Cộng đồng dân tộc Dao hiện cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có tới 7 nhóm/ngành: Dao Ðỏ, Dao quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Làn Tiển. Riêng người Dao ở xứ Thanh, hiện chỉ có 2 nhóm là Dao Quần Chẹt và Dao Ðỏ; trong đó, người Dao Quần Chẹt sống tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; người Dao Ðỏ sống tập trung ở huyện biên giới Mường Lát.
Cũng như các nhóm/ngành Dao khác, người Dao ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ vòng đời. Từ lúc sinh ra đến khi về bên kia thế giới, người Dao nơi đây có các lễ tục trong sinh đẻ, lễ đặt tên, lễ nhận con nuôi, lễ cúng bà mụ, lễ sinh nhật - mừng thọ, lễ cưới (gồm lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới chính thức, lễ tiễn con gái về nhà chồng, lễ lại mặt), lễ tang… Trong đó, Lễ Cấp sắc là quan trọng nhất - có ý nghĩa tương tự như Lễ Thành đinh của người Kinh xưa - công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông. Trong Lễ Cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao mới được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên. Người đàn ông chưa qua Lễ Cấp sắc thì dù già vẫn bị dân làng coi là trẻ con. Ngược lại, người đã qua Lễ Cấp sắc thì dù trẻ vẫn được ngồi với các già làng để bàn bạc những công việc hệ trọng của cộng đồng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho các thầy cúng trong các lễ trọng.
Chỉ với Lễ Cấp sắc của người Dao ở Việt Nam thôi, nhà nghiên cứu Bàn Tuấn Năng đã có cả một cuốn sách chuyên khảo dày tới gần 300 trang (Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2019). Trong khuôn khổ có hạn của một bài viết, chúng tôi xin giới thiệu trích đoạn “Lễ đặt tên âm và lên đèn” trong Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa), mới được tái hiện tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày 20/4/2024.
Các vật dụng không thể thiếu của “Lễ đặt tên âm và lên đèn” gồm: thịt lợn, thịt gà, bánh giầy, bị gạo, rượu, tiền đồng, bộ tranh Ðại đường, vải trắng, thanh âm dương, dấu gỗ, đèn, nến, mũ, tranh đội đầu lúc múa, thuyền tượng trưng, áo choàng ngoài, hương, tiền ma, ghế ngồi cấp sắc, gậy thầy cúng, thanh kiếm, ấm rót nước cúng, hũ rượu... Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu: trống, chiêng, kèn, chũm chọe, tù và, chuông đồng, thanh la.
Tham dự “Lễ đặt tên âm và lên đèn” có thầy cúng (3 thầy chính và 4 thầy phụ giúp việc), người thụ lễ, bố mẹ người thụ lễ, 3 người hát Ví, 1 người thổi kèn, 1 người thổi tù và, 1 đánh trống/chiêng cùng những người trong họ tộc và khách mời.
Từ sáng sớm tinh mơ, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất cần thiết bố mẹ chàng trai đi mời thầy cúng đến để làm Lễ Cấp sắc 7 đèn đánh dấu trưởng thành cho con trai mình. Lúc này, tiếng trống, chiêng, kèn nổi lên - tất cả hòa tấu thành một bản nhạc vang khắp thôn bản, xua đi những cái xấu, tà ma để rước thầy đến làm Lễ Cấp sắc.
Chuẩn bị vào lễ, thầy cúng thắp hương ở bàn thờ tổ, làm phép xua đuổi tà ma xấu để buổi lễ được diễn ra tốt đẹp. Trống, chiêng, chuông bắt đầu nổi lên, mùi hương nồng ấm lan tỏa khắp nhà, những bức tranh rực rỡ sắc màu mang lại vẻ uy nghi, đàn lễ tươm tất… tạo nên một không gian thiêng.
Trước khi bước vào “Lễ đặt tên âm và lên đèn”, có Lễ xin phép và trình diện. Thầy cúng cầm que tre đi vòng quanh và đứng đằng sau người thụ lễ, tay cầm ít tiền giấy đưa đi đưa lại, rồi vứt tiền qua sau lưng và quay mặt ra cửa làm lại động tác này. Phần tiền còn lại thì đặt lên lưng người thụ lễ. Thầy vừa cúng vừa lấy hai tay bắt chéo trước đầu gối, ngửa ngược lòng bàn tay ra phía trước, cúi khom người nhảy lò cò một chân quanh người thụ lễ. Quá trình nhảy với tốc độ chậm, rồi thầy đứng sau người thụ lễ giơ hai tay lên phía đầu người ấy bắt quyết, làm phép tẩy rửa những gì không tốt. Thầy cúng phụ mang lọ nhang giao cho thầy để thầy đặt lên bàn thờ trước khi giao cho người thụ lễ. Tiếp đó, thầy cúng chính thực hành nghi lễ xin tên âm cho người thụ lễ.
Vào “Lễ đặt tên âm và lên đèn”, thầy cúng đặt và viết tên thiêng của người chịu lễ lên bàn cúng để xin sự chứng nhận của các thần, thánh. Ðây là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc được ghi vào gia phả. Khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm, lễ vật gồm có: gạo, tiền đồng, áo rồng và mũ của người thụ lễ, đạo sắc cho người thụ lễ, đèn, nến. Việc đầu tiên là thầy cúng chính khấn và trao áo rồng, mũ cho người thụ lễ, người thụ lễ quỳ lạy trước đàn lễ và bàn thờ tổ tiên: Hôm nay ngày lành tháng tốt, gia chủ và các thầy cúng tôi sắm đồ lễ dâng lên thần linh, gia tiên mong các thần thánh, pháp sư, gia tiên ủng hộ, phù trợ để việc xin tên âm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Vừa đọc, các thầy cúng vừa đi vòng quanh vị trí ngồi của người thụ lễ. Khi đi vòng quanh vị trí ngồi của người thụ lễ, 3 ông thầy làm động tác lắc chuông còn cha của người thụ lễ đi sau gõ 2 mảnh cháo. Sau khi đi hết một vòng, cả ba người cùng đi vòng ngược lại một vòng nữa. Sau đó, thầy cả chính thức đánh 2 mảnh cháo xin tên âm cho người thụ lễ. Tên này được chọn không trùng với tên của người trong họ.
Sau khi thầy cúng xin âm dương tìm sự đồng ý của tổ tiên và thần linh cho tên mà gia đình chọn là lễ lên đèn. Người thụ lễ được soi sáng bằng 3 ngọn đèn và 7 ngọn đèn. Người thụ lễ ngồi trên ghế cúng, lúc này 3 trẻ trai không chung bàn thờ tổ với người thụ lễ, cầm 3 ngọn đèn đứng vòng quanh phía sau. Thầy cúng đọc bài cúng cấp 3 đèn xong thì tiếp luôn cấp 7 đèn. 7 bé trai đứng vòng quanh phía sau người thụ lễ cầm 7 ngọn đèn. 7 thầy cùng nhảy múa vòng quanh người thụ lễ. Thầy cả vừa múa vừa phép, thầy hai đọc các đạo sắc, những điều thề nguyện và răn dạy: 10 độ (1. Ðộ tam nguyên chức lộ; 2. Ðộ sư tượng tùy thân; 3. Ðộ tam nguyên bảo hộ; 4. Ðộ lục pháp quang huy; 5. Ðộ ngũ tinh soi chiếu; 6. Ðộ lục mã cương cường; 7. Ðộ gia súc thịnh đạt; 8. Ðộ tài mã quy thiên; 9. Ðộ lang bảo cứu hộ; 10. Ðộ trừ tà diệt quỷ); 10 điều răn (1. Cấm con giết hại gia súc, loài vật; 2. Cấm con chửi mắng trời đất, mặt trời, mặt trăng; 3. Cấm con chửi mắng bố mẹ, lục thân, cửu tộc; 4. Cấm con gian lận tham sắc, tham tài; 5. Cấm con ham sống sợ chết; 6. Cảm con gian dám buôn bán; 7. Cấm con trọng kẻ giàu mà khinh người nghèo; 8. Cấm con khinh thường anh em, bè bạn, họ hàng; 9. Cấm con sợ hổ cắn, mưa to gió lớn phải sẵn sàng đi; 10. Cấm con chửi thánh thầy, phải giữ gìn nền nếp); 10 nguyện (1. Nguyện linh thiêng; 2. Nguyện không nghi hoặc; 3. Nguyện tam nguyên xuống giúp; 4. Nguyện tử thánh phát binh; 5. Nguyện ngũ sư phù hộ; 6. Nguyện lục thần trong sạch; 7. Nguyện thất tinh phù hộ; 8. Nguyện bát quái hiện hình; 9. Nguyện cửu quyết khai thái;10. Nguyện thập phân vẹn mười); 10 Thề (1. Hỏi con, nước sông, nước khe suối lên to, người ta mới con có đi không? - Có đi!; 2. Hỏi con, mưa to bão lớn người ta mời con có đi không? - Có đi!; 3. Hỏi con, sâu to bọ lớn chắn đường, người ta mời con có đi không? - Có đi!; 4. Hỏi con, nửa đêm người ta đến mời con có đi không? - Có đi!; 5. Hỏi con, người ốm nặng cần cứu, người ta mời con có đi không? - Có đi!; 6. Hỏi con, vượt suối trèo non, người ta mời con có đi không? - Có đi!; 7. Hỏi con, giặc chặn đường, người ta mời đi đánh giặc con có đi không? - Có đi!; 8. Hỏi con, nhà nghèo đến nhờ vả con, mời con đến giúp họ, con có đi không? - Có đi!; 9. Hỏi con, cách núi cách biển, người ta mời, con có đi không? - Có đi!; 10. Hỏi con, đang lúc làm chay, cấp sắc, người ta mời; con có đi không? - Có đi!)…
Sau khi người thụ lễ được răn dạy và đọc lời thề nguyện, thầy cả, thầy hai và bố đẻ người thụ lễ hạ cái đèn mà chính họ đã đặt lên cho con trai mình. Vừa hạ đèn thầy cả vừa khấn: Hỡi tổ tiên dòng họ Triệu, hỡi bà con dân làng, từ hôm nay chúng ta có thêm một người đàn ông khỏe mạnh, dũng cảm, cái đầu luôn nghĩ điều tốt, cái bụng luôn trong sạch như nước suối ban mai đầu nguồn!
Sau đó, thầy cúng mời gia tiên, các đấng thần linh, Ngọc Hoàng xuống chứng giám:
- Mời gia tiên, thần thánh: 3 thầy cùng người thụ lễ múa chuông, tay cầm tranh tam thánh nhỏ để mời gia tiên, các thần và đặc biệt là Thánh sư về dự lễ. Họ múa và thể hiện các động tác tượng trưng cho: Mời đến, mời ngồi, mời uống nước, uống rượu. Ðàn cúng mời gia tiên ở trong nhà có: Gà luộc, rượu, nước. Ðàn cúng thánh sư: Rượu, đậu phụ (ăn chay).
- Mời Ngọc Hoàng: thầy cúng mặc áo thêu rồng ngồi trên chiếc cầu bắc trên sàn. Ðàn lễ tâu Ngọc Hoàng gồm: cái mẹt có rải một lớp lúa hạt, trên để dấu ấn, sắc phong tờ sớ có ghi lai lịch người thụ lễ, tên của 7 ông thầy và tên bố mẹ đẻ. Ngoài ra, còn có gạo muối và tiền giấy để riêng cạnh đàn lễ. Thầy cả đội đàn lễ và đọc lời cúng, thầy hai cầm gậy cúng múa và thổi tù và, thầy 3 cầm cờ. Khi đó người thụ lễ cùng một thầy cúng vẫn nhảy múa. Thầy cả đọc lời cúng: Tâu trình với Ngọc Hoàng thụ lễ là người con ngoan, hiếu thảo biết ơn cha mẹ, sống chân thành tốt bụng, thủy chung với bạn bè, không lừa lọc, có lòng vị tha và dũng cảm, vượt khó, vượt khổ, biết làm ăn, làm điều tốt, giúp đỡ dân làng, biết trồng trọt, chăn nuôi, cày cấy, mong Ngọc Hoàng quá bộ xuống chứng giám và cấp sắc phong!
Sao đó, thầy Cấp sắc cầm tay người thụ lễ dắt ra đàn lễ tâu Ngọc Hoàng. Người thụ lễ giơ 2 tay đón đội Ðạo sắc. Thầy hai đọc lệnh trao dấu ấn, sắc phong cho người thụ lễ; khấn lời cảm tạ, tiễn đưa Ngọc Hoàng trở lại thiên đình. Lúc này, tiếng trống, chiêng, kèn, tù và nổi lên rộn rã, đồng thời là việc đốt “tiền ma” để Ngọc Hoàng “tiêu đường”. Tiễn Ngọc Hoàng xong, hồi trống nổi lên để thu âm binh vào bàn thờ và tiếp tục công việc: thầy ngồi khấn, thầy phất cờ, thầy múa trước bàn thờ... Việc thu âm binh được làm tượng trưng bằng động tác thầy cúng để thanh kiếm nhỏ lên mu bàn chân, rồi hất lên bàn thờ tổ để thu âm binh.
Thu âm binh xong, 7 thầy làm phép, đi xung quanh chiếc thuyền tượng trưng để đưa người thụ lễ đi “tầm sư học đạo”. Người thụ lễ tay cầm chuông nhảy múa xung quanh “thuyền”, các thầy cúng ngồi quanh “thuyền” và một người làm phép. Tiếp đó, người thụ lễ được đặt nằm lên “thuyền”, mặt che tranh Tam Thanh, tay và chân giữ tiền ma. 7 thầy cầm gậy cúng, chuông… nhảy múa quanh “thuyền” trong tiếng trống, kèn. Họ đặt đạo sắc lên mặt người thụ lễ, rồi lần lượt từng thầy cúng bước qua người thụ lễ. Riêng thầy hai cầm kiếm xoay vòng trong 2 tay, vừa đi chậm vòng quanh người thụ lễ vừa niệm phép trước khi làm động tác hà hơi tiếp sức cho người thụ lễ. Làm phép xong, 7 thầy đỡ người thụ lễ dậy, để ngồi ghế cạnh bàn thờ. Thuyền được cuộn lại, đem cất.
Sau đó, là lời cảm ơn các thần linh, gia tiên, các âm binh đã giúp cho buổi lễ Cấp sắc được diễn ra tốt đẹp; lời mời các thần linh, gia tiên, âm binh về cùng hưởng lễ tạ để tiếp tục trông nom việc làm ăn sinh hoạt của gia chủ; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, thóc lúa đầy bồ, dân làng, mọi nhà may mắn, bình yên, hạnh phúc: Hỡi các chàng trai hãy cùng gia đình, bà con trong bản, chúng ta hãy nổi trống, chiêng lên cùng tấu khúc nhạc rừng với điệu múa Rùa tạ ơn thần linh để chúng ta cùng vào hội!
Tất cả những người có mặt trong Lễ Cấp sắc đều hòa mình vào điệu múa chuông trong tiếng chiêng, trống, kèn rộn rã, tiếng những quả chuông lắc ở tay rất nhịp nhàng với tiết tấu dồn dập làm cho không khí vui nhộn cùng điệu múa tiễn đưa khỏe mạnh.
_________________
Ảnh trong bài: Một số hình ảnh trong buổi tái hiện “Lễ đặt tên âm và lên đèn” trong Lễ Cấp sắc của người Dao huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ảnh: Tuấn Minh
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024