Boris Vasilyev từng nói: “Những cuộc chiến tranh có bắt đầu nhưng chẳng có kết thúc. Nó dai dẳng trên nước mắt những người vợ góa, người mẹ, nỗi buồn của trẻ mồ côi, tiếng rên rỉ của người lính bị thương. Những vết thương trên mặt đất biến dần, bãi chiến trường xưa thay bằng những luống cày mới, nhưng rất lâu, rất lâu trong mẩu bánh vẫn lưu lại mùi vị chua của bụi đất, thương đau” (1). Trải qua 30 năm kháng chiến, trong truyện ngắn Việt Nam đương đại, hình tượng người phụ nữ chiếm vị trí trung tâm, được nhiều tác giả lựa chọn ký thác tư tưởng về chiến tranh.
Hình tượng người phụ nữ thời chiến tranh
Trong văn học 1945- 1975, người phụ nữ xuất hiện là những người mẹ, người vợ, người yêu làm hậu phương vững chắc cho chồng con ra trận; họ cũng là những người tham gia cách mạng ở địa phương, đảm đang việc gia đình. Họ thường được miêu tả với phẩm chất anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Những người phụ nữ có chồng, con ra trận là niềm tự hào, điều tất yếu. Các cô gái tiễn chồng hoặc người yêu ra trận, tham gia thanh niên xung phong với niềm lạc quan phơi phới, coi nhẹ gian khổ, hy sinh. Những khó khăn, mất mát nếu có cũng trở thành cội nguồn nghị lực sống của họ. Đó là những người như má Bảy (Gia đình má Bảy của Phan Tứ), chị Nhặt (Vợ chồng xã đội của Lê Khánh), Mai, Dít (Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu), chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi), chị Sứ (Hòn đất của Anh Đức)... Nhưng khi kết thúc chiến tranh, họ rơi vào nhiều cảnh huống éo le, thương tổn, dở dang... tạo nên nhiều kiểu nhân vật mới mẻ.
Nhân vật phụ nữ thủy chung chờ đợi
Môtip nhân vật phụ nữ thủy chung chờ đợi xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn chiến tranh từ sau 1975. Điểm chung của họ là chờ đợi thời gian quá dài, thậm chí hơn nửa đời người, vẫn luôn giữ mối chung tình với người đi xa dù có thể còn chưa một lời thề nguyền hẹn ước. Đó là Ân, Mật trong Hai người đàn bà xóm Trại của Nguyễn Quang Thiều, đợi chồng từ lúc ngoài hai mươi tuổi đến khi trở thành hai bà lão. Dù chồng đã có giấy báo tử về nhưng họ vẫn giữ thói quen chờ đợi, hy vọng. Đó còn là Hai Mật trong Trên mái nhà người phụ nữ của Dạ Ngân, những người lính xuất hiện trong đời chị, rồi ra đi vĩnh viễn như một quy luật tàn khốc của chiến tranh. Hai mươi năm đợi chờ, hy vọng, chị vẫn là con gái, vẫn lẻ bóng khi đứa con nuôi đã là thiếu nữ, hiểu trong đôi mắt mở hàng đêm nhìn lên mái nhà của má rằng chiến tranh chưa hề nguội lạnh. Có thể nhận thấy nhiều nhân vật phụ nữ kiểu này trong truyện ngắn đương đại như bà Rúm trong Vĩnh biệt mười chín con gà trống của Nguyễn Quang Lập, mười chín năm đợi chồng chỉ biết lấy tiếng gà làm niềm vui, xua đi những thôi thúc bản năng bừng lên mỗi đêm. Còn chị Tuân ở Những giấc mơ có thực của Vũ Thị Hồng, thậm chí còn đợi chờ, khi còn chút hy vọng cũng đi tìm người chiến sĩ chị thầm thương mến mà cả hai chưa kịp ngỏ lời gì. Còn rất nhiều nhân vật khác như Hiên trong Dòng sông trinh nữ của Sương Nguyệt Minh, My trong Hoa gạo tháng 3 của Trần Thanh Cảnh, cô gái ở làng chiến khu trong Giếng trong của Lê Tuấn Hiển, Xoan trong Tình yêu một đời của Nguyễn Ngọc Chụ... đều dành gần trọn cuộc đời để đợi chờ người mình thương mến, để rồi hầu hết là kết thúc không có hậu.
Họ tạo thành hệ thống nhân vật vọng phu với nhiều dáng vẻ, điển hình cho nhân cách, phẩm chất, cách ứng phó với cuộc sống sau chiến tranh của không ít phụ nữ Việt Nam. Kiểu nhân vật đợi chờ này không chỉ là biểu tượng của lòng thủy chung, kiên nhẫn mà còn là tiếng nói về hậu quả chiến tranh để lại với những con người nặng tình, sự khắc nghiệt của thời gian. Xây dựng nhân vật này thể hiện cái nhìn thấu hiểu, sẻ chia của nhà văn về người phụ nữ Việt Nam đi qua chiến tranh. Qua đó cũng thể hiện bản sắc riêng của người phụ nữ Á Đông với những đặc trưng tính cách truyền thống, môi trường văn hóa.
Nhân vật phụ nữ với bi kịch chiến tranh
Truyện ngắn sau 1975 về chiến tranh đã khắc họa hình tượng những người phụ nữ từ góc độ bi kịch trong số phận cá nhân. Bi kịch của họ cũng là bi kịch chung của con người đi qua chiến tranh.
Nhiều nhân vật người mẹ xuất hiện trong truyện ngắn thời kỳ này với nỗi đau không gì khỏa lấp khi mất đi những đứa con. Không chỉ phải chịu đựng nỗi đau mất đi một phần máu thịt, mà họ còn đau đáu tìm được hài cốt con về, rồi bao nhiêu xúc cảm đeo đẳng suốt phần đời còn lại. Nhân vật người bà trong Nắng chiều của Thụy Anh đã 80 tuổi, kiệt sức sau nhiều năm hỏi han tin tức cậu Bình, vẫn phấn chấn như hồi sinh khi tìm được người tổ chức đoàn đi tìm mộ con vào Quảng Ngãi, rồi khi biết ngôi mộ đã có người chuyển ra Huế thì lại tiếp tục lần theo. Bà gặp một bà mẹ liệt sĩ khác, được đề nghị coi là con chung, không làm động đến mồ mả nữa. Cũng rơi vào hoàn cảnh ấy là bà cụ Ngự, mẹ của Lộc, đổ bệnh đã lâu mà hài cốt con vẫn chưa được quy tập, dù đã mấy chục năm sau chiến tranh trong Đất ấm của Đỗ Văn Nhâm. Có lẽ may mắn hơn, nhân vật bà cụ Lăng ở Bến trần gian của Lưu Sơn Minh được gặp lại con mình khi hồn ma anh trở về, trò chuyện với con, giấu nỗi thương nhớ để cho con đi thanh thản. Bà thường khóc thầm khi nhớ con trong cảnh sống đơn độc nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ. Đó còn là người mẹ mà niềm tin mạnh hơn cả cái chết, không bao giờ vơi cạn dù mòn mỏi chờ con, tự dối lòng mình trong Bà Thỏn của Trần Thanh Hà. Đặc biệt hơn, có người mẹ bày đồ cúng con trên máy bay, trên vùng trời con mình là chiến sĩ phi công hy sinh gần ba mươi năm trước như ở Mây trắng còn bay của Bảo Ninh. Lặng lẽ âm thầm là người mẹ gần năm mươi tuổi đã mù lòa, người dì của Tư trong Hữu khuynh của Bảo Ninh, phải sống nương nhờ vào cháu vì hai đứa con là những tên lính ngụy sát nhân khét tiếng đã chết trẻ. Một người mẹ khác, thậm chí đau đáu tìm tung tích của con đến chết vì sự ra đi của nó còn có những lời đồn đoán không minh bạch trong Thời gian của Cao Duy Thảo.
Bên cạnh những người mẹ mất con là những người vợ tiễn chồng ra trận. Nhân vật này được miêu tả với đặc trưng truyền thống, nếp nghĩ của phụ nữ Việt Nam giàu lòng thủy chung, đức hy sinh, niềm hy vọng vô bờ nên khi chồng thành liệt sĩ thì họ sống một mình nuôi con hoặc cô quạnh. Đó là nhân vật mẹ của tôi trong Chuyện xưa kết đi, được chưa? của Bảo Ninh, ở vậy nuôi dạy ba người con trưởng thành; được sự giúp đỡ của đồng đội chồng, bà sống với sự khắc cốt ghi tâm tình nghĩa đó, dường như không còn nghĩ đến tình cảm riêng tư của bản thân mình. Còn người mẹ trẻ cùng đứa con gái cao đến tai mẹ đi thăm mộ chồng là liệt sĩ trong Thanh minh trời trong sáng của Ma Văn Kháng là cảnh ngộ của bao phụ nữ Việt Nam thời kỳ đó. Bi kịch hơn, người góa phụ trong Trận gió màu xanh rêu của Võ Thị Hảo trở nên điên dại, không tin người chồng đã chết sau lần định di chuyển mộ nhưng trong đó là xương đầu nai. Còn có thể gặp nhiều nhân vật phụ nữ mất chồng bởi chiến tranh như người em trong Đi thăm chồng của Dạ Ngân, Người sau cùng trở về làng Vọc của Hoàng Phương Nhâm. Họ mòn mỏi đợi người thân dù biết chắc không trở về nữa.
Một cảnh ngộ trớ trêu, bi kịch khác của người phụ nữ sau chiến tranh là dù chồng họ có trở về cũng mang thương tích nặng hoặc không thể có những đứa con lành lặn. Nhân vật phụ nữ được đặc tả với mong ước giản đơn trong cuộc sống là có một gia đình đủ đầy bình thường cũng là điều ngoài tầm với của họ. Góc độ miêu tả này chỉ có trong truyện ngắn sau 1975. Nhân vật Sao trong Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh là số phận của cô gái chìm đắm trong chuỗi thời gian đầy tuyệt vọng khi sinh ra những thứ không mang hình hài con người. Hòa bình cũng chứa đựng biết bao sóng ngầm, người phụ nữ ở đây chênh vênh trên bến tình người. Cũng rơi vào cảnh tương tự là nhân vật tôi ở Người đàn bà sau chiến tranh của Từ Nguyên Tĩnh, bị giày vò khi nghĩ đến có một đứa con với Dũng, rồi phải chia tay Phúc khi cô yêu cả hai người hồi chiến tranh, nhưng lấy Phúc vì được tin Dũng hy sinh. “Chẳng lẽ tôi không có quyền làm mẹ, sinh nở cho mình một đứa con, dẫu chúng hư hỏng cũng được, đằng nào tôi cũng biết mình là mẹ” (2), câu hỏi như tiếng nói thống thiết về thiên chức của người phụ nữ bị chiến tranh đặt vào tình cảnh bất thường. Cùng chung cảnh ngộ với họ là chị Lành trong Tiếng lục lạc của Nguyễn Quang Lập, quá nửa đời người mới gặp lại anh Chi. Đã 46 tuổi nên thuốc thang mãi chị mới có thai trong niềm khấp khởi mong ngóng nhưng chị sinh ra một hình hài dị dạng vì bị nhiễm chất độc điôxin. Tiếng lục lạc của người cha rung lên tưởng chừng báo hiệu thành công nhưng lại để lại khoảng lặng phía cuối chuyện về nỗi đau của người phụ nữ không thể làm mẹ. Còn nhân vật chị trong Bến đàn bà của Nguyễn Mạnh Hùng, trong mơ thường gặp hai ấu hồn con chị với câu hỏi mà chị không thể trả lời rằng vì sao chúng lại không có hình hài con người?
Còn nhiều người phụ nữ khác như Thắm trong Những bóng người trên đất của Trịnh Sơn, người thương binh trong Những giấc mơ có thực của Vũ Thị Hồng, phải đối diện với bi kịch chiến tranh. Điểm chung của họ là bị chiến tranh cướp đi người thân hoặc trả họ trở về không còn lành lặn, không thể hoặc ít khả năng có một gia đình đầy đủ với những đứa con. Lắng lại sau mỗi câu chuyện là nỗi đau, phần khuyết thiếu không thể bù đắp trong số phận của họ sau chiến tranh. Họ được tô đậm ở đức tính hy sinh, tình cảm sâu nặng, nghị lực kiên cường. Kiểu nhân vật này gắn với cảm hứng bi kịch, phổ biến trong văn học sau 1975 nói chung trên mọi đề tài, nhân vật.
Ở một khía cạnh khác, bi kịch của người phụ nữ sau chiến tranh còn là sự dang dở tình duyên, không có một tổ ấm cho riêng mình. Lớp lớp thanh niên tình nguyện ra chiến trường, đi thanh niên xung phong, hiến dâng tuổi xuân, xương máu, tính mạng của mình. Họ đi mang theo bao lời hẹn thề, cũng có người như trang giấy trắng chưa kịp viết lời yêu.
Sau khi cơn bão chiến tranh tràn qua, nhiều cuộc đời trở thành dang dở nhưng có lẽ khắc khoải nhất vẫn là những người phụ nữ. Họ chơi vơi, vô định trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tuổi trẻ, nhan sắc, sức sống đã hao mòn bởi thời gian, bởi chiến tranh cùng với nếp sống tình cảm, sự chi phối của dư luận khiến họ gặp nhiều trắc trở tình duyên, nhiều người thậm chí sống đơn độc phần đời còn lại. Đó là Thảo trong Người sót lại của Rừng Cười của Võ Thị Hảo, bỏ đi biệt tích khi nhận thấy người yêu đã lạnh nhạt. Giữ được tính mạng ra khỏi chiến tranh nhưng hạnh phúc không ở lại với cô thanh niên xung phong đã không còn xinh đẹp tràn đầy sức sống như khi bước vào cuộc chiến. Lòng tự trọng, ý thức sống khiến cô không chấp nhận được sự khiên cưỡng, trách nhiệm trong tình yêu.
Cũng phải kể đến Túc trong Xưa kia chị đẹp nhất làng của Tạ Duy Anh, Mây trong Người ở bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh, H’Noanh trong H’Noanh, chị tôi của Trung Trung Đỉnh, Mua trong Người thọ nạn của Hoàng Đình Quảng... Những nhân vật này được miêu tả mang theo sự hụt hẫng, dang dở, mất phương hướng trong việc kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc sau chiến tranh. Những lý do khách quan khiến họ rơi vào tình cảnh thích nghi với cuộc sống thiếu vắng người đàn ông, hầu như không còn hy vọng về tương lai. Bởi cuộc đời của họ thường được đặc tả ở thời điểm hiện tại, khi nỗi cô đơn đã theo họ bước sang tuổi xế chiều. Họ góp thêm tiếng nói phản đối sự phi nhân tính của chiến tranh khi chia cắt những tình cảm thiêng liêng của con người. Những nhân vật phụ nữ với chấn thương, bi kịch sau chiến tranh cũng xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết chiến tranh. Đó là Thu trong Nước mắt đỏ của Trần Huy Quang, Quy trong Chim én bay của Nguyễn Trí Huân... thể hiện cái nhìn khách quan, tiếp cận đề tài qua số phận cá nhân của nhà văn sau giải phóng.
Con người sau chiến tranh với thương tật về thể chất, mang theo khuyết thiếu, vết thương tâm hồn, tình cảm là một vấn đề cần quan tâm gắn với tinh thần nhân văn, nhân bản của văn học nói chung, truyện ngắn chiến tranh nói riêng.
Nhân vật phụ nữ tha hóa
Trong cách tiếp cận ở cảm hứng bi kịch của truyện ngắn về chiến tranh sau 1975, người phụ nữ bị vòng xoáy của cuộc chiến tranh kéo dài đẩy vào tình cảnh éo le, biến họ trở thành người bội bạc, sa ngã, chung chạ với nhiều người. Kiểu nhân vật này không có trong văn học giai đoạn trước.
Tuy nhiên, cái nhìn trong truyện ngắn thời kỳ này với họ thường là bao dung, bởi họ cũng là nạn nhân của chiến tranh, nhiều khi do hoàn cảnh, họ cũng có những khát khao rất đỗi thường tình của con người. Đó là nhân vật vợ Quang trong Rửa tay gác kiếm của Bảo Ninh, bỏ chồng đi theo tiếng gọi tình yêu, không đợi được đến ngày anh trở về. Người lính ở Biển cứu rỗi của Võ Thị Hảo từng triết lý về gia cảnh của mình: “Số phận không dành cho anh người đàn bà bạc tóc chờ chồng. Những đứa trẻ khác bố. Những cuộc giao hoan vội vã thoảng mùi chết chóc trước khi đi vào họng tử thần. Thù lao, sang nhất có lẽ là những phong lương khô và vài bộ quần áo Tô Châu” (3). Trong chiến tranh, không phải người phụ nữ nào cũng giữ được mình, đặc biệt trong thiếu thốn, sự sống, cái chết gần nhau trong gang tấc. Có khi người phụ nữ không làm chủ được tình thế, trở thành người phản bội như Thoải trong Thím Thoải của Hạnh Lê, Lệ trong Một quãng đời và cả cuộc đời của Phạm Duy Tương... Gắn với cảm hứng nhân bản là nhu cầu nói lên những khát vọng bản năng, mưu cầu chính đáng của con người nói chung, phụ nữ nói riêng. Đó còn là những cô gái chưa chồng như Diệu Nương trong Gió dại của Bảo Ninh, Diễm Thúy trong Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa, trở thành người mua vui cho các hạng khách từ sang trọng đến bình thường, bị giày vò, trải qua những ngày náo loạn trước khi chiến tranh kết thúc nhưng vẫn kiên định bám trụ mảnh đất mình bị bỏ rơi để hy vọng ngày đoàn tụ. Đó còn là Trửng với các cô gái ở Xóm sở Mỹ của Thu Trân, sống nhờ công việc dọn dẹp, phục vụ khách ở sở Mỹ, bị mọi người khinh ghét. Chiến tranh kết thúc họ lo không biết sẽ sống ra sao.
Mỗi nhân vật một cảnh ngộ, họ đã bước vào những ngã rẽ hoặc dấn thân vào con đường không mong muốn. Về mặt nào đó, họ là những nạn nhân của chiến tranh, nhiều khi cả thời gian dài phải sống kìm nén, không còn được sống với bản tính thường tình. Soi chiếu qua thân phận người phụ nữ, truyện ngắn sau 1975 hướng đến tận những góc khuất thầm kín, khát vọng bản năng, những vấp ngã đời thường. Họ hiện lên gần gũi với nhiều cung bậc tình cảm, số phận, cũng thể hiện cái nhìn chiến tranh ở những giác độ khác, những mất mát không đo đếm được. Bên cạnh đó, họ vẫn toát lên đặc trưng nếp nghĩ, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam vừa có nét truyền thống, vừa mạnh mẽ, dám sống hơn. Nhân vật, vì thế cũng được khai thác chiều sâu đời sống nội tâm, tính cách với những nét vẽ phức tạp chứ không còn thuần nhất như trong truyện ngắn giai đoạn trước.
Nhân vật trong truyện ngắn chiến tranh đương đại là nơi thể hiện tập trung cách nhìn chiến tranh với những hệ lụy kinh hoàng, cuộc sống đầy chông chênh sau giải phóng. Đặc biệt là từ thập kỷ 90 TK XX trở đi, truyện ngắn về đề tài này nổi lên tiếng nói về những chấn thương, bi kịch, mất mát, ám ảnh bởi chiến tranh. Nhân vật phụ nữ đã góp phần chuyên chở thông điệp về những mất mát, dư chấn trong số phận của biết bao người dân, thể hiện tư tưởng nhân bản, nhân văn khi nhìn chiến tranh trên nhiều phương diện.
_____________
1. Lê Dục Tú, Truyện ngắn đương đại về đề tài chiến tranh - những đổi mới trong tư duy thể loại, vannghequandoi.com.vn, 2012, tr.114.
2. Bùi Việt Thắng sưu tầm,Truyện ngắn hay về chiến tranh, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr.330.
3. Võ Thị Hảo, Người sót lại của Rừng Cười, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.40.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO