại nhiều địa điểm khác nhau của Tây Bắc, trong đó có ruộng bậc thang mùa nước đổ ở Ngũ Chỉ Sơn, mùa cấy ở xã Tả Phìn và ảnh toàn cảnh ở xã Mường Hoa - Sa Pa.
Đến sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Bắc
Báo chí quốc tế về du lịch đã nhiều lần khẳng định: ruộng bậc thang “đem đến khung cảnh ngoạn mục và mang tính biểu tượng” cho vùng cao Tây Bắc. Những giá trị văn hóa độc đáo và riêng có này đã mở ra nhiều cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, nước ta có 3 loại hình du lịch nông thôn cơ bản: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch canh nông. Vùng trung du miền núi phía Bắc có hơn 215 mô hình du lịch, trong đó mô hình du lịch ruộng bậc thang đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đến tất cả các tỉnh, thành phố. Theo đó, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiều địa phương ở vùng trung du và miền núi phía Bắc xác định mô hình ruộng bậc thang là một hướng đi chiến lược quan trọng, trở thành sản phẩm du lịch đặc sản, có thương hiệu riêng trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Đa số địa phương thuộc vùng núi phía Bắc đã và đang tập trung khai thác du lịch ruộng bậc thang vào hai mùa chính trong năm là “mùa nước đổ” (còn gọi là mùa trắng) vào khoảng tháng 4-5, và “mùa lúa chín” (còn gọi là mùa vàng) vào khoảng tháng 9-10. Các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động du lịch hết sức phong phú với lễ hội ruộng bậc thang tổ chức tại nhiều tỉnh.
Từ năm 2015, tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh danh thắng ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn với tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Mông, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch. Trong đó, sự kiện Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ” hàng năm đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tháng 9 là thời điểm đẹp nhất để du khách lên huyện vùng cao Hoàng Su Phì (Hà Giang) ngắm những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng. Từ năm 2012 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức định kỳ hằng năm chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” với nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa. Năm 2023, chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” tại Hoàng Su Phì (Hà Giang) trở thành sự kiện du lịch hấp dẫn với nhiều hoạt động phong phú. Du khách vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa lúa chín ở ruộng bậc thang cùng với khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc với những lễ hội, nghi thức truyền thống như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội bản em tại xã Bản Phùng, Ngày hội bản Dao, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao, Lễ cúng cơm mới của dân tộc Dao. Cùng với đó là tour tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, bắt cá chép ruộng tại đồi mâm xôi...
Tại một số điểm đến có ruộng bậc thang, du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch phổ biến, tiêu biểu như ở La Pán Tẩn, Nặm Khắt, Cao Phạ của Mù Cang Chải; hay Nặm Hồng ở Hoàng Su Phì; Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn ở Sa Pa…
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhìn chung các sản phẩm còn nghèo nàn, mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết phát triển thành các sản phẩm liên tỉnh. Vì thế, để phát huy giá trị tổng thể của tài nguyên du lịch ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, cần có chiến lược đầu tư và những giải pháp phát triển toàn diện.
Từ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Kenneth Wood - Giám đốc Dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam đánh giá: Để phát triển du lịch gắn với văn hóa ruộng bậc thang cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quy hoạch đến quản lý ở cấp tỉnh. Các tỉnh nên bắt đầu bằng việc rà soát quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương ngay từ đầu. Sự hợp tác này bao gồm tất cả các hoạt động quản lý điểm đến như xây dựng môi trường tự nhiên và văn hóa gắn với ruộng bậc thang, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu và tiếp thị điểm đến... Cần coi trọng và hỗ trợ việc phát triển năng lực cộng đồng trong quản lý và phát triển du lịch với tư cách là người sáng tạo, bảo tồn, phát triển và hưởng lợi từ ruộng bậc thang, để bảo đảm phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng bền vững.
Nhấn mạnh vai trò của việc liên kết trong khai thác phát triển du lịch ruộng bậc thang, ông Lại Quốc Tĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cho rằng, sản phẩm du lịch ruộng bậc thang là sản phẩm đặc trưng vùng, chỉ có ở những địa phương có dạng địa hình núi đất với độ dốc lớn. Rất cần sự liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm kết nối sản phẩm, kết nối tour tuyến, kết nối giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trong toàn vùng để hình thành những sản phẩm độc đáo, khác biệt trong tổng hòa chung, từ đó giúp du khách gia tăng trải nghiệm, góp phần nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch ruộng bậc thang Tây Bắc.
Mặc dù hiện nay du khách đã được trải nghiệm các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với khai thác giá trị cảnh quan ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì, Hà Giang nhưng chủ yếu mới tập trung vào các loại hình du lịch thể thao trên bộ. Ruộng bậc thang Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, với nhóm sản phẩm trên không như bay dù lượn, khinh khí cầu, trực thăng; nhóm sản phẩm trên bộ như trekking, marathon, xe mô-tô, ô-tô, xe đạp địa hình... theo những cung đường uốn lượn quanh ruộng bậc thang.
Năm 2023, TP Hồ Chí Minh và nhóm hợp tác gồm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã công bố sản phẩm “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” kết nối Hà Nội - Phú Thọ - Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái) - Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Trong 6 tháng đầu năm 2023, các tỉnh trong nhóm hợp tác đã tổ chức 14/25 hoạt động; thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng.
Sự liên kết này được đánh giá là có tính khả thi và tiềm năng khai thác cao nêu trên là tín hiệu vui góp phần hình thành thương hiệu điểm đến vùng Tây Bắc. Đây cũng là cơ sở để các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Có thể nói, vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết, cùng phát triển du lịch.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024