Những biến đổi trong diễn xướng ca Huế

Cũng như bao loại hình diễn xướng truyền thống khác, ca Huế hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị. Trong dòng chảy chung của xã hội, diễn xướng ca Huế đã có những vận động, biến đổi, tìm tòi những lối đi riêng cho phù hợp với thị hiếu công chúng hiện nay và bảo lưu những tinh hoa của mình. Những biến đổi đó diễn ra trên tất cả các phương diện: Chủ thể sáng tạo và thực hành, nội dung phản ánh, môi trường và thời gian diễn xướng, âm nhạc, trang phục…

1. Chủ thể thực hành ca Huế

Vào nửa sau TK XX, loại hình ca Huế đã không còn môi trường hoạt động một cách phổ biến và mạnh mẽ như trước. Từ năm 1993, các diễn viên chủ yếu đi diễn rời rạc để phục vụ du khách nghe ca Huế trên sông.

Đến nay, những nghệ sĩ ca được những làn điệu ca Huế truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và phần lớn đều ở tuổi xế chiều. Nói về điệu Nam, không ai có thể vượt qua nghệ nhân Minh Mẫn. Dù đã gần trăm tuổi và phải nằm liệt giường nhiều năm, nhưng chất giọng cũng như cách lấy hơi của bà vẫn khiến nhiều lớp nghệ sĩ ca Huế trẻ hiện nay nể phục. Người nghệ sĩ, từ lúc bắt đầu học đến lúc ca được cũng phải mất vài năm. Rất nhiều người không đủ kiên nhẫn đã phải bỏ giữa chừng. Bản thân bà nếu không có niềm đam mê và vượt qua những kỳ thị của xã hội khi cho rằng nghệ sĩ là “xướng ca vô loài”, thì đã không thể hát đến ngày hôm nay. Cùng thế hệ với nghệ nhân Minh Mẫn, ở Huế hiện còn nghệ sĩ Thanh Hương. Mặc dù rất tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này, nhưng cho đến nay, hai nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên vẫn chưa tìm được học trò nào thật sự đam mê để trao truyền những ngón nghề ca Huế.

Về thực trạng truyền nghề, mặc dù ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có trường đào tạo diễn viên ca Huế, lượng diễn viên ra trường hằng năm rất nhiều, nhưng ca Huế vẫn đang đứng trước nguy cơ mất gốc về chất lượng. Nguyên nhân bởi lực lượng những nghệ nhân, nghệ sĩ thật sự am tường về ca Huế để có thể truyền dạy cho thế hệ trẻ đang ngày càng mai một dần. Nghệ sĩ Thanh Tâm chia sẻ: “Tôi rất mong muốn các thế hệ đi sau học hỏi nhiều hơn để phục vụ du khách tốt hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng hình như các em hiện nay ít ai không cố gắng. Các em chỉ muốn học cho nhanh để hát kiếm tiền. Bởi vậy, số lượng học viên học ca Huế thì nhiều, nhưng số trưởng thành thì rất ít”.

2. Chủ thể sáng tác ca Huế và nội dung phản ánh hiện nay

Lời một bài ca Huế có giá trị văn học nếu không hát mà chỉ đọc, ta nghe như một bài thơ. Hiện nay, người ta làm thơ thì nhiều, nhưng người làm “Thơ - ca Huế” rất ít. Ngoài bám nhạc, người viết lời còn phải kết hợp được nhuần nhuyễn tính truyền thống và tính hiện đại trong biểu đạt lời ca. Họ phải học cái hay, cái đẹp, nếp suy nghĩ diễn đạt của nhân dân trong ca dao, tục ngữ; phải tìm hiểu hình thức diễn xướng nguyên thủy của các làn điệu, bài bản, những nội dung mà các làn điệu bài bản ấy thường thể hiện và đắc dụng nhất rồi sử dụng tiếng đệm, những hư từ, câu ca dao gắn một địa danh, một lối ví von, một câu tục ngữ… trong sáng tác lời như thế nào cho thật hài hòa. Khi đã nhuần nhuyễn các làn điệu, trong quá trình sáng tác lời ca, hầu như yếu tố âm nhạc chỉ còn là yếu tố thứ hai.

Do đó, sáng tác lời ca Huế mặc nhiên khó hơn so với sáng tác lời các làn điệu hò, lý… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ gìn và phát huy giá trị của ca Huế. Đặc biệt, việc sáng tác một ca khúc mới dựa trên chất liệu cũ, dân ca, âm nhạc truyền thống hay ca Huế đều là sự thể nghiệm thú vị, cũng là cách để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống.

Hiện nay, nội dung những bài ca Huế ngoài sự ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên phong hoa tuyết nguyệt, tự sự về nhân tình thế thái, buồn vui của kiếp người, còn có những nội dung ngợi ca ngày mới, nói lên những khát vọng, ước mơ về một tình yêu lớn tràn trề hạnh phúc. Ca Huế đang theo nhịp đời mới mà trưởng thành, giàu âm hưởng, giàu cung bậc để hòa âm vào vận hội chung muôn khúc xuân thì.

3. Môi trường diễn xướng

Ca Huế xưa rất kén chọn không gian diễn xướng. Tiếng ca, điệu nhạc chỉ lột tả được thần thái của ca Huế khi được cất lên trong những phòng khách trang trọng, những lòng thuyền tao nhã với số lượng người nghe vừa phải, có người tri âm, tri kỷ, có trình độ thưởng thức.

Một khi không gian và thời gian lịch sử đã thay đổi, thì môi trường diễn xướng của ca Huế tất yếu không tránh khỏi sự đổi thay. Diễn xướng ca Huế đã dần rũ bỏ lớp áo cung đình xa hoa trong khi vẫn giữ nguyên những giá trị âm nhạc cốt lõi để bước ra đời sống thế tục sinh động. Nếu trước kia, diễn xướng ca Huế truyền thống được thực hành chủ yếu trong hoàng cung, các phủ, đệ (cung vua, phủ chúa...) để phục vụ hoàng tộc và tầng lớp quyền quý, giới trí thức trong xã hội, thì hiện nay, đã quay về đời sống thường nhật của người dân, tham gia vào các sự kiện, lễ hội, trình diễn cho đại chúng.

Hiện nay, môi trường biểu diễn ca Huế khá đa dạng. Ngoài các môi trường diễn xướng truyền thống như: ca Huế thính phòng, tư gia, còn có thêm hình thức ca Huế ở các CLB, trên sông Hương, trong các dịp hội hè.

Đáng tiếc là hiện nay hiện trạng ca Huế trên sông Hương đã có những dấu hiệu bất thường như đã và đang bị thương mại hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Sự hiện diện của những sản phẩm văn hóa mới như dịch vụ ca Huế trên sông Hương với nhiều mặt hàng ăn theo đã phản ánh chính xác một thực tế xã hội.

Ngoài ra, ca Huế cũng đang được gìn giữ, bảo lưu trong dân gian ở những dạng khác. Trước hết, đó là những thầm lặng cống hiến của nhiều nghệ nhân lão thành. Bằng nhiều cách thức, họ đã truyền lại các ngón nghề thủ đắc cho thế hệ trẻ. Các làng xã vào dịp tế lễ, các gia đình lúc cần tổ chức hoan hỉ, thượng thọ, tang tế… cũng mời các đoàn ca Huế về biểu diễn. Tại những cuộc biểu diễn như vậy, các chương trình ca Huế đã hình thành những chuyên đề ngợi ca cảnh đẹp quê hương, ngợi ca công đức cha mẹ, nhắc nhủ về đạo làm người… Một hình thức tồn tại khác là các chương trình phát thanh, truyền hình đang góp phần quảng bá ca Huế đến với công chúng.

4. Thời gian diễn xướng

Thời gian biểu diễn ca Huế chủ yếu vẫn là buổi tối, nhất là tại các CLB, tại tư gia. Ngoài ra, các hình thức biểu diễn khác, như ca Huế trên sông Hương, tại các nhà hàng, khách sạn, và các dịp lễ hội, liên hoan thì thời gian linh hoạt hơn, phụ thuộc vào đặt hàng, lịch biểu diễn.

Như vậy, nếu so với ca Huế truyền thống trước đây thường có sự lựa chọn kỹ càng về thời gian, phải gắn với các dịp lễ tiết, nghi thức hay các sự kiện trang trọng, hiện nay, ca Huế có thể diễn ra bất kỳ ngày nào, thời gian nào miễn là có khán giả, có nhu cầu.

5. Trên phương diện âm nhạc

Nếu hình thức ca Huế thính phòng vẫn duy trì trình diễn các bài bản cổ, mẫu mực của ca Huế truyền thống, thì ca Huế trên sông Hương có xu hướng thay đổi rất nhiều. Do dịch vụ biểu diễn có hạn, nên các làn điệu ca Huế mang tính hàn lâm, bác học hay các bài ca Huế kinh điển không thể nào đưa lên thuyền rồng để phục vụ du khách. Những bản cổ của ca Huế như: Quả phụ, Nam Xuân, Nam Ai, Phú Lục, Tứ Đại Cảnh… gần như vắng bóng. Đa số các nghệ sĩ, nhạc công thường chỉ trình diễn các làn điệu dân ca, điệu lý, hò. Cho đến nay, ca Huế trên sông Hương không hoàn toàn là trình diễn những bài bản ca Huế chính thống, mà bao gồm cả ca nhạc dân gian xứ Huế (dân ca, hò, vè, lý…) thậm chí cả nhạc mới viết về Huế và những bài nhạc khác nếu có yêu cầu. Đây là điều hiển nhiên, thể hiện sự biến đổi và thích ứng của một hiện tượng văn hóa bất kỳ, để có thể tồn tại. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là nó đưa tới một sự ngộ nhận, một hình dung sai về ca Huế truyền thống với tư cách một di sản văn hóa riêng có của vùng đất Huế, sự hiểu biết lệch lạc về một loại hình âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Hiện nay, số lượng ca sĩ, nhạc công ca Huế hiện khá lớn. Họ tập trung ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Ca kịch Huế, đội ngũ hàng trăm người biểu diễn trên sông Hương. Hiện ở Huế, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật được xem là cái nôi đào tạo các ca sĩ, nhạc công biểu diễn ca Huế. Tuy nhiên, số lượng không đi đôi với chất lượng. Việc đào tạo ca sĩ, nhạc công cho thật bài bản chưa đáp ứng kịp. Có nhiều ca sĩ, nhạc công chỉ đàn, hát được vài bài thứ yếu, chủ yếu là dễ hát để biểu diễn cùng với một số bài tân nhạc có âm hưởng dân ca. Sự dễ dãi và lười biếng của ca sĩ, nhạc công dẫn đến việc du khách hiểu sai về ca Huế, từ đó người diễn và người nghe đều cùng dễ dãi. Thêm vào đó, một trong năm điều cấm kỵ của ca Huế là “nhân bất thính bất đàn”, nhưng hiện nay du khách đến nghe ca Huế rất ít người hiểu hết nội dung nên không động viên được ca sĩ, nhạc công nâng cao trình độ…

Dàn nhạc ca Huế trước đây thường sử dụng dàn ngũ tuyệt gồm: tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam. Hiện nay chỉ còn lại bốn loại nhạc cụ chủ yếu đó là tranh, tỳ, nhị, nguyệt, không dùng đàn tam và gọi là tứ tuyệt. Thêm vào đó, người ta còn cho vào những loại nhạc cụ như: sáo trúc, đàn bầu, hoặc nhạc cụ gõ như: ly, chén, sênh tiền…

Về mặt cấu tạo và nguyên liệu làm đàn cũng có nhiều biến đổi. Đàn nguyệt trước kia có 4 dây làm bằng sợi tơ, nay chỉ còn lại 2 dây, một lớn một nhỏ làm bằng dây nylon. Ngày xưa, các nghệ nhân dùng móng tay để gảy đàn, ngày nay thì dùng bằng móng nhựa, hoặc đồi mồi để gảy vào dây tạo ra âm thanh. Đàn tranh hiện nay không chỉ có 16 dây, do nhu cầu diễn tấu nên người ta cho thêm vào nhiều dây, có khi 19, 21 dây…

Âm thanh đàn bầu rất quyến rũ nhưng lại rất nhỏ nên ngày nay, người ta phải vận dụng điện tử để khuếch đại âm thanh. Đàn nhị có cung vĩ trước đây căng bằng lông đuôi ngựa hoặc sợi tơ, nylon nhỏ. Dây đàn hiện nay có hai loại: dây nylon và dây sắt. Sự xuất hiện vị trí cây đàn bầu hay sáo trúc hiện nay trong dàn nhạc ca Huế trên sông, chủ yếu là do nhu cầu hát nhạc mới, cần có nhạc cụ tạo giai điệu và dạo nhạc.

6. Trang phục trong diễn xướng ca Huế hiện nay

Trang phục biểu diễn ca Huế hiện nay về cơ bản không có nhiều thay đổi so với trước đây, chủ yếu vẫn là áo the, khăn xếp truyền thống. Tuy nhiên, trang phục hiện nay cầu kỳ hơn, chất liệu đa dạng (lụa, the, đũi, gấm…), nhiều chi tiết hơn (đính đá, thêu kim tuyến, vẽ sơn mài…), đặc biệt là trang phục của nghệ sĩ nữ. Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay trang phục của diễn viên ca Huế bị cách tân nửa vời, thậm chí lòe loẹt, khăn vành nhiều tầng, thiếu sự tinh tế, trở nên lạc điệu với chính dòng nhạc các nghệ sĩ đang biểu diễn và xa lạ với con người, cảnh sắc không gian xứ Huế trầm mặc, thanh tao? Tình trạng này chủ yếu xảy ra với hình thức ca Huế trên sông Hương, hay tại các nhà hàng, khách sạn, sự kiện.           

Vì những lý do trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 51/2011/QĐ-UBND ngày 29-12-2001 về quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, điều 14 ghi rõ trang phục của người tham gia hoạt động dịch vụ ca Huế có quy định: Diễn viên, nhạc công, người điều hành chương trình trong quá trình tham gia biểu diễn ca Huế phải mang trang phục truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Điểm qua một số nét biến đổi trong thực hành diễn xướng ca Huế hiện nay để chúng ta có những cách nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn, từ đó giúp ích cho các nhà quản lý văn hóa địa phương, các văn nghệ sĩ tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát triển loại hình di sản văn hóa phi vật thể qúy hiếm này.

_______________

Tài liệu tham khảo:

1Dương Viết Á, Mấy vấn đề về văn hóa âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 2009.

2. Dương Viết Á, Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, tập I, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2005.

3.Nguyễn Hữu Ba, Dân ca Việt Nam, Trung tâm Học liệu, Sài Gòn, 1961.

4. Thế Bảo, Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2011.

5. Tôn Thất Bình, Tìm hiểu Hò Bình - Trị - Thiên, Tạp chí Sông Hương, số 27, 1987.

6. Tôn Thất Bình, Nguồn gốc sự hình thành và các giai đoạn biến chuyển ca Huế, Tạp chí Sông Hương, số 121, 3-1999.

7. Lê Văn Cần, Chuyên khảo về ca Huế, bản roneo, 1963.

8. Phạm Duy, “Dân ca Việt Nam, Nguyệt san văn Hữu, số 3, 1960.

9. Nguyễn Việt Đức (Chủ biên), Lâm Bảo Dần, Đàn - Ca Huế, Nxb Đại học Huế, 2015.

10. Dương Bích Hà, Lý Huế, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1999.

11. Nguyễn Việt Đức (Chủ biên), Nguyễn Đình Sáng, Vĩnh Phúc, Lịch sử Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Nxb Đại học Huế, 2015.

12. Lê Văn Hảo, Góp phần tìm hiểu ca nhạc Huế, Tạp chí Văn nghệ, số 9, tr.75 - 76, 1978.

13. Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1984.

14. Trần Văn Khê, Lối ca Huế và lối nhạc tài tử, Hợp tuyển tài liệu Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình âm nhạc Việt Nam TK XX, Tập 2A (2004), tr.565 -575, 1961.

15. Trần Văn Khê, Văn hóa với âm nhạc dân tộc, Nxb Thanh niên, TP.HCM, 1986.

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019

;