Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12-2016. Khi nói đến tín ngưỡng này, không thể không nhắc tới nghi lễ lên đồng, một nghi lễ độc đáo, kỳ ảo, huyền bí từ cách phục trang cho đến quy trình diễn xướng, với niềm tin rằng, thanh đồng - người đứng giá hầu đồng - có thể giao tiếp với thần linh, và “hiển thánh”. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một khảo sát và nhìn nhận ban đầu về ý nghĩa của trang phục của các thanh đồng trình hiện trong nghi lễ, cũng như những thay đổi trong tạo dáng, tạo hình trang phục này từ khoảng 10 năm trở lại đây.
Nghi lễ lên đồng và thanh đồng
Tại nơi thờ cúng không quá rộng của một ngôi đền, nghi lễ lên đồng thường diễn ra trong không gian được trang hoàng nhiều màu sắc rực rỡ bởi sự kết hợp giữa đồ thờ (hoa quả, hương, hoa, đèn, nến, đồ mã…) và sự lộng lẫy ở các bộ trang phục của thanh đồng. Tất cả đã tạo cho người tham dự ấn tượng mạnh bởi sự tương phản của màu sắc trong tổng thể, từ cách trang trí gian thờ, sự cầu kỳ của y phục, cho đến sự hào hứng của vũ đạo và âm nhạc… thực chất, nghi lễ lên đồng là gì, thanh đồng là ai? vẻ đẹp của trang phục thanh đồng có mối liên đới gì đến quyền năng của các vị Thánh mà họ tôn thờ?
Nghi lễ lên đồng được coi là “sự nhập hồn nhiều lần của thần linh”, “hiện tượng tâm lý học tôn giáo”, “hiện tượng tà giáo”; là sự tổng hợp 3 khuynh hướng nhận định về tính chất của hoạt động thực hành nghi lễ. Lên đồng còn được gọi dưới rất nhiều tên khác nhau: hầu đồng, hầu bóng, ngồi đồng. Đây là những thuật ngữ quen thuộc chỉ một hoạt động thực hành nghi lễ chính trong tín ngưỡng thờ đức Thánh Trần và Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở châu thổ Bắc Bộ (1). Và thanh đồng, chủ thể của nghi lễ, sẽ thực hiện phần vũ đạo trong diễn xướng, mà theo dân gian, là “cái xác” cho các vị Thánh (thần linh) giáng hay nhập vào. Khi đó, “cái xác” cần được phục sức theo những quy chuẩn, quy định dành cho mỗi thứ bậc của vị Thánh được thỉnh về. Qua đó, ta có thể thấy, quan niệm thẩm mỹ trong tín ngưỡng thờ Mẫu khác biệt so với quan niệm về cách ăn mặc thông thường.
Quy cách thực hành nghi lễ lên đồng, các lễ vật dâng cúng, hình thức trang phục là những thành tố không thể thiếu để biểu thị đức tin đối với các vị Thánh Mẫu. Người thực hiện nghi lễ cho rằng, sau mỗi giá hầu, các Ngài ( Thánh) sẽ đáp lại bằng cách ban phúc, lộc cho mọi người. Trong không gian linh thiêng và thành kính, cho dù khá mơ hồ, nhưng dường như thanh đồng cũng như những người tham dự đều cảm thấy như đã thu nhận được quyền uy, năng lượng từ các vị Thánh mà họ tôn thờ.
Trang phục của thanh đồng
Trong một ngày đầu xuân mới, năm 2014, tại Phủ Nấp, Nam Định chúng tôi có dịp được tham dự buổi hầu đồng mà thanh đồng mới 6 tuổi, khi đó, cậu bé sống tại Hà Nội. Đây là một thanh đồng trẻ tuổi nhất trong số 10 giá hầu diễn ra tại đó.
Sau lễ hát thỉnh Thánh, cậu bé tự tin bước ra trong một bộ quần áo màu trắng giản dị và ngồi xuống chiếu hầu. Nghi lễ lên đồng bắt đầu. Trên chiếu hầu, bốn người lớn ngồi xung quanh, thay cho thanh đồng chiếc áo dài màu vàng, trên ngực áo thêu hình rồng cuộn khúc lấp lánh. Sau lưng giắt hai lá cờ, thanh đồng bắt đầu những động tác vũ đạo, cung văn cất tiếng hát cho biết Cô Đôi nhà Trần đã nhập vào... Cứ thế, trong tiếng đàn, điệu ca, thanh đồng lần lượt thay đổi trang phục áo dài với nhiều màu sắc và trang trí hình thêu khác nhau…
Một giá đồng trên sân khấu của nghệ sĩ Long Giang
Ảnh do nghệ sĩ Long Giang cung cấp
Các môtip, họa tiết thêu đầy màu sắc, phục trang lấp lánh, cầu kỳ là đặc trưng của trang phục thanh đồng. Lần lượt các bộ áo dài được thay đổi từ Quan Đệ Nhị (áo dài màu xanh da trời, quần vàng, thắt đai lưng đỏ, vấn khăn xếp), Quan Đệ Tam (áo dài màu trắng, đai lưng đỏ), Quan Đệ Tứ (áo dài màu vàng); Quan Đệ Ngũ - Tuần Tranh (áo dài màu xanh lam) đều được trình diễn với những dấu hiệu Thánh đã nhập và thăng (ra đi). Các giá hầu tiếp theo là hàng Chầu Bà, với nhiều họa tiết hình chim phượng, chim công thêu kim tuyến, như Chầu Đệ Nhị (áo dài màu xanh cổ vịt, thắt lưng đai to bản, váy dân tộc Thái), Chầu Lục (áo dài màu tím hồng, quần đen, thắt đai đỏ, chân quấn xà cạp), Chầu Bé Đồng Mỏ (áo dài màu vàng, chân quấn xà cạp, khăn xếp vàng, tay cầm quạt, sau lưng giắt 2 lá cờ, vấn khăn xếp), Chầu Bé Bắc Lệ (váy dân tộc Mông đen, khăn hình củ ấu, màu đen chủ đạo). Rồi đến các giá hầu hàng ông Hoàng, trên ngực áo thêu hình rồng ổ hoặc chữ triện với các màu sắc rực rỡ, như ông Hoàng Bơ (áo dài màu trắng quần màu vàng, đai vàng to bản), ông Hoàng Bảy (áo dài màu xanh lam sẫm, quần vàng, đai đỏ, áo choàng xanh, vấn khăn xếp, cổ tay quấn măngsét màu vàng), ông Hoàng Mười (trang phục áo dài màu vàng, đội khăn xếp). Các giá hầu tiếp theo là hàng Cô và Cậu, trang phục có màu sắc sặc sỡ, như Cô Đôi Thượng (áo dài màu xanh lá cây nhạt (voan), đội vành khăn xanh, thắt đai xanh, quần trắng, đeo kiềng ở cổ, hoa tai…), Cô Bơ (áo dài voan trắng, quần vàng, thắt lưng dải lụa xanh, múa chèo thuyền), Cô Sáu Sơn Trang (mặc yếm đào, váy đen, áo xanh lam kiểu dân tộc thiểu số phía Bắc, thắt đai to bản có trang trí họa tiết và treo lục lạc), Cô Chín Bói (áo dài tứ thân kiểu Bắc Bộ, màu hồng, chít khăn mỏ quạ, nón quai thao, quẩy quang gánh). Giá hầu cuối cùng là Cậu Bé Thượng trong trang phục của một chú bé: áo gile ngắn màu xanh, có áo choàng ngoài, thắt đai xanh, khăn buộc ngang trán... Như vậy, thanh đồng mới 6 tuổi này cùng đã thực hiện liên tục 18 giá trong một buổi lên đồng.
Theo nghiên cứu của một số học giả, một nghi lễ lên đồng thường được mở đầu bằng việc thanh đồng ngồi vào giữa bốn người hầu dâng, nghi lễ quan trọng bậc nhất lặp đi lặp lại sẽ được bắt đầu: hầu dâng trùm lên đầu thanh đồng một chiếc khăn phủ diện màu đỏ, biểu tượng cho sự giáng đồng hay thăng đồng của các Thánh, thể hiện sự tái sinh của thần linh trong thân xác của các thanh đồng, là “dấu hiệu cho sự chuyển động và hành trình của các vị Thánh”. Thêm nữa, trong quan niệm hay “kỹ thuật nhập hồn”, màu đỏ góp phần tạo ra các ảo giác và tự kỷ cần thiết, khi kết hợp với các nhân tố khác (âm thanh, nhảy múa, mùi hương hoa…) cho suốt quá trình nhập hồn (2). Tất cả các vị thánh đều “nhập” vào thế thân duy nhất là thanh đồng, vì vậy, trang phục cho từng vị thánh được xem là rất quan trọng, có vai trò biểu tượng cho diện mạo và quyền năng của từng vị thánh đồng thời thể hiện rõ sự khác biệt giữa từng vị.
Vị thánh cao nhất trong đạo Mẫu, có ban thờ riêng là Ngọc Hoàng; kế đến là Tam tòa Thánh Mẫu, gồm: Mẫu Thượng Thiên cai quản vùng trời, trang phục màu đỏ; Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi rừng, trang phục màu xanh lá cây; Mẫu Thoải cai quản vùng nước, trang phục màu trắng; hàng thứ ba là Ngũ vị Vương Quan (từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ), màu sắc trang phục lần lượt từ màu đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh tím than, trắng (Đức Thánh Trần thường được xếp vào hàng các Quan này); Các hàng tiếp theo gồm: Tứ vị Chầu Bà, hay Tứ vị Thánh Bà, là hóa thân trực tiếp của Tam tòa Thánh Mẫu, có trang phục màu đỏ, vàng, xanh, trắng; Ngũ vị Hoàng tử (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ), trang phục cũng có màu tương tự; Thập Nhị Vương Cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12), trang phục theo vùng miền và màu sắc qui định theo hàng Thánh Mẫu; Thập Nhị Vương Cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12), Màu sắc theo vùng miền; Quan Ngũ Hổ (con vật linh để thờ) ; và cuối cùng là Ông Lốt (Rắn) (con vật linh thường được làm bằng đồ mã để thờ cúng) (3).
Đặc điểm nổi bật của trang phục và phụ kiện cho thanh đồng là màu sắc và các họa tiết trang trí. Đó là những hình thêu nổi họa tiết một số linh vật, như rồng, lân, ly, quy, phượng; các hoa văn họa tiết trang trí cách điệu như vân mây, cuốn thư, hoa cúc, mặt hổ phù… Đặc biệt, màu sắc luôn phong phú, sặc sỡ, lộng lẫy. Xét về một khía cạnh nào đó, sự bắt mắt này có thể hiểu như một cách để thu hút sự chú ý của linh hồn các vị Thánh mà tín ngưỡng này thờ phụng, nhờ đó, Thánh giáng hay nhập vào thể xác thanh đồng… Mặc dù vậy, trang phục trong tín ngưỡng này cũng có những quy chuẩn nhất định, màu sắc, kiểu dáng theo đặc trưng của vùng, miền (được mặc định là bản quán của vị thánh đó), họa tiết thêu trên áo cũng theo các thứ bậc nhất định. Đây không chỉ là cách thức biểu hiện cái đẹp, tôn vinh vẻ đẹp của các thanh đồng, hay thu hút các thần linh, mà còn thể hiện quan niệm thẩm mỹ và uy quyền theo cấp bậc của từng hàng Thánh.
Cũng theo nghiên cứu của GS Ngô Đức Thịnh, số lượng trang phục và chủng loại phụ kiện mà một thanh đồng phải có bao gồm: “khăn đỏ phủ diện, khăn xếp đỏ, khăn vấn xanh, mười hai áo dài các loại, bốn áo cánh màu xanh lá cây, năm giải buộc đầu của các Thánh nam, hai băng đeo chéo, bảy khăn nữ, mười một dây lưng to, hai khăn choàng lớn, trong đó có một trắng một đỏ, nhiều khăn quàng cổ, mùi xoa, chuỗi hạt, xuyến, hoa tai, lược, thẻ bài, khánh…” (4).
Mối quan hệ giữa quan niệm về cái đẹp và uy quyền trong trang phục thanh đồng
Xem xét một số quan niệm của thanh đồng về vẻ đẹp trang phục từ quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, các bộ khăn áo đều rất cầu kỳ nhưng mỗi người lại thể hiện một thị hiếu thẩm mỹ riêng. Cụ thể, đa phần trang phục hầu đồng đều được đặt thêu lại các làng nghề ở Thường Tín và có thể dễ dàng tìm mua tại phố Hàng Quạt (Hà Nội). Khách có thể may đo hoặc mua sẵn, tùy theo nhu cầu thẩm mỹ và điều kiện tài chính. Theo quy định, thanh đồng chỉ cần tuân thủ đúng màu sắc ở mỗi hàng thánh, còn các hoa văn họa tiết được trang trí bằng cách thêu hay in hoặc thậm chí chỉ đơn giản một màu… hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu và thị hiếu của mỗi thanh đồng khi trình đồng mở phủ. Chính vì điều này mà trong lần khảo sát điền dã, tham dự nhiều giá hầu tại Phủ Nấp, Phủ Dầy (Nam Định), chúng tôi nhận thấy sự khác biệt trong cách lựa chọn sử dụng họa tiết thêu hoặc in, vẽ hoặc không in, thêu. Cùng một giá hầu Quan Đệ Tam, thanh đồng Phạm Văn Lộc (ở Vĩnh Lộc, Đồng Nai) và thanh đồng Phạm Thị Mùi ở (Tân Lạc, Đồng Xuân, Nam Trực, Nam Định), mặc dù cùng sử dụng áo dài trắng hình rồng, song, có sự khác nhau về chất liệu vải và hình thức thêu tay thủ công với thêu máy.
Thêm nữa, còn có thể là sự khác nhau trong sự phân bổ họa tiết trên một “quả áo” (5) cũng như các phụ kiện đi kèm. Ví dụ, thanh đồng Lê Trí Tuệ (Ninh Bình) sử dụng khăn, áo và phụ kiện luôn là các chất liệu gấm, nhung, the, có thêu nhiều họa tiết; đối lại, thanh đồng Vương Ngọc Hiếu (Cầu Diễn, Hà Nội) chỉ sử dụng trang phục đơn giản tuân thủ màu sắc (áo dài đỏ, quần trắng) mà không có những hình thêu cầu kỳ. Ở giá hầu Cô bé Đông Cuông, trang phục cho thanh đồng thường là trang phục dân tộc Mông, đeo gùi… Tuy nhiên, tùy điều kiện kinh tế và sở thích cá nhân, mỗi thanh đồng sẽ lựa chọn, bổ sung thêm những chi tiết như thêu hình hoa văn dân tộc Mông, váy và áo màu đen để làm nổi bật các đồ phụ kiện như khăn, trang sức… Thanh đồng Trần Thị Huệ (Phủ Dầy, Nam Định) cho biết: “...Trang phục họ bán đầy ra, mình thích gì thì mình mua, các thanh đồng tự lựa chọn cho mình theo sở thích, tất nhiên, ai chả thích đẹp, nhưng nó cũng tùy…”. Thanh đồng, đồng thời cũng là người bán hàng trên phố Hàng Quạt, Lê Thị Kim Liên (Hà Nội) cũng có quan điểm tương tự: “Quy chung lại, các giá hầu quy định theo cổ nhân, các cụ ngày xưa làm thế nào, mình cứ làm theo, còn chất liệu và cách thêu kỹ hoặc thêu thường, mỗi người tùy khả năng kinh tế và sở thích của mình…”.
GS Ngô Đức Thịnh đã từng nhận định: “hình thức hầu đồng từ lâu đã ít nhiều cung đình hóa” (6). Trong thực tế, chúng tôi nhận thấy, ngôi vị của các vị Thánh được thể hiện khá rõ nét ở hình thêu trên trang phục. Các Quan thường ngự áo thêu rồng, hoặc gấm in hình rồng, là họa tiết trước đây chỉ dành cho vua chúa. Áo dành cho hàng Chầu Bà có thêu phượng, chim công (hình thêu dành cho các bà Chúa, bà Hoàng). Áo dành cho ông Hoàng có thêu họa tiết chữ Hán (Phúc, Thọ) hoặc rồng ổ (hình chỉ có các hoàng tử được dùng)… Khi khảo sát tại làng nghề thêu khăn chầu, áo ngự ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chúng tôi được một số nghệ nhân thêu xác nhận rằng, có nguyên tắc và sự phân biệt thứ hạng đối với các mẫu thêu trang phục hầu đồng, như: Ở hàng Quan, Chầu bà, ông Hoàng quy định thêu rồng ổ, hoặc đôi khi có thể là mẫu Ngũ phúc (5 con dơi) chầu chữ Thọ, hay chỉ đơn giản là thêu hình vân mây (7).
Cùng với sắc màu, sự cầu kỳ của các họa tiết trang trí trên trang phục, mức độ duy trì thực hành nghi lễ lên đồng cũng là một sự thể hiện uy quyền của một thanh đồng, đây cũng chính là nguồn cơn để phân định các thứ hạng cho thanh đồng như: đồng giàu, đồng nghèo, đồng đua (8). Thực tế cho thấy, nhiều thanh đồng quan niệm cái đẹp đi liền với uy quyền, và liền với điều kiện kinh tế. Thanh đồng giàu thường đặt may, thêu những trang phục với chất liệu đắt tiền, được thêu hoàn toàn bằng tay. Những thanh đồng nghèo, không có đủ điều kiện đầu tư trang phục và phụ kiện đẹp, sang, uy quyền và vẻ đẹp ở những bộ trang phục lên đồng của họ ít nhiều bị suy giảm: chất liệu rẻ tiền khiến cho trang phục mất đi độ bóng bẩy, hào nhoáng, họa tiết chỉ được thêu bằng máy công nghiệp hoặc in hình theo mẫu tương tự. Chính vì vậy, về mặt thẩm mỹ, các trang phục không có được sự bắt mắt/ thu hút ánh nhìn như các bộ trang phục được thêu tay trên chất liệu đắt tiền khác.
Đề cập đến trang phục của thanh đồng, ngoài quần áo, không thể không nhắc đến các đồ trang sức, khăn đội đầu và các phụ kiện khác đi kèm. Những trang phụ kiện này phụ thuộc vào tay nghề và thẩm mỹ của những người hầu dâng - người chịu trách nhiệm trang điểm, vấn khăn đội đầu theo các hình dáng lạ mắt, lấp lánh và hướng đến cái đẹp. Liệu, trong thực hành nghi lễ, thị hiếu thẩm mỹ của người hầu dâng (tứ trụ) sẽ quyết định vẻ đẹp, sự sang trọng, uy lực của một thanh đồng, điều này có đúng hay không? Hầu hết các thanh đồng đều cho rằng tứ trụ cũng là những người được ăn lộc Thánh, được Thánh ban nên cũng là những người có uy quyền và quyết định vẻ đẹp của thanh đồng, bởi quan niệm Thánh ban cho ai thì người đó biết và không phải thanh đồng nào cũng biết làm đẹp cho chính mình. Về nhu cầu thẩm mỹ làm đẹp, do mỗi người có một nhu cầu thẩm mỹ riêng, nên bên cạnh sự xa hoa, đắt tiền hay giản dị của trang phục thanh đồng, sự tinh tế, khéo léo và tài năng trong làm đẹp của người hầu dâng cũng là một yếu tố quan trọng làm nên vẻ đẹp và quyền uy của các thanh đồng.
Các thanh đồng tin rằng, như định mệnh, họ được Thánh thần ban phép để đi vào các linh hồn của Mẫu và các linh hồn nhập vào họ thông qua các nghi lễ lên đồng với trang phục cầu kỳ, lộng lẫy như một cách để thể hiện đẳng cấp và sức mạnh của thần linh. Vẻ đẹp của khăn chầu áo ngự của thanh đồng không chỉ mang tính trang trí tôn vinh vẻ đẹp thông thường, hay tạo sự uy phong, uy quyền thứ hạng hay niềm tin tôn giáo, nó còn góp phần đảm bảo tính khả thi của việc thực hành đức tin của người Việt trong tín ngưỡng thờ Mẫu ngày nay.
_______________
1. Nguyễn Ngọc Mai, Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị, Nxb Thế giới, 2017, tr.40.
2. Ngô Đức Thịnh, Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Thế giới, 2015, tr.21.
3. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1978, tr.22.
4, 6. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu ở Việt Nam: Khảo cứu, tập I, Nxb Văn hóa dân tộc, 1996, tr.51, 50.
5. Thuật ngữ của giới thanh đồng dùng để chỉ trang phục lên đồng.
7. Theo phỏng vấn của chúng tôi với chủ cơ sở thêu Ngọc Lầu (làng nghề thêu khăn chầu áo ngự thôn Đông Cứu, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
8. “Đồng đua” là người không có căn quả như những người khác (đồng chân chính) mà hầu đồng chỉ vì sở thích được khoác lên mình khăn, quần áo đẹp, và được múa đồng, hay đơn giản chỉ để thể hiện sự giàu có của mình.
Tác giả: Đoàn Thị Mỹ Hương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020