Vẽ hoa văn bằng sáp ong là một trong những kỹ thuật có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông ở Sa Pa (Lào Cai). Bằng chất liệu từ thiên nhiên, qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, nét vẽ sáp ong đã trở thành những họa tiết trang trí không thể thiếu trên vật dụng, trang phục thổ cẩm truyền thống. Kỹ thuật vẽ này là một trong những nét tinh hoa đặc sắc trong văn hóa dân tộc Mông nơi đây.
Tại Ngày hội Văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội năm 2024, tôi có dịp gặp bà Giàng Thị So đến từ xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tôi và nhiều du khách đã bị cuốn hút bởi sự cặm cụi và những đường nét vẽ hoa văn khéo léo bằng sáp ong trên vải lanh của bà. Thông qua câu chuyện, tôi được biết, đây là lần đầu tiên bà Giàng Thị So tới Hà Nội để trình diễn kỹ thuật vẽ này. Năm nay bà 58 tuổi, đã gắn bó với nghề này gần 40 năm.
Bà Giàng Thị So đến từ xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai
Bà Giàng Thị So chia sẻ, “vẽ hoa văn bằng sáp ong là một việc làm khá khó, đòi hỏi người vẽ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và cần cù. Gia đình tôi không ai theo làm nghề này. Từ khi còn trẻ tôi đã thích vẽ, nên tự tìm tòi, học hỏi từ các bà có nhiều kinh nghiệm và làm lâu năm trong bản, xã”.
Đối với đồng bào dân tộc Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong là một trong những khâu quan trọng trong quá trình tạo nên một bộ trang phục hay các đồ dùng bằng vải thổ cẩm truyền thống như túi xách, khăn, gối, rèm treo... Nguyên liệu để cho ra đời các sản phẩm đều được tìm kiếm từ thiên nhiên và trải qua nhiều công đoạn. Sau khi se lanh, dệt vải... thì khâu tiếp đến sẽ là vẽ hoa văn bằng sáp ong, đây cũng là công đoạn quan trọng, kỳ công và đòi hỏi nhiều thời gian, công phu nhất.
Bà Giàng Thị So cho rằng, để trở thành một người vẽ hoa văn, bên cạnh kỹ năng khéo léo, còn phải có sự sáng tạo và linh hoạt. Các họa tiết, hoa văn được vẽ cũng dựa trên hình hài của các động, thực vật trong thiên nhiên như hình ốc, lá, hoa, mặt trăng... ở đó cũng là những câu chuyện thú vị gắn liền với đời sống lao động nơi miền sơn cước của đồng bào dân tộc.
Những đường nét khéo léo được vẽ bằng sáp ong trên tấm vải lanh
Trước khi bắt tay vào công đoạn vẽ hoa văn bằng sáp ong, người vẽ phải chọn sáp ong. Sáp gồm hai loại: màu vàng là sáp non và màu đen là sáp già, sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem 2 loại trộn lẫn với nhau. Để có thể vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80 độ C, khi đó sáp mới không bị khô và dễ dàng cho người vẽ; Bút để vẽ được tạo nên từ một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút được làm từ 3 lá đồng hình tam giác, ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp.
Để tạo nên các hoa văn, người vẽ sẽ chấm ngòi bút vào sáp được đun nóng, sau đó sẽ vẽ các họa tiết lên tấm vải đã được kẻ sẵn các ô đều nhau. Người vẽ phải giữ cho lượng sáp trên bút luôn chảy đều cho đến hết, rồi mới tiếp tục chấm bút vào sáp cho các nét vẽ sau.
“Sau khi vẽ xong hoa văn thì phải cho tấm vải vào nồi nước đun sôi, để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn trên nền vải. Tiếp theo, được đem đi nhuộm chàm, phơi khô, thêu chỉ màu... cuối cùng là làm các sản phẩm như vỏ gối, khăn, trang phục quần áo...” – Bà So cho biết.
Bà Giàng Thị So chia sẻ thêm, bên cạnh vẽ hoa văn thì ban ngày bà còn phải làm công việc đồng áng và những việc khác. Nên việc vẽ phải làm tranh thủ vào buổi tối và lúc rảnh rỗi. “Ở làng, có nhiều người đặt tôi vẽ, phần lớn là làm theo mẫu do họ mang đến. Để vẽ xong một vỏ gối phải mất hai ngày, còn vẽ để làm áo thì phải mất một tuần, đó là chưa kể phải nhuộm chàm hoặc màu tùy thích sau đó. Cùng với làm hàng được đặt, tôi còn vẽ để treo trang trí trong nhà và cả đem bán” – bà So cho biết.
Đồng bào dân tộc Mông có ý thức về việc gìn giữ và phát huy nghề vẽ hoa văn bằng sáp ong, nên công việc này vẫn luôn được các thế hệ tiếp nối học và làm. Các sản phẩm của họ không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn trở thành những món quà lưu niệm đối với du khách. Được xem, tìm hiểu và trải nghiệm sẽ giúp cho du khách hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc cũng như cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao ở đất nước ta.
Bài, ảnh: AN NGỌC