Nghệ thuật xòe Thái cần được bảo vệ và phát huy theo công ước quốc tế

Xét đến mối tương quan chặt chẽ giữa di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể, có thể hiểu nghệ thuật xòe Thái là một hình thức nghệ thuật trình diễn thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ thuật xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc của Việt Nam trong các lễ hội cộng đồng, tang ma hay trong sinh hoạt hàng ngày… Đến nay, xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng không chỉ bởi những đặc điểm độc đáo mà còn được các thế hệ người Thái tiếp tục gìn giữ.

1. Công ước UNESCO 2003 và thuật ngữ bảo vệ, phát huy

Hầu hết các nước trên thế giới đều đã thông qua các đạo luật nhằm bảo vệ di sản văn hóa. Kể từ khi thành lập, UNESCO đã hỗ trợ các nước thành viên trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Để hỗ trợ các nước thành viên trong việc bảo vệ di sản văn hóa, UNESCO đã xây dựng và thông qua Công ước năm 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (còn gọi là Công ước UNESCO năm 2003). Công ước UNESCO 2003 đã được thông qua với mục đích: bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân có liên quan; để từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau trong lĩnh vực này; tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế.

Thuật ngữ bảo vệ, phát huy: thuật ngữ bảo vệ safeguarding) - là thuật ngữ mà UNESCO thường dùng trong khoảng hơn 1 thập niên gần đây. Theo Công ước của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khái niệm bảo vệ (safeguarding) có nghĩa rộng hơn thuật ngữ bảo tồn (preservation). Mục 3, Điều 2 của Công ước 2003 ghi rõ: “Bảo vệ là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này”. Như vậy, khái niệm bảo vệ theo quan niệm của UNESCO là rộng hơn bảo tồn và đã phần nào bao gồm cả nghĩa của từ phát huy (1). Thuật ngữ phát huy là một cách diễn đạt bổ sung với khái niệm bảo vệ. Phát huy các giá trị di sản văn hóa không đồng nghĩa với bảo tồn mà nghĩa là mở rộng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa, tăng cường giao lưu văn hóa và làm thăng hoa giá trị văn hóa trong bối cảnh đương đại (2).

Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý (3). Vì thế, việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “nghệ thuật xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào các danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là một biện pháp nhằm nâng tầm quảng bá và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam lên tầm quốc tế. Đồng thời, qua đó để nâng cao nhận thức, nhất là đối với thế hệ trẻ, về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này và hoạt động bảo vệ chúng.

2. Giá trị của di sản nghệ thuật xòe Thái như tài sản văn hóa chung của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc, Việt Nam

Di sản văn hóa nghệ thuật xòe Thái được hiểu là tài sản văn hóa phi vật thể khi nó thuộc về một nền văn hóa riêng và có vị trí nổi bật, bởi tính nghệ thuật cao và bởi chúng mang nét đặc trưng của nền văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam. Nghệ thuật xòe Thái sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của tất cả các dân tộc và tăng cường sự tôn trọng giữa các quốc gia.

Chủ thể của di sản văn hóa nghệ thuật xòe Thái là dân tộc Thái. Người Thái ở Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần làm phong phú, đa dạng, sáng tạo trong bản sắc văn hóa dân tộc. Xòe Thái là loại hình múa truyền thống của người Thái có đặc điểm riêng về nguồn gốc và đặc trưng văn hóa, nghệ thuật trình diễn. Xòe được dịch ra theo tiếng Thái ghi trong cuốn Quam tố mương (tức Chuyện bản mường của người Thái đen Tây Bắc) có nghĩa là xe, xòe cổ là xe cáu ké nhằm chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào dân tộc Thái. Xòe được thực hành tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên, trong đó trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên),Thuận Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La). Xòe có nhiều hình thái khác nhau, dùng trong sinh hoạt cộng đồng để kết giao bạn bè, làm phương tiện diễn đạt các ý tưởng về cội nguồn và tâm linh. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Xòe có ba loại chính: xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Nghệ thuật xòe Thái mang tính tộc người, tính cộng đồng, thể hiện bản sắc của người Thái. Nghệ thuật xòe Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Theo số liệu kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2018 (4) về các dịp diễn ra múa xòe, 94,9% các thành viên cộng đồng được hỏi cho biết thường xuyên múa xòe trong các lễ cưới và lễ mừng nhà mới; 86,2% thường xuyên múa xòe trong các ngày lễ do chính quyền tổ chức; 70,4% thường xuyên múa xòe trong các dịp lễ hội truyền thống; các dịp lễ khác cũng thường có múa xòe như các sinh hoạt đoàn thể (63,6%); theo lịch sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội văn nghệ (60,2%); trong các dịp lễ tiết (54,1%). Tỷ lệ ít hơn trong các lễ cúng truyền thống, chỉ có 12,4% có thường xuyên xòe trong các lễ cúng; 8,4% có xòe trong các nghi lễ vòng đời người; đặc biệt hiếm có xòe trong các lễ tang (hiện nay chỉ còn 3 thôn/ bản thuộc huyện Vân Hồ, Sơn La và 2 thôn/bản thuộc thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái là còn thực hành xòe trong tang ma).

Vòng xòe - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Nghệ thuật xòe Thái là sự tổng hợp, hòa quyện trong âm nhạc của người Thái (gồm lời hát, nhạc khí và điệu múa). Âm nhạc trong đời sống sinh hoạt của người Thái không thể thiếu tiếng hát, gọi chung là khắp, bao gồm cả hát, hò, ngâm thơ và ca. Nhạc khí của người Thái gồm 3 loại: nhạc gẩy, nhạc hơi và nhạc gõ. Về nhạc gẩy phải kể đến loại đàn tính. Đàn tính có hai dây, dây thanh thể hiện giai điệu, còn dây trầm phần lớn để làm một âm trì tục, hay dây buông. Đàn tính để đệm cho hát múa và để độc tấu. Nhạc hơi thường sử dụng lưỡi lam như đàn môi, pí (sáo, tiêu), kén (khèn, kèn). Bộ gõ thể hiện nhịp điệu của nhạc Thái và điều khiển động tác múa Thái, gồm có chống, chiêng, chũm chọe và nhạc. Trống, chiêng, chũm chọe là bộ ba nhạc khí hòa trộn âm hưởng vào nhau. Trống có 2 loại gồm: Cống - là loại thường dùng hơn, có tiếng đục và vọng gần; Cong - là loại to và dài hơn, có tiếng trong và vang xa. Chiêng bằng đồng, mua ở dưới xuôi, thường dùng hai hoặc ba chiếc. Chũm chọe làm bằng đồng thau. Trống được gõ theo nhịp 2/4, chiêng đệm vào thành tiếng “cùm, kính, coong” hoặc “coong, kính, cùm” hòa với tiếng chũm chọe đập rung liên tiếp tạo nên âm hưởng rộn ràng, lôi cuốn.

Nếu xòe vòng chỉ là múa sinh hoạt thì múa trong lễ Kin pang then là một hệ thống múa lễ thức. Kin pang then được mở khi hoa mạ nở rộ để bà then cúng ma, cầu pháp thuật nhưng cũng là để cầu mùa và mừng hoa. Phát triển hơn một bước là những điệu múa biểu diễn “xé lảng”, “xé pẻn” (múa mộc, múa khiên). Về sau, những điệu múa khăn, múa nón, múa hái rau... đã ra đời, tuy vẫn còn đơn giản, mộc mạc. Điệu “xé cắp” (múa cạm bẫy) mà người múa nhảy ra, nhảy vào giữa hai đòn tre được gõ và sập theo nhịp 2/4 chính là cơ sở của múa sạp nổi tiếng sau này. Trong cuốn Giáo trình Văn học Thái xuất bản tháng 1-1995, của trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (nay là trường Đại học Sư phạm Tây Bắc), có viết: Năm 1968, Sở Văn hóa Khu tự trị Tây Bắc đã sưu tầm được 36 điệu múa dân gian Thái, trong đó có múa xòe. Điều ấy có nghĩa là ngoài múa xòe, vốn dân vũ Thái còn nhiều điệu múa khác. Vào thập kỷ thứ 2 của TK XX, các đội xòe dần dần được thành lập. Các đội xòe thường mang tên địa phương, tên bản mường và lấy tên người đứng đầu mường. Thời kỳ này múa xòe Thái đã được chuyên nghiệp hóa, trở thành múa sân khấu do các cô gái xòe biểu diễn. Như vậy, các điệu múa xòe Thái phát triển không ngừng từ 3 điệu, hay 6 điệu xòe Thái cổ ban đầu đã phát triển thành 36 điệu múa xòe biểu diễn như hiện nay và còn phát triển hơn thế nữa. Điều đó làm cho di sản nghệ thuật xòe Thái vừa phong phú, đa dạng, vừa có bản sắc riêng mà vẫn bảo lưu được tính nguyên gốc.

Giá trị của xòe biểu diễn nói riêng và múa Thái nói chung là điệu múa của người nữ. Người đàn ông Thái không biểu diễn múa, họ chỉ đệm đàn cho múa. Múa Thái không có loại múa tình tiết, mà hầu hết là múa đồng diễn nhiều người. Hầu hết các động tác múa đều có đạo cụ. Động tác gắn bó khá mật thiết với âm nhạc, mỗi bài nhạc phần nhiều chỉ đệm cho một động tác. Điệu múa, điệu xòe, âm nhạc, lời hát đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đặc trưng của dân tộc Thái. “Tuy khác bản nhưng chung mường, tuy khác phương nhưng chung vùng, mỗi nhà một khe suối, nhưng chung một mạch nguồn, cả bản đều nghe một tiếng chiêng...” (5), lời khắp Thái đó như một câu ca dao khẳng định cội nguồn, đề cao tính cộng đồng và nói lên nét tinh túy trong nghệ thuật múa truyền thống của dân tộc mình. Nghệ thuật xòe Thái là nét văn hóa dân gian độc đáo, mang tính tập thể cao của người Thái vùng Tây Bắc.

3. Cộng đồng - chủ thể di sản tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy nghệ thuật xòe Thái theo công ước UNESCO

Nghệ thuật xòe Thái là tài sản văn hóa cần phải được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc, trong mọi điều kiện hoàn cảnh văn hóa tộc người. Trong đó, quan trọng phải kể đến một số hoạt động của cộng đồng người Thái tham gia để bảo vệ và phát huy nghệ thuật xòe Thái theo công ước UNESCO: từ việc lập hồ sơ di sản quốc gia nghệ thuật xòe Thái đến một số hoạt động truyền dạy tại cộng đồng. Cụ thể như sau:

Quá trình lập hồ sơ quốc gia, thực hiện kiểm kê di sản, lập cơ sở dữ liệu lưu trữ quốc gia di sản Nghệ thuật xòe Thái

Quá trình lập hồ sơ di sản quốc gia nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO như một biện pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa theo Điều 11, Điều 13 Công ước UNESCO 2003.

Ngày 24-10-2016, Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Quyết định số 3692/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau khi Bộ VHTTDL ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể, đã giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ di sản nghệ thuật xòe Thái đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để việc lập hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO, ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của 4 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái - nơi đang giữ “báu vật” di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật xòe Thái. Tất cả đều vì mục tiêu chung là hoàn thành hồ sơ đệ trình lên UNESCO để nghệ thuật xòe Thái sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Về phía cộng đồng các bản người Thái ở vùng núi Tây Bắc, từ các đội xòe cấp cơ sở thôn, bản, xã, phường đến đội xòe chuyên nghiệp cấp huyện, tỉnh; từ nghệ nhân múa không chuyên hay nghệ nhân dân gian, ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp không biết mệt mỏi của các bà, các mẹ, các cô và tất cả thành viên cộng đồng xòe Thái, trong việc trình diễn, thực hành, sáng tạo di sản “nghệ thuật xòe Thái”, phục vụ hữu ích trong quá trình lập hồ sơ như: ghi hình, chụp ảnh và cung cấp thông tin phiếu kiểm kê, phỏng vấn...

Như vậy, việc lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào các danh sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó giúp nâng cao nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể và thu hút sự quan tâm bảo vệ di sản văn hóa không chỉ ở tầm quốc gia mà cả ở tầm quốc tế.

Thực hiện các biện pháp giáo dục về di sản văn hóa nghệ thuật xòe Thái trong cộng đồng ở Việt Nam

Biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm khuyến khích và tăng cường sự tôn trọng di sản nghệ thuật xòe Thái ở 4 tỉnh của Việt Nam đã và đang được thực hiện. Bằng việc bảo tồn tại chỗ, kết hợp thực hiện các dự án, chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương đối với di sản và mở các lớp truyền dạy tại cộng đồng bản mường người Thái, tiêu biểu phải kể đến hoạt động giáo dục di sản nghệ thuật xòe Thái ở tỉnh Yên Bái và Sơn La.

Giáo dục di sản nghệ thuật xòe Thái ở tỉnh Yên Bái

Di sản nghệ thuật xòe Thái ở tỉnh Yên Bái tiêu biểu là của cộng đồng tộc người Thái đen ở thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò). Giá trị di sản ấy luôn được duy trì và phát huy trong cộng đồng, mà tiêu biểu là ở lễ hội xòe Mường Lò. Lễ hội nổi bật với sáu điệu xòe cổ (hay được gọi theo tiếng Thái là xé cáu ké) bao gồm: xòe vòng (xé vòng), vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mư), tung khăn (nhôm khăn), bổ bốn (phá xí), tiến lùi (đổn hôn), nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu). Những điệu xòe cổ Mường Lò không chỉ là tài sản riêng của người Thái đen mà đã trở thành di sản vô giá của nhân dân các dân tộc Mường Lò và dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung. Vì thế, năm 2012, sáu điệu xòe cổ của người Thái ở (Mường Lò) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2015, nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức biên soạn cuốn bài giảng Nghệ thuật xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò do ông Lò Văn Biến là chủ biên để truyền dạy sáu điệu xòe trong cộng đồng thông qua nhiều hình thức: truyền dạy cho đội ngũ cán bộ của thị xã Nghĩa Lộ, sau đó đội ngũ cán bộ trực tiếp xuống các xã, phường, bản, làng để truyền dạy. Từ các trường học thuộc thị xã Nghĩa Lộ cho tới các xã, phường và các bản, làng hiện nay của Mường Lò đều có truyền thống xòe và phong trào xòe quần chúng rất phát triển.

Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng được 48 đội xòe nòng cốt với 384 người thuộc 6 lứa tuổi, là hội viên các cấp hội tại 7 xã, phường là: Hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 2 đội nhạc công nòng cốt gồm 20 người (xã Nghĩa An: 10 người; trung tâm Văn hóa - Thể thao: 10 người). Hằng năm vào các dịp lễ kỷ niệm, thị xã Nghĩa Lộ luôn tổ chức các hội thi xòe cấp cơ sở, phong trào này góp phần thu hút đông đảo đồng bào Thái tham gia. Đặc biệt ở Nghĩa Lộ hiện nay có một đội xòe lên tới 2013 người được tập hợp từ các đội xòe ở các bản để biểu diễn vào những dịp lễ tết và phục vụ những ngày hội văn hóa lớn được tổ chức tại tỉnh Yên Bái. Năm 2013, với 2013 người tham gia màn đại xòe cổ tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, đã xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam.

Như vậy, xòe cổ nói riêng cũng như nghệ thuật xòe nói chung của đồng bào Thái ở thị xã Nghĩa Lộ đã trở một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của cộng đồng. Đến nay, xòe cổ được lưu giữ, truyền lại trong cộng đồng qua các hình thức truyền dạy trực tiếp, trình diễn thường xuyên từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Giáo dục di sản nghệ thuật xòe Thái ở Sơn La

Hiện nay, việc giáo dục di sản nghệ thuật xòe Thái trong tỉnh được thực hiện tốt từ cấp thôn, bản. Tỉnh Sơn La có hơn 3.250 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên ở các bản, trong đó các đội văn nghệ ở các bản dân tộc Thái được coi là hạt nhân để duy trì và phát triển nghệ thuật xòe. Nhiều điệu xòe được các đội văn nghệ đưa đi tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn cấp quốc gia, đạt giải cao và đã được lưu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế.

Việc giáo dục di sản nghệ thuật xòe Thái trong cộng đồng cũng được chính quyền địa phương quan tâm nên đã đạt nhiều thành quả. Từ năm 2015, thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy các điệu múa cổ dân tộc Thái, tỉnh Sơn La đã sưu tầm, phục dựng nhiều điệu xòe cổ, trong đó phổ biến là điệu xòe vòng. Trên cơ sở xòe cổ, kết hợp với các điệu múa cổ truyền, năm 2015, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt đề án Sưu tầm và phổ cập một số điệu xoè mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La, đề án nhằm phục dựng nguyên bản các điệu xòe, kết hợp với các điệu múa cổ truyền khác mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La.

4. Các thách thức đặt ra và một số kiến nghị, đề xuất

Bảo vệ và phát huy tài sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật xòe Thái đã và đang đặt ra một số thách thức như sau:

Môi trường diễn xướng đang thay đổi: Trong xu thế phát triển và sự giao thoa văn hóa, sinh hoạt cộng đồng ở bản người Thái có thể sẽ xuất hiện những điệu nhảy xòe mới mẻ kết hợp với âm nhạc hiện đại, ít nhiều phá vỡ tính nguyên bản của điệu xòe truyền thống.

Thách thức trong sự nhận thức của chủ thể di sản như: hạn chế trong nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể mà họ nắm giữ, về tầm quan trọng của việc phải bảo vệ di sản để giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng, dân tộc cũng như về vai trò của họ trong việc duy trì và trao truyền di sản. Do đó, công tác tuyên truyền, quảng bá và đào tạo phải được tăng cường mạnh hơn nữa.

Một thách thức không nhỏ hiện nay là, sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn lực cán bộ có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý về di sản văn hóa phi vật thể cũng như sự hạn chế về tài chính và phương tiện kỹ thuật đủ đảm bảo quy chuẩn chất lượng cho các tài liệu phim, ảnh như đòi hỏi của các hồ sơ đề cử.

Một khía cạnh thực khác là nguy cơ đe dọa sự tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể không chỉ biểu hiện ở những chỉ số dễ nhận biết như: ít hoặc không được thực hành, mai một về tri thức, kỹ năng thực hành di sản... mà ngược lại, còn có cả những nguy cơ mai một rất khó nhận biết, cần phải phát hiện ở những trường hợp di sản bỗng nhiên được phát triển rầm rộ, biến đổi quá nhanh, thực hành quá phổ biến để phục vụ du lịch hay một mục đích nhất định nào đó một cách bất hợp lý đến mức bị biến dạng.

Từ đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Các cơ quan chuyên môn, các ban, ngành địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một cách bài bản các điệu xòe cổ của dân tộc Thái qua từng thời kỳ. Tư liệu hóa và phổ biến, truyền dạy trong cộng đồng, lưu trữ thành những tập tài liệu di sản có giá trị về sau.

Chính quyền và các ban ngành địa phương cần khôi phục, xây dựng, tạo lập môi trường trình diễn nghệ thuật xòe Thái gần hơn với âm nhạc truyền thống. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đầy đủ, toàn diện cho thế hệ trẻ về giá trị của nghệ thuật xòe Thái thông qua các hình thức truyền dạy trực tiếp trong cộng đồng.

Chính quyền và các ban ngành địa phương cần xây dựng thử nghiệm các chương trình phối hợp, lồng ghép, triển khai đưa nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có xòe Thái vào các chương trình học ngoại khóa của nhà trường.

Ngành Du lịch các địa phương có di sản cần duy trì, đẩy mạnh kết hợp trình diễn nghệ thuật xòe Thái với du lịch cộng đồng, phục vụ khách du lịch tham gia và trải nghiệm.

Đối với các địa phương có di sản, cần có kế hoạch và thường xuyên đưa nghệ thuật xòe Thái vào thực hành trong các sự kiện văn hóa, xã hội trong tỉnh, vừa giúp tuyên truyền, quảng bá di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ và du khách cùng gìn giữ và bảo vệ, phát huy di sản.

Tóm lại, nghệ thuật dân gian xòe Thái là sự chắt lọc tinh hoa của phong tục tập quán mang tính tích cực của nền văn hóa dân tộc. Từ lâu, xòe Thái đã trở thành món ăn tinh thần, nét văn hóa đặc trưng, là “tài sản văn hóa” chung của đồng bào 20 dân tộc anh em sống trên vùng núi cao Tây Bắc của Việt Nam. Để tiếp tục bảo vệ và phát huy, nâng tầm di sản văn hóa nghệ thuật xòe Thái như một tài sản văn hóa phi vật thể, cần thực hiện theo Công ước của UNESCO năm 2003, nhưng quan trọng vẫn là sự tham gia của cộng đồng, chủ thể của di sản văn hóa này. Nghệ thuật xòe Thái nếu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần nâng tầm giá trị di sản; qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc trong vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái nói riêng, tính đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung. Đồng thời, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với việc phát triển loại hình nghệ thuật này, để xòe Thái trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng văn hóa Tây Bắc của Việt Nam nói chung.

________________
1, 2. Đỗ Thị Thanh Thủy, Văn hóa ven biển Nam Trung Bộ - Bảo vệ và phát huy giá trị, Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ, 2016, tr.18, 19.

3. Điều 15, Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003, unesco.org.

4. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Báo cáo kiểm kê di sản Nghệ thuật xòe Thái tại 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái.

5. Dẫn theo Thái Tâm, Ngày xuân đi ngược vòng xòe, Tạp chí Dân tộc & Thời đại, số 117, 2008, tr.3.

Tài liệu tham khảo

1. Cộng đồng Thái - Kadai Việt Nam - Những vấn đề phát triển bền vững, Hội nghị quốc gia Thái học Việt Nam lần thứ VII- Lai Châu 2015, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015.

2. Nguyễn Thị Hạnh, Tư liệu điền dã tại tỉnh Sơn La, 2018.

3. Lò Thị Huân, Múa xòe nét văn hóa đặc trưng của người Thái, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 10, 2006, tr.97-99.

4. Vũ Khánh, Người Thái ở Tây Bắc, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2008.

5. Cao Khương, Xòe Thái vũ điệu mê đắm lòng người, Tạp chí Đông Nam Á, số 1+2, 2006, tr.35-36.

6. Vi Trọng Liên, Vòng Xòe Thái. Dân tộc và thời đại, số 70, 2004, tr.9.

7. Phùng Hồng Quỳ, Giáo trình múa dân tộc Thái, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2013.

8. Chu Thái Sơn, Văn hóa tộc người Thái, Nxb Quân đội nhân dân, 2016.

9. Tô Ngọc Thanh, Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, 2017.

10. Lê Văn Thao, Điệu Xòe bất tận Mường Lò, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008.

11. Đỗ Thị Tấc (st, biên dịch, giới thiệu), Kin Pang Then của người Thái Trắng, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2009.

12. Lâm Lô Tộc, Xòe Thái (Công trình này chủ yếu dựa vào kết quả những cuộc khảo sát tại Phong Thổ), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1985.

Tác giả: Ths Nguyễn Thị Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;