Sau Marc Levy, Michel Bussi và Makenzy Orcel, Bernard Werber là nhà văn Pháp tiếp theo có chuyến viếng thăm và giao lưu với độc giả Việt Nam. Vào tháng 3/2024, Bernard Werber đã có những buổi giảo lưu cùng độc giả tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Những buổi giao lưu này xoay quanh các tác phẩm lớn của ông đã được xuất bản tại Việt Nam trong thời gian qua là bộ 3 Kiến, gồm Kiến, Ngày của Kiến và Cách mạng Kiến; tiểu thuyết Chiếc hộp Pandora.
“Jules Verne của thời hiện đại”
Với 15 triệu bản sách đã bán ra trên toàn thế giới, được dịch ra hơn 35 thứ tiếng trong nhiều năm qua, Bernard Werber là một trong những nhà văn Pháp đương đại một trong những nhà văn Pháp đương đại được đọc nhiều nhất trên thế giới. Bernard Werber được độc giả cực kỳ yêu mến trên toàn thế giới, đặc biệt, tại Hàn Quốc, ông là tác giả ngoại quốc được yêu thích và đọc nhiều thứ hai, chỉ sau Haruki Murakami.
Danh tiếng của Werber gắn liền với bộ tiểu thuyết Kiến gồm 3 cuốn: Kiến - Ngày của kiến - Cách mạng kiến. Cho đến nay, bộ tiểu thuyết này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và đưa tên tuổi Werber vượt ra ngoài ranh giới nước Pháp. Bernard Werber được tờ Aujourd’hui en France nhận định là “Jules Verne của thời hiện đại”. Các tác phẩm của ông thể hiện trí tưởng tượng hết sức phong phú, đó là sự pha trộn giữa phiêu lưu, khoa học viễn tưởng và triết lý.
Tại Hàn Quốc, Bernard Werber là tác giả ngoại quốc được yêu thích nhất và đọc nhiều, chỉ sau Haruki Murakami, khi tổng cộng có 30 cuốn sách của ông đã được xuất bản tại quốc gia này. Trong số 35 triệu bản sách của Bernard Werber đã được bán ra, có tới 10 triệu bản được tiêu thụ ở “xứ sở kim chi”. Năm ngoái, ông đã quay lại Hàn Quốc lần thứ 9 để kỷ năm 30 năm bản dịch tiếng Hàn của Kiến được phát hành.
Bộ ba cuốn tiểu thuyết Kiến
Là người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, Bernard Werber viết lại hàng trăm phiên bản cho bộ ba Kiến. Ông bắt đầu viết từ năm 16 tuổi, dành 4, 5 tiếng mỗi ngày, và mất 12 năm để hoàn thành. Ra mắt độc giả vào năm 1991, không chỉ thành công về mặt thương mại, Kiến còn giành giải thưởng của độc giả tạp chí Khoa học và Tương lai (Sciences et Avenir). Tập 2 Ngày của kiến cũng nhận được giải thưởng lớn của độc giả tạp chí Elle. Ngoài tiểu thuyết, Bernard Werber còn được biết đến với truyện ngắn, truyện tranh, kịch và phim.
Về bộ ba Kiến và chiếc hộp Pandora
Bộ ba tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Kiến được độc giả tán tụng là một trong những tác phẩm sci-fi nổi tiếng nhất. Bộ ba này được xuất bản trong vòng 6 năm từ 1991 đến 1996. Một điều đặc biệt về bộ sách này là trong quá trình học Luật tại Toulouse, Bernard Werber đã lấy cảm hứng từ “cha đẻ” Frank Herbert của bộ Xứ cát (Dune) mà phim chuyển thể Xứ cát: Phần II (Dune 2) đang đình đám thời gian gần đây.
Lấy chủ đề trung tâm là loài kiến - một loài vật ít được để ý cả ngoài đời thật và trong văn chương, bộ ba tiểu thuyết Kiến của Bernard Werber đưa độc giả đến với một thế giới khoa học ngoài sức tưởng tượng, mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ, đến với nền văn minh của loài kiến. “Từ hơn trăm triệu năm trước chúng ta, chúng đã ở đó, được chia thành nhiều đội, nhiều tổ, nhiều đế chế trên toàn bề mặt Trái đất. Chúng đã tạo ra một nền văn minh song song, xây dựng những vương quốc thực sự, phát minh ra vũ khí tối tân, thiết kế cả nghệ thuật chiến tranh, làm chủ một nền công nghệ đáng kinh ngạc”.
Mở đầu bằng việc kế thừa một kho chứa đồ từ ông bác là nhà côn trùng học, nhân vật chính Jonathan Wells đã dấn thân vào một cuộc phiêu lưu trong nền văn minh tân tiến đến không ngờ của loài kiến. Bằng tư duy của một nhà báo khoa học lâu năm, kết hợp với một tâm hồn văn chương, Bernard Werber đã đưa vào bộ ba tiểu thuyết “Kiến” một cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ và những kiến thức khoa học đồ sộ, mạch lạc và mang nhiều tầng ý nghĩa. Không chỉ có vậy, bộ tiểu thuyết có dung lượng lớn này còn là tổng hòa của triết học, tâm linh, kinh dị, thần thoại và ý thức.
Chiếc hộp Pandora
Ðặc trưng trong các tác phẩm của Bernard Werber là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hoà và thú vị giữa văn chương, khoa học viễn tưởng và các ý tưởng triết học. Cấu trúc tiểu thuyết của ông làm say mê các độc giả yêu thích khoa học khi đan xen giữa các đoạn văn chương và các phần kiến thức khoa học bách khoa.
Trải qua hành trình dài ba tập, đến khi khép lại những trang viết cuối cùng của bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Kiến”, bên cạnh khối kiến thức đồ sộ, độc đáo và đầy thú vị, độc giả cũng sẽ có khoảnh khắc ngẫm nghĩ về những triết lý sâu sắc về lòng dũng cảm, về chủ nghĩa anh hùng, sự sáng tạo hay ý nghĩa hiện sinh. Ðó cũng là đặc trưng trong sáng tác đã đưa Werber đi từ một nhà báo khoa học dày dặn kinh nghiệm trở thành một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất.
Sau tác phẩm Kiến giới thiệu đến người đọc về một nền văn minh đầy kinh ngạc của loài kiến, nhà văn người Pháp Bernard Werber lại tiếp tục dẫn dụ người đọc trả lời một câu hỏi mới: Liệu có phải đã đến Ngày của kiến? Cùng với câu hỏi ấy là nhiều câu hỏi triết học khác: Loài người chúng ta là ai, ở đâu trong vũ trụ này? Có thật đúng như trong mắt chú kiến 103 - nhân vật chính của truyện, loài người hiểu biết rất kém về thiên nhiên quanh mình, và cứ tưởng mình là động vật thông minh duy nhất?
Bẫy suy tưởng hay là những câu hỏi không ngừng về cách giải quyết vấn đề của cuộc đời, cuốn bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối hay là những lời giải đáp về vạn vật, chiếc máy thông dịch Ðá hoa thị hay là cuốn từ điển Pháp - kiến, các sáng tạo ấy của Bernard Werber được xem như những đường chỉ, những nút cài, những móc nối kết dính hành trình khám phá, chinh phục của kiến, của người, và kết dính cả sự thấu hiểu lẫn nhau của người, của kiến.
Ðọc Ngày của kiến, sẽ hiểu tại sao người ta nói rằng Bernard Werber đã sáng tạo ra một phong cách văn chương mới: tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng truyện kể triết học, tại sao cuốn sách này được dịch thành nhiều thứ tiếng và được đưa vào chương trình giảng dạy ở Pháp về ngôn ngữ, triết học... thậm chí cả toán học
Sau thành công vang dội của bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Kiến, Bernard Werber vẫn tiếp tục sáng tác những tiểu thuyết sci-fi khác. Năm 2018, Bernard Werber cho xuất bản tiểu thuyết mới có tên Chiếc hộp Pandora. Với tiểu thuyết này, Bernard Werber đã đưa ra một thể loại văn chương mới mà ông gọi là “triết lý viễn tưởng”, pha trộn khoa học viễn tưởng, triết học và tâm linh. Vẫn với phong cách đặc trưng là văn chương kết hợp với khoa học viễn tưởng, lần này Bernard Werber đưa yếu tố tâm linh làm gia vị cho cốt truyện của mình.
Chiếc hộp Pandora kể về cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của René, một giáo viên lịch sử sau khi tham gia một buổi biểu diễn thôi miên đã vô tình lạc vào một kiếp sống trước. Sự kiện này đã vô tình liên tục đẩy anh vào những kiếp sống khác nữa, khiến anh đi đến một thách thức đầy kích thích: liệu anh có thể làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, viết lại nó, và từ đó làm thay đổi trí nhớ của cộng đồng?
Ðây là một cốt truyện táo bạo, đưa người đọc du hành vượt không gian và thời gian, đi từ Paris, vòng qua Atlantis - thành phố mất tích, rồi đến Ai Cập bằng thôi miên tiền kiếp. Yếu tố khoa học viễn tưởng cũng được đưa vào một cách khéo léo khi đề cập đến các cơ chế của trí nhớ, cả cá nhân lẫn tập thể, cũng như ý nghĩa của lịch sử và ảnh hưởng của nó lên đời sống của xã hội.
HOÀNG ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024