Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nghệ thuật công cộng luôn chiếm một vị trí hết sức quan trọng. So với các địa phương khác, người dân Hà Nội xưa nay luôn có điều kiện hơn trong việc tiếp cận cũng như thụ hưởng những giá trị của nghệ thuật công cộng. Sự ra đời của các không gian nghệ thuật công cộng đã tạo ra màu sắc mới cho đô thị, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Thủ đô và góp phần gắn kết các cộng đồng dân cư.
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật vừa hoàn thiện góp thêm một không gian sáng tạo nghệ thuật độc đáo cho Hà Nội
Gắn kết các cộng đồng dân cư
Sự ra đời của các không gian nghệ thuật công cộng trên địa bàn Thủ đô đã tạo ra màu sắc mới cho đô thị Hà Nội, hình thành các điểm vui chơi giải trí cho người dân và là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật thu hút sự quan tâm của .
Ở Việt Nam, việc thực hành nghệ thuật công cộng là một phần không tách rời khỏi đời sống. Không phải đến nay, khi đời sống vật chất đủ đầy hơn người ta mới quan tâm đến nghệ thuật trong không gian công cộng mà trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nghệ thuật công cộng đã luôn chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Nghệ thuật công cộng đã có từ lâu cùng với sự ra đời, phát triển của loài người trong nhu cầu vật chất, tinh thần gắn kết các cộng đồng dân cư.
So với các địa phương khác, người dân Hà Nội xưa nay luôn có điều kiện hơn trong việc tiếp cận cũng như thụ hưởng những giá trị của nghệ thuật công cộng. Đặc biệt, kể từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế. Điều này thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của các sáng tạo mang tính cộng đồng, đặc biệt là nghệ thuật công cộng trong sự phát triển của thành phố trong tương lai, cũng như đặt ra những đòi hỏi về việc tạo điều kiện cho nghệ thuật này phát triển xứng tầm. Việc Hà Nội trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo sẽ tạo điều kiện cho nghệ thuật công cộng phát triển mạnh mẽ hơn.
Tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của hoạ sĩ Lê Đăng Ninh
Những tín hiệu đáng mừng trong sự chuyển biến của nghệ thuật công cộng ở Hà Nội hiện nay, đó là sự phát triển mạnh, đa dạng về loại hình, quy mô, không gian. Không chỉ dừng lại ở những tượng đài kiến trúc, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật mà có thể bao gồm âm nhạc, festival với nhiều loại hình nghệ thuật đường phố... Không gian nghệ thuật cũng rất phong phú, từ các nhà máy cũ, bến xe buýt, cho đến các khu đô thị mới, công viên, quảng trường....
Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn góp phần thổi vào đó sức sống mới, được thành phố và người dân ghi nhận. Có thể kể đến: “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng đã phủ màu sắc nghệ thuật cho cả một đoạn đường đê; Phố bích họa Phùng Hưng là một trong những không gian công cộng thu hút du khách tại Hà Nội hiện nay và làm thay đổi diện mạo, đời sống của một con phố hay “Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cải tạo không gian của khu vực bờ ven sông Hồng. Chỉ trong vòng 1 - 2 tháng từ sau khi nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng từ phía người dân, nhóm nghệ sĩ đã biến một khu vực lộn xộn đầy rác thải ở Phúc Tân trở thành một con đường nghệ thuật dài gần 1km với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân đang có đời sống của riêng mình
Các em nhỏ thích thú tham quan không gian nghệ thuật mới của cầu đi bộ Trần Nhật Duật
Hai năm gần đây, thành phố cũng phát động cuộc thi thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng trong khu phố cổ Hà Nội nhằm đẩy mạnh hiện thực hóa các sáng kiến khi thành phố tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn, là cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành sáng tạo đến gần hơn với công chúng.
Nối dài không gian văn hóa, nghệ thuật từ phố cổ sang Phúc Tân
Khi Hà Nội đang thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong cuộc sống thì những không gian nghệ thuật công cộng cần được khuyến khích để ngày càng phát triển. Đầu tháng 5/2024, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiếp tục khai trương “Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân”.
Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật” tiếp tục nối dài không gian văn hóa nghệ thuật từ phố cổ sang Phúc Tân. Cầu vượt dành cho người đi bộ bắc ngang qua đường Trần Nhật Duật vốn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, phục vụ các em học sinh tại Trường Tiểu học Trần Nhật Duật cũng như là người lao động ở xung quanh. Tuy nhiên, cây cầu cũng là nơi chứa khá nhiều rác do người đi bộ thải ra cũng như không đảm bảo vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, quận Hoàn Kiếm đã đề xuất và được sự hỗ trợ của nghệ sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên khoa Liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng với các nghệ sĩ và nhà tài trợ đã tạo nên không gian nghệ thuật tại cầu đi bộ. Ông chia sẻ: “Với một không gian vừa phải và chiều dài gần 100m chúng tôi muốn giới thiệu về lịch sử, vai trò của sông Hồng đối với Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là các hoạt động sầm uất của người dân trong khu phố cổ từng diễn ra từ thế kỷ XIII - XIX gắn với nghề thủ công. Thứ hai là lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Với sự tài hoa của các họa sĩ, các tác phẩm trang trí trên cầu bằng sản phẩm nhựa tái chế, nhựa đã qua sử dụng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác tại nguồn, cũng như tái sử dụng và hạn chế sử dụng rác thải nhựa trong sinh hoạt”.
Theo họa sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, cây cầu đi bộ với chủ đề Nước giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê. Từ đó, một không gian nghệ thuật công cộng nối dài từ không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân (được thực hiện từ năm 2019) và khu phố cổ với địa điểm Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm với cầu nối là cầu Trần Nhật Duật.
Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây.
Phía chân cầu thang đi bộ từ cả 2 hướng được thiết kế vẽ các bức Cá chép vượt Vũ Môn
Hoạ sĩ Vũ Xuân Đông cũng chia sẻ, tác phẩm “Thuỷ cung” của ông muốn tạo cảm giác giống như một đường hầm Thuỷ cung đầy hấp dẫn với đủ loại mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu được làm từ đồ tái chế được thu gom từ khắp nơi trong thành phố. Vòm mái nhựa che phủ vòm cầu cũng trở thành một phần của tác phẩm tương tác cùng với hiệu ứng hình ảnh của sắp đặt Thuỷ cung.
Dọc suốt hành lang thành cầu là tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của hoạ sĩ Lê Đăng Ninh. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh vẽ tay in mộc bản tái hiện những người lao động đủ các ngành nghề quanh khu vực Hà Nội thời đầu thế kỷ 19 trong nghiên cứu về Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger được hiện lên dưới ánh đèn led đủ màu sắc tân kỳ.
Phía chân cầu thang đi bộ từ cả hai hướng được họa sĩ Cấn Văn Ân vẽ các bức “Cá chép vượt Vũ Môn” từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống. Ngoài ra còn có một tác phẩm vẽ 3D tương tác với trụ cột cầu thành hình kéo khoá nước chảy tràn và một bức tranh 3D phía sau bức tường đê với hình ảnh những con thuyền giấy.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn nêu kinh nghiệm kiến tạo các không gian sáng tạo hiệu quả trên địa bàn đồng thời khẳng định, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công của các dự án.
LÊ MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024